Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 30/12/2020

11:38 30/12/2020

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 30/12:

Bầu Chủ tịch UBND TP Thủ Đức trước ngày 19/2/2021

Ngày 29/12, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã ký quyết định ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM. Báo Người Lao Động đăng tải thông tin.

Theo kế hoạch, đối với việc sắp xếp tổ chức bộ máy và bàn giao cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của TP Thủ Đức, trước ngày 10/1/2021, UBND quận 2, 9, Thủ Đức tổ chức thống kê, rà soát tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, tài sản, tài chính, các dự án đầu tư đang triển khai thực hiện dở dang... trong phạm vi điều chỉnh địa giới hành chính để chuẩn bị công tác bàn giao giữa các cơ quan, đơn vị liên quan.

Trước ngày 18/1/2021, sắp xếp, thành lập, sáp nhập tổ chức bộ máy các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội của 3 quận để thành lập tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội của TP Thủ Đức; chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Thành ủy Thủ Đức và thành ủy viên.

Trước ngày 19/2/2021, hoàn thiện bộ máy HĐND TP Thủ Đức, bầu các chức danh Chủ tịch HĐND; Phó Chủ tịch HĐND; Trưởng ban, Phó Trưởng ban của các ban thuộc HĐND; Chủ tịch UBND; Phó Chủ tịch UBND và các ủy viên UBND theo quy định tại Hướng dẫn số 1138/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trước ngày 25/2/2021, UBND TP Thủ Đức chủ trì, phối hợp 3 quận tiến hành bàn giao tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, tài sản, tài chính, các dự án đầu tư đang triển khai thực hiện dở dang... từ 3 quận về TP Thủ Đức quản lý.

Kế hoạch này nhằm xác định các nội dung, công việc và phân công nhiệm vụ cụ thể để các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện, đảm bảo quy định của pháp luật khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 1111.

Đồng thời, từng bước ổn định tổ chức bộ máy, đảm bảo hoạt động liên tục, hiệu quả của hệ thống chính trị; thực hiện chuyển giao trách nhiệm quản lý giữa các đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; công tác giải quyết kiến nghị, yêu cầu và hồ sơ hành chính của người dân và tổ chức được đảm bảo tiến độ, thông suốt; tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân khi tổ chức thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phố đi bộ thứ 3 ở TP ra mắt, không kinh doanh rượu, bia

Theo báo Thanh Niên, tối 29/12, UBND Q.10 chính thức ra mắt Phố đi bộ đêm khu vực kỳ đài Quang Trung (P.6, Q.10) sau gần 1 tháng chạy thử nghiệm.

Khu vực Phố đi bộ đêm có 49 gian hàng, bao gồm 29 gian hàng ẩm thực và 20 gian hàng mua sắm - ẩm thực với diện tích từ 4,5 - 6 m2/gian hàng, cùng một khu ăn uống tập trung rộng khoảng 300 m2.

Phố đi bộ đêm khu vực kỳ đài Quang Trung mở cửa đón khách từ 18 đến 23 giờ từ thứ 3 đến chủ nhật hằng tuần. Vào ngày thứ 7 và một số ngày trong tuần, tùy điều kiện chương trình cụ thể sẽ có chương trình ca nhạc phục vụ người dân.

Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khai trương phố đi bộ - ẢNH: LÊ NGỌC THẢO
Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khai trương phố đi bộ - ẢNH: LÊ NGỌC THẢO

Ông Vũ Anh Khoa, Chủ tịch UBND Q.10, cho biết đây là mô hình kết hợp giữa chỉnh trang đô thị và phát triển kinh tế đêm. Điểm đặc biệt là Phố đi bộ đêm không kinh doanh rượu, bia và đồ uống có cồn.

Đây cũng là điểm đến văn hóa, du lịch, phát triển kinh tế đêm, là nơi để mọi người thư giãn, thoải mái cũng như trở thành biểu tượng mới của Q.10. Vì vậy, Chủ tịch UBND Q.10 mong các tiểu thương cùng chung tay giữ gìn sản phẩm này, trong đó Công ty Dịch vụ công ích Q.10 phải duy trì các nội quy của phố đi bộ đêm.

Chủ tịch UBND Q.10 Vũ Anh Khoa tặng quà và chúc tiểu thương mua bán đông khách, trong buổi ra mắt phố đi bộ - ẢNH: LÊ NGỌC THẢO
Chủ tịch UBND Q.10 Vũ Anh Khoa tặng quà và chúc tiểu thương mua bán đông khách, trong buổi ra mắt phố đi bộ - ẢNH: LÊ NGỌC THẢO
Khu ẩm thực rộng hơn 300 m2 là nơi để thực khách thưởng thức các món ăn dọc phố đi bộ - ẢNH: LÊ NGỌC THẢO
Khu ẩm thực rộng hơn 300 m2 là nơi để thực khách thưởng thức các món ăn dọc phố đi bộ - ẢNH: LÊ NGỌC THẢO

Khuyến mãi hấp dẫn tại Hội chợ Xúc tiến thương mại cuối cùng của năm 2020

Báo Người Lao Động cho hay, tối 29/12, Hội chợ Xúc tiến tiêu dùng năm 2020 do Sở Công Thương TPHCM phối hợp với một số đơn vị tổ chức có chủ đề "Sự kiện kết nối các hình thức khuyến mại" đã khai mạc tại Nhà thi đấu Thể dục thể thao Phú Thọ (quận 11).

Hội chợ kéo dài từ ngày 29/12/2020 đến ngày 3/1/2021 với khoảng 380 gian hàng của 230 doanh nghiệp (DN) trưng bày, giới thiệu sản phẩm là các mặt hàng thiết yếu như: hàng tiêu dùng, thực phẩm, dệt may - giày da, thủ công mỹ nghệ, hóa mỹ phẩm, kim khí điện máy… 

Một số DN giảm giá đến 50% cho khách mua hàng tại hội chợ. Ngoài ra, các DN còn luân phiên tham gia giảm giá "sốc" tại chương trình "Giờ vàng thương hiệu" được tổ chức tại sân khấu chính của hội chợ từ 18 giờ - 20 giờ mỗi ngày. 

Ban tổ chức tham quan các gian hàng sau lễ khai mạc hội chợ
Ban tổ chức tham quan các gian hàng sau lễ khai mạc hội chợ

Đại diện Sở Công Thương TP cho biết, DN được chọn tham gia hội chợ lần này phải đáp ứng các tiêu chí: có thương hiệu, đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng và được sàng lọc, kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm chất lượng, giá cả tốt nhất cho người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm. 

Đây được xem là sự kiện kết thúc năm 2020, mở đầu năm mới 2021 nhằm tăng cường công tác xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp trong nước giới thiệu rộng rãi sản phẩm hàng hóa, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm bạn hàng, mở rộng thị trường để nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng doanh thu sản xuất, kinh doanh sau thời gian ảnh hưởng dịch Covid-19.

Nhiều khách hàng trẻ quan tâm đến quần áo thời trang giảm giá
Nhiều khách hàng trẻ quan tâm đến quần áo thời trang giảm giá

Chế túi giấy từ cây chuối của nhóm sinh viên ĐH Văn Lang

Nhận thấy giá trị hữu ích của thân cây chuối sau khi thu hoạch trái còn có thể tận dụng để tạo ra những chiếc túi sinh học và phân bón hữu cơ, sản phẩm vừa có khả năng tự phân hủy giúp bảo vệ môi trường và giá thành rẻ, nhóm sinh viên ngành Công nghệ sinh học Trường ĐH Văn Lang đã nghiên cứu trong vòng 1 năm và cho ra sản phẩm hoàn chỉnh. Thông tin trên báo Tuổi Trẻ.

TS Vũ Thị Quyền (trưởng bộ môn Công nghệ sinh học, thứ 2 bên phải) hướng dẫn nhóm nghiên cứu - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
TS Vũ Thị Quyền (trưởng bộ môn Công nghệ sinh học, thứ 2 bên phải) hướng dẫn nhóm nghiên cứu - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Để có một chiếc túi sinh học phải mất gần 1 tuần làm bằng phương pháp thủ công, qua các công đoạn như: chọn chuối, tách bẹ, đập giập, phơi khô, cắt nhỏ, ngâm qua dung dịch NaOH, nấu sôi, xay nhuyễn, vô khuôn, gia công túi.

Ngoài tận dụng thân cây chuối tách bẹ làm túi (giá từ 6.000 - 21.000 đồng/chiếc tùy kích cỡ), phần bên trong cây chuối còn được nhóm tận dụng làm phân bón hữu cơ (giá 2.500 đồng/kg).

Bạn Huỳnh Anh Bảo, Trưởng nhóm nghiên cứu, chia sẻ: “Toàn bộ công đoạn nghiên cứu nhóm sử dụng phương pháp thủ công làm tất cả bằng tay, sắp tới nhóm sẽ cải tiến kỹ thuật để đưa ra thị trường với giá thành rẻ nhất cho người tiêu dùng. Dự tính sắp tới nhóm sẽ nghiên cứu giấy gói thực phẩm bằng lá chuối”.

Thân chuối ủ được đem nấu - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Thân chuối ủ được đem nấu - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Để tạo ra được giấy (trước khi gia công thành túi) phải cần đến 500 - 600ml xác chuối xay nhuyễn - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Để tạo ra được giấy (trước khi gia công thành túi) phải cần đến 500 - 600ml xác chuối xay nhuyễn - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Xác chuối được tạo thành giấy trước - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Xác chuối được tạo thành giấy trước - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Sản phẩm vừa có khả năng tự phân hủy giúp bảo vệ môi trường và giá thành rẻ - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Sản phẩm vừa có khả năng tự phân hủy giúp bảo vệ môi trường và giá thành rẻ - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Phân bón hữu cơ có giá 2.500 đồng/kg được làm từ lõi, lá và vỏ chuối - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Phân bón hữu cơ có giá 2.500 đồng/kg được làm từ lõi, lá và vỏ chuối - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Giá túi dao động từ 6.000 - 21.000 đồng/chiếc tùy kích cỡ, có thể tự phân hủy trong môi trường - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Giá túi dao động từ 6.000 - 21.000 đồng/chiếc tùy kích cỡ, có thể tự phân hủy trong môi trường - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Ban hành giá vé đi phà Cần Giờ đến Vũng Tàu 

Ủy ban nhân dân TPHCM vừa ban hành giá tối đa dịch vụ sử dụng phà biển tuyến Cần Giờ - Vũng Tàu. Thông tin trên báo Tuổi Trẻ.

Cụ thể, giá vé đối với hành khách đi bộ, xe đạp, xe gắn máy là 70.000 đồng/người/lượt. Ô tô 4 chỗ, 4 chỗ bán tải là 350.000 đồng/xe/lượt. Ô tô từ 7 chỗ đến dưới 20 chỗ ngồi giá vé 450.000 đồng/xe/lượt. 

Xe ô tô từ 20 đến dưới 26 chỗ có giá vé 600.000 đồng/xe/lượt. Xe ô tô từ 26 chỗ ngồi có giá vé 800.000 đồng/xe/lượt. Xe tải dưới 3 tấn có giá vé 400.000 đồng/xe/lượt. Xe tải 3 tấn - dưới 5 tấn có giá vé 600.000 đồng/xe/lượt. Xe tải 5 tấn - dưới 8 tấn có giá vé 750.000 đồng/xe/lượt. Xe tải trên 8 tấn có giá vé là 1 triệu đồng/xe/lượt. 

Phà biển đầu tiên từ TP.HCM đi Vũng Tàu đã chạy thử nghiệm sáng 29-12 - Ảnh: VĂN SƠN
Phà biển đầu tiên từ TP.HCM đi Vũng Tàu đã chạy thử nghiệm sáng 29-12 - Ảnh: VĂN SƠN

UBND TP cho biết, tuyến phà này được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, phương án giá vé do Công ty TNHH MTV Quốc Chánh đề xuất.  Vì vậy, UBND TP yêu cầu chủ đầu tư niêm yết giá vé không vượt quá giá tối đa nêu trên. Giá vé này chính thức áp dụng từ đầu tháng 1/2021. 

Trước đó, vào sáng ngày 29/12/2020, tuyến phà biển này đã được chạy thử nghiệm, dự kiến đi vào hoạt động chính thức từ ngày 4/1/2021. 

Tăng cường biện pháp quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập

Báo SGGP đưa tin, Sở GD-ĐT TPHCM vừa có tờ trình gửi Thường trực UBND TP về xem xét, phê duyệt và ban hành văn bản chỉ đạo công tác quản lý các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn TP.

Theo nội dung tờ trình, TPHCM là địa phương có rất nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập, hoạt động đa dạng, phức tạp.

Vì vậy, tờ trình đề xuất tăng cường công tác phối hợp của UBND các phường, xã, thị trấn với các phòng, ban, các tổ chức đoàn thể địa phương nhằm nâng cao trách nhiệm quản lý, thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn, tuyệt đối không để các cơ sở hoạt động không phép.

Địa phương chủ động thanh tra, kiểm tra, xử lí vi phạm, giám sát hoạt động của các cơ sở đã được cấp phép, đảm bảo hoạt động đúng quy định, đúng nội dung được cấp phép; đồng thời kịp thời xử lí nghiêm các cơ sở hoạt động không phép, không tuân thủ quy định, gây mất an ninh trật tự và ảnh hưởng đến quyền lợi của người học, người lao động.

Một cơ sở giữ trẻ ngoài công lập trên địa bàn quận Tân Phú
Một cơ sở giữ trẻ ngoài công lập trên địa bàn quận Tân Phú

Ngoài ra, cần tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát các cơ sở dịch vụ giữ trẻ ngoài giờ, nhất là những điều kiện nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ, nghiêm cấm hoạt động dạy thêm trong các cơ sở dịch vụ giữ trẻ ngoài giờ.

Riêng đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập cần thực hiện nghiêm các văn bản quy phạm pháp luật về giấy phép thành lập và hoạt động, đảm bảo an toàn tuyệt đối, công tác an ninh, trật tự tại địa phương, tuân thủ đầy đủ các quy định về chuyên môn, hoạt động đúng theo quyết định cấp phép.

Đặc biệt, đối với các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài hoặc đang dạy chương trình giáo dục tích hợp (được cho phép thí điểm trước đây) phải chấm dứt hoạt động thí điểm, khẩn trương chuyển đổi mô hình hoạt động, thực hiện nghiêm Nghị định số 86/2018/NĐ-CP, hoàn tất ngay trong năm học 2020 - 2021. Những trường hợp chậm điều chỉnh, UBND TP sẽ tổng hợp, báo cáo và kiến nghị Bộ GD-ĐT có hướng giải quyết dứt điểm.

Năm 2020, TP đã xây mới 14 cây cầu, góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông

Theo báo Pháp Luật TP, Báo cáo tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và kế hoạch công tác năm 2021 của Sở GTVT tổ chức chiều 29/12 cho biết, năm 2020 khối xây dựng công trình giao thông đường bộ (GTĐB) đã xây mới được 14 cây cầu; làm mới khoảng 10 km và nâng cấp, mở rộng khoảng 30 km đường; diện tích đường tăng thêm khoảng 320.000 m (bằng nguồn ngân sách TP, vốn Nhà nước ngoài ngân sách, PPP).

Ngoài ra, Sở GTVT và chủ đầu tư trên địa bàn đã chủ động tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ và đưa vào khai thác nhiều công trình giao thông trọng điểm như: hầm chui An Sương, cầu thép An Phú Đông, cầu Phước Lộc… góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.

Hầm chui An Sương đi vào hoạt động từ ngày 19/9. Ảnh: PLO
Hầm chui An Sương đi vào hoạt động từ ngày 19/9. Ảnh: PLO

Tuy nhiên, Sở GTVT cũng nhìn nhận một số hạn chế hiện nay, trong đó khả năng huy động và sử dụng nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông gặp nhiều khó khăn, đặc biệt chưa có hệ thống đường vành đai hoàn chỉnh, chưa đầu tư mở rộng quốc lộ, nút giao thông và tuyến đường nội đô, điều kiện về mặt bằng vừa ảnh hưởng đến tiện độ vừa phát sinh chi phí, …

Do đó, ngành GTVT đề ra 11 giải pháp cho năm 2021. Nhất là, giải pháp rút ngắn thời gian bồi thường được đánh giá là quan trọng. Bên cạnh đó, đẩy nhanh công tác kết nối GTĐB với khu vực sân bay và kết nối cảng biển, cảng sông như Hiệp Phước, Cát Lái; đồng thời tập trung vào dự án cửa ngõ và các dự án trọng điểm ở TP Thủ Đức.

