Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 5/7/2021

09:30 05/07/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 5/7:

Thêm 12 bệnh nhân COVID-19 được xuất viện

Báo Người Lao Động đưa tin, chiều 4/7, Bệnh viện Điều trị COVID-19 Trưng Vương đã hoàn tất thủ tục xuất viện cho 12 trường hợp bệnh nhân COVID-19 - đây đều là những bệnh nhân có thời gian cách ly, điều trị chỉ khoảng 2 tuần lễ. Đây là đợt bệnh nhân thứ 2 được ra viện tại đây, số người ra viện trong đợt trước (chiều tối ngày 3/7) là 9 người.

Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương
Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương

Theo TS-BS Lê Thanh Chiến, Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương, các bệnh nhân này đã có sức khỏe ổn định, đã qua 14 ngày nằm viện và kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính, tức hội đủ tiêu chí ra viện.

Đây cũng là nhóm những bệnh nhân đầu tiên mà Bệnh viện Điều trị COVID-19 Trưng Vương đã tiếp nhận khi chính thức hoàn thành chuyển đổi công năng, đi vào hoạt động. Tất cả bệnh nhân sau ra viện đều trở về địa phương tiếp tục cách ly, theo dõi một thời gian nữa trước khi hoàn toàn trở lại cuộc sống bình thường.

Từ 5/7, tạm dừng đường bay TPHCM – Thừa Thiên Huế và ngược lại

Thông tin trên báo Giáo dục và Thời đại, nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh COVID-19, Cục Hàng không Việt Nam đã có báo cáo Bộ Giao thông vận tải về việc tạm dừng khai thác đối với chuyến bay chở khách từ TPHCM - Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) và ngược lại từ 0 giờ ngày 5/7/2021 cho đến khi có thông báo mới.

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam cũng có thông báo tạm dừng các chuyến bay chở khách đường bay TPHCM - Chu Lai (Quảng Nam) và ngược lại từ 0 giờ ngày 4/7/2021.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Các chuyến bay đặc biệt nhằm phục vụ vận chuyển nhân viên y tế, vật tư, trang thiết bị y tế sẽ được Cục Hàng không Việt Nam xem xét, giải quyết theo đề nghị của hãng hàng không.

Thiết lập 10 chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại Hóc Môn

Báo Pháp Luật TP cho hay, chiều 4/7, UBND huyện Hóc Môn ra quyết định thiết lập 10 chốt kiểm soát các biện pháp phòng, chống COVID-19 trên địa bàn thị trấn Hóc Môn và các xã Tân Xuân, Bà Điểm, Xuân Thới Đông. Thời gian thực hiện từ 6 giờ 30 ngày 5/7.

Địa điểm 10 chốt cụ thể như sau:

Chốt 1: Giao lộ đường Lý Thường Kiệt và Quốc lộ 22.

Chốt 2: Giao lộ đường Nguyễn Ảnh Thủ và Quốc lộ 22.

Chốt 3: Giao lộ đường Lê Lợi và Song hành Quốc lộ 22.

Chốt 4: Giao lộ đường Đỗ Văn Dậy và Rạch Trưng Nữ Vương.

Chốt 5: Trên đường Quang Trung (ngã 3 Chùa).

Chốt 6: Giao lộ đường Tô Ký với đường Tân Xuân – Trung Chánh.

Chốt 7: Giao lộ đường Song hành Quốc lộ 22 với đường Đồng Tâm.

Chốt 8: Giao lộ đường Phan Văn Hớn với Quốc lộ 1.

Chốt 9: Trên đường Phan Văn Đối – Rạch cầu Sa.

Chốt 10: Giao lộ đường Trần Văn Mười với đường Phan Văn Hớn.

Một điểm trên địa bàn huyện Hóc Môn bị phong tỏa do có ca bệnh COVID-19. Ảnh: TRẦN NGỌC
Một điểm trên địa bàn huyện Hóc Môn bị phong tỏa do có ca bệnh COVID-19. Ảnh: TRẦN NGỌC

Các chốt kiểm soát có nhiệm vụ kiểm tra và nhắc nhở những trường hợp ra vào khu vực giãn cách không thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch COVID-19 như: tập trung quá 3 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; đi vào khu vực giãn cách; đi ra khỏi khu vực giãn cách mà không thuộc diện được quy định.

Gỡ khó để mở rộng 4 tuyến quốc lộ

Nhiều năm qua, các tuyến quốc lộ 1, 13, 22, 50 qua địa bàn TPHCM chưa được cải tạo, nâng cấp kịp thời nên thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông. Hiện Thành phố đang đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ những khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án này.

Trao đổi với báo Hà Nội Mới, Giám đốc Sở GTVT TP Trần Quang Lâm thông tin thêm, trong 4 tuyến quốc lộ cần nâng cấp, mở rộng, tuyến quốc lộ 50 (đi qua huyện Bình Chánh) đã được thông qua chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Dự án thực hiện trong giai đoạn 2021-2024, với chiều dài 7km, mở rộng đường hiện hữu lên 34m.

Cần sớm mở rộng quốc lộ 13, chạy qua địa phận thành phố Hồ Chí Minh để tránh ùn tắc giao thông giờ cao điểm.
Cần sớm mở rộng quốc lộ 13, chạy qua địa phận thành phố Hồ Chí Minh để tránh ùn tắc giao thông giờ cao điểm.

Trong khi đó, tuyến quốc lộ 13 đang được lập kế hoạch đầu tư và sẽ triển khai trong giai đoạn 2021-2025. Theo đó, đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước (TP Thủ Đức) dài hơn 4,5km được mở rộng lên 53-60m, với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, chuyển từ hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) sang sử dụng vốn ngân sách.

Đối với dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 22 dài 5,4km, được mở rộng lên 4-8 làn xe có tổng vốn 935 tỷ đồng, được đề xuất ưu tiên thực hiện từ nay đến năm 2025.

Còn tuyến quốc lộ 1, đoạn từ nút giao Tân Kiên đến nút giao Bình Thuận dài 2,5km sẽ được mở rộng lên 120m. Dự án có tổng mức đầu tư 3.353 tỷ đồng.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP Lương Minh Phúc  cho biết, để đẩy nhanh tiến độ 4 tuyến quốc lộ nói trên, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt là linh hoạt trong công tác giải phóng mặt bằng. Cụ thể, giao Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy trình giải phóng mặt bằng thí điểm, rút gọn về mặt thủ tục.

Đối với các dự án nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ 1, 13 và 22, TPHCM đã đề xuất Trung ương cấp vốn trung hạn để các dự án sớm được đầu tư, góp phần giảm ùn tắc giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP và khu vực phía Nam.

Hàng loạt dự án hối hả về đích

Ghi nhận của PV báo Người Lao Động, không cảnh xe cộ, công nhân ra vào tấp nập nói chuyện như những ngày trước giãn cách, những ngày này, ngay cổng ra vào công trường bên nhánh hầm chui hướng từ quận 7 về huyện Bình Chánh, bảng thông báo công nhân phải tuân thủ quy tắc 5K được dán rõ ràng, công nhân tuân thủ nghiêm ngặt. 

So với 2 tháng trước, số lượng công nhân giảm gần một nửa do yêu cầu giãn cách nhưng theo đơn vị thi công, công trình sẽ về đích không chậm nhiều so với kế hoạch bởi đơn vị đã và luôn quán triệt anh em đẩy nhanh tiến độ, chia ca hợp lý. 

Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn - Trưởng Ban Điều hành dự án đường bộ 4 (thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM - chủ đầu tư dự án), với tiến độ như hiện tại, nhánh hầm hướng từ Khu Chế xuất Tân Thuận về huyện Bình Chánh sẽ hoàn thành giữa năm 2022, chậm không nhiều so với kế hoạch đề ra. Đây cũng là cố gắng không nhỏ của đơn vị thi công trong những ngày dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở TP.

Tương tự, trên công trường mở rộng, nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh (Tỉnh lộ 9, huyện Hóc Môn), các nhóm công nhân chia nhau trải dài trên toàn tuyến để thi công từng đoạn. So với 2 tháng trước, công trình đã dần hiện rõ hình hài. 

Dự án mở rộng, nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh vẫn đang từng bước hoàn thiện giữa những ngày dịch bệnh căng thẳng
Dự án mở rộng, nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh vẫn đang từng bước hoàn thiện giữa những ngày dịch bệnh căng thẳng

Bên cạnh những dự án dân sinh trọng điểm vừa thi công vừa phòng chống dịch, một số dự án vừa được HĐND TP thông qua cũng được chủ đầu tư cấp tập chuẩn bị các thủ tục cần thiết để triển khai sớm nhất có thể.

Đáng kể nhất là dự án mở rộng Quốc lộ 50 đi qua địa bàn huyện Bình Chánh - dự án được người dân kỳ vọng, trông đợi nhiều năm nay. Hiện nay, công tác chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng được UBND huyện Bình Chánh thực hiện khoảng 80%; các sở, ngành liên quan đang chuẩn bị các thủ tục đầu tư theo quy định trước khi dự án triển khai.

Ở khu vực phía Đông TP, dự án xây dựng nút giao thông An Phú (TP Thủ Đức) với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỉ đồng, cũng đang được là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP chuẩn bị những thủ tục liên quan. Đây là công trình trọng điểm nhằm tháo nút thắt giao thông khu vực đường dẫn vào đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đồng thời tăng năng lực giao thông khi sân bay quốc tế Long Thành được đưa vào khai thác.

Công nhân vẫn tất bật thi công dự án xây dựng hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ
Công nhân vẫn tất bật thi công dự án xây dựng hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ

Trường ĐH Mở TPHCM khai giảng chương trình cử nhân trực tuyến

Thông tin khác từ báo Giáo dục và Thời Đại, ngày 4/7, Trường ĐH Mở TPHCM đã khai giảng chương trình Cử nhân đào tạo từ xa theo phương thức trực tuyến.

Theo đó, có 524 sinh viên trúng tuyển vào khóa học này với nhiều ngành nghề đào tạo như: Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Quản trị nhân lực, Marketing, Luật học, Luật Kinh tế, Tài chính ngân hàng, ngôn ngữ Anh, Kế toán, Kiểm toán.

GS.TS Nguyễn Minh Hà- Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM cho biết: hoạt động đào tạo trực tuyến của nhà trường đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần phát huy truyền thống đào tạo từ xa hơn 30 năm của nhà trường. Các chương trình đào tạo trực tuyến của Trường cung cấp sự lựa chọn đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng. Bên cạnh đó, Nhà trường còn cung cấp các khóa học miễn phí phục vụ cộng đồng học tập suốt đời trên nền tảng VMOOCs.

Ban giám hiệu Trường ĐH Mở TPHCM tại lễ khai giảng chương trình đào tạo
Ban giám hiệu Trường ĐH Mở TPHCM tại lễ khai giảng chương trình đào tạo

"Phương thức đào tạo trực tuyến là giải pháp cần thiết, giúp hoạt động dạy và học được diễn ra liên tục, đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Việc triển khai đào tạo trực tuyến đã giúp hơn 20.000 sinh viên hoàn thành chương trình đúng tiến độ trong thời gian thực hiện giãn cách",  GS.TS Nguyễn Minh Hà nhấn mạnh.

BQL chợ Xã Tây 'đi chợ hộ' bà con mùa dịch

Chẳng cần vào bên trong chợ, cũng không cần tiếp xúc với người bán, người mua mà vẫn có hàng hóa, đồ ăn thiết yếu mỗi ngày cho gia đình. Đó là cách đi chợ mới của những bà con sống quanh khu vực chợ Xã Tây (P.11, Q.5) những ngày qua.

Giữa những ngày dịch Covid-19 căng thẳng ở TP.HCM, khi nguy cơ lây nhiễm bệnh từ các khu chợ đang khiến nhiều người lo lắng, để duy trì nhịp sống thường nhật, Ban quản lý (BQL) chợ Xã Tây nghĩ ra sáng kiến 'đi chợ hộ' bà con.

Trao đổi với PV báo Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng BQL chợ Xã Tây, chia sẻ, nhiều ngày nay, anh em bảo vệ và ngay cả chính bản thân ông đang đảm nhiệm thêm công việc shipper, đi chợ hộ rồi giao hàng tận nhà cho người dân quanh khu vực Q.5 để hạn chế việc bà con đến chợ trong những ngày dịch Covid-19 phức tạp. 

Để giúp người dân làm quen với hình thức đi chợ truyền thống mới mà không cần ra khỏi nhà. Chợ Xã Tây đã đăng số điện thoại, danh sách các tiểu thương bán thịt, cá, trứng... lên website của chợ để người dân biết.

Tiểu thương chợ Xã Tây thích thú với "dịch vụ" giao hàng hộ của BQL chợ/ LÊ NAM
Tiểu thương chợ Xã Tây thích thú với "dịch vụ" giao hàng hộ của BQL chợ/ LÊ NAM

Khi mua hàng, người dân chỉ cần gọi vào đường dây nóng của chợ, chợ sẽ cử người tiếp nhận, ghi lại đơn hàng và cử người mua hộ... sau đó đi giao tận nhà cho bà con trong khu vực Q.5. Tiền hàng lấy từ khách sẽ đưa về trả lại cho người bán.

“Mỗi ngày chúng tôi nhận đơn hàng từ 7 giờ 15 phút đến 10 giờ là hết vì 11 giờ chợ truyền thống nghỉ rồi, lúc đó bà con đã rục rịch dẹp chợ. Nếu trong bán kính quận, chúng tôi sẽ giao hàng miễn phí” - ông Sinh cho biết.

Ngoài hình thức “đi chợ hộ”, chợ Xã Tây cũng áp dụng nhiều biện pháp để đảm bảo giãn cách, hạn chế tập trung đông người trong chợ. Người dân vào chợ bằng 2 cửa, bà con vào cổng này ra cổng kia, ra vào đều phải rửa tay, đo thân nhiệt và khai báo y tế. Phía bên trong, các sạp hàng cách 1 mét đảm bảo không gian thoáng đãng.

Khách phải khai báo y tế, đo thân nhiệt và rửa tay khử khuẩn trước khi vào chợ/ LÊ NAM
Khách phải khai báo y tế, đo thân nhiệt và rửa tay khử khuẩn trước khi vào chợ/ LÊ NAM

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục