Chỉ số công khai ngân sách TPHCM được cải thiện
Theo báo Sài Gòn Đầu Tư Tài chính, báo cáo chỉ số Công khai Ngân sách tỉnh (POBI) 2020 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp cùng Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) cho thấy, chỉ số POBI 2020 của TPHCM tiếp tục được cải thiện, đạt 70,0 điểm, tăng thêm 3,7 điểm so với năm 2019.
Năm 2020, có 27 tỉnh công khai đầy đủ tài liệu và thông tin về ngân sách nhà nước, tăng 3 tỉnh so với năm 2019. Số tỉnh công khai tương đối đầy đủ là 29 tỉnh, tăng 2 tỉnh so với năm 2019. Số tỉnh công khai chưa đầy đủ và công khai ít lần lượt là 5 và 2 tỉnh, giảm lần lượt 4 và 1 tỉnh so với năm 2019.
Kết quả POBI 2020 cho thấy mức độ công khai thông tin ngân sách địa phương tiếp tục có cải thiện, tuy nhiên các địa phương vẫn cần phải nỗ lực để tiếp tục cải thiện mức độ công khai minh bạch ngân sách và tạo cơ hội cho sự tham gia của người dân.
6 phòng khám ngưng khám, chữa bệnh BHYT vì dịch Covid-19
Theo báo Pháp Luật TP, ngày 3/6, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP ra thông báo về 6 phòng khám tạm ngưng hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) trong thời gian dịch bệnh Covid-19.
Bao gồm: Phòng khám đa khoa (thuộc Công ty TNHH chẩn đoán Y khoa Tâm Phúc); Phòng khám đa khoa (thuộc Công ty TNHH Phong Tâm Phúc); Phòng khám đa khoa Khánh Tâm (Công ty TNHH Y tế Thu An Khánh); Phòng khám đa khoa (thuộc Công ty TNHH Phòng khám đa khoa quốc tế An Phú); Phòng khám đa khoa (thuộc Công ty TNHH Y khoa Quốc tế Thiện Phúc); Phòng khám đa khoa (Thuộc Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Nhơn Tâm).
Cơ quan BHXH TP hướng dẫn, việc các phòng khám trên tạm ngưng hoạt động không ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh của người dân. Người dân có thể khám ở cở sở khám chữa bệnh tuyến quận - huyện hoặc các phòng khám đa khoa khác, không ảnh hưởng đến quyền lợi hưởng.
Tạm dừng các chuyến bay giữa Hải Phòng và TPHCM
Báo Công an đưa tin, ngày 3/6, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản số 5138/BGTVT-VT yêu cầu tạm dừng các chuyến bay từ thành phố Hải Phòng đi TPHCM và ngược lại cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam có nhiệm vụ khẩn trương thông báo đến hãng Hàng không Việt Nam, các cơ quan, đơn vị có liên quan đến việc khai thác các chuyến bay từ Hải Phòng đến TPHCM và ngược lại để biết và thực hiện.
Đồng thời chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Cục Y tế, UBND TP Hải Phòng tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh để có điều chỉnh khai thác vận tải hàng không đi đến TP Hải Phòng kịp thời.
Thí điểm “tách đôi” bệnh viện để điều trị bệnh nhân Covid-19
Vietnamplus cho hay, ngày 3/6, Sở Y tế TP cho biết, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đã sẵn sàng hoạt động theo mô hình “tách đôi” (split hospital) để vừa tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc lao, vừa tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.
Theo đó, một nửa bệnh viện (tính theo chiều dọc) sẽ được sử dụng làm khu vực điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Khu vực này tách biệt hẳn với một nửa còn lại, có cổng vào riêng, những khối nhà riêng (đã được bố trí những buồng áp lực âm, giường hồi sức, các buồng bệnh thông thoáng không dùng điều hòa trung tâm…) và cả khu vực cận lâm sàng riêng biệt, trong đó có xét nghiệm RT-PCR chẩn đoán Covid-19.
Quy mô giường bệnh của một nửa bệnh viện chuyên phục vụ cho bệnh nhân Covid-19 có thể lên đến 700 giường.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP Tăng Chí Thượng cho biết, hiện nay, trước tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch ứng phó với tình huống có 5.000 người mắc Covid-19 trên địa bàn.
Theo kế hoạch này, hai bệnh viện sẽ được chuyển đổi một số chức năng để trở thành bệnh viện chuyên tiếp nhận Covid-19 (ngoài 2 bệnh viện dã chiến Củ Chi và Cần Giờ) là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Hai bệnh viện chuyên tiếp nhận trẻ em là Nhi đồng TP và Nhi đồng 2 dành các khối nhà độc lập (Khoa Nhiễm) chỉ chuyên tiếp nhận bệnh nhi Covid-19.
Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ bố trí một khoa hồi sức chuyên tiếp nhận bệnh nhân người lớn nặng. Đến nay, theo sự phân công này, các bệnh viện đều đã có phương án sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân.
“Respiratory care split hospital” (bệnh viện tách đôi điều trị bệnh hô hấp) là một mô hình khá thành công của Hàn Quốc trong ứng phó với đại dịch Covid-19. Hai giải pháp chính đã được vận dụng tại Hàn Quốc để các bệnh viện sẵn sàng ứng phó nhưng không trở thành ổ lây lan dịch Covid-19 là chuyển đổi chức năng một số bệnh viện trở thành bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 và “tách đôi” một số bệnh viện để một nửa bệnh viện trở thành bệnh viện chuyên tiếp nhận và chăm sóc bệnh nhân có triệu chứng hô hấp.
Nhà ở kết hợp kinh doanh phải có 2 lối thoát nạn
Từ ngày 10/6/2021, quy định mới an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất trên địa bàn TPHCM (theo Quyết định 16/2021 ngày 31/5 của UBND TPHCM) có hiệu lực, yêu cầu nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất trên địa bàn TPHCM phải đảm bảo một số điều kiện về an toàn PCCC.
Trao đổi với báo SGGP, Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC07), Công an TPHCM cho biết, một trong những nội dung quan trọng của Quyết định này là quy định mới về lối thoát nạn và việc sắp xếp hàng hóa trong nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất. Cụ thể, lối thoát nạn của loại nhà này phải rộng tối thiểu 0,8m và cao tối thiểu 1,9m. Nếu nhà chỉ có 1 lối thoát nạn thì phải bố trí lối thoát nạn thứ 2.
Bên cạnh đó, nhà có sân thượng phải bố trí thông thoáng, có lối lên từ tầng dưới qua các thang cố định. Tại vị trí cửa lên tầng mái nếu bố trí khóa cửa thì phải thiết kế để dễ dàng thao tác mở cửa từ bên trong nếu xảy ra sự cố cháy nổ…
Trường hợp nguời dân vẫn muốn trang bị cửa cuốn, cửa trượt, lưới sắt… phải cam kết chịu trách nhiệm về PCCC. Đồng thời, cửa cuốn phải là loại có cơ cấu tự thu, mở nhanh. Nếu mở bằng điện phải có bộ lưu điện và mở nhanh bằng cơ khi mất điện hoặc mô tơ bị hỏng.
Ngoài ra, các gian phòng tồn chứa hàng hóa, vật liệu dễ cháy hoặc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải được ngăn cách với lối thoát nạn tại các tầng bằng vật liệu không cháy hoặc khó cháy.
“Nếu tầng trệt được sử dụng để sản xuất, kinh doanh thì lối thoát nạn từ tầng trên xuống tầng trệt thông qua cầu thang bộ phải có lối đi ngăn cách với khu vực sản xuất, kinh doanh. Lối đi này phải bằng tường ngăn cháy, vách ngăn cháy, chiều rộng lối đi không nhỏ hơn 0,8m”, Đại tá Huỳnh Quang Tâm nhấn mạnh.
Quyết định cũng cho thời gian chuyển tiếp, tạo điều kiện cho việc cải tạo nhà. Cụ thể, các căn nhà vừa ở vừa kinh doanh có trước ngày 10/6, người dân phải cam kết thời gian hoàn thành các nội dung theo quy định PCCC trong 6 tháng. Sau thời gian này, cơ quan chức năng kiểm tra và có hướng xử lý nếu chưa hoàn thành như cam kết.
Theo đánh giá, Quyết định 16/2021 có nhiều nội dung mang tính đột phá, tạo hành lang pháp lý quan trọng trong công tác PCCC đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất trên địa bàn TP.
Người nghèo nấu ngàn bữa cơm cho người nghèo
Xóm vé số Phú Yên, ngụ hẻm 24 Nguyễn Văn Cừ, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, suốt 4 ngày qua có hàng chục người gặp khó khăn khi TP đang thực hiện việc giãn cách xã hội, người bán vé số không thể mưu sinh.
"Việc trở về quê trở nên khó khăn. Ngoài ra di chuyển thời điểm này lại khiến dịch bệnh phức tạp. Cả xóm phải tiện tặn chờ qua dịch để bán vé số trở lại", ông Nguyễn Văn An, một chủ đại lý vé số nói.
Hay tin xóm khó khăn, một nhóm công nhân và dân lao động tại quận 5 và quận 8 đã cùng nhau đứng ra tổ chức bữa cơm miễn phí để cải thiện bữa ăn. Trung bình mỗi ngày, nhóm làm ra trên 500 phần cơm.
Theo ghi nhận của PV báo Người Lao Động, cơm từ thiện nhưng chất lượng món ăn ngon, thực đơn thay đổi liên tục từ thịt kho trứng, gà kho, cá chiên và mắm chưng...
Điều đặc biệt, thành viên của nhóm là những người lao động và mức thu nhập mỗi tháng rất thấp, có cả người vô gia cư. Tuy nhiên, tình hình dịch khiến công việc tạm ngưng nên họ bỏ công bằng cách tìm đến các khu chợ để xin rau, củ bán ế từ các khu chợ về sơ chế. Sáng hôm sau, từng người một phụ từng món riêng và bỏ vào từng hộp cơm.
Cùng chung tay giúp người nghèo vượt khó trong mùa dịch, anh Ming Wei, chủ một nhà hàng tại hẻm 46 Võ Văn Tần, quận 3 những ngày qua đã bỏ thời gian nấu hàng trăm phần thực phẩm miễn phí cho những người khó khăn. Món ăn anh phát thay đổi liên tục từ mắm chưng, thịt bò kho...
Nhiều trường thay đổi hình thức nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển
Thông tin khác trên báo SGGP, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều trường đại học thông báo thay đổi hình thức nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển và gia hạn thời gian nhận hồ sơ.
Trường ĐH Kinh tế Luật (ĐH Quốc gia TPHCM) thông báo thay đổi hình thức và gia hạn thời gian nhận hồ sơ các phương thức 1B (ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT và ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi nhất trường THPT năm 2021); phương thức 2 (ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TPHCM); phương thức 5 (xét tuyển dựa trên kết quả chứng chỉ quốc tế và kết quả học THPT vào các chương trình chất lượng cao). Theo đó, trường chỉ nhận hồ sơ chuyển phát nhanh qua đường bưu điện đối với 3 phương thức tuyển sinh trên, đồng thời gia hạn thời gian nhận hồ sơ đến hết 17 giờ ngày 20/6.
Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TPHCM) nhận hồ sơ tuyển sinh qua email các phương thức: ưu tiên xét tuyển thẳng học sinh giỏi nhất trường THPT (theo quy định của ĐH Quốc gia TPHCM); ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TPHCM; ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của trường; xét tuyển dựa trên chứng chỉ quốc tế. Nhà trường lưu ý các thí sinh muốn nộp qua bưu điện vẫn được, chỉ chọn 1 trong 2 cách là qua bưu điện hoặc qua email.
Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM thông báo chỉ nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển theo phương thức xét điểm học bạ THPT bằng hình thức trực tuyến tại website http://ts21.ut.edu.vn, còn khác hình thức xét tuyển khác thì thí sinh gửi hồ sơ qua bưu điện.
Gian hàng 0 đồng cho khu cách ly ở quận Tân Phú
Theo báo Tuổi Trẻ, ngày 3/6, ông Nguyễn Quốc Huy - Chủ tịch UBND phường Tân Quý - cho biết mô hình "Gian hàng 0 đồng chia sẻ cùng khu cách ly" được UBMTTQ Việt Nam phường, các tổ chức thành viên và các nhà hảo tâm đã thực hiện trong 3 ngày nay.
Gian hàng có hơn 100kg rau củ (12 loại), hàng trăm gói mì, 500 quả trứng, 160kg thịt heo, 40 chai dầu ăn, 100 hộp đồ hộp các loại, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu của người dân trong thời gian thực hiện cách ly.
Mỗi ngày gian hàng phục vụ hơn 300 nhân khẩu của 73 hộ gia đình nằm trong điểm cách ly phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại hẻm 17 đường Gò Dầu.
Từ sáng sớm, các tình nguyện viên (phần lớn là đoàn viên thanh niên, hội viên và cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại địa phương) đã đến bày trí sắp đặt hàng hóa, nhu yếu phẩm lên kệ. Tất cả đều gọn gàng, thuận tiện để người dân trong khu cách ly dễ dàng chọn lựa.
Theo ông Huy, mô hình gian hàng 0 đồng giúp người dân trong khu vực cách ly cảm thấy ấm lòng hơn, giúp người dân có thể tự chọn lựa những sản phẩm cần thiết theo nhu cầu của gia đình mình.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)