Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 29/9/2020

11:23 29/09/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 29/9/2020

Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Báo Sài Gòn Giải Phóng cho hay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản yêu cầu UBND TPHCM tập trung chỉ đạo Sở TN-MT và các đơn vị liên quan tăng cường, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn; chủ động phối hợp với các bộ liên quan, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, kịp thời có các giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước đó, ngày 9/9, UBND TPHCM có công văn số 3461/UBND-ĐT gửi Bộ TN-MT, Bộ Tài chính về kiến nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc xác định, thẩm định giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính trên địa bàn TP. 

Thủ tướng cũng giao Bộ TN-MT, Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu công văn số 3461/UBND-ĐT, giải quyết dứt điểm các vướng mắc, khó khăn và kiến nghị nêu trong công văn theo chức năng, thẩm quyền; trường hợp không thuộc thẩm quyền thì nghiên cứu, đề xuất giải pháp và báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Bảo tàng Mỹ thuật sẽ được tu sửa theo nguyên trạng

Theo báo Tuổi Trẻ, chủ đầu tư công trình cao ốc tại khu tứ giác Bến Thành, P.Nguyễn Thái Bình, Q.1 (Công ty TNHH Saigon Glory - thành viên Tập đoàn Bitexco) đã gửi đến Sở Văn hóa và Thể thao cùng Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM phương án tu sửa cấp thiết một số hạng mục hư hỏng của Bảo tàng Mỹ thuật TP.

Dự án xây dựng cao ốc tại khu tứ giác Bến Thành được cho là nguyên nhân làm hư hỏng tòa nhà Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Dự án xây dựng cao ốc tại khu tứ giác Bến Thành được cho là nguyên nhân làm hư hỏng tòa nhà Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Theo đó, các hạng mục hư hỏng của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM bao gồm tường rào, cổng và phòng trưng bày phía đường Lê Thị Hồng Gấm sẽ được tu sửa theo nguyên trạng từ vật liệu đến hình dáng, màu sắc.

Phương án tu sửa là thi công móng bằng bêtông cốt thép dọc tường rào, tường nhà bảo vệ, nhà kho của bảo tàng, tạo hình kiến trúc cột, vách theo đúng thiết kế hiện trạng, lát lại vỉa hè…

Đối với cổng bảo tàng phía đường Lê Thị Hồng Gấm bị hỏng sẽ được tháo ra, dỡ một phần tường bị nghiêng, xây lại trụ đỡ bằng bêtông cốt thép, nâng độ cao để hai cánh cổng sắt có thể đóng mở lại bình thường.

Hiện UBND quận đã cấp phép sử dụng một phần vỉa hè bên cạnh Bảo tàng Mỹ thuật phía đường Lê Thị Hồng Gấm để phục vụ việc sửa chữa, tu bổ.

Cổng phía đường Lê Thị Hồng Gấm của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM bị hỏng không đóng mở được - Ảnh: TỰ TRUNG
Cổng phía đường Lê Thị Hồng Gấm của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM bị hỏng không đóng mở được - Ảnh: TỰ TRUNG

Bên cạnh đó, chủ đầu tư dự án cao ốc tại khu tứ giác Bến Thành cũng mời Công ty CP Kiểm định xây dựng Sài Gòn (SCQC) lập đề cương kiểm định cho toàn bộ các khối nhà của Bảo tàng Mỹ thuật để đánh giá chất lượng công trình, tìm nguyên nhân gây hư hỏng và đưa ra phương án xử lý triệt để.

Toàn bộ kinh phí sửa chữa sẽ do chủ đầu tư dự án cao ốc tại khu tứ giác Bến Thành - Công ty TNHH Saigon Glory chi trả.

Đề nghị Công an TP vào cuộc xử lý “Biến tướng xe hợp đồng”

Sau khi Báo Sài Gòn Giải Phóng đăng vệt bài “Biến tướng xe hợp đồng” gây mất an toàn giao thông trên địa bàn TPHCM, chiều 28/9, Phó Giám đốc Sở GTVT Võ Khánh Hưng cho biết, nhằm xử lý hiệu quả tình trạng xe hợp đồng đón trả khách không đúng quy định trên địa bàn TP, Sở GTVT đề nghị Công an TP, UBND các quận huyện phối hợp, hỗ trợ kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm hoạt động đón trả khách.

Trong đó, Thanh tra Sở GTVT phối hợp với các đơn vị trên tập trung kiểm tra, xử lý bất ngờ xe hợp đồng và du lịch hoạt động trá hình (hoạt động tương tự như hình thức xe tuyến cố định), thường xuyên tổ chức đón, trả khách không đúng quy định tại các tuyến đường Lê Hồng Phong, Nguyễn Chí Thanh, Sư Vạn Hạnh, Hùng Vương, Nguyễn Duy Dương, Nguyễn Thái Bình, Lê Thị Hồng Gấm, Đề Thám, Phạm Ngũ Lão… thuộc các quận 1, 3, 5 và 10, khu vực xung quanh Bến xe miền Đông hiện hữu (quận Bình Thạnh). 

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 29/9/2020 - Ảnh 1

Công an TP, UBND quận 9 phối hợp với lực lượng chức năng các tỉnh giáp ranh đảm bảo an ninh trật tự khu vực lân cận và xung quanh Bến xe miền Đông mới (501 đường Hoàng Hữu Nam, phường Long Bình, quận 9). 

Ngoài ra, Sở GTVT TP cũng đề nghị Công an TP, UBND các quận 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức chỉ đạo lực lượng chức năng không xử lý các xe khách thuộc các đơn vị vận tải di dời giai đoạn 1 từ Bến xe miền Đông hiện hữu (292 đường Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh) sang Bến xe miền Đông mới; tạm thời cho xe khách lưu đậu để đón trả khách tại Bến xe miền Đông hiện hữu trước khi đến Bến xe miền Đông mới hoàn tất các thủ tục xuất bến theo quy định (thời hạn tạm thời không quá 3 tháng kể từ ngày 10/10/2020).

Tiếp tục phối hợp, chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý theo quy định các trường hợp vi phạm hoạt động đón trả khách. Đồng thời thường xuyên kiểm tra đề xuất lắp đặt các loại biển báo như: cấm xe lưu thông, cấm dừng xe và đậu xe... tại các vị trí hoạt động gây mất trật tự an toàn giao thông; tổ chức rà soát mục đích sử dụng đất đối với các điểm đón trả khách trong khuôn viên, địa điểm kinh doanh và an toàn giao thông đối với những điểm tập trung đông hành khách.

Hoàn thành trạm bơm nước thải công suất 640.000 m3/ngày

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, ngày 28/9, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (chủ đầu tư) cho biết vừa hoàn thành xây dựng trạm bơm Đồng Diều (quận 8) giai đoạn 2 nâng công suất trạm bơm từ 192.000 m3/ngày lên 640.000 m3/ngày, sau hơn 4 năm thi công.

Trạm bơm nước Đồng Diều có công suất bơm 640.000 m3/ngày vừa góp phần chống ngập TP - Ảnh: VĂN BÌNH
Trạm bơm nước Đồng Diều có công suất bơm 640.000 m3/ngày vừa góp phần chống ngập TP - Ảnh: VĂN BÌNH

Theo chủ đầu tư, đây là trạm bơm có công suất bơm nước lớn nhất ở TP tính đến thời điểm hiện nay. Trạm bơm này sẽ thu gom toàn bộ nước thải của cư dân ở lưu vực kênh Tàu Hủ - kênh Bến Nghé, kênh Đôi và kênh Tẻ để đưa về nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (quận 8).

Trạm bơm giúp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, góp phần hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa và giúp giảm ngập nước cho lưu vực có diện tích khoảng 2.510 ha trên địa bàn các quận 4, 5, 6, 8, 10 và 11.

Phía trước trạm bơm Đồng Diều hệ thống lắng bùn cát sẽ được xử lý trước khi bơm nước về nhà máy xử lý - Ảnh: VĂN BÌNH
Phía trước trạm bơm Đồng Diều hệ thống lắng bùn cát sẽ được xử lý trước khi bơm nước về nhà máy xử lý - Ảnh: VĂN BÌNH

Công trình đã xây dựng 3 máy bơm, công suất mỗi máy là 122,1m3/ phút. Xây dựng 2 ngăn lắng cát, mỗi ngăn có kích thước 5 m x 19,5m. Lắp đặt một máy biến áp 2.500kVA và một máy phát điện dự phòng 1.100kVA. Đồng thời, xây dựng tuyến cống chuyển tải gồm xây dựng cống hộp đôi 2x2m x 1,8m dài 3.600m đưa nước từ trạm bơm đến nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng dài khoảng 3km...

Đề xuất mở 5 tuyến xe buýt điện

Theo báo Người Lao Động, Sở GTVT vừa kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương cho Tập đoàn Vingroup - Công ty CP thí điểm thực hiện 5 tuyến xe buýt điện trên địa bàn TP trong thời gian 12 tháng với lộ trình xuất phát từ khu dân cư Vinhome Grand Park đến các đầu mối giao thông quan trọng.

Cụ thể, tuyến VB01 từ Vinhome Grand Park - Trung tâm thương mại Emart (cự ly 27 km), tuyến VB02 từ Vinhome Grand Park đến sân bay Tân Sơn Nhất (cự ly 30 km), tuyến VB03 từ Vinhome Grand Park đến bến xe buýt Sài Gòn (cự ly 29 km), tuyến VB04 đến Bến xe Miền Đông (cự ly 8,5 km) và tuyến VB05 đến Khu đô thị Đại học Quốc Gia (cự ly 10 km).

Dự kiến có 77 xe hoạt động, sức chứa mỗi xe từ 65 – 70 chỗ, mỗi xe trị giá khoảng 6,5 tỉ đồng, chạy bằng điện năng, không phát sinh khí thải, hạn chế tiếng ồn, thân thiện môi trường.

Giá vé dự kiến sau khi có trợ giá trung bình 7.000 đồng/lượt hành khách các tuyến VB01, VB02, VB03 và 5.000 đồng/lượt hành khách đối với các tuyến VB04, VB05. Riêng học sinh, sinh viên giá vé 3.000 đồng/lượt.

Xe buýt điện nếu đi vào hoạt động góp phần giảm ô nhiễm môi trường (CTV)
Xe buýt điện nếu đi vào hoạt động góp phần giảm ô nhiễm môi trường (CTV)

Lộ trình 5 tuyến này dừng đón tại các trạm dừng, nhà chờ hiện hữu, ngoài ra chủ đầu tư sẽ bổ sung thêm 9 điểm đón mới, xây dựng 1 depot và bến bãi rộng hơn 12.200 m2 tại khu dân cư Vinhome Grand Park. Về giá vé, chủ đầu tư xin được cơ chế trợ giá theo đơn giá cho xe buýt CNG (không xét đến yếu tố chênh lệch giá nhiên liệu CNG), cụ thể đơn giá cho 1km vận doanh là 24.224 đồng/km. Tỉ lệ trợ giá/chi phí bằng 44,1% chi phí hoạt động.

Sở GTVT đề xuất UBND TP chấp thuận chủ trương cho phép Tập đoàn Vingroup - Công ty CP thí điểm theo phương thức đặt hàng dịch vụ cung ứng dịch vụ công ích đối với 5 tuyến xe buýt điện nêu trên. Đơn giá trợ giá được áp dụng như xe buýt CNG, tỷ lệ trợ giá/chi phí bằng 44,1% chi phí hoạt động trong thời gian tối đa 12 tháng kể từ ngày chính thức đưa vào hoạt động. Trường hợp sau 12 tháng thí điểm nếu dừng không cho phép tiếp tục loại hình này thì chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm.

Theo Sở GTVT, hiện nay, bộ định mức đơn giá và kinh tế kỹ thuật cho loại hình xe buýt điện chưa có, do đó khi các cơ quan chức năng hoàn tất bộ định mức này sẽ tiến hành đấu thầu tuyến theo quy định sau khi kết thúc thời gian thí điểm.

11 bến thủy nội địa sẽ được xây dựng ở Thành phố

UBND TP đã chấp thuận chủ trương cho Sở GTVT đầu tư xây dựng 11 bến thủy nội địa. Thông tin từ báo Pháp Luật TP.

Cụ thể, có 6 bến phục vụ tuyến buýt đường thủy số 1 gồm Bình An, Thảo Điền (quận 2), Tầm Vu, Thanh Đa (quận Bình Thạnh), Hiệp Bình Chánh, Linh Đông (quận Thủ Đức); 5 bến phục vụ tuyến buýt đường thủy số 2 gồm cầu Chữ Y (quận 5), Bình Tây, Lò Gốm (quận 6), Bình Đông, chùa Long Hoa (quận 8).

Sở GTVT cũng tiếp tục thống nhất vị trí, diện tích, pháp lý đối với 7 bến, bao gồm 2 bến phục vụ tuyến buýt đường thủy số 1 là Sài Gòn Pearl (quận Bình Thạnh) và bến Trung tâm Bình Triệu (quận Thủ Đức).

5 bến tiếp theo cần thống nhất vị trí, diện tích là các bến phục vụ tuyến buýt đường thủy số 2 gồm Nguyễn Thái Bình, Calmetter (quận 1), chợ Hòa Bình, Nguyễn Tri Phương (quận 5), Khánh Hội (quận 4).

TP.HCM sẽ phát triển thêm 11 bến đường thủy nội địa trong thời gian tới. Ảnh: Sở GTVT cung cấp.
TP.HCM sẽ phát triển thêm 11 bến đường thủy nội địa trong thời gian tới. Ảnh: Sở GTVT cung cấp.

Theo đó, UBND TP chấp thuận chủ trương cho Sở GTVT đề xuất vị trí mới thay thế vị trí các bến không còn phù hợp; mở rộng diện tích các bến hiện hữu phù hợp quy hoạch chức năng bến bãi, phát triển thành các điểm dừng chân, dịch vụ đô thị, du lịch ven sông; bổ sung bến trung tâm của tuyến số 2 tại quận 4 để thay thế cho phần diện tích đã giảm của bến Nguyễn Tri Phương (do ảnh hưởng bởi nhánh cầu dẫn Nguyễn Tri Phương).

UBND TP cũng yêu cầu các quận cần rà soát quy hoạch các bến thuộc địa bàn, lấy ý kiến của Sở Xây dựng đối với các bến có quy hoạch xây dựng hiện hữu là đất công viên, cây xanh. Đồng thời, yêu cầu các quận đề xuất điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng tỉ lệ 1/2000 các bến này để đảm bảo phù hợp quy hoạch xây dựng bến thủy nội địa.

UBND TP yêu cầu Sở TN&MT rà soát nguồn gốc, cơ sở pháp lý và hiện trạng các khu đất dự kiến xây dựng các bến thủy nội địa; tiến hành phân loại từng khu đất theo hai trường hợp như sau: giao đất, cho thuê đất theo Luật Đất đai hoặc sắp xếp, xử lý theo Nghị định 167/2017 và báo cáo UBND TP.

Lấy ý kiến về tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực Trung tâm Thành phố 

Báo Lao Động cho hay, Sở GTVT TP vừa có văn bản gửi các Sở - ban - ngành góp ý Đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm Thành phố. Việc lấy ý kiến này nhằm hoàn thiện đề án để tổ chức hội thảo, tổ chức phản biện xã hội trước khi trình UBND TP xem xét trong năm 2020.

Theo đề án, khu vực phố đi bộ được nghiên cứu thực hiện tại quận 1 bao gồm các đoạn trên tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi, vòng xoay Quách Thị Trang, Tôn Đức Thắng, khu vực xung quanh nhà thời Đức Bà với diện tích khoảng 300 ha.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TPHCM) 
Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TPHCM) 

Có 3 phương án được đề xuất, gồm phương án 1: Phố đi bộ vào ngày cuối tuần cho quận 1 với một mạng lưới bao gồm phần lớn khu vực nghiên cứu nhưng chỉ cấm các phương tiện lưu thông trên một số tuyến đường.

Phương án 2: Phố đi bộ ưu tiên cho 5 tuyến đường, gồm: Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách. Mạng lưới đường phố ưu tiên cho người đi bộ nhưng vẫn cho phép một số phương tiện cơ giới đi lại vào các ngày trong tuần. Tuy nhiên, cấm phương tiện cơ giới lưu thông trên đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi vào các ngày cuối tuần.

Phương án 3: Phố đi bộ 24/7 ở đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi. Đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi và các đường liên kết là những con đường dành riêng cho người đi bộ.

Trong 3 phương án trên, xét về các tiêu chí: độ an toàn và bảo mật; sự hấp dẫn; đi lại và nhu cầu; kết nối; ủng hộ của cộng đồng thì phương án 2 tối ưu nhất và đang được cân nhắc xem xét thực hiện.

Khu vực nghiên cứu phố đi bộ của đề án.
Khu vực nghiên cứu phố đi bộ của đề án.

Để giảm thiểu ảnh hưởng đi lại của người dân trong khu vực phố đi bộ, đề án đề xuất 3 giải pháp: bố trí chỗ đỗ xe miễn phí cho dân có hộ khẩu trong khu vực phố đi bộ; cho phép người dân di chuyển tốc độ <10km/h để về nhà hoặc cấp giấy lưu hành đặc biệt cho người dân. Về tổ chức giao thông công cộng, có tổng cộng có 34 tuyến xe buýt đi qua khu vực quy hoạch phố đi bộ.

Đồng thời, TP triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng với 388 xe tại 52 vị trí khu vực quận 1 và dọc dự án tổ chức làn đường ưu tiên đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu. Giai đoạn 2021 – 2030 mở rộng ra các địa bàn quận trung tâm, dự kiến đầu tư thêm 3.000 xe đạp bố trí ở 350 vị trí.

Để nâng cao khả năng tiếp cận các phố đi bộ, ngoài bãi đậu xe hiện có (cả trên đường, bãi xe tập trung, hay trong các tòa nhà), tổng cộng có 2 khu vực đỗ xe tạm thời sẽ được thiết lập tại một số vị trí xung quanh chu vi của mạng lưới phố đi bộ. Ngoài ra, một số vị trí đỗ xe trên đường được đề xuất dọc theo phần lớn các đường phố trong mạng lưới. Đề án cũng đề xuất lắp wifi miễn phí trong khu vực phố đi bộ để nâng cao sự thuận tiện cho du khách.

Đề xuất giao quận, huyện sửa 5 tên đường sai tên nhân vật lịch sử

Thông tin từ báo Tuổi trẻ, trong văn bản gửi UBND TP mới đây, Sở Giao thông vận tải TP nêu kiến nghị về việc chỉnh sửa bảng tên đường sai tên nhân vật lịch sử so với quyết định đặt tên đường.

Theo đó, hiện trên địa bàn TP có 5 tuyến đường có bảng tên đường sai tên nhân vật lịch sử so với quyết định đặt tên đường bao gồm: đường Bùi Hữu Diên, đường Nguyễn Trọng Trì (quận Bình Tân); đường Nguyễn Chánh Sắt (quận Tân Bình); đường Đoàn Triết Minh, đường Đỗ Cơ Quang (huyện Củ Chi).

Đường Kha Vạn C&acirc;n (Q.Thủ Đức) được đề nghị điều chỉnh cho đ&uacute;ng l&agrave; Kha Vạng C&acirc;n - Ảnh: NG.PHƯỢNG
Đường Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức) được đề nghị điều chỉnh cho đúng là Kha Vạng Cân - Ảnh: NG.PHƯỢNG

Về việc này, Sở Văn hóa - Thể thao TP đã kiến nghị UBND TP giao Sở GTVT TP điều chỉnh. Tuy nhiên, theo phân cấp hiện nay, đường Bùi Hữu Diên, đường Nguyễn Trọng Trì do UBND quận Bình Tân quản lý. Đường Nguyễn Chánh Sắt do UBND quận Tân Bình quản lý. Tương tự, đường Đoàn Triết Minh, đường Đỗ Cơ Quang do UBND huyện Củ Chi quản lý.

Do vậy, Sở GTVT TP kiến nghị lãnh đạo TP xem xét, chỉ đạo UBND các quận huyện nói trên nhanh chóng điều chỉnh, thay thế bằng các bảng tên đường cho chính xác.

Nhiều loại tội phạm nghiêm trọng được kiềm chế, kéo giảm

Báo Người Lao Động cho hay, trong quý III/2020, Công an TP đã triển khai đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm. Đồng thời, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, biện pháp đấu tranh với các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, chuyên nghiệp, tội phạm núp bóng doanh nghiệp, liên quan đến "tín dụng đen"; tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản, sử dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, Công an TP không để hình thành các băng, ổ nhóm tội phạm, các tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự và tệ nạn xã hội. Từ ngày 15/6 đến ngày 14/9, tội phạm hình sự trên địa bàn TP được kéo giảm 1,08% so cùng kỳ. Các loại án nghiêm trọng như giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích đều được kiềm chế, kéo giảm.

Tang vật ma t&uacute;y cơ quan chức năng thu giữ
Tang vật ma túy cơ quan chức năng thu giữ

Cụ thể, Công an TP đã triệt phá 190 băng, nhóm tội phạm hình sự, bắt 696 đối tượng; điều tra khám phá 1.099 vụ, bắt 1.178 đối tượng; bắt, vận động đầu thú và thanh loại 128 đối tượng truy nã.

Ngoài ra, các tổ công tác 363 đã phát hiện, xử lý nhanh 104 vụ/174 đối tượng nghi vấn, có dấu hiệu của tội phạm hình sự và 4.538 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Công an TP đã triệt phá 578 vụ mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với 1661 người liên quan, thu giữ 13 kg heroin, hơn 295 kg ma túy tổng hợp, 9,1 kg cần sa cùng nhiều súng, đạn.

C&ocirc;ng an TP HCM ph&aacute; trường g&agrave; lớn tại quận 6
Công an TP HCM phá trường gà lớn tại quận 6

Về án tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an TP khởi tố 183 vụ với 81 bị can. Lực lượng công an cũng kiểm tra 490 trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên và an toàn thực phẩm; đề xuất các cơ quan có thẩm quyền ban hành 262 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 60,7 tỉ đồng.

Từ ngày 21/7 đến nay, Công an TP đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 119 người nước ngoài nhập cảnh trái phép, không giấy tờ tùy thân; trục xuất 113 trường hợp đúng quy định. Tiếp nhận, thu hồi 43 khẩu súng và 1.382 viên đạn các loại, 4 quả lựu đạn, 1.573 loại khác, xử lý 64 vụ việc, 145 đối tượng liên quan công tác đấu tranh với tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ...

Lực lượng Cảnh s&aacute;t giao th&ocirc;ng C&ocirc;ng an TPHCM tuần tra kiểm tra tr&ecirc;n địa b&agrave;n
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TPHCM tuần tra kiểm tra trên địa bàn

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai

Tin cùng chuyên mục