Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 31/8/2021

09:49 31/08/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 31/8

Dừng cấp giấy nhận diện cho xe chở hàng

Báo Thanh Niên đưa tin, Sở GTVT TP vừa có văn bản khẩn hướng dẫn đăng ký nhận giấy nhận diện phương tiện có mã QR.

Theo đó, các đơn vị, chủ phương tiện vận tải hàng hóa  thực hiện việc đăng ký, sử dụng Giấy nhận diện có mã QR thông qua địa chỉ https://vantai.drvn.gov.vn, theo quy định tại Công văn số 6102 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Việc đăng ký để nhận Giấy nhận diện này được thực hiện tự động (các Sở GTVT không phê duyệt như trước đây).

Đặc biệt, Sở GTVT dừng tiếp nhận, cấp Giấy nhận diện có mã QR cho phương tiện vận tải hàng hóa, vận chuyển công nhân, chuyên gia, thông qua các đơn vị đầu mối.

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản khẩn hướng dẫn đăng ký nhận giấy nhận diện phương tiện có mã QRẢNH: TRẦN TIẾN
Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản khẩn hướng dẫn đăng ký nhận giấy nhận diện phương tiện có mã QRẢNH: TRẦN TIẾN

Đối với các phương tiện vận chuyển công nhân, chuyên gia, nhân viên cơ quan, doanh nghiệp không được cấp mã QR phải có 1 người ngồi trên xe có Giấy đi đường theo quy định. Người ngồi trên xe phải có giấy tờ chứng minh cùng cơ quan, công ty, doanh nghiệp...

Người điều khiển phương tiện và người đi cùng trên phương tiện phải thực hiện khai báo y tế qua địa chỉ website https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn trước khi tham gia giao thông để phòng ngừa ùn tắc giao thông, góp phần phòng chống dịch Covid-19 có hiệu quả.

Đề xuất bổ sung đối tượng nhận gói hỗ trợ COVID-19 với hơn 9.247 tỉ đồng

Cũng trên báo Thanh Niên, Sở LĐ-TB&XH TP đã có tờ trình khẩn đề xuất bổ sung đối tượng gặp khó khăn nhận gói hỗ trợ COVID-19 trên địa bàn TPHCM, với tổng số tiền hơn 9.247 tỉ đồng.

Sở LĐ-TB&XH cũng nêu rõ trong tờ trình, đề xuất bổ sung hỗ trợ cho nhóm đối tượng lao động tự do trong thời gian TP thực hiện Chỉ thị 16. Đồng thời, bổ sung số lượng lao động tự do, dự kiến là 1.107.554 lượt người (con số này bằng số lao động phát sinh tăng của đợt 1 cộng với số lao động dự kiến của đợt 2). Dự kiến ban đầu, số lượng lao động tự do được hỗ trợ theo Nghị quyết 09 là 230.000 người. Dự toán kinh phí hỗ trợ tăng thêm hơn 1.661 tỉ đồng (mức hỗ trợ 1 lần 1,5 triệu đồng/người). 

Bên cạnh đó, bổ sung thêm 2 nhóm đối tượng được nhận hỗ trợ, gồm: Hỗ trợ cho gần 39.000 người thuộc nhóm đối tượng người có công và thân nhân người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hằng tháng, vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác đang hưởng trợ cấp hằng tháng, đối tượng quân nhân, công an, thanh niên xung phong đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Dự kiến kinh phí hỗ trợ hơn 58 tỉ đồng (mức 1,5 triệu đồng/người).

Đối tượng thứ hai được đề xuất nhận hỗ trợ là nhóm bảo trợ xã hội như: người cao tuổi, người khuyết tật, người khiếm thị; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sống ở cộng đồng, trẻ sống ở các mái ấm ngoài công lập. Dự kiến có gần 158.000 người được hỗ trợ trực tiếp một lần, mức 1,5 triệu đồng/người. Dự toán kinh phí là hơn 236 tỉ đồng. 

TP.HCM tiếp tục đề xuất gói hỗ trợ hơn 9.247 tỉ đồng. Ảnh: LÊ TRỌNG
TP.HCM tiếp tục đề xuất gói hỗ trợ hơn 9.247 tỉ đồng. Ảnh: LÊ TRỌNG

Sở LĐ-TB&XH lưu ý, trường hợp đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ của nhiều chính sách của TP, trong đó có gói hỗ trợ COVID-19, thì chỉ được hưởng 1 diện hỗ trợ cao nhất.

Như vậy, tổng dự toán kinh phí cho các đối tượng trên, là hơn 9.247 tỉ đồng, nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách TPHCM, trong đó có nguồn cải cách tiền lương.

Tăng tốc giao sách giáo khoa tận nhà cho học sinh

Theo báo Tuổi Trẻ, ngày 30/8, bà Phạm Thị Hóa - Phó Tổng giám đốc Công ty Phát hành sách TPHCM (Fahasa) - cho biết có 3 giải pháp để sách giáo khoa được chuyển kịp đến phụ huynh, học sinh, nhà trường là phối hợp với shipper, tận dụng nhân sự có giấy đi đường và đặc biệt hợp tác với các quận đoàn. 

Với 3 phương án đó, dự kiến một ngày sẽ giao được khoảng 1.000 đơn.

Chuẩn bị phục vụ cho năm học 2021-2022, Fahasa có khoảng 1 triệu bộ sách giáo khoa cho tất cả khối lớp. Trừ sách giáo khoa lớp 1, 2, 6 - những lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa các lớp còn lại đã có, sẵn sàng để phục vụ phụ huynh, học sinh.

Nhân viên Công ty CP đầu tư và phát triển giáo dục Phương Nam (Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam) giao sách tận nhà cho phụ huynh ở Gò Vấp (TP.HCM) chiều 30/8 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Nhân viên Công ty CP đầu tư và phát triển giáo dục Phương Nam (Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam) giao sách tận nhà cho phụ huynh ở Gò Vấp (TP.HCM) chiều 30/8 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trong khi đó, Công ty CP đầu tư và phát triển giáo dục Phương Nam (Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam) đã triển khai hệ thống phân phối trực tiếp sách giáo khoa đến các trường, khu dân cư trong khu vực TPHCM. 

“Cụ thể, chúng tôi giao sách tận trường, phụ huynh đến trường nhận. Như thế sẽ nhanh hơn khi giao lẻ. Ngoài ra, chúng tôi lấy một điểm trung chuyển, giao sách tại đó, cán bộ nhân viên có giấy đi đường sẽ hỗ trợ giao đến phụ huynh học sinh, hoặc sẽ gọi shipper công nghệ. 

Hiện nay số đơn hàng online khoảng hơn 5.000 đơn, chỉ mới giao được mấy trăm đơn thôi. Hôm nay phía công ty sẽ tăng tốc” - đại diện Công ty CP đầu tư và phát triển giáo dục Phương Nam thông tin.

Cục Hàng không yêu cầu dừng bán vé bay nội địa, hoàn tiền cho khách

Vietnamplus cho hay, Cục Hàng không Việt Nam vừa yêu cầu các hãng hàng không Vietnam Airlines, Viejet, Tre Việt, Pacific Airlines và Vietravel Airlines tiếp tục thực hiện việc hạn chế số lượng chuyến bay từ các tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, dừng việc mở bán vé trên các đường bay nội địa cho đến khi có thông báo mới.

(Ảnh: CTV/Vietnam+)
(Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đồng thời, các hãng hoàn trả tiền cho hành khách theo đúng kênh hành khách đã thực hiện việc thanh toán vé trên các chuyến bay nội địa được xuất từ sau ngày 21/7/2021 cho đến khi có thông báo mới.

Các chuyến bay chuyên chở hàng hóa thực hiện không hạn chế. Với các chuyến bay nhằm mục đích phòng chống dịch bệnh, phục vụ công tác công vụ, các hãng hàng không lập kế hoạch, báo cáo Cục Hàng không Việt Nam xem xét, giải quyết theo từng trường hợp cụ thể.

Đến hết năm 2021, TPHCM cần khoảng 8,1 triệu liều vaccine để đạt tỷ lệ bao phủ

Thông tin từ báo SGGP, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 vừa có kế hoạch tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 tại TP nhằm đạt mục tiêu cơ bản hoàn thành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên sinh sống trên địa bàn TPHCM (khoảng 7,2 triệu người).

Theo đó, dựa trên yêu cầu bao phủ vaccine cho người dân và quy định của Bộ Y tế về việc tiêm 2 liều vaccine phòng Covid-19, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM xây dựng 4 lộ trình tiêm vaccine, cụ thể:

Nhân viên y tế tiêm vaccine cho người dân
Nhân viên y tế tiêm vaccine cho người dân

Giai đoạn 1: từ ngày 29/8 đến ngày 15/9, tiêm mũi 1 cho khoảng 680.000 người, đạt tỷ lệ bao phủ 90% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1. Tiêm nhắc mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo từng loại vaccine với khoảng 2.089.000 người (733.000 người tiêm vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer, 485.000 người tiêm vaccine Moderna, 31.000 người tiêm vaccine Pfizer, 840.000 người tiêm vaccine Vero Cell). Tổng số lượng vaccine cần sử dụng là 2.769.000 liều.

Giai đoạn 2: từ ngày 16/9 đến ngày 30/9, bao phủ mũi 1 cho 10% còn lại của người từ 18 tuổi trở lên (khoảng 720.000 người). Tiêm nhắc mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo từng loại vaccine, khoảng 656.900 người (500.000 người tiêm vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer, 18.200 người tiêm vaccine Moderna, 700 người tiêm vaccine Pfizer, 138.000 người tiêm bằng vaccine Vero Cell). Tổng số lượng vaccine cần sử dụng là 1.376.900 liều.

Giai đoạn 3: từ ngày 1/10 đến ngày 15/10, tiêm nhắc mũi 2 cho 2.600.000 người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian bằng vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer.  

Giai đoạn 4: từ ngày 16/10 đến ngày 31/12, tiêm nhắc mũi 2 cho 1.400.000 người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo loại vaccine phù hợp (trong giai đoạn từ ngày 29-8 đến ngày 30-9).

Như vậy, tổng cộng số lượng vaccine cần sử dụng từ ngày 29-8 đến ngày 31-12 là khoảng 8.145 900 liều (trong đó, sử dụng cho mũi 1 là khoảng 1.400.000 liều, sử dụng cho mũi 2 là khoảng 6,745.900 liều). 

Thu ngân sách TPHCM vẫn vượt chi dù bị ảnh hưởng dịch COVID-19

Theo Cục Thống kê TP, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa thành phố lũy kế 8 tháng năm 2021 ước thực hiện 255.687 tỷ đồng, đạt hơn 70% dự toán được giao và tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, thu nội địa ước thực hiện 165.682 tỷ đồng, đạt 66,7% dự toán và tăng 12,6% so với cùng kỳ; trong đó, thu từ doanh nghiệp nhà nước ước thực hiện 18.480 tỷ đồng, đạt 68,4% dự toán và tăng 15,4%.

Ngoài ra, thu từ khu vực ngoài nhà nước ước thực hiện 46.726 tỷ đồng, đạt 69% dự toán và tăng 30,5% so với cùng kỳ; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước thực hiện 42.806 tỷ đồng, đạt 69% dự toán và tăng 11,5%.

Trong 8 tháng năm 2021, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu mang về cho Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 80.740 tỷ đồng, đạt 74,8% dự toán và tăng 22,5% so với cùng kỳ. Thu dầu thô ước thực hiện 9.245 tỷ đồng, vượt 8,1% so dự toán, chiếm 3,6% tổng thu cân đối và tăng 18%.

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Trái ngược với tiến độ thực hiện thu ngân sách, hoạt động chi ngân sách trên địa bàn lại đang gặp nhiều khó khăn, tiến độ chi ngân sách đang diễn biến chậm lại do các khoản chi đầu tư khó giải ngân do dịch COVID-19 kéo dài.

Số liệu của Cục Thống kê TP cho biết, tổng chi ngân sách địa phương chưa tính tạm ứng lũy kế 8 tháng năm 2021 ước thực hiện 53.921 tỷ đồng, mới đạt 40,3% dự toán và tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Đối với chi cân đối ngân sách địa phương ước thực hiện 52.019 tỷ đồng, đạt 40% dự toán, chiếm 96,5% tổng chi ngân sách địa phương và tăng 26,5% so với cùng kỳ 2020.

Dù kết quả thu ngân sách đang vượt chi và đạt kết quả khả quan so với dự toán đề ra, song ngành tài chính cũng dự báo hoạt động thu ngân sách trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong những tháng cuối năm. Do dịch kéo dài, hàng loạt doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động để phòng dịch; chưa kể, các chính sách gia hạn thời gian nộp tiền thuế và thuê đất sẽ tác động không nhỏ đến kết quả thu ngân sách.

Đến hết năm 2021, 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng bao bì thân thiện với môi trường

Triển khai thực hiện Chỉ thị 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch về việc tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn TP. Nội dung trên báo Pháp Luật TP.

Theo đó, TPHCM đặt ra yêu cầu phấn đấu đến hết năm 2021, 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng các loại bao bì thân thiện với môi trường phục vụ cho mục đích sinh hoạt, thay thế túi nylon khó phân hủy sinh học. Đồng thời, những tiểu thương tại các chợ dân sinh giảm 50% sử dụng bao bì nylon khó phân hủy sinh học trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho người tiêu dùng.

TP phấn đấu đến năm 2030, hạn chế tối đa việc sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa dùng một lần.

Saigon Co.op đã thay thế 100% túi nylon khó phân hủy sinh học bằng túi nylon thân thiện với môi trường. Ảnh: CHÂU NGUYÊN
Saigon Co.op đã thay thế 100% túi nylon khó phân hủy sinh học bằng túi nylon thân thiện với môi trường. Ảnh: CHÂU NGUYÊN

Để giảm thiểu chất thải nhựa, TP cũng yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức xã hội… phải gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu, tái sử dụng chất thải nhựa.

Đồng thời, yêu cầu các cơ quan, đơn vị không sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa dùng một lần (chai lọ nhựa, ống hút nhựa, hộp xốp đựng thực phẩm, tô nhựa, chén nhựa, ly nhựa) tại công sở, hội nghị, hội thảo, hội họp và các ngày lễ, ngày kỷ niệm, sự kiện khác trên địa bàn.

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục