Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 5/10/2021

09:12 05/10/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 5/10

Không xét nghiệm kháng thể không cần thiết, sai mục đích

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, ngày 4/10, Sở Y tế đã có văn bản khẩn đề nghị các cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM không sử dụng xét nghiệm kháng thể COVID-19 sai mục đích, không cần thiết, gây tốn kém và có thể gây tâm lý chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Sở Y tế cho biết hiện nay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa đưa ra khuyến cáo về ngưỡng đáp ứng bảo vệ đối với virus COVID-19.

Xét nghiệm huyết thanh học phát hiện kháng thể không sử dụng để xác định đang nhiễm virus và không giúp xác định hiệu quả bảo vệ đối với bệnh COVID-19, chủ yếu phục vụ trong nghiên cứu, đánh giá dịch tễ, điều trị.

Lấy mẫu xét nghiệm kháng thể cho người dân tại phường 2, quận Phú Nhuận - Ảnh: DUYÊN PHAN
Lấy mẫu xét nghiệm kháng thể cho người dân tại phường 2, quận Phú Nhuận - Ảnh: DUYÊN PHAN

Nhằm sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn lực xét nghiệm trong phòng chống dịch, Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP phối hợp các đơn vị chuyên môn, các chuyên gia trong lĩnh vực xét nghiệm xây dựng nội dung truyền thông cho người dân về lợi ích và giá trị chẩn đoán của các phương pháp xét nghiệm.

Phòng y tế quận, huyện, TP Thủ Đức triển khai nội dung này đến các phòng khám và phòng xét nghiệm tư nhân trên địa bàn quản lý; kiểm tra, giám sát việc thực hiện xét nghiệm tại các cơ sở tư nhân đảm bảo đúng quy định pháp luật.

TRước đó, Tuổi Trẻ Online đã phản ánh, đánh vào tâm lý của người dân muốn biết nồng độ kháng thể sau khi tiêm vắc xin hoặc sau khi mắc COVID-19, nhiều tổ chức, cá nhân tung ra các gói xét nghiệm với lời quảng cáo hấp dẫn...

Ngoài các cá nhân, cơ sở y tế đăng thông tin xét nghiệm kháng thể cho người dân với giá khá "chát" từ 300.000-600.000 đồng/lần, nhiều bệnh viện tư, thậm chí bệnh viện công tại TPHCM cũng đăng thông tin xét nghiệm dịch vụ kháng thể cho người dân sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19.

Quý 4/2021: TPHCM cần 57.000 lao động

Dẫn lời ông Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi), Báo SGGP cho biết,  nhu cầu nhân lực quý 4/2021 của TPHCM cần khoảng 44.000-57.000 người lao động. 

Theo ông Đỗ Thanh Vân, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh của Chính phủ và TPHCM đang góp phần tháo gỡ điểm nghẽn, giảm thiểu tình trạng tạm ngừng hoạt động và qua đó tái tạo việc làm cho người lao động.

Mặt khác, những tháng cuối năm là thời điểm quan trọng để các DN nỗ lực hoàn thành đơn hàng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Do đó, nhu cầu nhân lực trong quý 4/2021 tại TPHCM có nhiều chuyển biến tích cực sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cụ thể, nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các nhóm nghề như: kinh doanh - thương mại cần khoảng 13.000 chỗ làm việc (chiếm 23%); dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ cần khoảng 6.500 chỗ làm việc (chiếm 12%); công nghệ thông tin cần khoảng 4.300 chỗ làm việc (chiếm 7,5%); cơ khí - tự động hóa cần khoảng 2.800 chỗ làm việc (chiếm 5%); vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng cần khoảng 2.700 chỗ làm việc (chiếm gần 5%); dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng cần khoảng 2.400 chỗ làm việc (chiếm hơn 4%); du lịch - nhà hàng - khách sạn cần khoảng 2.300 chỗ làm việc (chiếm 4%)…

Trong khi đó, bà Lê Thị Kiều Phượng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP, cho hay, trung tâm đang tiếp tục thu thập cung - cầu lao động để mở sàn giao dịch việc làm trực tuyến.

Đồng hành với DN và người lao động trong giải quyết việc làm, giúp người lao động nhanh chóng ổn định cuộc sống trong giai đoạn TPHCM mở cửa trở lại, Thành Đoàn TP đang đẩy mạnh hoạt động “Tiếp sức người lao động” với chương trình “Combo 3 trong 1, nhà trọ 0 đồng - Test nhanh miễn phí - có việc làm ngay”.

Chương trình thực hiện từ ngày 1/10 đến ngày 30/11/2021 với sự tham dự của 63 tỉnh, thành Đoàn trong cả nước.

4 tuyến xe buýt đầu tiên hoạt động lại

Theo báo Người Lao Động, 4 tuyến xe buýt đầu tiên gồm tuyến số 77, 90, 127, 128 hoạt động trên địa bàn huyện Cần Giờ, đã hoạt động lại từ ngày 4/10 với 290 chuyến/ngày.

Trước khi hoạt động lại, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đã lấy ý kiến của huyện Cần Giờ và được sự đồng thuận tổ chức lại 4 tuyến xe buýt nêu trên.

Cụ thể, tuyến 77: Đồng Hòa- Cần Thạnh: 60 chuyến/ngày. Tuyến 90: Phà Bình Khánh- Cần Thạnh với 90 chuyến/ngày. Tuyến 127: An Thới Đông- Ngã ba Bà Xán, 70 chuyến/ngày. Tuyến 128: Tân Điền-An Nghĩa, 70 chuyến/ngày.

Thời gian phục vụ từ 5 giờ 00 đến 18 giờ 00 mỗi ngày. Thời gian giãn cách từ 20- 30 phút/chuyến.

Trong thời gian giãn cách, các tuyến xe buýt phải dừng hoạt động
Trong thời gian giãn cách, các tuyến xe buýt phải dừng hoạt động

Đối với các tuyến xe buýt còn lại, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng sẽ căn cứ vào nhu cầu đi lại của người dân và tình hình phòng, chống dịch bệnh rà soát và báo cáo Sở Giao thông vận tải để có thông báo công bố cụ thể trong thời gian tới.

Đường Sách TPHCM chuẩn bị kỹ trước khi mở cửa

Đường Sách TPHCM tọa lạc tại đường Nguyễn Văn Bình, Quận 1. Có 21 đơn vị hoạt động tại đây bao gồm gian hàng của các Nhà Xuất bản, Công ty Sách, café sách, ki-ốt quầy lưu niệm, gian sách cũ, sách sưu tầm. Để sẵn sàng đón khách khi mở cửa hoạt động trở lại, Đường Sách đã xây dựng phương án phòng chống dịch cụ thể, hạn chế tác động của dịch bệnh theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng.

Ghi nhận của PV báo Người Lao Động, hôm qua, nhân viên Công ty Đường Sách và các cửa hàng đã tích cực dọn dẹp và kiểm tra các công việc liên quan đến giai đoạn chuẩn bị trước khi mở cửa chính thức.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 5/10/2021 - Ảnh 1
Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 5/10/2021 - Ảnh 2 Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 5/10/2021 - Ảnh 3
Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 5/10/2021 - Ảnh 4
Các nhân viên tại nhà sách đang hối hả chuẩn bị sắp xếp quầy sách để đón khách tham quan
Các nhân viên tại nhà sách đang hối hả chuẩn bị sắp xếp quầy sách để đón khách tham quan

Theo chị Huỳnh Thị Thanh Thúy, Trưởng Văn phòng Sự kiện Công ty Đường Sách, Đường Sách đã tăng cường sắp xếp lắp đặt các trang thiết bị, dụng cụ y tế cần thiết; xịt rửa đường, khử khuẩn, vệ sinh tổng thể, bố trí bảng biểu hướng dẫn phòng chống dịch và chỗ ngồi cho du khách theo qui định giãn cách; trang bị các thiết bị tầm soát đối với toàn bộ người ra vào Đường Sách (quét mã QR, đo thân nhiệt, rửa tay, hướng dẫn lối ra vào,…), hướng dẫn và giám sát các đơn vị thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Nhân viên cũng như khách đến Đường sách phải tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19 hoặc là F0 khỏi bệnh. Ngoài ra, các điều kiện về khoảng cách an toàn, phương án sàng lọc ngay từ hai lối vào cũng được tính toán kỹ, việc thanh toán không tiền mặt được khuyến khích. 

Chị Thanh Thúy cho biết sau khi được Sở Thông tin - Truyền thông cho phép, Đường Sách sẽ có thông báo chính thức mở cửa hoạt động.

Đề nghị tổ chức một số chuyến bay khứ hồi nối với Hà Nội

Vietnamplus cho hay, UBND TPHCM vừa có văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam góp ý về kế hoạch khai thác trở lại các đường bay nội địa thường lệ, trong đó cơ bản thống nhất với dự thảo kế hoạch. Trong đó, đề nghị tổ chức một số chuyến bay (khứ hồi) TPHCM – Hà Nội trong tuần, để giải quyết một phần nhu cầu đi lại cấp thiết giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Máy bay của các hãng hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Máy bay của các hãng hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Về hoạt động của Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, UBND TP yêu cầu phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện theo bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP. Hành khách cần tuân thủ các yêu cầu theo Chỉ thị số 18 của UBND TP về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Ngoài ra, UBND TPHCM đề nghị Cục Hàng không Việt Nam phân công đầu mối để phối hợp với Sở Giao thông Vận tải TP trong công tác triển khai kế hoạch khai thác các đường bay nội địa thường lệ, đảm bảo phù hợp với tình hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn.

Nhiều phường tại TP Thủ Đức vẫn tạm ngừng hoạt động trung tâm thương mại, cắt tóc...

Thông tin khác trên báo Tuổi Trẻ, UBND TP Thủ Đức phân chia cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn 34 phường để xác định các lĩnh vực được hoạt động và các cơ sở kinh doanh, dịch vụ được mở cửa. 

Theo đó, có 19 phường được đánh giá là cấp độ 2 về dịch (vùng vàng) và 15 phường còn lại được đánh giá cấp độ 3 (vùng cam).

15 phường “vùng cam” bao gồm: Bình Trưng Tây, Bình Trưng Đông, An Phú, Cát Lái, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Tân Phú, Phước Long B, Hiệp Bình Chánh, Bình Chiểu, Tam Bình, Linh Trung, Hiệp Bình Phước, Tam Phú, Linh Xuân.

TP Thủ Đức đang tiếp tục tiêm vắc xin mũi 2 cho người trên 50 tuổi để cải thiện tiêu chuẩn đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn - Ảnh: D.N.HÀ
TP Thủ Đức đang tiếp tục tiêm vắc xin mũi 2 cho người trên 50 tuổi để cải thiện tiêu chuẩn đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn - Ảnh: D.N.HÀ

So với vùng xanh và vùng vàng, các phường thuộc vùng cam vẫn phải tạm ngừng hoạt động một số cơ sở, dịch vụ có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao như trung tâm thương mại, cơ sở thể dục thể thao trong nhà (gym, yoga…), cắt tóc, gội đầu, cơ sở thẩm mỹ, kính thuốc, làm răng giả, cơ sở kinh doanh mỹ phẩm…

So với những khu vực đạt tiêu chuẩn vùng xanh, các khu vực vùng vàng tạm ngừng hoạt động các nhà nghỉ, khách sạn, cơ sở nghỉ dưỡng, tham quan, du lịch, không được tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ trong nhà và các hoạt động tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

Theo đó, sau 1 tuần, UBND TP Thủ Đức sẽ đánh giá lại cấp độ dịch dựa trên tình hình thực tế để điều chỉnh cho phù hợp.

Hiện nay, TP Thủ Đức vẫn tiếp tục đẩy mạnh tiêm vắc xin mũi 2 cho người trên 50 tuổi để cải thiện các tiêu chuẩn đánh giá cấp độ dịch.

Cơ sở 3, Bệnh viện Đại học Y Dược TP miễn test nhanh COVID-19
Báo Khoa học và Đời sống cho hay, kể từ ngày 5/10/2021, khi đến Cơ sở 3 - Bệnh viện Đại học Y Dược TP, người bệnh sẽ thông qua khâu sàng lọc và không cần test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 48 tiếng kể từ khi lấy mẫu.

Ngoài ra, những người đã tiêm đủ 2 mũi (thẻ xanh) hoặc đã tiêm 1 mũi vắc xin phòng COVID-19 (thẻ vàng) đủ 14 ngày kể từ ngày tiêm; người đã khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng, có kèm theo chứng nhận của cơ quan y tế địa phương cũng không cần sàng lọc và test nhanh khi đi khám tại đây.

Trẻ em dưới 6 tháng tuổi (được miễn test nhanh), nhưng người lớn đi kèm sẽ phải thực hiện xét nghiệm nếu không đủ những điều kiện trên.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 5/10/2021 - Ảnh 5

Người dân hào hứng đi siêu thị bằng thẻ xanh COVID-19

Từ 1/10, TPHCM ban hành Chỉ thị 18 về nới lỏng giãn cách xã hội, từng bước phục hồi kinh tế.

Những ngày này, người dân hào hứng khi được đi siêu thị bằng thẻ xanh COVID-19 (tiêm đủ 2 mũi vaccine).

Báo Pháp Luật TP có chùm ảnh ghi lại tại một số siêu thị trên địa bàn TP:

Tại siêu thị Co.opmart Nhiêu Lộc (quận 3), để được vào trong mua hàng người dân bắt buộc phải thực hiện khai báo y tế và xuất trình thẻ xanh COVID-19 (tiêm đủ 2 mũi vaccine).
Tại siêu thị Co.opmart Nhiêu Lộc (quận 3), để được vào trong mua hàng người dân bắt buộc phải thực hiện khai báo y tế và xuất trình thẻ xanh COVID-19 (tiêm đủ 2 mũi vaccine).
Với những người chỉ tiêm 1 mũi vaccine sẽ không được vào trong. Người dân ghi đơn hàng và chờ nhân viên siêu thị đi mua hộ, sau đó mang ra và người mua thanh toán tiền.
Với những người chỉ tiêm 1 mũi vaccine sẽ không được vào trong. Người dân ghi đơn hàng và chờ nhân viên siêu thị đi mua hộ, sau đó mang ra và người mua thanh toán tiền.
Các mặt hàng trong siêu thị luôn đầy ắp, kèm theo nhiều khuyến mãi cho người dân từ 1-10.

Các mặt hàng trong siêu thị luôn đầy ắp, kèm theo nhiều khuyến mãi cho người dân từ 1-10.
Bà Phan Trúc Hà (quận Phú Nhuận) cùng người nhà đã tiêm đủ 2 mũi vaccine đi siêu thị để mua sắm. "Lâu rồi mới được tự tay chọn những mặt hàng ưu thích, ở đây ai cũng có thẻ xanh vaccine nên tôi không lo lắng nhiều"- Bà Hà nói.
Bà Phan Trúc Hà (quận Phú Nhuận) cùng người nhà đã tiêm đủ 2 mũi vaccine đi siêu thị để mua sắm. "Lâu rồi mới được tự tay chọn những mặt hàng ưu thích, ở đây ai cũng có thẻ xanh vaccine nên tôi không lo lắng nhiều"- Bà Hà nói.
Nhân viên siêu thị tất bật soạn lại các mặt hàng trên kệ để phục vụ người dân đến mua.
Nhân viên siêu thị tất bật soạn lại các mặt hàng trên kệ để phục vụ người dân đến mua.
Khu vực tính tiền thưa thớt khách, người dân và nhân viên siêu thị luôn đảm bảo khoảng cách phòng dịch.
Khu vực tính tiền thưa thớt khách, người dân và nhân viên siêu thị luôn đảm bảo khoảng cách phòng dịch.
Đa số khách hàng lựa chọn thanh toán bằng thẻ để hạn chế tiếp xúc.
Đa số khách hàng lựa chọn thanh toán bằng thẻ để hạn chế tiếp xúc.

Nhóm BTV (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục