Đề nghị phân bổ 5,5 triệu liều vaccine trong tháng 8
Theo Zing news, Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức vừa có văn bản khẩn gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về đề nghị phân bổ vaccine cho TPHCM.
Công văn cho biết dự kiến trong tháng 8, TP cần 4,5 triệu liều vaccine các loại để tiêm mũi 1 và 1 triệu liều vaccine để tiêm mũi 2 cho người dân. Với người tiêm mũi 2, nhu cầu cụ thể của TP là: 800.000 người đã tiêm AstraZeneca từ 8 đến 12 tuần; 200.000 người đã tiêm Moderna từ 4 tuần.
Như vậy, thành phố cần tổng cộng 5,5 triệu liều vaccine từ 5/8 đến 31/8 cho cả 2 nhóm đối tượng trên. Trung bình mỗi ngày, TP cần 210.000 liều vaccine. Để đạt mục tiêu đặt ra, thành phố đề xuất được cấp sớm vaccine từ ngày 5/8 và theo tiến độ liên tục đến 31/8.
Cùng ngày, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam ký công văn gửi các đơn vị về hướng dẫn tiêm 2 liều vaccine.
Để triển khai tiêm chủng an toàn, Sở Y tế đề nghị người đã tiêm mũi thứ nhất bằng vaccine nào thì tốt nhất tiêm mũi thứ hai bằng vaccine đó.
Trường hợp nguồn vaccine hạn chế thì có thể phối hợp bằng cách tiêm mũi thứ hai bằng vaccine Pfizer cho người đã tiêm mũi 1 vaccnie AstraZeneca (nếu được người tiêm chủng đồng ý), khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 8-12 tuần. Không sử dụng vaccine Moderna sản xuất hoặc vaccine khác để tiêm mũi thứ hai cho người đã tiêm mũi 1 bằng AstraZeneca.
Những người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine Sinopharm, Pfizer, Moderna sản xuất thì mũi hai chỉ tiêm vaccine cùng loại. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Báo SGGP cho hay, UBND TPHCM vừa có chỉ đạo khẩn về triển khai hỗ trợ động viên cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, trong thời gian chờ HĐND TPHCM tổ chức họp để xem xét thông qua chính sách đặc thù hỗ trợ động viên cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch COVID-19, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, để hỗ trợ động viên kịp thời cho lực lượng tuyến đầu, UBND TPHCM chỉ đạo thực hiện khẩn cấp chính sách đặc thù hỗ trợ động viên hưởng một lần cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch COVID-19.
Cụ thể, mức hỗ trợ như sau:
Chỉ đạo này căn cứ vào Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất chủ trương triển khai chính sách đặc thù hỗ trợ cho các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch, Tổ Covid-19 cộng đồng, đặc biệt là lực lượng y tế.
Trong các buổi làm việc mới đây tại các địa phương, đơn vị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng nhấn mạnh việc cần tập trung chăm lo cho đội ngũ tuyến đầu chống dịch, nhất là đội ngũ y bác sĩ.
Hơn 5.000 cuộc gọi cấp cứu mỗi ngày từ bệnh nhân COVID-19
Báo Tiền Phong đưa tin, ngày 4/8, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 tại TPHCM đã cùng đoàn công tác đến kiểm tra tại Trung tâm cấp cứu 115 TPHCM và động viên tinh thần lực lượng nhân viên đang làm nhiệm vụ tại đây.
Bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt chuyên điều phối chuyển người bệnh COVID-19 nặng và nguy kịch trên địa bàn thành phố cho biết, để đáp ứng cho công tác tiếp nhận thông tin từ người dân, những ngày qua trung tâm đã nâng số lượng đường truyền tổng đài viên lên 40, gấp 10 lần so với trước đây.
Đồng thời, các đơn vị đã trang bị số lượng lớn máy tính, đường truyền internet, đường truyền điện thoại dự phòng cho Tổng đài, đảm bảo hoạt động ổn định 24/7 để tiếp nhận thông tin đề nghị cấp cứu, chuyển bệnh từ người dân và các cơ sở y tế. “Hiện nay trung tâm có khoảng 200 nhân sự, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 5.000 cuộc gọi đến từ người dân trên địa bàn TPHCM” - BS Nguyễn Duy Long nói.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định vai trò của Trung tâm Cấp cứu 115 hiện nay là rất quan trọng trong hoạt động tiếp nhận thông tin, điều phối cấp cứu trên địa bàn. Số lượng cuộc gọi được tiếp nhận và đáp ứng đạt 89%, có 10% cuộc gọi bị nhỡ, 1% cuộc gọi gây rối. Tổng đài đang cố gắng tăng cường nguồn lực và ứng dụng công nghệ thông tin để đạt mục tiêu tiếp nhận 100% cuộc gọi đến tổng đài.
Ông đánh giá cao nỗ lực của Trung tâm Cấp cứu 115 chia sẻ trước những khó khăn và mong toàn thể cán bộ nhân viên cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
"Không phân biệt, chăm lo cho tất cả người dân sống tại TPHCM"
Theo báo Tuổi Trẻ, ngày 4/8, ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM đã đến thăm hỏi và động viên người dân tại "vùng xanh" thuộc chung cư 21-41 Tản Đà (phường 10, quận 5).
Đại diện ban quản lý chung cư 21-41 Tản Đà cho biết, hiện chung cư có 45 hộ với 147 nhân khẩu. Dịch bệnh, hầu hết người dân chung cư đều mất việc, nhiều người già neo đơn do con cái bị kẹt lại nơi khác, phải sống dựa vào hỗ trợ của địa phương.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, trong bối cảnh TP đang là tâm điểm dịch, TP không phân biệt bất kỳ người dân nào, ai cũng đều là dân TP.HCM. Bằng tất cả khả năng, điều kiện có được, TP sẽ chăm lo và chung sức để ổn định cuộc sống, đảm bảo người dân được tiêm chủng, được chia sẻ, đón nhận tình cảm yêu thương của cả TP.
Cũng tại buổi làm việc, trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy đánh giá cao quận 5 trong việc phát huy tốt nguồn nhân lực địa phương để xây dựng được mối đồng cảm trong nhân dân, xóm giềng, khu phố cùng chia sẻ trong thời điểm khó khăn.
Giãn cách xã hội, tiêu thụ điện sinh hoạt tăng
Phân tích của Trung tâm Điều độ hệ thống điện TPHCM cho thấy, nguyên nhân mức tiêu thụ điện bình quân của toàn Thành phố giảm là do hiện nay thời tiết đã mát mẻ, có mưa nhiều. Cùng với đó, TPHCM đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 12 của Thành ủy nên các hoạt động kinh doanh dịch vụ tạm đóng cửa. Tuy nhiên, nếu xét về cơ cấu thành phần tiêu thụ, trong tháng 7, tỉ trọng điện phục vụ cho sinh hoạt của người dân tăng 4,40% so với tháng 6. Thông tin trên báo Chính Phủ.
Lý giải về hiện tượng này, ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) cho rằng từ đầu tháng 7 đến nay, Thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng và Chỉ thị 12 của Thành ủy TPHCM. Người dân hầu hết ở nhà cả ngày nên sử dụng nhiều các thiết bị điện để phục vụ làm việc, giải trí, sinh hoạt, làm mát nhiều hơn.
Trong đó, các thiết bị tiêu tốn điện năng lớn như máy lạnh, bếp điện được sử dụng nhiều lần hơn, thời gian sử dụng dài hơn bình thường. Theo thống kê, tiêu thụ điện của máy lạnh chiếm từ 28-64%, thậm chí lên đến 80% chi phí điện của cả gia đình.
Để chủ động kiểm soát lượng điện năng tiêu thụ cũng như chi phí tiền điện của hộ gia đình không tăng quá cao, Tổng công ty Điện lực TPHCM đề nghị người dân, khách hàng cần sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm, tránh sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn để giảm nguy cơ xảy ra sự cố, cháy nổ về điện.
EVNHCMC khuyến khích khách hàng sử dụng điện tải ứng dụng “EVNHCMC CSKH” trên kho dữ liệu App Store (đối với hệ điều hành iOS) và CH Play (đối với hệ điều hành Android) về thiết bị di động để trực tiếp theo dõi và tra cứu thông tin về điện năng tiêu thụ hàng ngày, để biết rõ lượng điện tiêu thụ của gia đình và có sự điều chỉnh hợp lý trong sử dụng điện.
Kiến nghị rút ngắn thủ tục để kịp trình Quốc hội dự án đường vành đai 3
Báo Tuổi Trẻ thông tin liên quan đến dự án vành đai 3, trước đó ngày 16/7, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã giao UBND TP chủ trì, cùng với Bộ Giao thông vận tải (trên cơ sở thống nhất với Long An, Bình Dương, Đồng Nai) hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi để báo cáo Chính phủ.
Hiện Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải) đã lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án. Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị TP.HCM tiếp nhận hồ sơ, tài liệu dự án và tổng hợp ý kiến các địa phương liên quan, đồng thời rà soát điều chỉnh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP cho hay trường hợp TP.HCM được giao làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì UBND TP và các tỉnh sẽ báo cáo HĐND để đồng thuận cho lập đề xuất thực hiện dự án.
Theo tiến độ dự kiến, thủ tục này sẽ hoàn thành vào tháng 9/2021. Tiếp đó, lựa chọn tư vấn hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi và UBND TP sẽ trình Chính phủ thẩm định, trình Quốc hội xem xét. Về trình tự thủ tục dự kiến đến giữa năm 2022 mới hoàn tất thủ tục trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chủ trương đầu tư dự án. Với tiến độ như trên, dự án sẽ không kịp trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp lần 2 khóa XV dự kiến vào tháng 10/2021.
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP, hiện Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã hoàn tất báo cáo tiền khả thi dự án đường vành đai 3 TP.HCM.
Do đó, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải hoàn tất báo cáo để Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án, mà không phải bổ sung thủ tục giao TP.HCM làm cơ quan có thẩm quyền trình chủ trương dự án. Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, việc tổ chức thực hiện dự án sẽ giao các địa phương thực hiện.
Cán bộ, chiến sĩ công an tặng hơn 14 tấn rau, củ, quả cho bà con Thành phố
Theo báo SGGP, ngày 4/8, Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết, đơn vị vừa trao tặng hơn 14 tấn rau, củ, quả cho bà con nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP. Ngoài ra, Công an TPHCM cũng trao tặng 3 tấn nhu phiếu phẩm thiết yếu cho bà con ở quận 10.
Đơn vị này đã phối hợp cùng chính quyền địa phương các quận 4, quận 8, quận 10, quận Bình Thạnh, quận Tân Phú, đến tận các khu vực phong toả tạm thời trao tận tay các phần rau, củ, quả cho bà con.
Trước đó ngày 3-8, Thượng tá Lê Viết Tiệp, Chánh văn phòng Đảng ủy, Trưởng Phòng Công tác Đảng và công tác chính trị Công an TPHCM trao tặng hơn 3 tấn nhu yếu phẩm gồm gạo, rau, củ, quả các loại và nhiều hàng hóa thiết yếu khác, đến Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 10 để cùng chung tay, góp sức với chính quyền và nhân dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Đây là những món quà thiết thực thể hiện tình cảm, tinh thần trách nhiệm cao vì cộng đồng của lực lượng Công an TPHCM với mong muốn tiếp thêm nguồn lực cho chính quyền và nhân dân quận 10 trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Thăng quân hàm, truy tặng Huân chương cho sĩ quan Công an Phan Tấn Tài
Theo báo Pháp Luật TP, ngày 4/8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì cho Đại úy Phan Tấn Tài, cán bộ Đội CSĐT tội phạm về ma túy, Công an quận 6, Công an TP Hồ Chí Minh, Bộ Công an vì đã lập chiến công xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Trước đó, ngày 3/8 xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an và Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Chính phủ vừa có Tờ trình số 1065/TTr-TTg đề nghị Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì cho Đại úy Phan Tấn Tài.
Đồng chí Phan Tấn Tài (29 tuổi, quê quán Long An) đã được đào tạo cơ bản nghiệp vụ của ngành Công an tại Trường Trung học CSND II, còn độc thân và đang sinh sống cùng cha mẹ.
Đại úy Tài đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ vào đêm 2/8 khi truy đuổi Hứa Hán Võ (27 tuổi, ngụ quận 6). Trước lúc hy sinh, sỹ quan Phan Tấn Tài mang cấp bậc hàm Thượng úy và đã được cơ quan có thẩm quyền thăng cấp bậc hàm lên Đại Úy.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (tổng hợp)