Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 30/11/2022

10:02 30/11/2022

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 30/11:

Kỷ niệm 40 năm thành lập IDECAF

Báo SGGP đưa tin, vừa qua, đồng chí Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã dự lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Viện Trao đổi văn hóa với Pháp (IDECAF) - đơn vị thuộc Sở Ngoại vụ thành phố, Bộ Ngoại giao.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 30/11/2022 - Ảnh 1

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Võ Văn Hoan biểu dương tập thể cán bộ viên chức IDECAF về những đóng góp cho công tác ngoại giao văn hóa của TP. Với vai trò là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại và khoa học công nghệ hàng đầu cả nước, TPHCM đã và đang đóng góp quan trọng cho tổng thể quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp.

Đặc biệt, hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa giữa TPHCM và Pháp diễn ra sôi động trong thời gian qua, dưới nhiều hình thức đa dạng như tổ chức sự kiện văn hóa - nghệ thuật, bảo tồn và phát huy di sản, đào tạo nhân lực... Những hoạt động này góp phần lan tỏa các giá trị tốt đẹp và đưa nhân dân hai nước xích lại gần nhau, góp phần thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp. 

TPHCM phấn đấu đến năm 2023 đạt 30% tỷ lệ nữ làm giám đốc, chủ doanh nghiệp

Báo Thanh Niên cho hay, ngày 29/11, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Bình đẳng giới TPHCM và UN Women tại Việt Nam tổ chức hội nghị triển khai Chiến lược, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn đến năm 2030.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu tại hội nghị.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu tại hội nghị.

Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam đánh giá cao các hoạt động của TPHCM về bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. UN Women cũng cam kết sẽ hỗ trợ TPHCM trong triển khai các hoạt động về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Theo kế hoạch triển khai chiến lược, chương trình quốc gia về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn đến năm 2030, TPHCM đề ra những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trong mọi lĩnh vực của đời sống. Đơn cử, ở lĩnh vực chính trị, TP xác định đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Ở lĩnh vực kinh tế, lao động, tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương đạt 60%; tỷ lệ nữ giám đốc, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt 30% vào năm 2030.

Dù khó khăn nhiều doanh nghiệp vẫn thưởng Tết cho người lao động

Báo Lao Động cho biết, mặc dù tình hình đơn hàng cuối năm có khó khăn, nhưng đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp tại TPHCM đã công bố thưởng Tết cho người lao động (NLĐ).

Bà Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch LĐLĐ TPHCM - tặng quà Tết cho NLĐ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận Bình Tân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Ảnh: Nam Dương
Bà Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch LĐLĐ TPHCM - tặng quà Tết cho NLĐ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận Bình Tân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Ảnh: Nam Dương

Bà Phạm Thị Hồng Hà, Chủ tịch CĐ Công ty Cổ phần Sài Gòn Food cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, công ty sẽ dành gần 40 tỉ đồng để chăm lo cho NLĐ. Cụ thể, công ty thưởng 2 tháng lương cho mỗi NLĐ, trong đó NLĐ đã nhận trước 0,6 tháng lương chi trong năm, phần còn lại - 1,4 tháng lương sẽ được chi trước khi NLĐ về quê đón Tết. Mức thưởng thực nhận bình quân 16 triệu đồng/người. 

Ông Quách Mẫn Nghĩa, Chủ tịch CĐ Công ty Always cho biết, mặc dù tình hình đơn hàng năm nay có khó khăn, nhưng công ty vẫn quyết định chi thưởng Tết cho NLĐ với mức bình quân từ 0,8 - 2 tháng lương/người.

Bà Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch CĐ Cty Nissei Electric Việt Nam cũng cho biết, đơn hàng công ty những tháng cuối năm giảm khoảng 20% - 30%, nhưng đơn vị vẫn giữ thưởng Tết cho CN từ 1,8 - 2,2 tháng lương/người, trung bình là 2 tháng/người. Tính bình quân mỗi công nhân sẽ được thưởng hơn 13 triệu đồng/người. 

Giáo viên mầm non, tiểu học ngoài công lập được hỗ trợ từ 2,2-3,7 triệu đồng/người

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 24/2022/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Tin trên báo SGGP.

Đời sống giáo viên mầm non còn nhiều khó khăn. Ảnh: QUANG PHÚC
Đời sống giáo viên mầm non còn nhiều khó khăn. Ảnh: QUANG PHÚC

Quyết định này quy định việc thực hiện chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình tư thục, dân lập; trường mẫu giáo, mầm non SOS; trường tiểu học tư thục, trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục trong đó có cấp tiểu học… phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19.

Chính phủ quy định hỗ trợ một lần mức 3.700.000 đồng/người áp dụng với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chưa được hưởng chính sách của địa phương hỗ trợ đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác theo quy định. Hỗ trợ một lần mức 2.200.000 đồng/người áp dụng với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đã được hưởng chính sách của địa phương.

TPHCM cảnh báo sớm nguy cơ phát sinh dịch cúm gia cầm

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với ngành y tế giám sát các trường hợp nhiễm virus cúm A trên người và đàn gia cầm nhằm cảnh báo sớm nguy cơ phát sinh dịch bệnh; phối hợp với cơ quan chuyên ngành thú y các tỉnh trong công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm nhằm kiểm soát chặt chẽ, không để gia cầm nhiễm bệnh vào địa bàn thành phố.

Tiêu hủy gia cầm mắc bệnh. (Ảnh minh họa: TTXVN phát)
Tiêu hủy gia cầm mắc bệnh. (Ảnh minh họa: TTXVN phát)

Theo Vietnamplus, đây là một trong những nội dung trọng tâm được UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ngành thành phố, UBND các quận huyện và thành phố Thủ Đức tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm.

UBND TPHCM giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ trên địa bàn, nhất là khu vực giáp ranh với các tỉnh. Đồng thời, phối hợp với UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh phòng bệnh; thường xuyên vệ sinh, sát trùng khu vực chăn nuôi để tiêu diệt mầm bệnh.

Bác sĩ nước ngoài hành nghề tại Việt Nam phải thi chứng chỉ hành nghề

Thông tin với báo Tuổi Trẻ, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, sau một thời gian tạm lắng do dịch COVID-19, gần đây một số phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài lại tái xuất hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong hành nghề khám, chữa bệnh. Điều đáng xem xét đó là các phòng khám này từng vi phạm trước đây và từng bị xử phạt ở khung cao nhất theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chỉ trong vòng mười tháng, phòng khám đa khoa Hồng Phong (quận 5) bị Sở Y tế TP.HCM tước giấy phép hoạt động hai lần - Ảnh: Sở Y tế TP.HCM cung cấp
Chỉ trong vòng mười tháng, phòng khám đa khoa Hồng Phong (quận 5) bị Sở Y tế TP.HCM tước giấy phép hoạt động hai lần - Ảnh: Sở Y tế TP.HCM cung cấp

Người đứng đầu ngành y tế TP kêu gọi người dân và nhân viên y tế cùng hỗ trợ ngành y tế phát hiện và kịp thời thông báo về Thanh tra Sở Y tế bằng cách gọi đường dây nóng, hoặc thông báo qua ứng dụng "Y tế trực tuyến" hoặc bất cứ hình thức nào có thể để kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Ngành y tế TP cũng kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), trong đó cần quy định bác sĩ nước ngoài muốn hành nghề khám, chữa bệnh tại Việt Nam bắt buộc phải qua kỳ thi chứng chỉ hành nghề, bắt buộc phải thông thạo tiếng Việt và nói tiếng Việt khi khám bệnh, và các quy định này sớm có hiệu lực khi được ban hành.

TPHCM xây dựng hệ thống GIS quản lý bệnh truyền nhiễm trong trường học

Trao đổi với báo Phụ Nữ TP, ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong việc quản lý bệnh truyền nhiễm trong y tế trường học.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 30/11/2022 - Ảnh 2

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường cung cấp thông tin để hỗ trợ Sở Khoa học và Công nghệ thu thập dữ liệu mẫu. Mỗi trường chọn 5 lớp (ưu tiên chọn lớp có nhiều ca nhiễm bệnh truyền nhiễm: COVID-19, sốt xuất huyết, sốt rét, tay chân miệng, thủy đậu…) để khảo sát.

Theo ông Dũng, việc xây dựng hệ thống GIS quản lý bệnh truyền nhiễm trong trường học nằm trong kế hoạch của UBND thành phố về việc phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2022. Bước đầu sẽ có 86 trường từ cấp mầm non đến THPT thuộc 22 quận, huyện, TP Thủ Đức tham gia cung cấp dữ liệu mẫu. Sau đó, mở rộng xây dựng kho dữ liệu bệnh truyền nhiễm học đường của từng học sinh ở toàn bộ trường học thuộc các cấp học.

Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục