TPHCM công bố chương trình bình ổn thị trường lương thực, thực phẩm
Trên Vietnamplus, Sở Công Thương TPHCM vừa công bố Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, mặt hàng phục vụ học tập năm 2023 và Tết Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn sẽ khởi động và có hiệu lực từ tháng 4/2023.
Chương trình đặt mục tiêu tiếp tục chủ động đảm bảo nguồn cung hàng hóa, ổn định giá cả mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Song song đó thực hiện vai trò chủ chốt và sẵn sàng giải pháp ứng phó những tình huống cấp bách, nhất là khi xảy ra dịch bệnh, thiên tai...
Ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương cho biết chương trình Bình ổn thị trường TPHCM năm 2023-Tết Giáp Thìn năm 2024 được triển khai gắn liền với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Cụ thể, chương trình áp dụng cho 11 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, với khoảng 44 đơn vị sản xuất, kinh doanh tham gia lượng hàng bình ổn chiếm từ 23-31% nhu cầu thị trường; riêng tháng Tết lượng hàng bình ổn chiếm từ 25-43% nhu cầu thị trường. Cạnh đó, cũng áp dụng cho 5 nhóm hàng phục vụ học tập, với 11 đơn vị sản xuất, kinh doanh tham gia lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 35-50% nhu cầu thị trường.
Sở Y tế TPHCM sẽ đấu thầu thuốc tập trung thay cho các trung tâm y tế
Thông tin với báo Tuổi Trẻ, Sở Y tế TPHCM cho biết, sở này sẽ triển khai đấu thầu thuốc tập trung thay cho các trung tâm y tế quận, huyện tự đấu thầu.
Tháng 3 vừa qua, phòng nghiệp vụ dược Sở Y tế đã tổ chức đoàn đánh giá tình hình cung ứng thuốc tại các trạm y tế trên địa bàn đối với các trạm y tế đã được Bảo hiểm xã hội TPHCM ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Kết quả khảo sát cho thấy, có sự khác biệt rõ về số loại thuốc được cung ứng đến các trạm y tế. Sự khác biệt này tùy thuộc vào năng lực đấu thầu của các trung tâm y tế quận/huyện, chia làm các nhóm như sau: Các trung tâm y tế hai chức năng (Cần Giờ, quận 3, quận 5 và quận 10) có năng lực tự đấu thầu và cung ứng tương đối đủ thuốc cho các trạm y tế. Các trung tâm y tế có hoạt động khám chữa bệnh ban đầu khá ổn định (Tân Phú, Cần Giờ, Tân Bình, Gò Vấp…) đã cung ứng được tương đối đủ thuốc cho nhu cầu. Hầu hết các trung tâm y tế còn lại đang gặp nhiều khó khăn trong công tác đấu thầu thuốc.
Trường THCS Trần Văn Ơn hỗ trợ các nạn nhân vụ cây đổ hơn 16 triệu đồng
Chiều tối 3/4, thông tin từ Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) cho biết, trường này đã hỗ trợ các nạn nhân trong vụ cây xanh ngã đổ với tổng số tiền hơn 16 triệu đồng. Hiện đã có 3/6 nạn nhân được xuất viện cho về nhà. Nội dung trên báo SGGP.
Trường THCS Trần Văn Ơn thông tin rõ, học sinh bị thương trong vụ cây xanh ngã đổ đang học lớp 7A4. Sau khi các bác sĩ tiến hành phẫu thuật tại Bệnh viện Nhi đồng 2, em tiếp tục được theo dõi sức khỏe. Nhà trường đã cử giáo viên chủ nhiệm và nhân viên y tế túc trực tại bệnh viện để hỗ trợ gia đình chăm sóc sức khỏe cho em. Trước mắt, Trường THCS Trần Văn Ơn hỗ trợ gia đình học sinh số tiền là 5 triệu đồng.
Ngoài ra, một trong 6 nạn nhân bị thương nặng nhất trong vụ cây xanh ngã đổ là chị T.H.T.T, sinh năm 1992, hiện đang mang thai 8 tuần. Sau khi được cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, hiện vẫn đang được theo dõi sức khỏe tại bệnh viện. Nhà trường đã cử nhân viên đến túc trực, hỗ trợ người nhà các thủ tục về pháp lý. Bên cạnh đó, trường cũng hỗ trợ gia đình nạn nhân 6 triệu đồng.
Đối với 4 nạn nhân còn lại, trong đó có 1 phụ huynh học sinh của trường, hiện đã có 3 người xuất viện về nhà, 1 người đang được điều trị tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình. Trong đó, trường đã thanh toán toàn bộ chi phí thăm khám cho 1 nạn nhân, hỗ trợ 2/3 trường hợp với tổng số tiền từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng.
Dừng phương án thu phí mới với taxi tại sân bay Tân Sơn Nhất
Báo Tiền Phong cho hay, Công ty Cổ phần đầu tư TCP (Nhà xe TCP) đã gửi thông báo đến các đơn vị kinh doanh vận tải theo hình thức taxi truyền thống nhằm thu hồi, hủy bỏ các văn bản ngày 14/3 và 27/3 liên quan đến thông báo giá dịch vụ cho taxi truyền thống và thay đổi phương thức vận hành, giá dịch vụ đối với xe kinh doanh vận tải tại Nhà để xe quốc nội Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Trước đó, Công ty CP Đầu tư TCP đã đưa ra thông báo phương thức vận hành và giá dịch vụ dành cho xe kinh doanh vận tải theo hình thức taxi truyền thống (áp dụng từ ngày 1/4/2023).
Ngày 31/3, Cảng vụ Hàng không miền Nam đã có công văn hỏa tốc gửi Công ty Cổ phần Đầu tư TCP về việc tạm ngưng triển khai việc thay đổi phương thức vận hành và giá dịch vụ đối với xe kinh doanh vận tải.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Cục hàng không Việt Nam về việc thu phí xe kinh doanh vận tải (xe taxi truyền thống, xe hợp đồng và xe công nghệ) tại Nhà để xe ga quốc nội - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng vụ hàng không miền Nam yêu cầu Công ty TCP tạm ngưng triển khai việc thay đổi phương thức vận hành và giá dịch vụ đối với xe kinh doanh vận tải để Cảng vụ hàng không miền Nam báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Cục hàng không và UBND TPHCM.
Ngành y tế TPHCM chủ động ứng phó bệnh Marburg
Trao đổi với báo Thanh Niên, TS-BS Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết, ngay từ tháng 2/2023, khi Thái Lan và một số nước phát hiện ca bệnh Marburg thì BV Bệnh nhiệt đới đã sẵn sàng các phương án dự phòng ở các khoa phòng; phương án xét nghiệm phát hiện ca bệnh cách ly, điều trị ca bệnh.
Cụ thể, Khoa Khám bệnh, Khoa Cấp cứu của BV phụ trách khám sàng lọc, tiếp nhận và cho nhập viện các trường hợp bệnh nghi ngờ nhiễm Marburg. Thực hiện nghiêm ngặt việc phân luồng khám, cách ly bệnh nhân (BN), các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, trang bị phòng hộ cá nhân cho cán bộ y tế, người chăm sóc BN và BN.
"Bên cạnh thiết bị, thuốc men, tại BV Bệnh nhiệt đới, việc mua sinh phẩm, đặc biệt là sinh phẩm PCR cho xét nghiệm vi rút Marbrug đang được xúc tiến. Ngoài PCR, phương pháp metagenomics giúp phát hiện sự hiện diện bộ gien của vi rút trong mẫu bệnh phẩm thông qua việc giải mã gien mà không cần sử dụng các đoạn mồi đặc hiệu như của PCR cũng là một cách tiếp cận", TS-BS Hùng thông tin.
Còn theo TS-BS Phùng Mạnh Thắng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn - BV Chợ Rẫy, đặc thù BV Chợ Rẫy là tuyến cuối nên khả năng tiếp xúc với nguy cơ bệnh cao. Do đó, BV đã có hướng dẫn tiếp nhận bệnh (các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm) từ 2 cửa quan trọng nhất là khu vực cấp cứu và phòng khám. Các trường hợp nghi nhiễm bệnh thì được đưa đi cách ly ngay lập tức, sau đó tiến hành hội chẩn với các bác sĩ chuyên khoa về bệnh truyền nhiễm và kiểm soát nhiễm khuẩn, có các phương án chẩn đoán và điều trị BN phù hợp.
Hơn 8.000 việc làm dành cho người trẻ
Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM vừa tổ chức Ngày hội việc làm tại Trường ĐH Văn Lang nhằm cung cấp cơ hội việc làm, nơi thực tập cho sinh viên sắp ra trường.
Sinh viên tìm hiểu thông tin việc làm của các doanh nghiệp. Ảnh: Lê Thanh
Chia sẻ với báo Thanh Niên, anh Lê Nguyễn Nam, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP cho biết, ngày hội việc làm là dịp để các doanh nghiệp và sinh viên trực tiếp gặp gỡ, từ đó mở ra nhiều cơ hội tuyển dụng. Đây cũng là dịp để sinh viên nâng cao nhận thức về quy trình tuyển dụng thông qua nhiều hoạt động bổ ích, có cái nhìn thực tế hơn về thị trường lao động, văn hóa doanh nghiệp.
"Từ đó, hỗ trợ sinh viên sắp tốt nghiệp biết cách lựa chọn, nắm bắt cơ hội nghề nghiệp cho chính bản thân mình. Đó còn là cầu nối giữa sinh viên với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu, chất lượng nguồn nhân lực trẻ và tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sắp ra trường", anh Nam nói.
Ngoài việc tham gia trải nghiệm ứng tuyển, phỏng vấn trực tiếp tại các gian hàng tuyển dụng với đa dạng nhóm ngành nghề, sinh viên còn được tham gia nhiều hoạt động thú vị, bổ ích như: được hướng dẫn tạo hồ sơ xin việc, sửa hồ sơ xin việc trực tiếp, góp phần giúp sinh viên được tiếp cận với các công cụ hiện đại, trải nghiệm việc tạo hồ sơ xin việc và tìm việc làm một cách hiệu quả nhất.
Người quản lý xe buýt phải đi buýt ít nhất 2 lần/tuần
Theo báo Tuổi Trẻ, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng vừa phát động thực hiện chương trình "Nào ta cùng buýt" năm 2023. Theo đó, trung tâm triển khai chương trình với yêu cầu toàn thể viên chức, người lao động của đơn vị tiếp tục đi xe công cộng tối thiểu 2 lần/tuần (trung bình 8 lần/tháng) thông qua cài đặt sử dụng phần mềm ứng dụng Go!Bus.
Xe buýt ở TP.HCM còn nhiều bất cập khiến người dân chưa mặn mà - Ảnh: C.K.
Mỗi viên chức, người lao động là một giám sát viên chất lượng vận tải hành khách công cộng, tham gia trải nghiệm thực tế và có đóng góp ý kiến nhằm nâng cao chất lượng xe buýt ở TPHCM. Thông qua đó, chương trình góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, kéo giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông trên địa bàn TP.
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP cũng đề nghị người lao động của trung tâm mở ứng dụng Go!Bus trên thiết bị di động để cập nhật lộ trình chuyến đi. Ưu tiên sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (thẻ unipass, phiếu tập xe buýt) khi tham gia đi lại bằng xe buýt.
Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)