Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 30/11/2021

09:06 30/11/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 30/11:

Chuyến bay thẳng thường lệ đầu tiên từ Việt Nam đến Mỹ

Vietnamplus đưa tin, chuyến bay mang số hiệu VN98 của hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã hạ cánh tại sân bay San Francisco, trở thành chuyến bay lịch sử đánh dấu sự kiện đường bay thẳng thương mại thường lệ giữa Việt Nam và Mỹ chính thức được khai mở.

Máy bay Boeing 787-9 của hãng hàng không Vietnam Airlines được sử dụng để bay thẳng thường lệ đến Mỹ. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Máy bay Boeing 787-9 của hãng hàng không Vietnam Airlines được sử dụng để bay thẳng thường lệ đến Mỹ. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Chuyến bay đã khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất lúc 20 giờ 57 ngày 28/11 và hạ cánh tại sân bay San Francisco lúc 19 giờ 42 ngày 28/11 (giờ địa phương, tức 10 giờ 42 sáng ngày 29/11 giờ Việt Nam). Tổng thời gian bay thẳng không điểm dừng từ TPHCM đến San Francisco là 13 tiếng 45 phút. Chuyến bay được thực hiện bằng tàu bay Boeing 787-9 Dreamliner, một trong những dòng tàu bay thân rộng hiện đại nhất thế giới của nhà sản xuất máy bay Boeing (Mỹ).

Chuyến bay VN98 đã mở ra giai đoạn khai thác mới của Vietnam Airlines trên đường bay Mỹ. Theo đó, từ ngày 28/11,Vietnam Airlines khai thác thường lệ 2 chuyến/tuần giữa TPHCM và San Francisco. Hãng dự kiến tăng lên 7 chuyến/tuần sau khi dịch bệnh được kiểm soát và Chính phủ Việt Nam cho phép mở lại các đường bay quốc tế thường lệ.

TPHCM ưu tiên vắc xin sớm cho người lao động nhập cư chưa tiêm

Báo Phụ nữ TP cho hay, Sở Y tế TP vừa có thông báo kết luận của lãnh đạo Sở về rút kinh nghiệm quy trình xử lý khi phát hiện F0 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp.

Theo đó, qua giám sát triển khai quy trình xử lý khi phát hiện F0 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp, Sở Y tế TP ghi nhận còn một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa nắm bắt đầy đủ và vận dụng đúng quy trình, chưa thực hiện trách nhiệm của cơ sở trong phối hợp quản lý, chăm sóc F0.

Tiêm chủng COVID-19 tại TPHCM. Ảnh: Quốc Ngọc
Tiêm chủng COVID-19 tại TPHCM. Ảnh: Quốc Ngọc

Vì vậy, Sở Y tế TP đề nghị Ban quản lý Khu chế xuất và Khu công nghiệp, Ban quản lý Khu công nghệ cao, UBND quận - huyện, TP Thủ Đức tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý và thực hiện theo đúng yêu cầu về cách ly tạm thời F0 khi được phát hiện tại doanh nghiệp trước khi chuyển đi cách ly điều trị.

Liên quan đến việc này, các đơn vị cần nghiên cứu chủ động thiết lập cơ sở thu dung cách ly dành cho F0 của doanh nghiệp; tăng cường phối hợp giữa tổ y tế trong doanh nghiệp và y tế địa phương nơi trú đóng để đảm bảo F0 là người lao động của doanh nghiệp được quản lý, chăm sóc theo quy định.

Sở Y tế TP cũng yêu cầu Trung tâm y tế quận - huyện, TP Thủ Đức chỉ đạo trạm y tế phối hợp với chính quyền địa phương và doanh nghiệp trú đóng trên đia bàn tập trung rà soát người lao động đang tạm trú tại các khu vực nhà trọ, hỗ trợ tiêm vắc xin sớm nếu ghi nhận người lao động chưa tiêm vắc xin đầy đủ.

Bổ sung bệnh viện dã chiến chuẩn bị đón F0

Theo báo SGGP, ngày 29/11, đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức dẫn đầu đã đến kiểm tra việc phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội tại huyện Hóc Môn.

Bổ sung bệnh viện dã chiến chuẩn bị đón F0
Bổ sung bệnh viện dã chiến chuẩn bị đón F0

Trao đổi với đoàn kiểm tra, đại diện Bệnh viện dã chiến Hóc Môn (tại xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn) cho biết, hiện Bệnh viện có quy mô 3 tầng, với 500 giường bệnh đang trong giai đoạn hoàn thiện, có thể đón nhận F0 trong tuần tới. Sau khi kiểm tra, ông Anh Đức yêu cầu Sở Y tế sớm hỗ trợ huyện giường bệnh, bình ô xy cùng các loại vật tư y tế nhằm kịp đón bệnh nhân F0 sớm nhất.

Cùng công nhân thỏa mơ ước an cư

Báo SGGP cũng thông tin, chăm lo chỗ ở cho công nhân là một trong những nhiệm vụ mà chính quyền TPHCM cùng các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm. Trong những ngày dịch COVID-19 bùng phát tại TPHCM, nhiều gia đình công nhân đã được trao tặng “Căn phòng mơ ước”, “Mái ấm công đoàn”, giúp họ vơi đi nỗi lo về chỗ ở để an tâm làm việc. 

Ông Lê Thanh Vũ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Công nhân TP, cho biết, trong năm 2021, trung tâm đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí để trao 8 “Căn phòng mơ ước” cho thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn, bị khuyết tật, bị bệnh hiểm nghèo, bị mất việc làm vì dịch COVID-19… với tổng số tiền 160 triệu đồng. Các “Căn phòng mơ ước” giúp vơi đi gánh nặng về chi phí thuê nhà, giúp thanh niên công nhân an tâm lao động và phấn đấu trong cuộc sống.

Liên đoàn Lao động quận Bình Thạnh trao mái ấm công đoàn cho đoàn viên khó khăn
Liên đoàn Lao động quận Bình Thạnh trao mái ấm công đoàn cho đoàn viên khó khăn

Trong căn nhà mới với tường gạch men còn thơm mùi sơn, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Hồng, công nhân Công ty TNHH Thực phẩm Xuất khẩu Hai Thanh (Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) ngỡ như đang mơ. Gia đình chị Hồng là một trong nhiều công nhân vừa được Công đoàn các KCX-KCN TPHCM trao tặng “Mái ấm Công đoàn”. “Vậy là gia đình tôi không phải lo những ngày mưa gió thức đêm lấy thau hứng nước. Tết này sẽ là cái tết vui, vì gia đình được quây quần trong căn nhà mới”, chị Hồng bày tỏ.

Mới đây, Liên đoàn Lao động quận Bình Thạnh cùng Công đoàn cơ sở Khối Trường học cũng tổ chức trao tặng “Mái ấm Công đoàn” cho chị Nguyễn Thị Thắm, đoàn viên Trường Tiểu học Bình Lợi Trung, đang gặp khó khăn về nhà ở. Mái ấm của chị Thắm được cải tạo với tổng kinh phí 150 triệu đồng. Trong đó, đoàn viên Công đoàn 11 trường thành viên trong cụm đóng góp 50 triệu đồng, gia đình vay mượn 100 triệu đồng để cùng sửa chữa.

Ngày nhận nhà, chị Thắm vui mừng chia sẻ: “Khi có được mái ấm khang trang, cả gia đình ổn định, tôi không còn nỗi lo sợ mỗi khi mưa dông đến. Bản thân tôi sẽ cố gắng vượt qua khó khăn, nỗ lực phấn đấu trong công việc, lao động, hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình với nhà trường”.

Tuyến metro số 1 dự kiến vận hành thương mại cuối năm 2023

Báo Lao Động cho biết, Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR - chủ đầu tư) vừa có văn bản hỏa tốc gửi UBND TP về chủ trương thực hiện công tác điều chỉnh thời gian thực hiện dự án tuyến metro số 1.

Theo quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án metro số 1 của UBND TPHCM tháng 11/2019, thời gian hoàn thành công trình đưa vào khai thác là quý 4/2021. Tuy nhiên, hiện tuyến metro số 1 mới hoàn thành khoảng 88% khối lượng.

Hiện có 7/17 đoàn tàu metro số 1 đã được nhập và đưa về depot Long Bình. Ảnh: Minh Quân
Hiện có 7/17 đoàn tàu metro số 1 đã được nhập và đưa về depot Long Bình. Ảnh: Minh Quân

Chủ đầu tư cho biết, nguyên nhân chính khiến tuyến metro số 1 chậm tiến độ do tác động của dịch COVID-19. Cụ thể, nhân công thi công tại công trường biến động liên tục, không thể di chuyển đến công trường do triển khai các biện pháp phòng dịch. Tâm lý e ngại COVID-19 khiến một lượng lớn công nhân bỏ công trường và trở về địa phương. Dịch COVID-19 cũng khiến một số chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam.

Cũng theo MAUR, trong thời gian TP giãn cách xã hội, việc vận chuyển vật liệu gặp khó khăn dẫn đến thiếu hụt, không đủ vật tư thi công. Các vật tư, thiết bị đặc biệt và được chế tạo, sản xuất hàng loạt ở nước ngoài không thể nhập cảng về Việt Nam cũng như việc ùn ứ thiết bị tại cảng,...

Ngoài tác động của dịch, việc chưa ký phụ lục hợp đồng 19 - dịch vụ tư vấn chung tuyến metro số 1 cũng ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Hồi giữa năm 2021, liên danh tư vấn JNPT đã tạm ngưng cung cấp một số dịch vụ quan trọng như: Xác nhận khối lượng hoàn thành tại công trường, xem xét thông qua các thiết kế bản vẽ thi công,…

Hiện công tác thương thảo đàm phán phụ lục hợp đồng số 19 cơ bản hoàn tất trên cơ sở ý kiến thẩm định của các bên liên quan. Chủ đầu tư đang phối hợp với Sở GTVT TP đẩy nhanh quá trình thẩm định, ký kết hợp đồng.

Qua rà soát và đánh giá toàn bộ tình hình của dự án, liên danh NJPT phân tích thời gian khả thi để hoàn thành công tác thi công và đề xuất ngày vận hành thương mại tuyến metro số 1 là cuối quý 4/2023.

Đại dịch thúc đẩy người dân thanh toán không dùng tiền mặt

Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi thói quen từ dùng tiền mặt sang thanh toán không tiền mặt của người dân TPHCM. Thống kê cho thấy, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt của nền kinh tế TP đạt đến 89%, dẫn đầu cả nước. Nội dung trên VOV.

Suốt 5 tháng dịch bệnh, hạn chế ra khỏi nhà, hạn chế tiếp xúc và không mấy chỗ mua bán dùng tiền mặt buộc chị Nguyễn Thị Lệ (TP Thủ Đức) phải làm quen với việc chuyển khoản, quẹt thẻ trên máy POS và cả dùng ví điện tử. Ban đầu thì còn thấy khó khăn, nhưng khi quen dần, chị Lệ thấy tiện lợi hơn, an toàn và đảm bảo cả về phòng chống dịch.

Khách hàng thanh toán bằng thẻ ATM tại siêu thị. (Ảnh: Lệ Hằng)
Khách hàng thanh toán bằng thẻ ATM tại siêu thị. (Ảnh: Lệ Hằng)

“Bây giờ tôi thấy rất tiện khi không dùng tiền mặt, tôi đưa thẻ ra và quét là trả tiền xong. Tôi thấy hình thức thanh toán tiền qua online rất thuận tiện, tránh tiếp xúc với nhiều tiền, không tiếp xúc gần. Bản thân cũng an toàn hơn khi không mang trong người quá nhiều tiền mặt”, chị chia sẻ.

Tại các kênh mua sắm tại TP, tỷ lệ không dùng tiền mặt hiện nay tăng lên rất nhiều. Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP (Saigon Co.op) cho biết, nếu trước dịch bệnh, tỉ lệ khách hàng thanh toán không tiền mặt khi mua hàng ở các siêu thị, cửa hàng của Saigon Co.op chỉ chiếm 4% thì trong dịch COVID-19 đã tăng vọt lên 40%, nhiều thời điểm lên đến 50%. Theo ông Đức, vấn đề hiện nay là các nhà cung cấp dịch vụ phải làm sao để thanh toán không tiền mặt ngày càng dễ thực hiện hơn, nhiều nơi áp dụng hơn nhằm duy trì thói quen cho người tiêu dung.

“Thanh toán không dùng tiền mặt thì chúng ta nên nghĩ đến những ứng dụng về Blockchain, điện toán hóa... Tất cả những câu chuyện đó sẽ tạo nên sự phát triển không dùng tiền mặt bền vững hơn. Tỷ lệ khách sử dụng không dùng tiền mặt sẽ trung thành với thói quen đó”, ông Đức nói.

Theo bà Lê Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ngành ngân hàng đã thay đổi cách truyền thông bằng việc tập trung hỗ trợ người dùng các dịch vụ theo cách dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm.

“Hiện nay, nhiều ngân hàng đang giảm, miễn phí, thậm chí giao dịch dưới 500.000 đồng thì được miễn phí. Khách hàng băn khoăn không an toàn như nghe có trường hợp bị mất tiền trong tài khoản khi sử dụng dịch vụ thì chúng tôi truyền thông trong hàng triệu hàng triệu giao dịch chỉ có một giao dịch gặp rủi ro”, bà Sen nói.

Trường ĐH Y Dược TPHCM đón những sinh viên đầu tiên đến trường học trực tiếp

Báo Thanh Niên cũng ghi nhận, ngày 29/11, Trường ĐH Y dược TPHCM đón những sinh viên đầu tiên đến trường học trực tiếp.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết thời điểm này sinh viên đến trường được chia thành các nhóm nhỏ để đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19. Trước mắt, sinh viên chỉ đến trường làm bài thi kết thúc học kỳ và tham gia các hoạt động thực hành.

Sinh viên đến từ các địa phương khác chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi sẽ được tiêm vắc xin phòng Covid-19 trước khi vào học. Ảnh: ĐÀO NGỌC THẠCH
Sinh viên đến từ các địa phương khác chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi sẽ được tiêm vắc xin phòng Covid-19 trước khi vào học. Ảnh: ĐÀO NGỌC THẠCH

Dù bắt đầu học trực tiếp nhưng trong giai đoạn này, nhà trường vẫn bố trí kết hợp các học phần trực tuyến và trực tiếp. Riêng lịch học thực hành tại bệnh viện và các cơ sở ngoài trường, nhà trường sẽ có thông báo cụ thể khi có thông tin từ cơ sở thực hành.

Đây là trường ĐH đầu tiên tại TPHCM cho sinh viên đến trường học trực tiếp sau thời gian dài chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến vì dịch COVID-19 trong năm nay.

Sinh viên hào hứng kiếm việc làm thêm sau giãn cách

Từ đầu tháng 11/2021, nhiều cửa hàng dịch vụ, ăn uống, thời trang, giải trí... đã mở cửa hoạt động. Nhiều sinh viên cũng đã trở lại làm thêm để kiếm thu nhập trang trải cuộc sống, giúp giảm gánh nặng cho gia đình. Ghi nhận của báo Pháp Luật TP.

Quay trở lại với công việc từ cuối tháng 10, Võ Thị Kim Hồng (sinh viên Trường Đại học Công nghệ TPHCM) cảm thấy phấn khởi sau nhiều ngày ở nhà buồn chán. Hiện Hồng đang làm thêm cho một cửa hàng giặt ủi ở quận Bình Thạnh. Do là công việc bán thời gian nên việc duy trì các buổi học trực tuyến của Hồng khá dễ dàng, ca làm việc được sắp xếp linh hoạt để không ảnh hưởng đến học hành.

Cũng theo Hồng, hiện nhiều nhân viên còn đang ở quê hoặc còn khá e dè trước dịch bệnh nên không đi làm, do đó Hồng làm được nhiền giờ hơn và có thu nhập khoảng 3,5- 4 triệu đồng/tháng (tương đương 22.000 đồng/giờ).

Nguyễn Minh Thiện (sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM) cho biết: "Mình vừa vào Sài Gòn được hai tuần. Việc đầu tiên là mình tìm việc làm, hiện tại mình đang làm thêm tại một siêu thị. Khi đi làm, mình luôn thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng tránh dịch để đảm bảo an toàn cho bản thân và khách hàng".

Để không bị sao nhãng việc học, Thiện ưu tiên sắp xếp thời khóa biểu theo lịch học trực tuyến, còn lại thời gian rảnh sẽ đăng ký lịch làm với quản lý. 

Kiều Chinh đang kiểm tra lại các đơn hàng đã bán để giao ca cho người tiếp theo. Ảnh: TÚ NGÂN
Kiều Chinh đang kiểm tra lại các đơn hàng đã bán để giao ca cho người tiếp theo. Ảnh: TÚ NGÂN

Bùi Thị Kiều Chinh (sinh viên Trường Đại học Tài chính - Marketing) hiện đang làm thu ngân và pha chế cho một quán cà phê ở quận Tân Bình chia sẻ: "Mình thấy vui vì được gặp lại mọi người sau thời gian dài, công việc nhẹ nhàng mình vừa làm vừa để thư giãn luôn. Mình cảm thấy khá hào hứng khi được đi làm trở lại, mình mong dịch bệnh mau qua để sớm ổn định lại cuộc sống và việc học hành".

Nhóm BTV (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục