Gò Vấp lập 10 chốt kiểm soát, trắng đêm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19
Thực hiện lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 31/5, UBND quận Gò Vấp đã phối hợp với các cơ quan liên quan lập chốt kiểm soát phương tiện giao thông ra vào quận. Người dân không được ra khỏi quận, trừ các trường hợp được phép theo Chỉ thị.
Những chốt được lập ở các cửa ngõ của quận Gò Vấp, gồm: Cầu thép An Phú Đông - phường 5, cầu An Lộc - phường 17, cầu Bến Phân - phường 15, cầu Trường Đai - phường 13, cầu Chợ Cầu - phường 14, số 399 Tân Sơn - phường 12, Phan Huy Ích - phường 14, ngã tư Phan Văn Trị - Phạm Văn Đồng - phường 1, Lê Quang Định - phường 1, góc Phạm Văn Đồng - Công viên Gia Định. Mỗi chốt về cơ bản sẽ có các lực lượng công an, dân quân, bảo vệ dân phố, cán bộ y tế, đảm bảo đủ lực lượng chia làm 3 ca để trực 24/24 giờ. Những chốt này đặt ở các cửa ngõ giáp ranh giữa quận Gò Vấp và các địa bàn khác để kiểm soát xe ra vào quận.
Ghi nhận của phóng viên báo Người Lao Động, tại chốt kiểm soát đặt ở đường Lê Đức Thọ giáp với quận 12, hàng rào chắn được lập nên vào đúng nửa đêm. Các xe chở hành khách như taxi, grab, phương tiện di chuyển cá nhân đều không được phép ra - vào. Những ai có lộ trình đi ngang tuyến đường này đều được lực lượng chức năng hướng dẫn chuyển sang những đường khác.
Trong khi đó, nhiều khu vực trên địa bàn Gò Vấp cũng đang lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV2 suốt đêm. Tại Khu chung cư Hà Kiều, phường 5, quận Gò Vấp, từ hơn 18 giờ cho đến quá nửa đêm, các nhân viên y tế vẫn đang miệt mài lấy mẫu xét nghiệm tại một nhà sinh hoạt cộng đồng. Ước tính, số mẫu phải lấy của người dân cư ngụ ở chung cư và các vùng lân cận có thể lên đến vài ngàn mẫu.
Ba bệnh viện có bệnh nhân COVID-19 hoạt động trở lại
Báo Tiền Phong thông tin, ngày 31/5, ba bệnh viện có ca mắc COVID-19 tại TPHCM sau thời gian tạm ngưng hoạt động đã nhận bệnh trở lại.
Cụ thể, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn (Q.Phú Nhuận) đã hoàn tất toàn bộ công tác khử khuẩn, ra soát quy trình sàng lọc, phân luồng đảm bảo an toàn cho người bệnh đến khám tại bệnh viện theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) và Sở Y tế. Bệnh viện được công bố an toàn và mở cửa đón bệnh đến khám và điều trị từ ngày 31/5.
Còn tại Bệnh viện quận Tân Phú, lãnh đạo Bệnh viện cho hay, sau khi có 3 người bệnh đến Bệnh viện khám và có kết quả dương tính với COVID-19, bệnh viện đã khử khuẩn nhiều lần ở tất cả các khoa phòng. Sau khi cơ quan chức năng kiểm tra lại, trong ngày 31/5, bệnh viện quận nhận bệnh nhân bình thường trở lại.
Tương tự, Bệnh viện quận Bình Thạnh cũng đã hoạt động bình thường trở lại từ chiều ngày 29/5. Trước đó, Bệnh viện quận Bình Thạnh tiếp nhận lần lượt 3 bệnh nhân đến khám có những triệu chứng liên quan đến COVID-19, sau khi gửi mẫu xét nghiệm đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, kết quả cho thấy cả 3 dương tính với COVID-19.
Tiếp nhận hơn 2.177 tỉ đồng ủng hộ mua vắc-xin phòng dịch Covid-19
Theo báo Người Lao Động, ngày 30/5, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ - Ban Vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ Phòng chống dịch Covid-19 TP cho biết đã tiếp nhận đăng ký ủng hộ để mua vắc-xin phòng dịch Covid-19 với số tiền hơn 2.177 tỉ đồng, trong đó ủng hộ 510 tỉ đồng góp cùng cả nước trong nguồn mua vắc-xin.
Trong 2 ngày 29 và 30/5, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ - Ban Vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ Phòng chống dịch Covid-19 TP đã chi 915 triệu đồng để hỗ trợ các lực lượng tham gia trực tại 183 chốt phong tỏa trên địa bàn TP Thủ Đức và 16 quận huyện.
Đồng thời, ủy thác 15 thùng khẩu trang người lớn, 7 thùng khẩu trang em bé và 5 thùng đồ bảo hộ cho Thành đoàn TP với tổng trị giá hơn 46 triệu đồng để các đoàn viên tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại các chốt của quận 12, quận Tân Phú, quận Gò Vấp và huyện Hóc Môn.
Nhiều tỉnh cách ly người về từ TPHCM
Một thông tin khác trên Zing News cho biết, trước diễn biến dịch Covid-19 tại TPHCM, nhiều tỉnh thành miền Trung ra thông báo yêu cầu cách ly tập trung người về từ TPHCM và dừng các hoạt động vận chuyển hành khách qua lại.
Tại Khánh Hòa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) yêu cầu người về từ quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc (quận 12) từ 0h ngày 31/5 và các điểm đang phong tỏa khác tại TPHCM phải thực hiện cách ly tập trung 21 ngày. Đồng thời, thực hiện các biện pháp chống dịch áp dụng cho F1 theo quy định. Người về từ các quận, huyện còn lại của TP nếu không có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 thì cách ly tại nhà trong 14 ngày kể từ ngày cuối rời khỏi địa điểm trên.
Cùng ngày, UBND tỉnh Bình Định có công văn hỏa tốc yêu cầu từ 0h ngày 31/5 sẽ cách ly y tế tập trung 21 ngày đối với người về từ các điểm dịch và vùng phong tỏa theo Chỉ thị 16 tại TPHCM. Địa phương này cũng áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà theo quy định (14 ngày) đối với người về từ các khu vực còn lại thuộc TPHCM.
Các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Thừa Thiên - Huế và Đắk Lắk cũng yêu cầu dừng hoạt động vận chuyển hành khách tuyến cố định, xe du lịch, xe hợp đồng, taxi đi TPHCM và ngược lại. Lãnh đạo các tỉnh này còn yêu cầu các phương tiện đang trên hành trình đi TPHCM và ngược lại nhanh chóng giải tỏa khách; yêu cầu lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và hành khách đi xe nghiêm túc thực hiện khai báo y tế.
Tạm dừng cấp CCCD gắn chip lưu động
Tối 30/5, trả lời phóng viên báo Zing news, lãnh đạo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TPHCM (PC06) cho biết sẽ tạm dừng cấp căn cước công dân gắn chip lưu động trên toàn địa bàn TP.
Việc tạm ngưng này bắt đầu từ chiều 30/5 đến khi có thông báo mới. Động thái này được đưa ra khi TP thực hiện giãn cách xã hội nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Theo Phòng PC06, Công an TP Thủ Đức và các quận, huyện vẫn duy trì một điểm cấp căn cước công dân gắn chip tại trụ sở, ưu tiên cấp các trường hợp bị mất thẻ, thẻ hết hạn sử dụng. Tuy nhiên, hoạt động này phải đảm bảo được công tác phòng, chống dịch Covid-19.
TPHCM là một trong 10 địa phương trọng điểm được Bộ Công an chỉ đạo, giao chỉ tiêu phấn đấu đến ngày 30/4/2021 phải hoàn thành việc cấp CCCD cho hơn 4,1 triệu nhân khẩu, trong đó, hơn 2,7 triệu người thường trú, hơn 1,4 triệu người tạm trú.
Từ đầu tháng 1/2021, Công an TP.HCM đã bắt đầu triển khai cấp CCCD gắn chip tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP Thủ Đức và các quận, huyện.
Doanh thu bán lẻ dịch vụ đạt hơn 456 ngàn tỉ đồng
Theo báo Pháp Luật TP, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm tháng đầu năm của TPHCM ước hơn 456 ngàn tỉ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.
Chia theo ngành, thương nghiệp có doanh thu năm tháng hơn 255 ngàn tỉ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ nhóm hàng lương thực, thực phẩm ước hơn 43,4 ngàn tỉ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.
Dịch vụ lưu trú và ăn uống có doanh thu ước hơn 32 ngàn tỉ đồng, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm trước. Riêng doanh thu du lịch, lữ hành ước đạt 2, 6 ngàn tỉ đồng, giảm 37,3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của Cục Thống kê TPHCM, làn sóng COVID-19 lần thứ 4 xuất hiện trong tháng 5, thành phố đã tăng cường công tác kiểm tra giám sát nhằm ngăn chặn dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Một số dịch vụ văn hóa, giải trí, cơ sở kinh doanh dịch vụ tạm đóng cửa nhưng các hình thức mua bán trực tuyến, mua mang về được khuyến khích thực hiện nhằm hạn chế các thiệt hại của người kinh doanh.
Đến thời điểm này thành phố vẫn duy trì được mục tiêu kép phòng chống dịch bệnh và duy trì tăng trưởng kinh tế. Doanh thu các hoạt động bán buôn, bán lẻ đều có xu hướng tăng cao so với tháng trước.
Vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng
Báo SGGP cho hay, UBND TPHCM vừa báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 06/2014 của Chính phủ về biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Trong đó, UBND TPHCM đề nghị bổ sung hình thức vận động quần chúng trên không gian mạng vào Điều 7 của nghị định này, nhằm khai thác triệt để ưu điểm do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.
Theo đánh giá của UBND TPHCM, trong thời gian thực hiện Nghị định 06, TPHCM đã xuất hiện những tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu đóng góp cho phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng chống tội phạm. Nhiều mô hình tự quản, tự phòng về an ninh trật tự có hiệu quả thiết thực như camera giám sát, tổ xe ôm tự quản, dân phòng tự quản, nhà trọ tự quản... Cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân đã nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến rõ nét về an ninh trật tự, giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma túy, tai nạn giao thông.
Dù vậy, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng ở một số địa phương vẫn chưa thường xuyên, sâu rộng. Vì thế một bộ phận người dân còn chủ quan, sơ hở, mất cảnh giác, không tự bảo vệ tài sản, tạo điều kiện cho tội phạm hoạt động. Năng lực của một bộ phận cán bộ, hội viên, đoàn viên các ban ngành đoàn thể phụ trách công tác nắm bắt dư luận xã hội còn hạn chế, đặc biệt là nắm bắt thông tin qua mạng xã hội. Trong khi xu thế hiện nay các đối tượng đều lợi dụng không gian mạng để hoạt động.
Tiếp tục cắt giảm 100% lễ động thổ, khởi công
Một thông tin khác trên báo Người Lao Động cho hay, UBND TP vừa có quyết định ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 nhằm phát huy cao nhất mọi nguồn lực hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội...
Theo đó, UBND TP yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao; bảo đảm chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả. Trong đó, lưu ý rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết; hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, lễ hội, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, dành nguồn lực phòng chống, khắc phục hậu quả của dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu và thực hiện cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội.
Tiếp tục thực hiện cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A, công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương.
Quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo. Tập trung ưu tiên cho giáo dục phổ cập và tiếp tục kiên cố hóa trường học. Cùng với đó, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực phát triển hệ thống y tế; có chính sách giám sát, nâng cao hiệu quả trong việc cung ứng trang thiết bị, thuốc và vật tư y tế; tăng cường kiểm soát chi phí khám chữa bệnh...
Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)