Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 5/4/2021

09:46 05/04/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 5/4:

Cấp bách gỡ vướng trong đầu tư đường Vành đai 3, 4

Thông tin từ Chinhphu.vn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vừa có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT và Thành ủy, HĐND, UBND TPHCM về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4 Thành phố.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, việc đầu tư khép kín tuyến Vành đai 3 là hết sức cấp bách. Theo tiến độ, đường Vành đai 3 sẽ được xây dựng hoàn thành trước năm 2020, nhưng hiện mới chỉ làm được 16,3km đoạn qua địa phận tỉnh Bình Dương (chiếm tỉ lệ 17,92%). Trong khi đó, 3 đoạn còn lại gồm đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (Đồng Nai) dài 34,3km; đoạn Bình Chuẩn (Bình Dương) - quốc lộ 22 (TPHCM) dài 17,5km; đoạn quốc lộ 22 - Bến Lức (Long An) dài 29,2km vẫn chưa thi công.

Đoạn Vành đai 3 Bình Chuẩn - Tân Vạn dài 16,7km đã được tỉnh Bình Dương đầu tư, đưa vào khai thác.
Đoạn Vành đai 3 Bình Chuẩn - Tân Vạn dài 16,7km đã được tỉnh Bình Dương đầu tư, đưa vào khai thác.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ GTVT với vai trò là cơ quan quản lý toàn bộ tuyến đường Vành đai 3 cần khẩn trương xem xét, đề xuất điều chỉnh quy hoạch chi tiết cho phù hợp với tình hình mới. Trong đó lưu ý, mặc dù Quy hoạch chi tiết tuyến Vành đai 3 đã thể hiện khá đầy đủ nhiệm vụ, giải pháp triển khai, kể cả phương thức huy động vốn, tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm triển khai quy hoạch, có một số chính sách mới được ban hành nên việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch là cần thiết.

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp, tiếp tục làm việc với các địa phương có tuyến đường đi qua để rà soát, đánh giá toàn diện tình hình triển khai tuyến đường, những khó khăn, vướng mắc phát sinh; đề xuất giải pháp, trong đó tập trung huy động nguồn lực đầu tư, phân định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong từng giải pháp… Bộ GTVT khẩn trương xây dựng đề án, báo cáo Thường trực Chính phủ trước ngày 20/4/2021 để sớm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, phấn đấu hoàn thành tuyến Vành đai 3 trong nhiệm kỳ Chính phủ 2021-2026; đồng thời triển khai đồng bộ tuyến Vành đai 4 để hoàn thành trong nhiệm kỳ tiếp theo.

Phấn đấu hoàn thành tuyến Vành đai 3 trong giai đoạn 2021-2026; đồng thời triển khai đồng bộ tuyến Vành đai 4 để hoàn thành trong nhiệm kỳ tiếp theo.
Phấn đấu hoàn thành tuyến Vành đai 3 trong giai đoạn 2021-2026; đồng thời triển khai đồng bộ tuyến Vành đai 4 để hoàn thành trong nhiệm kỳ tiếp theo.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị lãnh đạo TPHCM và lãnh đạo các địa phương lân cận cần chủ động xử lý các khó khăn, vướng mắc, nhất là vướng mắc trong công tác GPMB đối với các đoạn tuyến trên địa bàn, đặc biệt TPHCM cần đi đầu trong xây dựng tuyến đường này, có thể nghiên cứu, tiếp nhận các đoạn tuyến từ Bộ GTVT để chủ trì quản lý đầu tư xây dựng theo cơ chế phù hợp.

Ứng dụng KHCN để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (GTĐB). 

Sở GTVT TPHCM vừa đề xuất UBND TP phê duyệt đề án Thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (GTĐB). Thông tin trên báo Pháp Luật TP.

Theo đó, nếu đề án được chấp thuận, năm 2021 sẽ tổ chức khai thác hiệu quả, đồng bộ trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và hạ tầng công nghệ thông tin hiện hữu phục vụ công tác xử phạt. Bao gồm việc mở rộng phạm vi triển khai xử “phạt nguội” ở khu vực trung tâm TP, các tuyến đường quốc lộ, đường vành đai, các điểm đen về tai nạn, các cửa ngõ ra vào TP trên cơ sở tận dụng hệ thống camera giám sát giao thông hiện hữu.

Giai đoạn 2022-2023, Sở GTVT sẽ đầu tư hệ thống quản lý và xử phạt vi phạm giao thông trên địa bàn TP như: thiết bị ngoại vi tại 40 vị trí kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm tập trung tại khu vực trung tâm TP; các điểm đen về tai nạn; khu vực ra vào cảng, bến xe; khu vực sân bay...

Hình ảnh ghi nhận các trường hợp vi phạm tại Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị. Ảnh: ĐÀO TRANG
Hình ảnh ghi nhận các trường hợp vi phạm tại Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị. Ảnh: ĐÀO TRANG

Giai đoạn 2024-2025, tiếp tục đầu tư mở rộng hệ thống quản lý và xử phạt vi phạm giao thông trên địa bàn TP như bổ sung thiết bị ngoại vi tại 140 vị trí kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm tại khu vực trung tâm TP; khu vực ra vào cảng, bến xe; khu vực sân bay; khu vực các tuyến đường quốc lộ, đường vành đai…

Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin sẽ hoàn toàn tự động từ khâu phát hiện vi phạm, tự động tra cứu cơ sở dữ liệu phương tiện vi phạm, tự động phát hành biên bản xử phạt và quyết định xử phạt vi phạm gửi đến chủ phương tiện vi phạm. Chủ phương tiện đóng phạt thông qua các hình thức thanh toán điện tử. Theo đó, kinh phí đầu tư dự kiến giai đoạn này sẽ hơn 286 tỉ đồng bằng nguồn ngân sách TP và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định.

Cá chết hàng loạt trên kênh Nhiêu Lộc sau trận mưa trái mùa là do ô nhiễm cục bộ

Vietnamplus đưa tin, sau 3 trận mưa lớn vào sáng và trưa 4/4, tại các khu bến thuyền, chân cầu dọc theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, xác cá đã nổi kín mặt nước. Trong đó, khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất là đoạn từ cầu số 1 đến cầu số 7-8, các đoạn kênh khu vực Quận 3 và quận Phú Nhuận.

Tại đường Trường Sa, việc cá chết hàng loạt đã gây ảnh hưởng không ít đến hoạt động kinh doanh của hàng trăm hộ dân dọc theo bờ kè. Nhiều cơ sở ăn uống đã phải tạm dừng hoạt động để chờ lực lượng công nhân vệ sinh làm sạch kênh.

Xác cá dạt vào dọc khu vực bờ kè trên đường Trường Sa (quận Phú Nhuận). (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)
Xác cá dạt vào dọc khu vực bờ kè trên đường Trường Sa (quận Phú Nhuận). (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Theo ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP, nguyên nhân cá chết là do ô nhiễm cục bộ. Vì khu vực đầu nguồn kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè không liên thông với sông hay kênh rạch tự nhiên mà chỉ có cống nước thải, sau nhiều cơn mưa lớn, nước đổ xuống kênh mang theo các chất độc và rác thải không phân hủy như bao nilon, ly nhựa, chai thủy tinh... bít kín mặt nước khiến cá không hô hấp được, đồng thời làm hàm lượng khí độc hại trong bùn ở đáy kênh như NH3, NO2... tăng vượt ngưỡng cho phép, gây hiện tượng cá chết trên diện rộng ở khu vực cuối kênh.

Dù kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè có hệ thống bơm, xử lý nước thải nhưng do lượng nước thải quá lớn nên hệ thống xử lý không xuể, khiến nguồn nước bị ô nhiễm.

Công nhân vệ sinh thu gom xác cá. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)
Công nhân vệ sinh thu gom xác cá. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Ngoài nguyên nhân về thời tiết và ô nhiễm, một lý do khác là cá trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè hầu hết là cá phóng sinh hoặc được thả nuôi như cá trê, rô phi..., không phải cá tự nhiên nên khả năng thích nghi thấp; khi xảy ra xáo trộn môi trường sẽ không đủ sức chống chọi.

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP đã thực hiện nhiều giải pháp giảm đàn cá, nạo vét lòng kênh... nhưng tình trạng cá chết vẫn chưa cải thiện đáng kể. Sở khuyến cáo người dân nên hạn chế phóng sinh cá ồ ạt xuống kênh mỗi dịp lễ, Tết để bảo đảm số lượng cá cân bằng.

TPHCM dẫn đầu cả nước về số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

Báo Công an nhân dân đưa tin, trong giai đoạn 2011 - 2020, TPHCM là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (SHCN) nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ với 135.692 đơn (chiếm 47%), tiếp đến là Hà Nội với 108.099 đơn (chiếm 37,44%).

Trong danh sách tốp 10 địa phương có lượng đơn đăng ký SHCN còn có sự xuất hiện của các địa phương có sự phát triển kinh tế năng động như Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Bắc Ninh và Hưng Yên.

Đơn đăng ký các đối tượng SHCN của các chủ thể Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020
Đơn đăng ký các đối tượng SHCN của các chủ thể Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020

Về đăng ký sáng chế, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng đơn đăng ký sáng chế trong giai đoạn 2011-2020, với 2.639 đơn. Tiếp đến là TPHCM với 1.556 đơn, Bà Rịa-Vũng Tàu 98 đơn, Đồng Nai 96 đơn, Đà Nẵng 82 đơn và Cần Thơ 82 đơn.

Ngoài ra, Hà Nội và TPHCM cũng là hai địa phương sở hữu số lượng bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích nhiều nhất cả nước, với lần lượt là 1.108 và 469 văn bằng, chiếm khoảng 74% tổng số bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích của cả nước…

Đề xuất ban hành chính sách hỗ trợ đối với các CB, CCVC, NLĐ dôi dư

Sở Nội vụ vừa có tờ trình gửi UBND TP về ban hành Quyết định phê duyệt Đề án sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CB, CCVC,NLĐ), người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và giải quyết chế độ, chính sách đối với các trường hợp dôi dư khi tổ chức chính quyền đô thị, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức. Nội dung trên báo Người Lao Động.

Theo đó, các trường hợp là CB, CCVC,NLĐ, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư sau khi thực hiện Đề án, Sở Nội vụ đề xuất thực hiện giải quyết chế độ, chính sách theo các văn bản quy định hiện hành của Chính phủ và TPHCM. Nếu phát sinh thêm các đối tượng không đủ điều kiện, tiêu chuẩn giải quyết các chế độ, chính sách theo quy định (nếu có), Sở sẽ tổng hợp danh sách, tham mưu trình UBND TP để xem xét, quyết định. Trường hợp cần thiết sẽ trình HĐND TP ban hành chính sách hỗ trợ riêng.

Đối với việc sắp xếp, TP đặt ra mục tiêu phải đảm bảo tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và thực hiện chế độ tiền lương mới. Đồng thời, phải được tiến hành đồng bộ, liên thông giữa các tổ chức; nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CCVC,NLĐ; kịp thời giải quyết chế độ, chính sách đối với các trường hợp dôi dư không thể sắp xếp tiếp tục làm việc và các trường hợp không còn tiếp tục công tác.

TP HCM lên đề án sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách
TP HCM lên đề án sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách

Theo lộ trình, đến ngày 1/7/2021, TP sẽ hoàn tất việc sắp xếp, bố trí đối với tất cả các trường hợp giữ chức danh Phó Chủ tịch HĐND quận, Phó Trưởng Ban chuyên trách HĐND quận và Phó Chủ tịch HĐND phường.

Đến ngày 31/12/2022, biên chế công chức và người lao động trong các cơ quan chính quyền của TP Thủ Đức là 459; biên chế viên chức và người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc TP Thủ Đức là 165. Đồng thời, đảm bảo số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tại 19 phường thuộc các quận 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận và TP Thủ Đức đúng theo quy định.

Kết nối hàng ngàn vị trí việc làm

Theo báo Người Lao Động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TPHCM đã khởi động chương trình "Tiếp sức người lao động" và sàn giao dịch việc làm năm 2021, với sự tham gia của 50 doanh nghiệp (DN) tuyển 10.000 vị trí việc làm trong nhiều lĩnh vực.

Chương trình diễn ra nhiều hoạt động như: Phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp giữa người lao động (NLĐ) và DN tại các gian hàng, tư vấn xuất khẩu lao động, tư vấn và tiếp nhận đăng ký bảo hiểm thất nghiệp; giới thiệu việc làm miễn phí tại các bến xe và các văn phòng của trung tâm; hướng dẫn đường đi, giới thiệu phương tiện di chuyển và hướng nghiệp cho NLĐ từ các tỉnh đến TP HCM tìm kiếm việc làm.

Nhiều bạn trẻ quan tâm đến các cơ hội ra nước ngoài làm việc tại gian hàng của Colab
Nhiều bạn trẻ quan tâm đến các cơ hội ra nước ngoài làm việc tại gian hàng của Colab

Dịp này, Trung tâm Lao động ngoài nước (Colab, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã kết nối hàng chục DN Hàn Quốc, Nhật Bản đến trực tiếp phỏng vấn để tuyển dụng hàng trăm vị trí việc làm từ công nhân, kỹ thuật viên, kỹ sư đến quản lý với mức thu nhập hấp dẫn. Colab cũng trực tiếp tư vấn và giới thiệu cơ hội việc làm cho NLĐ có nhu cầu ra nước ngoài làm việc.

Hơn 5.000 người tham gia Hội diễn văn nghệ ngành Giáo dục TP

Báo Giáo dục và Thời đại đưa tin, sau 1 tuần tranh tài, ngày 4/4, Hội diễn văn nghệ ngành GD&ĐT TP năm 2021 với chủ đề “Tự hào Thành phố mang tên Bác” đã khép lại với giải Nhất toàn đoàn thuộc về Trường THPT Trần Phú và Phòng GD&ĐT quận 1. Trong suốt 7 ngày diễn ra, hội diễn nhận được sự quan tâm từ đông đảo thầy cô giáo, học sinh - sinh viên, các bậc phụ huynh với 348 tiết mục và trên 5.000 người tham dự.

Tiết mục tham gia Hội diễn của Trường THPT Trần Phú. Ảnh: Công Chương.
Tiết mục tham gia Hội diễn của Trường THPT Trần Phú. Ảnh: Công Chương.

Theo ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP, Trưởng Ban tổ chức, hầu hết các tiết mục đều thể hiện đúng yêu cầu và xây dựng chương trình với những chủ đề: ca ngợi những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam; ca ngợi đất nước, Đảng và Bác Hồ; truyền thống cách mạng của dân tộc qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ Quốc và trong công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới và hội nhập; Ca ngợi tình cảm yêu thương gắn bó với mái trường, tình thầy trò, tình bạn thân thiết, lòng yêu nghề, yêu trường lớp của đội ngũ thầy cô giáo, các em học sinh,...

Bên cạnh sự đa dạng về thể loại, cách thức thể hiện độc đáo, Ban Tổ chức ghi nhận nhiều tiết mục được đầu tư hoành tráng, dàn dựng công phu, tập luyện nghiêm túc, tạo ra được sự bất ngờ lớn cho Ban Giám khảo và người xem.

Tiết mục tham gia hội diễn của Phòng GD&ĐT Q.1. Ảnh: Công Chương.
Tiết mục tham gia hội diễn của Phòng GD&ĐT Q.1. Ảnh: Công Chương.

91.887 thí sinh tham gia Hội thi "CNVC-LĐ với Ngày hội non sông"

Thông tin khác trên báo Người Lao Động, ngày 4/4, Liên đoàn Lao động TP đã tổng kết tuần thứ 1 Hội thi tuyên truyền bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, ĐB HĐND TPHCM khóa X và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với tên gọi "Công nhân viên chức - lao động với Ngày hội non sông".

Tuần thứ 1, hội thi diễn ra từ ngày 29/3 đến 3/4 với tên gọi "Bạn có biết" đã thu hút 91.887 thí sinh tham gia thi trắc nghiệm tìm hiểu pháp luật về bầu cử ĐBQH khóa XV, ĐB HĐND TPHCM khóa X và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Các đơn vị có đông thí sinh tham gia như Công đoàn (CĐ) Liên hiệp HTX Thương mại TP (12.448 thí sinh), CĐ ngành Giáo dục TP (11.007 thí sinh), CĐ ngành Y tế TP (6.713 thí sinh), CĐ Viên chức TP (4.982 thí sinh).

Tuần 2 của hội thi sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 10/4, các thí sinh trả lời trắc nghiệm bằng hình thức thi trực tuyến.

Một tiểu phẩm dự hội thi tìm hiểu pháp luật về bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp do LĐLĐ quận Tân Bình, TP HCM tổ chức. Ảnh: MAI CHI
Một tiểu phẩm dự hội thi tìm hiểu pháp luật về bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp do LĐLĐ quận Tân Bình, TP HCM tổ chức. Ảnh: MAI CHI

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục