Thông báo khẩn tìm người đến 4 nơi bệnh nhân Covid-19 đã ghé
Tối 29/7, Bộ Y tế phát thông báo khẩn tìm người từng đến những nơi mà các ca bệnh Covid-19 đã đến, trong đó có 4 điểm ở TP. Hồ Chí Minh. Báo Tuổi Trẻ cho hay.
Theo đó, 04 điểm tại TP. Hồ Chí Minh bao gồm: Bệnh viện Triều An, 425 Kinh Dương Vương, An Lạc, Bình Tân từ 21-22h ngày 21/7; Bệnh viện quốc tế City, số 3 đường số 17A, Bình Trị Đông B, Bình Tân từ 10h ngày 21/7 đến ngày 22/7; Khách sạn Thanh Danh 2 tại địa chỉ 624 Nguyễn Chí Thanh, phường 4, quận 11 chiều 21/7 và sáng 22/7; AEON MALL Bình Tân, số 1 đường số 17A, Bình Trị Đông B, Bình Tân từ ngày 22 đến 26/7.
Bộ Y tế đề nghị những người đã đến những địa điểm trên liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn hỗ trợ; Gọi điện đến các đường dây nóng: 1900.9095 (Bộ Y tế), hoặc 0905.108.844 (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng), hoặc 0914.085.388 (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam), hoặc 0969.082.115/0949.396.115 (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội), hoặc 0869.577.133 (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM) cung cấp số điện thoại những người đã tiếp xúc gần với mình; Thực hiện cách ly tại nhà; Khai báo y tế trực tuyến tại https://tokhaiyte.vn hoặc tải ứng dụng NCOVI từ địa chỉ https://ncovi.vn và thường xuyên cập nhật tình trạng sức khỏe.
Khai mạc hội chợ triển lãm tôn vinh hàng Việt năm 2020
Theo Vietnamplus, tối 29/7, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng các đơn vị khác tổ chức khai mạc Hội chợ Triển lãm “Tôn vinh hàng Việt - năm 2020” tại Trung tâm Văn hóa Thể thao Quận Tân Bình (số 446-448 Hoàng Văn Thụ, Quận Tân Bình).
Hội chợ diễn ra đến hết ngày 2/8/2020, quy tụ hơn 300 gian hàng của 200 doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành trên cả nước với những ngành hàng như nông sản, đặc sản vùng miền; dệt may, giày dép, điện máy điện tử, hàng gia dụng; thực phẩm chế biến, nước giải khát các loại; thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ, hóa phẩm, dược phẩm, ẩm thực...
Đặc biệt, trong khuôn khổ Hội chợ năm nay còn có "Ngày hội ẩm thực với các món ăn truyền thống mang đậm nét vùng miền"; "Ngày hội của hệ thống siêu thị Saigon Co.op và các thương hiệu mạnh" do Liên hiệp hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) tổ chức.
Bên cạnh đó, với đa dạng hình thức khuyến mãi tại hầu hết gian hàng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng mua sắm, ăn uống...
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết, điểm mới của Hội chợ lần này, là lần đầu tiên tổ chức hoạt động kết nối giao thương với hàng trăm thương hiệu đăng ký tham gia để doanh nghiệp có cơ hội kết hợp xúc tiến hợp tác thương mại, mua bán, giới thiệu hàng hóa đến nhà bán lẻ, nhà phân phối, người tiêu dùng trên địa bàn TP.
71 tuyến xe miền Trung, miền Bắc hoạt động tại bến xe Miền Đông mới từ 15/8
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã thống nhất đề nghị của Sở GTVT TP về việc công bố danh mục tuyến vận tải hành khách hoạt động tại bến xe Miền Đông mới (quận 9, TP.HCM).
Theo đó, giai đoạn 1 có 71 tuyến xe hoạt động tại bến xe Miền Đông hiện hữu (quận Bình Thạnh) sẽ được dời về bến xe Miền Đông mới. Đồng thời, yêu cầu Sở GTVT đảm bảo việc sắp xếp, điều chuyển; giữ nguyên lưu lượng đã được công bố và giữ nguyên đơn vị đang khai thác tuyến nhằm tạo thuận lợi cho đơn vị vận tải, bến xe sớm ổn định hoạt động kinh doanh. Đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân.
Trong văn bản trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu Sở này phối hợp Công an TP và UBND các quận - huyện liên quan kiên quyết xử lý hiện tượng 'xe dù, bến cóc và xe trá hình' tuyến cố định trên địa bàn TP, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh tuyến cố định.
Trước đó, Tổng công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn - SAMCO đã báo cáo UBND TP về việc đưa bến xe Miền Đông mới vào hoạt động từ ngày 15/8. SAMCO cho rằng bến xe Miền Đông mới đã được chuẩn bị đủ các điều kiện để sẵn sàng phục vụ. Trong giai đoạn 1, bến xe mới sẽ phục vụ vận tải hành khách đường bộ tuyến cố định có cự ly từ 1.100km trở lên, tính từ tỉnh Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc.
Kế hoạch xóa 7 điểm đen tai nạn giao thông
Báo Pháp Luật TP cho hay, mới đây, Sở GTVT TP đã đưa ra các giải pháp công trình và phi công trình để xóa 7 điểm đen tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn TP.
7 điểm đen gồm: Trước nhà 235 Nguyễn Văn Cừ, quận 1; đường Võ Văn Kiệt, đoạn từ đường Yersin đến đường Nguyễn Thái Học, quận 1; đường Nguyễn Duy Trinh, quận 2; nút giao Mỹ Thủy, quận 2; cầu Nguyễn Tri Phương, quận 5; cầu Sài Gòn 2, quận Bình Thạnh; vòng xoay An Sương, quận 12 và huyện Hóc Môn.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết tiêu chí xác định điểm đen là tình hình TNGT xảy ra trong 01 năm thuộc một trong các trường hợp sau: 02 vụ TNGT có người chết; 03 vụ tai nạn trở lên, trong đó có 01 vụ có người chết; 04 vụ tai nạn trở lên nhưng chỉ có người bị thương.
Về kế hoạch xóa các điểm đen TNGT năm 2020, Sở GTVT sẽ chủ trì, phối hợp với Công an TP, UBND các quận - huyện và các sở - ban - ngành liên quan tập trung triển khai các giải pháp thông qua việc xây dựng kế hoạch chi tiết đối với từng điểm.
Đối với giải pháp công trình: Tập trung đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các dự án giao thông theo quy định; đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng; nhanh chóng thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Đối với giải pháp phi công trình: Tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, hiệu quả; bảo trì hệ thống hạ tầng đường bộ hiện hữu; cải tạo kích thước hình học, lắp đặt bổ sung hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông, dải phân cách...
Đồng thời, các đơn vị chức năng tăng cường công tác xử lý vi phạm; công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông; phối hợp xử lý các sự cố thông qua các nhóm phản ứng nhanh của TP.
Ngoài ra, tại các khu vực điểm đen, Sở sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong xử phạt như bổ sung camera giám sát, xử phạt nguội. Để tiếp tục kéo giảm TNGT, hạn chế tối đa phát sinh điểm đen mới, Sở GTVT đã đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi, xử lý các bất cập về hạ tầng tại khu vực điểm đen đã xóa; phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở GTVT triển khai các giải pháp theo phân công.
Bên cạnh đó, lực lượng CSGT và Công an các quận - huyện cũng tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt, đặc biệt tại các điểm đen TNGT.
Xây dựng GIS cho hệ thống thoát nước
Cũng theo báo Pháp Luật TP, UBND TP đã duyệt văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật khu vực xây dựng hệ thống thông tin địa lý (GIS) cho hệ thống thoát nước TP. Dự án này thuộc chương trình “Thành phố tương lai toàn cầu”. Dự án sử dụng vốn vay ODA không hoàn lại của Chính phủ Vương quốc Anh và Bắc Ireland thông qua quỹ thịnh vượng của hai Vương quốc này.
Với tổng kinh phí khoảng 75 tỉ đồng, dự án nhằm tăng cường khả năng quản lý hệ thống thoát nước TP bằng thiết lập hệ thống quản lý trên nền tảng GIS. Nền tảng này sẽ hỗ trợ nâng cao khả năng ứng phó và phục hồi khi có ngập nước; giảm tình trạng ngập; giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực do ngập... Thời gian thực hiện dự án từ nay đến năm 2022.
Ngoài ra, UBND TP cũng vừa giao Sở TN&MT tiếp tục quản lý, vận hành 16 trạm quan trắc tự động chất lượng nước thải sau xử lý tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao cho đến khi có quyết định chuyển giao.
Quy trình quản lý, vận hành hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước thải sau xử lý tại các khu này vẫn tiếp tục áp dụng theo Quyết định số 1400/QĐ-TNMT-KH ngày 2-6-2016 của Sở TN&MT. UBND TP sẽ quyết định việc chuyển giao đơn vị quản lý, vận hành 16 trạm quan trắc tự động nói trên sau khi có ý kiến của Bộ TN&MT.
Lắp camera ở chợ để phát hiện vi phạm vệ sinh nơi công cộng
Thông tin trên Báo Pháp Luật TP, UBND TP vừa có Công văn yêu cầu UBND các quận - huyện rà soát, xác định các vị trí, khu vực thường xuyên hoặc có nguy cơ vi phạm về công tác bảo vệ môi trường như chợ, trường học, bệnh viện, khu đất trống,… để lắp đặt bổ sung camera, thiết bị ghi hình. Ngoài những camera giám sát sẵn có do địa phương quản lý, cần tận dụng thêm nguồn camera từ các hộ gia đình trong khu vực để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm…
Đồng thời, UBND TP cũng yêu cầu UBND các quận, huyện triển khai hệ thống tiếp nhận và xử lý nhanh thông tin phản ánh của người dân qua hình ảnh, tin nhắn, thư điện tử và điện thoại liên quan đến vi phạm vệ sinh nơi công cộng.
UBND TP yêu cầu công an TP chỉ đạo lực lượng Cảnh sát môi trường phối hợp với Công an các quận - huyện hướng dẫn và hỗ trợ công an xã, phường... lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng. Qua đó, xác minh nhân thân, lai lịch, hành vi của người vi phạm thông qua hình ảnh trích xuất từ camera để tham mưu, đề xuất UBND các cấp xử phạt theo thẩm quyền.
Sở TN&MT TP phối hợp cùng UBND các quận - huyện và các Sở - ngành liên quan nghiên cứu các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, báo cáo đề xuất các giải pháp trình UBND TP có ý kiến chỉ đạo kịp thời.
Trước đó, UBND TP đã có công văn chỉ đạo quận, huyện, sở ngành triển khai giải pháp sử dụng camera an ninh, camera giao thông để lập biên bản vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng.
Chia sẻ điều tích cực
“Đà Nẵng cố lên. Xứ Quảng cố lên. Việt Nam chiến thắng!”, dòng chia sẻ của một Facebooker nhanh chóng thu hút nhiều lượt like và chia sẻ. Vài dòng thông tin không thể giải quyết hết tình hình dịch bệnh, nhưng nó giữ cho lòng người không xô lệch, hoang mang và người trẻ có cách truyền tải niềm tin để lan tỏa tới cộng đồng trạng thái tích cực nhất có thể. Nội dung đăng tải trên báo Sài Gòn Giải Phóng.
Mặc dù TP. Hồ Chí Minh chưa quá căng thẳng để đi đến những quyết định như giãn cách hay cách ly xã hội như thời gian trước, nhưng cũng đã có sự chuẩn bị kỹ càng. Đọc thông tin trên báo, Thu Trang (25 tuổi, chủ cửa hàng thời trang tại quận 5) chia sẻ: “Từ hôm dịch tới giờ, tôi duy trì luôn phần mềm quản lý và bán hàng online cho tiệm quần áo, để nhân viên tư vấn size qua livestream cho khách. Bây giờ, doanh thu online cũng không thua gì khách mua trực tiếp, nếu tình hình có căng thẳng như trước đây thì vẫn bán ổn định qua online, không phải loay hoay tìm cách xoay xở”.
Là giáo viên dạy đàn piano kiêm yoga, công việc buộc phải hướng dẫn trực tiếp học viên, nhưng Nguyễn Thu Hoài (26 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) không hề lo lắng. Thu Hoài chia sẻ: “Tôi cũng mới đến lớp dạy lại hơn 2 tháng nay thôi, lúc dịch bệnh, tôi và các học viên đã quen với cách dạy và học online. Bây giờ, cảm thấy chủ động lắm, dù là dạy trực tiếp hay online. Nếu tình hình dịch bệnh có căng thẳng, tôi và các học viên vẫn duy trì được buổi học”.
Thay vì điệp khúc “toang” khi phát hiện những ca nhiễm mới như trước đây, người trẻ khi tham gia vào mạng xã hội đã ý thức hơn trước việc chia sẻ thông tin. Kêu gọi mọi người duy trì thói quen đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, cập nhật thông tin chính thống về các ca bệnh… là những điều dễ thấy trên trang cá nhân của các bạn trẻ.
Không chỉ riêng các bạn trẻ, nhiều tổ chức đoàn thể, hội nhóm cũng bắt đầu đăng tải thông tin chính thống về các ca nhiễm, chia sẻ lại cách rửa tay, đeo khẩu trang đúng cách lên mạng xã hội, để tránh trường hợp nhiều người hoang mang bởi fake news (tin giả).
Với tâm thế sẵn sàng, bình tĩnh và chia sẻ, nhiều người trẻ đã chuẩn bị bước vào giai đoạn khó khăn sắp tới với tinh thần lạc quan.