Mùa cao điểm của bệnh cúm mùa

Thời tiết cả nước chuyển lạnh, tại TPHCM và khu vực phía Nam, nhiệt độ ban ngày, ban đêm cũng có sự chênh lệch gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người dân. Trong những ngày này, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh phải nhập viện điều trị tăng hơn so với bình thường. Nội dung trên báo SGGP.

Tại phòng khám hô hấp của Bệnh viện (BV) Thống Nhất, trong vòng 3 tuần nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 80 bệnh nhân mắc bệnh hô hấp đến thăm khám, tăng 20 lượt so với các tháng trước. Trong đó, các bệnh thường gặp là viêm phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Bác sĩ CK2 Ngô Thế Hoàng, Trưởng khoa hô hấp BV Thống Nhất, cho biết, bệnh hô hấp là nhóm bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, dễ tái phát và gây khó thở nên dễ nguy kịch cho người bệnh.

Bác sĩ Ngô Thế Hoàng khuyến cáo, bệnh nhân tuyệt đối không tự ý mua kháng sinh để điều trị khi có triệu chứng ho, cúm và sốt hoặc sử dụng đơn thuốc cũ nhiều lần khi bệnh tái phát mà không có chỉ định của bác sĩ.

Trẻ nhỏ mắc cúm đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: QUỐC KHÁNH
Trẻ nhỏ mắc cúm đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: QUỐC KHÁNH

Tại BV Đại học Y Dược TPHCM, bác sĩ Nguyễn Khánh Dương, Trưởng khoa cấp cứu của BV, cho biết, số lượng người nhập viện do thời tiết thay đổi tăng trong những ngày qua. Trong đó có nhiều trường hợp nhập viện cấp cứu vì sử dụng than sưởi ấm để chống lạnh. Điều này tưởng chừng vô hại, nhưng đó là lầm tưởng chết người. Bởi những loại than tổ ong, than củi khi cháy trong điều kiện thiếu không khí sẽ tạo ra loại khí cực độc là carbon monoxide (hay còn gọi là CO). Đây là loại khí không màu, không mùi, không gây kích thích cho da và mắt.

Trong khi đó, theo TS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội nhiễm, Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em, BV Nhi Trung ương, trong vòng 2 tháng qua, trung tâm đã tiếp nhận điều trị gần 1.000 trẻ bị cúm mùa, chủ yếu là cúm A và B. Hiện có khoảng 50 bệnh nhân đang điều trị tại khoa là bệnh nhi mắc cúm.

Để phòng bệnh cúm mùa, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể; đeo khẩu trang. Việc tiêm phòng vaccine ngừa cúm có ý nghĩa quan trọng với nhóm có nguy cơ lây nhiễm, nhất là với trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 8 tuổi, nhân viên y tế và người có bệnh mạn tính

Bệnh cúm mùa lại có thể gây dịch theo vùng hoặc diện rộng, gây viêm đường hô hấp với các biểu hiện như sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng. Đối với những trẻ có bệnh mạn tính như hen phế quản, viêm phế quản co thắt, thiếu máu, suy giảm miễn dịch... rất dễ diễn biến nặng và có thể tử vong. Ngoài biến chứng gây viêm phổi, viêm não, gần đây trung tâm bắt đầu ghi nhận những ca biến chứng viêm cơ tim. Bệnh nhi bị viêm cơ tim sau cúm thường có biểu hiện sốt cao, đau ngực, bụng, buồn nôn, nhịp tim nhanh và tử vong đột ngột.

Các chuyên gia dịch tễ cho biết, cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp, nhưng trong giai đoạn thời tiết lạnh hiện nay rất dễ nhầm giữa bệnh cúm với cảm lạnh thông thường, vì đều có những triệu chứng mắc bệnh giống nhau. 

Vân Anh - Khang Minh (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục