Hai trẻ em dưới 6 tuổi được trao thẻ căn cước đầu tiên ở quận 1
Báo SGGP đưa tin, chiều qua, Công an quận 1 đã trao hai thẻ căn cước đầu tiên đến hai công dân dưới 6 tuổi hiện đang cư trú trên địa bàn.
Theo Công an quận 1, trong ngày đơn vị đã tiếp nhận 10 thẻ căn cước do cơ quan có thẩm quyền cấp trên cấp về. Trong đó có hai thẻ căn cước của hai công dân dưới 6 tuổi thuộc diện đối tượng mới trong công tác thu nhận theo Luật căn cước năm 2023.
Sau khi nhận được công an đã tổ chức trao căn cước đến hai công dân này là bé Hoàng Ngọc Diệp và bé Nguyễn Huỳnh Gia Hưng. Tại buổi lễ, phụ huynh cùng hai bé đều phấn khởi và bất ngờ vì chỉ mới làm thủ tục cách đây 3 ngày.
Công an quận 1 cho biết, việc được cấp căn cước sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho công dân dưới 6 tuổi và phụ huynh khi thực hiện các thủ tục hành chính mà không cần phải mang theo nhiều giấy tờ, rườm rà như trước đây.
Triển khai tổ chức “Bữa cơm Công đoàn” năm 2024
Thực hiện Kế hoạch số 17/KH-TLĐ Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc tổ chức các hoạt động kỉ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2024), Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa ban hành Hướng dẫn triển khai tổ chức "Bữa cơm Công đoàn" năm 2024 đồng loạt trong các cấp Công đoàn trên toàn quốc. Nội dung trên báo Người Lao Động.
Theo đó, trong tuần cuối tháng 7 (từ 22 đến 28/7), các cấp Công đoàn trong toàn quốc tổ chức 1 "Bữa cơm Công đoàn", trong đó tập trung cao điểm là Thứ sáu, ngày 26/7/2024.
Theo hướng dẫn của Tổng LĐLĐ Việt Nam, giá trị suất ăn "Bữa cơm Công đoàn" bằng giá trị bữa cơm hằng ngày cộng với giá trị tăng thêm từ nguồn tài chính Công đoàn, cộng với giá trị tăng thêm từ các nguồn xã hội hóa khác (nếu có). Trong đó, giá trị bữa cơm hằng ngày là giá trị suất ăn theo chế độ quy định hoặc do cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động cung cấp hằng ngày tại nơi làm việc. Giá trị tăng thêm từ nguồn tài chính Công đoàn tối đa 50.000 đồng/suất.
"Bữa cơm Công đoàn" cũng là dịp để người lao động, tổ chức Công đoàn và lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chia sẻ, tâm tình tạo nên bầu không khí đoàn kết, thấu hiểu, qua đó tạo dựng niềm tin, sự gắn bó của đoàn viên, người lao động đối với tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp.
Cần chính sách đồng bộ để chăm lo tốt hơn cho người già
Báo Phụ Nữ TP cho biết, các chuyên gia đã góp ý những giải pháp để có một mô hình, một hệ thống dịch vụ dưỡng lão tốt, đáp ứng về số lượng, chất lượng, với mức chi phí hợp lý… nhằm chăm lo tốt hơn cho người cao tuổi trước xu thế già hóa dân số.
Theo ông Nguyễn Tăng Minh - Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM, trước hết cần củng cố, mở rộng, nâng cao chất lượng cơ sở chăm sóc người cao tuổi hiện có, mở rộng dịch vụ thu phí đối với các cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện chức năng chăm sóc người cao tuổi. Các viện dưỡng lão phải có một đội ngũ đủ về số lượng và chất lượng chuyên môn.
Những ưu việt của mô hình viện dưỡng lão tại Nhật Bản được cả thế giới, trong đó có Việt Nam, học tập là nhờ áp dụng những công nghệ và sản phẩm tiên tiến, mang lại cuộc sống vui vẻ và thoải mái nhất cho người cao tuổi. Họ chú trọng tới sức khỏe và môi trường sống, không gian sống hiện đại, đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp...
Để có những viện dưỡng lão như vậy thì cần có các chính sách đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, thu hút sự tham gia đầu tư từ các tổ chức, cá nhân. Một trong những khó khăn hiện nay của các nhà đầu tư là đất đai.
8 ngày chạy ECMO cứu sống ngoạn mục trẻ viêm cơ tim tối cấp
Theo Báo Pháp luật TP, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. HCM) vừa sử dụng nhiều phương pháp kỹ thuật cao tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc cứu sống một bệnh nhi bị viêm cơ tim tối cấp.
Theo đó vào ngày 17/6, bệnh nhi là BHĐĐ (nữ, 6 tuổi, ngụ Long An) đến bệnh viện khám với triệu chứng đau bụng và nôn ói nhiều trong 3 ngày.
Sau khi nhập viện, bệnh nhi nhanh chóng biểu hiện môi tái, mạch bắt nhẹ, biểu hiện tình trạng sốc tim, rối loạn nhịp tim sau đó ngưng tim.
Ngay lập tức, các bác sĩ đặt nội khí quản, xoa bóp tim ngoài lồng ngực và báo động đỏ để thực hiện ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể) cấp cứu. Sau khi chạy ECMO, huyết động bệnh nhi tạm ổn định nhưng tình trạng rối loạn nhịp tim cần phải dùng thêm thuốc trợ tim, chống loạn nhịp tim và lọc máu liên tục. Cạnh đó, bệnh nhi được thực hiện kỹ thuật hạ thân nhiệt chủ động kèm thuốc chống phù não để bảo vệ não.
Sau 8 ngày chạy ECMO, tim bệnh nhi phục hồi, chức năng co bóp cơ tim tốt và được cai ECMO thành công vào 25/6.
Hơn 70% công việc ở TP.HCM cần tuyển lao động chưa có kinh nghiệm
Trên báo Thanh Niên, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (Falmi) cho hay, nửa đầu năm 2024, đơn vị đã khảo sát 23.550 lượt doanh nghiệp với 158.600 chỗ làm việc và 79.000 người lao động đang có nhu cầu tìm việc.
Qua phân tích nhu cầu nhân lực theo kinh nghiệm làm việc cho thấy, tuyển dụng ứng viên có 1 năm kinh nghiệm làm việc: cần 42.838 chỗ làm việc, chiếm 27,01% tổng nhu cầu nhân lực, chủ yếu ở các vị trí việc làm như nhân viên bán hàng; nhân viên chăm sóc khách hàng; giáo viên ngôn ngữ; thợ vận hành thiết bị công nghiệp; nhân viên kế toán, nhân viên marketing; nhân viên bảo vệ.
Từ 2 - 5 năm kinh nghiệm: cần 4.092 chỗ làm việc, chiếm 2,58% tổng nhu cầu nhân lực, tập trung các vị trí như kỹ thuật điện; nhân viên tài chính - tín dụng; bác sĩ; kỹ sư xây dựng; nhân viên marketing… Trên 5 năm kinh nghiệm làm việc: cần 95 chỗ làm việc, chiếm 0,06% tổng nhu cầu nhân lực, chủ yếu ở tuyển các công việc như kỹ sư cơ khí; kỹ sư điện; kỹ sư quản lý xây dựng; bác sĩ đa khoa...
Đáng lưu ý, nhu cầu nhân lực không yêu cầu kinh nghiệm là 115.575 chỗ làm việc, chiếm 70,35% tổng nhu cầu nhân lực. Các vị trí đang tuyển dụng nhiều là nhân viên bán hàng; nhân viên telesales; nhân viên tư vấn - chăm sóc khách hàng; nhân viên kho; bảo vệ; thợ lắp ráp thiết bị; nhân viên phục vụ; nhân viên nhập liệu; nhân viên kinh doanh bất động sản.
TP.HCM phấn đấu mỗi tháng có một sự kiện, lễ hội đặc trưng riêng
Tin khác trên báo Pháp luật TP, trong Đề án Phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2030, TP.HCM phấn đấu để mỗi tháng có sự kiện, lễ hội đặc trưng riêng để xây dựng thương hiệu cho TP. Đó là thông tin bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM chia sẻ tại họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM chiều 4/7.
Thông tin về Đề án Phát triển công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030, bà Nguyễn Thị Thanh Thuý cho biết TP.HCM đã lựa chọn 8 lĩnh vực, ngành công nghiệp văn hóa để phát triển từ nay đến năm 2030 gồm điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang.
Trên cơ sở đó, bà Thuý cho biết TP.HCM đặt ra chỉ tiêu đến năm 2025 tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp văn hóa đạt bình quân khoảng 14%/năm, phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5,7% GRDP của TP.HCM và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.
Xa hơn đến năm 2030, TP.HCM phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 7 - 8% GRDP của TP.HCM.