TPHCM hướng ra biển Cần Giờ
Báo Người Lao Động đưa tin, tại Hội thảo "TPHCM - Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế" do UBND TP phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 30/3, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan nhấn mạnh, mô hình phát triển trong tương lai của TPHCM cần đặt ra định hướng kết nối vùng một cách quyết liệt, đầy đủ hơn nữa để tận dụng và phát triển kinh tế biển, cảng biển gắn với chuỗi đô thị biển mang tầm vóc quốc tế trong phần đất và biển của TP.
Trong đó, vịnh Cần Giờ (huyện Cần Giờ) là cơ hội để tạo ra bước ngoặt, thay đổi phương thức và mô hình phát triển của TP; chuyển từ phát triển chủ yếu dựa vào đất đai sang phát triển dựa vào biển.
PGS-TS Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường - ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng cho rằng chuỗi đô thị biển Vũng Tàu - Cần Giờ - Gò Công tại vịnh Cần Giờ tạo "mặt tiền" biển để chủ động đón nhận các cơ hội phát triển kinh tế biển giá trị gia tăng cao và giao dịch hàng hải quốc tế, làm bàn đạp cho TP trở thành một TP "cửa ngõ" kết nối mạnh hơn nữa với khu vực và quốc tế.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ủng hộ TPHCM lấy biển Cần Giờ để khai thác kinh tế biển. Tuy nhiên, Ông cho rằng, TP cần có định hướng cụ thể để không ảnh hưởng đến môi trường và phát triển bền vững. Nhất là, cần tiếp cận theo hướng liên kết vùng, hình thành một hệ sinh thái biển cộng sinh, nương nhờ vào nhau để hoạt động.
Tiếp nhận 1,45 tỷ USD kiều hối trong 3 tháng đầu năm 2021
Theo Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, trong 3 tháng đầu năm 2021, lượng kiều hối chuyển về thành phố đạt 1,45 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2020. Nội dung trên báo Hà Nội Mới.
Lượng kiều hối này không chỉ giúp nhiều người dân có thêm vốn kinh doanh, sản xuất, mà còn giúp TP có thêm nguồn thu ngoại tệ ổn định, tăng nguồn dự trữ ngoại hối, góp phần cân đối trong cán cân thương mại.
TPHCM hiện đang có gần 2 triệu kiều bào sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Để tạo thuận lợi cho kiều bào chuyển tiền về nước, đơn giản hóa giao dịch chi trả cho thân nhân, TP đã triển khai thêm các phương thức thanh toán bằng công nghệ.
Cùng với đó, hàng năm, TP đều tổ chức các buổi lắng nghe kiều bào đóng góp ý tưởng ở các lĩnh vực để thu hút, tận dụng nguồn tri thức, kinh nghiệm của người Việt ở nước ngoài, chung tay giải quyết các vấn đề nóng của TP.
Tháng 3, chỉ số giá tiêu dùng giảm 0,33%
Vietnamplus cho hay, theo Cục Thống kê TPHCM, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2021 của TP giảm 0,33% so với tháng trước.
Cụ thể, trong tháng 3 có 3/11 nhóm tăng gồm nhóm giao thông, nhóm giáo dục tăng và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch; các nhóm hàng còn lại đều giảm so tháng trước, giảm cao nhất là nhóm thực phẩm (giảm 2,41%).
Nguyên nhân chính nhóm thực phẩm giảm mạnh là nhu cầu sử dụng của người dân trở lại mức bình thường sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, các mặt hàng thực phẩm có mức giảm khá cao.
Tương tự, do ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng giảm 0,09% so với tháng trước, giá điện sinh hoạt giảm 0,56%, giá nước sinh hoạt giảm 0,10%, gas và các loại chất đốt tăng 1,43%.
Riêng nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,13% so với tháng trước do các chương trình khuyến mãi và điều chỉnh giá bán đối với các mặt hàng cũ. Một số mặt hàng tăng giá do giá đầu vào tăng, hết chương trình khuyến mãi.
Ở chiều ngược lại, đáng chú ý có nhóm giao thông tăng 2,04% so tháng trước. Cụ thể, phương tiện đi lại tăng 0,02%, nhóm nhiên liệu tăng 5,76% chủ yếu do tác động của việc hai lần điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày giờ ngày 25/02/2021 và ngày 12/02/2021.
Đề xuất đưa nhóm nhân viên làm việc tại sân bay vào đối tượng tiêm vắc xin Covid-19 đợt đầu
Thông tin khác trên báo Người Lao Động, ngày 30/3, UBND TP đã có công văn khẩn gửi Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Ngoại giao về một số đề xuất trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.
Theo đó, UBND TP đề xuất đưa nhóm nhân viên làm việc trong sân bay, có tiếp xúc với hành khách vào đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 đợt đầu.
Việc này nhằm tăng cường mức độ an toàn cho một cơ sở trọng yếu trong hoạt động kinh tế, giao thông của TPHCM cũng như cả nước, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ, không để cho dịch xảy ra ở Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Đề xuất này trên cơ sở đánh giá các yếu tố nguy cơ ở khu vực này. TPHCM cũng đã từng phát hiện ổ dịch Covid-19 từ nhóm nhân viên bốc xếp hàng hóa tại sân bay.
UBND TP HCM cũng đề xuất Ban Chỉ đạo quốc gia cấp bổ sung 6.000 liều vắc xin phòng Covid-19 cho TP HCM để kịp thời tổ chức tiêm trong đợt đầu cho nhóm nguy cơ cao nêu trên.
Hỗ trợ phương tiện sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Trang tin điện tử Đảng bộ TPHCM cho hay, ngày 30/3, Hội Chữ thập đỏ TP đã tổ chức chương trình trao quà và hỗ trợ phương tiện sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 tại các khu vực bị phong tỏa trên địa bàn TP vừa qua.
Theo đó, chương trình đã trao tặng 200 suất quà là các nhu yếu phẩm (mỗi suất trị giá 500.000 đồng) cho 20 địa điểm, mỗi địa điểm bị phong tỏa là 10 suất. Bên cạnh đó, chương trình cũng hỗ trợ phương tiện sinh kế theo nhu cầu trị giá 100 triệu đồng đến 20 hoàn cảnh khó khăn nhất (mỗi suất 5 triệu đồng).
Tổng trị giá hỗ trợ của chương trình là 200 triệu đồng, từ nguồn tài trợ của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Từ ngày 1/4, đặt cân, rào chắn để phạt xe quá tải
Trao đổi với báo Pháp Luật TP, đại diện Phòng CSGT (PC08) Công an TP cho biết sẽ triển khai cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với xe chở hàng vượt quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên địa bàn từ ngày 1/4 đến 31/12.
Theo đó, PC08 sẽ bố trí lực lượng xử lý ở các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trọng điểm, các tuyến đường thường xuyên có xe chở quá tải hoạt động, các tuyến vận tải hàng hóa từ các cảng, bến, bãi, nhà ga; địa bàn khu vực khai thác khoáng sản, mỏ cát, đá, nhà máy sản xuất xi măng, gạch, thép...
Các lỗi vi phạm được CSGT tập trung kiểm tra, xử lý là chở hàng vượt quá tải trọng thiết kế của xe, quá tải trọng của cầu, đường; quá khổ giới hạn của xe, cầu đường mà không có giấy phép lưu hành do cơ quan có thẩm quyền cấp; tự ý cải tạo, thay đổi kích thước thành, thùng xe; xe ô tô vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng vi phạm các quy định khi tham gia giao thông.
Trường hợp chủ xe giao xe hoặc để cho người làm công, người đại diện lái xe thực hiện các hành vi vi phạm nêu trên cũng sẽ bị xử phạt theo Điều 30 Nghị định 100/2019.
PC08 sẽ khảo sát các tuyến đường có mặt đường rộng, thuận tiện cho việc đặt thiết bị cân tải trọng, đặt rào chắn, cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng để hình thành khu vực kiểm tra, xử lý vi phạm.
Đối với trường hợp vi phạm, lực lượng CSGT sẽ lập biên bản, tạm giữ các loại giấy tờ, phù hiệu xe tải, tem kiểm định có liên quan đến tài xế, phương tiện, hàng hóa.
CSGT cũng yêu cầu chủ xe, lái xe có trách nhiệm hạ tải, bảo quản hàng hóa theo quy định, sau khi bảo đảm trọng tải theo quy định mới cho xe tiếp tục lưu hành (trừ trường hợp phải tạm giữ xe theo quy định).
Nam tiếp viên hàng không lãnh 2 năm tù treo vì làm lây lan Covid-19
Báo SGGP cho biết, ngày 30/3, TAND TP mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Dương Tấn Hậu (SN 1992, tiếp viên hàng không hãng Vietnam Airlines) về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác”. Xét nhiều tình tiết giảm nhẹ, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tuyên phạt bị cáo 2 năm tù treo, thời gian thử thách là 4 năm và không bị phạt tiền.
Trước đó, Hậu bị VKSND TP đề nghị mức án 2-3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm, phạt 50 triệu đồng. Tuy nhiên, HĐXX xét thấy bị cáo là lao động chính trong gia đình nên tòa không áp dụng hình phạt tiền.
Theo cáo trạng, ngày 14/11/2020, sau khi phục vụ trên chuyến bay từ Nhật Bản về nước, Dương Tấn Hậu được đưa đi cách ly tại cơ sở cách ly tập trung của Vietnam Airlines khu vực phía Nam. Tại đây, tiếp viên này đã tiếp xúc với N.T.H và N.T.T.N, sau này được xác định nhiễm virus corona.
Khi được chuyển về tự cách ly tại nơi lưu trú ở số 50 Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình, Hậu đã nhiều lần tiếp xúc với L.M.S và rời khỏi nơi cư trú đi lại nhiều nơi ở TP. Sau đó, L.M.S về nhà tại quận 6, nhiều lần tiếp xúc với cháu H. (2 tuổi) và đi dạy ngoại ngữ tại Trung tâm Anh ngữ Key English (quận 10) tiếp xúc với học viên N.T. T., khiến cho 2 người này nhiễm Covid-19.
Xử lý nghiêm tài xế gây rối tại trạm thu phí xa lộ Hà Nội
Theo báo Công an TP, ngày 30/3, lãnh đạo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP (PC08) cho biết, nhằm giữ gìn trật tự an toàn giao thông (TTATGT), bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, giữ vững ổn định trật tự trị an, PC08 sẽ chủ động bố trí lực lượng thực hiện công tác điều tiết, phân luồng giao thông, tuần tra kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; giải quyết tình trạng phức tạp về trật tự giao thông (TTGT), đảm bảo an ninh, an toàn tại khu vực Trạm thu phí Xa lộ Hà Nội và các địa bàn giáp ranh, liền kề.
Đặc biệt, PC08 cũng sẽ phối hợp chặt chẽ cùng Công an TP Thủ Đức đảm bảo không để xảy ra tình trạng tụ tập, dừng phương tiện cản trở gây mất an ninh trật tự, TTATGT.
Khi phát hiện có hoạt động gây mất ATGT tại Trạm thu phí, đơn vị quản lý địa bàn chủ động bố trí lực lượng phân luồng, điều tiết giao thông đảm bảo TTATGT tại khu vực và các tuyến xung quanh. Phối hợp với đơn vị quản lý, tiến hành xả Trạm trong trường hợp lưu lượng xe đông gây ùn ứ giao thông kéo dài hoặc có nguy cơ gây ùn tắc cục bộ.
Lãnh đạo PC08 kêu gọi đội ngũ tài xế lái xe chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ, tránh tình trạng tụ tập, dừng phương tiện cản trở gây mất ANTT, TTATGT khi qua trạm thu phí.
Đồng thời, quán triệt cán bộ chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm, đúng, đầy đủ, hiệu quả các nội dung công tác được phân công; chấp hành nghiêm điều lệnh, giữ đúng tư thế, tác phong, ngôn phong; triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung, biện pháp, giải pháp đã đề ra một cách nhịp nhàng, nhuần nhuyễn.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)