Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 3/6/2021

10:09 03/06/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 3/6:

Hỗ trợ khẩn cấp cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Ngày 2/6, trả lời báo Hà Nội Mới, ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM cho biết, vừa ban hành kế hoạch về chi hỗ trợ khẩn cấp cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư.

Theo đó, Liên đoàn Lao động TP đang triển khai các hoạt động để hỗ trợ cho người lao động, công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp chịu ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch lần này.

Nhiều trường hợp người lao động khó khăn đã được đưa vào kế hoạch hỗ trợ gồm: Người lao động có thu nhập dưới 5.000.000 đồng/tháng hoặc đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi; lao động mắc bệnh hiểm nghèo; lao động chính phải nuôi con, chăm sóc cha mẹ không có thu nhập.

Quà hỗ trợ người lao động Công ty Nhà bếp Vina đang cách ly tại nhà máy để phòng, chống dịch Covid-19.
Quà hỗ trợ người lao động Công ty Nhà bếp Vina đang cách ly tại nhà máy để phòng, chống dịch Covid-19.

Ngoài ra, các lao động phải ngừng việc do thu hẹp sản xuất, phong tỏa, cách ly hoặc bị mất việc làm, tạm hoãn hợp đồng từ 1 tháng trở lên cũng thuộc diện được hỗ trợ.

Mức hỗ trợ dự kiến từ 500.000 đến 3.000.000 đồng tùy trường hợp. Các trường hợp người lao động là F0 phải điều trị sẽ được hỗ trợ tối đa 3.000.000 đồng.

Ông Hồ Xuân Lâm cho biết, Liên đoàn Lao động TP đang phối hợp với các cấp công đoàn, các tổ công nhân tự quản... tổng hợp các trường hợp người lao động là F0, F1, F2... để có phương án hỗ trợ kịp thời trong thời gian xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.

Tăng cường nhân lực, phương tiện cấp cứu theo phương châm “4 tại chỗ”

Theo báo Người Lao Động, sáng 2/6, Sở Y tế TP phát công văn khẩn cho bệnh viện, trung tâm y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) về việc khẩn trương rà soát và tăng cường nhân lực cấp cứu, hồi sức tích cực, điều trị người bệnh Covid-19 theo đúng phương châm "4 tại chỗ".

Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP yêu cầu các đơn vị trên phải khẩn trương củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu, đặc biệt là máy thở, hệ thống oxy, thuốc thiết yếu… Đồng thời, nhanh chóng rà soát lại năng lực chẩn đoán, điều trị ca bệnh Covid-19, sẵn sàng cách ly và điều trị người bệnh khi có yêu cầu của Sở Y tế.

Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tăng cường tập huấn cho các ê kíp điều trị nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực và sử dụng máy thở; báo cáo diễn tiến ca bệnh hằng ngày, năng lực cấp cứu, điều trị hằng ngày, hồi sức tích cực…

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 3/6/2021 - Ảnh 1

Nguy cơ phát tán dịch bệnh từ rác thải

Trên báo SGGP, PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm công nghệ môi trường (ENTEC), cho hay, trong bối cảnh dịch Covid-19 phát sinh và lây lan trong cộng đồng thì rác thải sinh hoạt tại khu vực có người mắc hoặc nghi mắc Covid-19 phải được xem là rác thải có nguy cơ lây nhiễm bệnh, cần được thu gom, xử lý như rác y tế. Do đó, trước khi rác thải này được đưa ra khỏi hộ gia đình và khu dân cư bị cách ly cần phải được phun khử khuẩn. Rác thải phải được vận chuyển trên phương tiện khép kín để tránh nguy cơ phát tán mầm bệnh ra cộng đồng, nhất là với virus SARS-CoV-2 biến chủng Ấn Độ có thể lây truyền qua đường không khí.

PGS.TS Phùng Chí Sỹ, bày tỏ lo lắng, việc thu gom rác sinh hoạt tại khu dân cư bị phong tỏa do có người nhiễm hoặc nghi nhiễm bệnh nhưng thiếu che đậy, khử khuẩn… dễ dẫn đến nguy cơ phát tán mầm bệnh ra cộng đồng.

Các chiến sĩ Trường Quân sự Quân khu 7 (quận 12, TPHCM) cẩn thận thu gom, phân loại rác để vào các thùng màu cam chuyên dụng chứa rác độc hại tại khu cách ly. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Các chiến sĩ Trường Quân sự Quân khu 7 (quận 12, TPHCM) cẩn thận thu gom, phân loại rác để vào các thùng màu cam chuyên dụng chứa rác độc hại tại khu cách ly. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Liên quan đến rác thải phát sinh từ khu vực có người mắc hoặc nghi mắc Covid-19, Bộ TN-MT vừa có công văn hỏa tốc khẳng định đây là chất thải y tế và yêu cầu các đơn vị, địa phương phải áp dụng quy trình thu gom, xử lý theo tiêu chí chất thải nguy hại.

Theo Bộ TN-MT, các địa phương phải tăng cường tổ chức thực hiện và giám sát công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch Covid-19 tại địa phương để đảm bảo thực hiện quy định về quản lý chất thải nguy hại và các quy định của pháp luật có liên quan. Trong đó, ưu tiên xử lý chất thải y tế theo mô hình cụm cơ sở y tế và các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế tại địa phương, để đảm bảo khoảng cách thu gom ngắn nhất từ nơi phát sinh tới nơi xử lý.

Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công TNHH MTV Môi trường Đô thị TP, cho biết, hiện nay toàn bộ rác thải y tế tại các bệnh viện, trung tâm và phòng khám đa khoa đều do công ty thu gom, xử lý theo quy trình nghiêm ngặt của chất thải nguy hại. Tuy nhiên, hiện công ty chỉ thu gom rác thải y tế và rác thải sinh hoạt tại khu vực TP thực hiện cách ly tập trung người mắc hoặc nghi mắc Covid-19. Còn với rác thải phát sinh từ quận huyện, những khu vực dân cư bị phong tỏa do có người nghi mắc hoặc mắc Covid-19, công ty không phụ trách thu gom.

Hơn 500 sinh viên trường y tham gia chống dịch Covid-19

Thông tin khác trên báo Người Lao Động, vừa qua, UBND TP yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) phối hợp Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Y dược TP và ĐH Nguyễn Tất Thành huy động hơn 500 sinh viên năm cuối tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, đảm bảo công suất 50.000 mẫu/ngày.

Tối ngày 29/5, 120 sinh viên tình nguyện của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã xuất quân đến quận Gò Vấp, quận 12 hỗ trợ địa phương lấy mẫu xét nghiệm tại khu dân cư. Tối ngày 31/5, có thêm 50 sinh viên được tăng cường hỗ trợ xét nghiệm tại khu dân cư quận Gò Vấp, quận 8. Trước đó, 60 sinh viên trường này đã làm việc tại HCDC từ đầu tháng 5, hỗ trợ điều tra dịch tễ, nhập liệu và quản lý dữ liệu ca bệnh.

PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp, Phó hiệu trưởng điều hành Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đến thăm hỏi, động viên sinh viên, nhân viên y tế tại điểm cách ly của quận 8, TP HCM
PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp, Phó hiệu trưởng điều hành Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đến thăm hỏi, động viên sinh viên, nhân viên y tế tại điểm cách ly của quận 8, TP HCM

Tại Trường ĐH Y dược TP có hơn 200 sinh viên Khoa Y tế công cộng đang phối hợp chống dịch cùng HCDC. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có 91 sinh viên các khoa Y khoa, Y học dự phòng, Điều dưỡng cũng tham gia hỗ trợ HCDC.

ATM gạo vào vùng giãn cách

Báo Tiền Phong đưa tin, ngày 2/6, chiếc máy ATM gạo đầu tiên trong làn sóng dịch thứ 4 đã được đặt tại Trường Mầm non Bông Sen (số 2/2 đường Thạnh Lộc 29, KP.1, P.Thạnh Lộc, quận 12) với số gạo ban đầu là 1 tấn.

“Cha đẻ” ATM Gạo Hoàng Tuấn Anh cho biết, chương trình lần này được Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đứng ra tiếp nhận và kêu gọi ủng hộ gạo. Việc điều hành quy trình lấy gạo sẽ do chính quyền địa phương, Quận đoàn quận 12 tổ chức thực hiện.

Nhận gạo tại ATM gạo ở phường Thạnh Lộc, quận 12, TPHCM. Ảnh: Công an TPHCM Online
Nhận gạo tại ATM gạo ở phường Thạnh Lộc, quận 12, TPHCM. Ảnh: Công an TPHCM Online

Anh Lê Thành Đạt, Phó bí thư Quận Đoàn quận 12, cho biết phường Thạnh Lộc là nơi có nhiều lao động tự do, nhiều hộ khó khăn. Quận đoàn hỗ trợ các tình nguyện viên hướng dẫn bà con đến nhận gạo được an toàn, đảm bảo giãn cách phòng dịch Covid-19. Ban tổ chức ATM gạo cũng đang làm việc với chính quyền quận Gò Vấp để hỗ trợ đặt các ATM gạo trong khu cách ly ở quận này.

Xét nghiệm Covid-19 cho hơn 30.000 công nhân trong đêm

Tin từ báo Pháp Luật TP, chiều tối 2/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) đã phối hợp với Ban Quản ký các Khu chế xuất và Công nghiệp TP tổ chức lấy mẫu tầm soát Covid-19 cho hơn 30.000 công nhân đang làm việc ở 22 doanh nghiệp tại Khu chế xuất Tân Thuận (Quận 7).

Tất cả công nhân lấy mẫu đều nghiêm túc chấp hành, ngồi giãn cách theo sự hướng dẫn của quản lý công ty và nhân viên y tế. Ảnh: MINH TÂM
Tất cả công nhân lấy mẫu đều nghiêm túc chấp hành, ngồi giãn cách theo sự hướng dẫn của quản lý công ty và nhân viên y tế. Ảnh: MINH TÂM

Ông Nguyễn Thanh Tú - Giám đốc sản xuất Công ty Nidec Tosok Việt Nam chia sẻ, Công ty hiện có tổng khoảng 2.700 người. Việc lấy mẫu xét nghiệm bắt đầu từ 16 giờ. Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Công ty đã thực hiện nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế. Sắp tới, Công ty tiếp tục đưa ra những giải pháp thiết thực và chặt chẽ hơn. Đối với những dây chuyền sản xuất trong nhà máy, Công ty sẽ sắp xếp lại để công nhân có thể đứng giãn cách xa nhau hơn. Đối với giờ ăn giờ làm việc và giờ nghỉ... tất cả đều phải thay đổi để đáp ứng đúng những tiêu chí để phòng chống dịch Covid-19 tránh tập trung đông đúc.

Mỗi công nhân sẽ khai thông tin vào một tờ giấy và xếp hàng để lấy mẫu, mỗi tốp là 5 người. Ảnh: MINH TÂM
Mỗi công nhân sẽ khai thông tin vào một tờ giấy và xếp hàng để lấy mẫu, mỗi tốp là 5 người. Ảnh: MINH TÂM

Đây là lần thứ hai công ty này thực hiện lấy mẫu xét nghiệm dịch Covid-19. Lần 1 lấy mẫu xét nghiệm khoảng 300 nhân sự, tất cả có kết quả âm tính.

Các công nhân cảm thấy an tâm khi được thành phố hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: MINH TÂM
Các công nhân cảm thấy an tâm khi được thành phố hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: MINH TÂM
Mỗi ống lấy mẫu như vầy sẽ đựng được 5 người. Ảnh: MINH TÂM
Mỗi ống lấy mẫu như vầy sẽ đựng được 5 người. Ảnh: MINH TÂM
Với số lượng công nhân đông, lực lượng y tế phải làm việc liên tục không nghỉ ngơi. Ảnh: MINH TÂM
Với số lượng công nhân đông, lực lượng y tế phải làm việc liên tục không nghỉ ngơi. Ảnh: MINH TÂM
Làm việc xuyên đêm cho đến khi toàn bộ hơn 30.000 công nhân ở khu chế xuất Tân Thuận được lấy mẫu.
Làm việc xuyên đêm cho đến khi toàn bộ hơn 30.000 công nhân ở khu chế xuất Tân Thuận được lấy mẫu.

Cảnh báo lừa đảo thông qua chương trình tặng học bổng

Phòng Chính trị - Công tác sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) đã tiếp nhận một số trường hợp phụ huynh, sinh viên phản ánh về việc nghi ngờ có đơn vị mạo danh nhà trường. Nội dung đăng tải trên báo SGGP.

Cụ thể, đơn vị này giả mạo nhà trường lừa đảo sinh viên nhận học bổng 100%, nhưng buộc gia đình gửi một số tiền không nhỏ để chứng minh tài chính mới có thể nhận được các suất học bổng. Địa chỉ nộp tiền là một công ty, giấy tờ không có thông tin rõ ràng.

Nhà trường cho biết đây là giả mạo và cảnh báo phụ huynh, sinh viên cần nâng cao cảnh giác với các tình huống giả danh nhà trường.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục