Bộ Y tế hướng dẫn làm rõ việc tiêm 2 liều vaccine Covid-19 khác nhau
Báo SGGP đưa tin, Bộ Y tế vừa có công văn gửi Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và sở y tế các tỉnh, thành phố và đơn vị trực thuộc về hướng dẫn tiêm 2 liều vaccine phòng Covid-19.
Theo đó, trong công văn Bộ Y tế nêu rõ, từ tháng 3-2021 đến nay, Bộ Y tế đã tiếp nhận nhiều loại vaccine Covid-19 có công nghệ sản xuất khác nhau như: AstraZeneca, Pfizer/BioNtech, Moderna, Sinopharm, Sputnik V...
Qua nghiên cứu bước đầu tại một số quốc gia, đến nay, cơ quan y tế đã có bằng chứng về việc tiêm phối hợp mũi 1 là vaccine AstraZeneca và mũi 2 là vaccine Pfizer đáp ứng miễn dịch tốt. Tuy nhiên, việc tiêm trộn này có thể tăng nhẹ phản ứng thông thường sau tiêm chủng.
Để việc triển khai tiêm chủng an toàn, tăng diện bao phủ và đạt hiệu quả sử dụng tối đa vaccine từ các nguồn khác nhau, theo kinh nghiệm sử dụng vaccine của một số quốc gia, khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ Y tế hướng dẫn những người đã tiêm mũi 1 vaccine nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng loại đó. Trong trường hợp nguồn vaccine hạn chế, có thể phối hợp bằng cách tiêm mũi 2 vaccine Pfizer/BioNtech cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca, nếu người được tiêm chủng đồng ý ( khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 8-12 tuần).
Đáng lưu ý, Bộ Y tế yêu cầu không sử dụng vaccine do Moderna sản xuất hoặc các vaccine khác để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca. Đồng thời Bộ Y tế nêu rõ những người đã tiêm vaccine do Sinopharm, Pfizer, Moderna sản xuất mũi thứ 1 thì mũi thứ 2 chỉ tiêm vaccine cùng loại. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Bộ Y tế phân bổ thêm hơn 650.000 liều vaccine cho TPHCM
Theo Vietnamplus, tối 3/8, Việt Nam vừa tiếp nhận thêm 1.074.380 liều vaccine AstraZeneca, trong đó 659.500 liều mua từ AstraZeneca thông qua Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) được phân bổ cho TPHCM và 414.880 liều do Chính phủ Vương quốc Anh & Bắc Ireland viện trợ được phân bổ cho thành phố Hà Nội.
Như vậy, trong 3 đợt phân bổ vaccine gần nhất (đợt 16, 17, 18), TPHCM được cấp 1.148.500 liều.
Ngoài ra, các Viện, Bệnh viện, đơn vị Trung ương tại TPHCM được cấp 40.000 liều trong các đợt này để tiêm cho người dân trên địa bàn.
Tính đến nay, TPHCM là địa phương được phân bổ nhiều nhất với 4.075.270 liều (bao gồm cả số lượng vaccine phân bổ cho các Viện, Bệnh viện, đơn vị Trung ương trên địa bàn); tỷ lệ phân bổ vaccine trên dân số từ 18 tuổi trở lên đạt 29%.
Năm học 2021-2022: TPHCM không tăng học phí
Theo Báo Người Lao Động, UBND TPHCM vừa có văn bản gửi các sở, ngành liên quan về cơ chế thu và sử dụng học phí và các khoản thu khác năm học 2021-2022 của các cơ sở giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) trên địa bàn TP.
Cụ thể, đối với năm học 2021 - 2022 (từ tháng 9/2021 đến tháng 5/2022): Giữ nguyên mức thu học phí như của năm học 2020 - 2021.
Đối với các khoản thu khác của ngành GD&ĐT: Giao Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Tài chính, căn cứ quy định hiện hành hướng dẫn quy định nội dung thu và sử dụng mức thu của các trường tiên tiến và các khoản thu hộ, chi hộ của ngành GD&ĐT trước khi vào năm học mới.
Ngoài ra, UBND TP giao Sở GD&ĐT căn cứ tình hình diễn biến của dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố để chủ động hướng dẫn các nội dung thu và sử dụng học phí, các khoản thu phát sinh trong thực tế như mức thu dạy học trực tuyến, thời gian thực hiện thu, đảm bảo theo đúng quy định.
TPHCM không tăng giá nước đến hết năm 2022
Bộ Tài chính vừa có thông tư hướng dẫn về 'khung giá nước sạch sinh hoạt mới' cho các khu vực, có hiệu lực từ ngày 5/8/2021. Tại TPHCM, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Sở Xây dựng cho biết giá nước sẽ không tăng đến hết năm 2022.
Hiện nay giá nước sinh hoạt bình quân là 9.590 đồng/m3, giá dịch vụ thoát nước bình quân (được thu kèm với hóa đơn nước sạch với tên gọi phí bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nước sạch) là 1.439 đồng/m3 (chưa tính thuế VAT).
Bắt đầu từ năm 2022, TPHCM sẽ thu dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải dựa trên giá nước sạch, mức thu sẽ tăng dự kiến là 5%/năm, lộ trình 2022 - 2025.
Và giá nước sạch cũng sẽ tăng trong giai đoạn này với mức năm 2023 là 10.156 đồng/m3, 2024 là 10.775 đồng/m3. Đến năm 2025, giá nước sinh hoạt bình quân sẽ tăng lên thành 11.422 đồng/m3, giá dịch vụ thoát nước bình quân là 3.426 đồng/m3 (chưa tính thuế VAT).
Những người phải đóng phí gồm các tổ chức, cơ quan, hộ gia đình có hoạt động xả nước thải sinh hoạt vào hệ thống thoát nước.
Hộ dân đã thanh toán tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải thì không phải trả phí bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt.
Đề xuất hỗ trợ lần 2 cho lao động tự do
Đến thời điểm này, lao động nghèo, khó khăn, ai có mặt tại TPHCM thì được hỗ trợ đột xuất ngắn hạn vì đại dịch, không phân biệt tạm trú hay thường trú. Đó là thông tin từ ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP, khi trao đổi với Tuổi Trẻ Online về chủ trương hỗ trợ người dân khó khăn.
Trước đó, các gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch theo nghị quyết 09 và gói 26.000 tỉ đồng của Chính phủ đều thực hiện cho người dân có đăng ký tạm trú.
Các khu phố, tổ dân phố sẽ xem xét, rà soát các trường hợp người dân khó khăn để đề xuất phường, xã hỗ trợ bằng nguồn ngân sách TP cũng như nguồn quỹ COVID-19 và các nguồn vận động hợp pháp khác để người dân có thể tiếp tục duy trì cuộc sống trong thời gian giãn cách từ nay tới ngày 15/8", ông Tấn nêu chủ trương.
Theo đó, mỗi hộ sẽ nhận hỗ trợ từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng. Trong đó, riêng hộ nghèo, cận nghèo với khoảng 90.500 hộ đã có danh sách sẽ nhận hỗ trợ mỗi hộ 1 triệu đồng, tổng cộng khoảng 90,5 tỉ đồng.
"Người lao động nghèo ở nhà trọ, xóm lao động nghèo dự kiến sẽ nhận 1 triệu đồng. Ngoài ra, tùy vào gia cảnh của người dân, những hộ có khó khăn hơn, nhiều nhân khẩu, địa phương cần linh động hỗ trợ thêm bằng nguồn vận động.
Dự kiến số lao động thuộc nhóm này sẽ khoảng 170.000 hộ, kinh phí hỗ trợ khoảng 170 tỉ đồng.
Ngoài ra, Sở cũng đang đề xuất hỗ trợ lần 2 cho lao động tự do không có giao kết hợp đồng lao động theo nghị quyết 09 của HĐND TPHCM cho khoảng 344.000 người. Dự kiến kinh phí hỗ trợ khoảng 501 tỉ đồng từ nguồn ngân sách TP và tổng kinh phí cho đợt hỗ trợ này khoảng 771 tỉ đồng từ ngân sách TP.
Kêu gọi sử dụng tiết kiệm điện trong mùa dịch
Báo Pháp Luật TP cho hay, theo thống kế của Trung tâm Điều độ hệ thống điện TPHCM, mức tiêu thụ điện bình quân của tháng 7 giảm so với tháng 6. Tuy nhiên, xét về cơ cấu thành phần tiêu thụ, tỷ trọng điện dùng cho sinh hoạt tháng 7 ước tính là 51,58%, tăng 4,40% so với tháng 6 là 47,18%.
Theo ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty Điện lực TPHCM, nguyên nhân chính dẫn đến việc này là do từ đầu tháng 7 đến nay, TP thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, người dân hầu hết ở nhà cả ngày nên sử dụng nhiều các thiết bị điện để phục vụ làm việc, giải trí, sinh hoạt, làm mát nhiều hơn.
Trong đó, các thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng như máy lạnh, bếp điện được sử dụng nhiều lần hơn, thời gian sử dụng dài hơn bình thường. Đặc biệt lưu ý máy lạnh là một trong những thiết bị hao tốn điện năng nhất và chiếm tỉ trọng tiêu thụ điện lớn trong hộ gia đình. Tiêu thụ điện của máy lạnh chiếm từ 28 - 64%, có khi đến 80% chi phí điện của cả gia đình.
Để chủ động kiểm soát lượng điện năng tiêu thụ cũng như chi phí tiền điện của hộ gia đình không tăng quá mức, Tổng công ty Điện lực TP đề nghị người dân, khách hàng sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm, tránh sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn để giảm nguy cơ xảy ra sự cố, cháy nổ về điện.
Cần sử dụng điện theo nguyên tắc 4 đúng: “Đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách và đúng nhu cầu”. Hãy “Tắt khi không sử dụng”.
36 giờ thành lập Trung tâm hồi sức COVID-19
Theo ghi nhận của Zingnews, trưa 3/8, các y bác sĩ và nhân viên của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tiến hành những công đoạn cuối để vận hành Trung tâm hồi sức quy mô 250 giường, đặt tại tầng 5 của Bệnh viện Quốc tế City (quận Bình Tân).
Trong vòng 36 giờ, toàn bộ trang thiết bị, thuốc men đã tập trung về đây sau khi Bệnh viện Đại học Y Dược nhận nhiệm vụ. Đại diện bệnh viện cho biết ngay khi có chỉ đạo của Bộ Y tế, cơ sở này đã có 50 máy thở đưa vào thiết lập, vận hành.
Trường phổ thông Năng khiếu công bố điểm thi lớp 10
Chiều 3/8, Trường phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TPHCM) đã công bố điểm chuẩn Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022. Đây là Trường duy nhất tổ chức được kỳ thi vào lớp 10 tại TPHCM trong bối cảnh dịch bệnh COVID- 19 đang diễn biến phức tạp. Thông tin trên báo Tiền Phong.
Trước đó, vào cuối tháng 5/2021, Trường phổ thông Năng khiếu đã tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Năm nay, Trường có hơn 2.600 thí sinh dự thi với chỉ tiêu là 600 học sinh.
Trong đó, lớp chuyên Anh năm nay có tỉ lệ chọi cao nhất khi tuyển 70 học sinh nhưng có 1.250 thí sinh đăng ký, tỉ lệ 1-17,8. Tiếp đó là lớp chuyên toán tuyển 70 học sinh nhưng có 830 thí sinh đăng ký, tỉ lệ 1 chọi 11,8.
Số thí sinh đăng ký dự thi vào các lớp chuyên còn lại là lớp chuyên hóa 399 thí sinh; lớp chuyên văn 652 thí sinh; lớp chuyên lý 269 thí sinh; lớp chuyên tin học 135 thí sinh; lớp chuyên sinh 173 thí sinh.
Được biết, đây là kỳ thi duy nhất trong số ba kỳ thi vào lớp 10 tại TPHCM được tổ chức trong năm nay. Hai kỳ thi còn lại là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 do Sở GD&ĐT TP tổ chức và kỳ thi vào lớp 10 Trường trung học Thực hành, Đại học Sư phạm TPHCM đã phải hủy do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)