Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 6/1/2023

09:49 06/01/2023

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 6/1:

TPHCM có mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân cao nhất cả nước

Theo Báo Thanh Niên, Quý 4/2022, cả nước có gần 185.200 người nộp hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, TPHCM có mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân cao nhất cả nước. Thông tin được ông Ngô Xuân Liễu, Giám đốc Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm, Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết ngày 5/1.

Người lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM
Người lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM

Theo ông Liễu, quý 4/2022, thị trường lao động có nhiều biến động, một số ngành nghề như: dệt may, da giày, chế biến gỗ,… cắt giảm lao động số lượng lớn. Về tổng thể, số người nộp hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp có tăng nhưng không đột biến, thậm chí giảm so với quý trước đó.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân cả nước là 3,4 triệu đồng. Trong đó, địa phương có mức hưởng trợ cấp bình quân cao nhất là TPHCM với 5,3 triệu đồng; địa phương có mức hưởng trợ cấp bình quân thấp nhất là Quảng Nam với 2,9 triệu đồng.

TPHCM duy trì tiêm chủng Covid-19 xuyên tết

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) Lê Hồng Nga cho biết, TPHCM sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống dịch, trong đó duy trì tất cả các điểm tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 ngay cả những ngày tết. Thông tin do báo SGGP ghi nhận tại họp báo của TPHCM về các vấn đề kinh tế xã hội và công tác phòng chống dịch chiều qua.

Phó Giám đốc HCDC Lê Hồng Nga phát biểu tại buổi họp báo.
Phó Giám đốc HCDC Lê Hồng Nga phát biểu tại buổi họp báo.

Trước lo ngại Trung Quốc mở cửa sau thời gian dài đóng cửa chống dịch, bà Nga cho biết, theo WHO, cả thế giới vẫn đang trong thời gian đại dịch Covid-19, tiếp tục ghi nhận thêm các biến thể mới. Trong tư thế thích ứng an toàn linh hoạt, ngành y tế TP tiếp tục duy trì đầy đủ các biện pháp chống dịch Covid-19, trong đó đặc biệt nhấn mạnh, trong ngày tết vẫn phân công trực 24/24 các cơ sở trong hệ thống phòng chống dịch. Đặc biệt, khi Trung Quốc mở cửa, ở cửa khẩu sẽ tăng cường kiểm soát, tăng cường tuyên truyền.

“Dù biến thể mới liên tục xuất hiện, nhưng hiệu quả của vaccine vẫn luôn có giá trị trong kiểm soát ca mắc và ca nặng, tử vong. Do đó, Sở Y tế vẫn duy trì tất cả các điểm tiêm chủng cố định, ngay cả trong tết để đảm bảo người dân có thể tiếp cận tiêm chủng xuyên tết”, bà Nga nói.

Siêu thị mini 0 đồng ấm lòng người nghèo ngày cận tết

Ngày 5-1, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức chương trình chăm lo tết Quý Mão năm 2023 với chủ đề “Xuân đoàn kết - Tết nghĩa tình”, đồng thời khai mạc “Siêu thị mini tết 0 đồng”.

Người dân mua sắm tại siêu thị mini 0 đồng mà không phải đắn đo tiền bạc. Ảnh: VÕ THƠ
Người dân mua sắm tại siêu thị mini 0 đồng mà không phải đắn đo tiền bạc. Ảnh: VÕ THƠ

Báo Pháp Luật TP phản ánh, từ sớm, nhiều người dân đã có mặt tại khu vực diễn ra “Siêu thị mini tết 0 đồng”, ai nấy đều háo hức chờ đến lượt mình để chọn những món quà tết cho gia đình.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Cúc (64 tuổi, quận Phú Nhuận) chọn được cho mình nhiều nhu yếu phẩm như gạo, mắm muối và bánh mứt tết. “Nghe tin được sắm tết ở siêu thị 0 đồng, tôi nghỉ bán vé số một ngày để đi. Những năm trước, tôi bán vé số xuyên tết, ai cho gì ăn nấy. Năm nay vợ chồng tôi có thêm chút bánh trái để ăn tết, quý lắm” - bà Cúc cười nói.

Phát biểu tại chương trình, bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM nhìn nhận, sau dịch COVID-19, TP đã phục hồi và phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả đáng khả quan, tự hào. Tuy nhiên, dịch bệnh qua đi, vẫn còn nhiều hậu quả nặng nề. Bởi hàng chục ngàn người dân mất đi người thân, trong đó có trụ cột gia đình. Do đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP yêu cầu hệ thống mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên tổ chức nhiều chương trình an sinh xã hội để hỗ trợ, chia sẻ với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Chương trình “Siêu thị mini tết 0 đồng” diễn ra từ ngày 5 đến 8-1-2023 tại năm điểm:

- Nhà thi đấu Rạch Miễu (số 1 Hoa Phượng, phường 2, quận Phú Nhuận).

- Nhà thiếu nhi quận 7 (số 193 đường số 30, phường Tân Quy Đông, quận 7).

- Trung tâm Văn hóa TDTT quận Bình Tân (đường Bùi Tư Toàn, phường An Lạc, quận Bình Tân).

- Số 200 Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức.

- Trung tâm Bồi dưỡng giáo dục huyện Hóc Môn (số 814 đường Song Hành, thị trấn Hóc Môn).

TPHCM chi 14 tỉ gắn đèn chiếu sáng ở dạ cầu cho tàu thuyền đi lại an toàn 

Trên báo Tuổi Trẻ, Sở Giao thông vận tải cho biết, đã chi khoảng 14 tỉ đồng để lắp gần 350 bộ đèn chiếu sáng dưới dạ 78 cầu vượt sông, kênh rạch ở thành phố, giúp tàu thuyền chạy ban đêm an toàn hơn. 

Cầu Bình Triệu bắc qua sông Sài Gòn - Ảnh: LÊ PHAN
Cầu Bình Triệu bắc qua sông Sài Gòn - Ảnh: LÊ PHAN

Với đặc thù sông nước, TPHCM có hàng trăm cây cầu bắc qua các kênh rạch, sông lớn nhỏ với lượng phương tiện thủy qua lại mỗi ngày rất lớn. 

Thời gian qua đã có nhiều vụ tàu thuyền, sà lan va chạm vào chân cầu gây thiệt hại và mất an toàn. Do đó việc lắp đèn chiếu sáng bổ sung cho các cầu chưa có hệ thống chiếu sáng dạ cầu là cần thiết. 

Bên cạnh lắp đèn chiếu sáng, nhiều cầu cũng được nghiên cứu nâng tĩnh không để khai thác các tuyến vận tải thủy nội địa quan trọng.

Xây dựng chế độ thu hút giáo viên tiếng Anh, tin học

Báo Phụ Nữ TP cho hay, Sở GD-ĐT đang xây dựng chế độ thu hút giáo viên tiếng Anh, tin học, nghệ thuật, đồng thời tham mưu UBND TP nguồn kinh phí hỗ trợ lớp học số.

Học sinh hào hứng tham gia lớp học số môn tin học/
Học sinh hào hứng tham gia lớp học số môn tin học/

Ngày 5/1, Sở GD-ĐT có buổi kiểm tra trực tiếp mô hình lớp học số tại Trường tiểu học Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi). Đây là 1 trong 2 trường tiểu học được TP thí điểm mô hình lớp học số với môn tiếng Anh, tin học để giải quyết bài toán thiếu giáo viên.

Thầy Nguyễn Văn Tới - Hiệu trưởng nhà trường đánh giá, điểm nổi bật khi ứng dụng mô hình lớp học số là giúp giải quyết được bài toán thiếu giáo viên. Với quy mô 15 lớp, trường cần đến 2 giáo viên tiếng Anh đảm bảo 60 tiết/tuần, song hiện nay trường mới hợp đồng được 1 giáo viên. "Suốt 3 năm nay, trường đăng tin tuyển dụng liên tục nhưng không thể tuyển được nên trước đó tiếng Anh, tin học chưa thể giảng dạy cho học sinh lớp 1, 2. Mô hình lớp học số giúp nhà trường triển khai giảng dạy tiếng Anh cho học sinh các khối lớp" - thầy Tới phấn khởi.

Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Hiếu phấn khởi khi học sinh tương tác tốt với giáo viên, theo kịp được tốc độ bài học. "Trước mắt, sở tham mưu xin ý kiến UBND TP về nguồn kinh phí để chi trả cho đội ngũ tham gia hỗ trợ lớp học số. Việc phân công giáo viên trợ giảng phải cố định, ưu tiên phân công giáo viên chủ nhiệm lớp để có thể theo dõi, bám sát học sinh", ông Hiếu lưu ý.

‘Đột kích’ xưởng sản xuất nước mắm, bột ngọt, bột nêm giả quy mô lớn

Chuyên đề CAND TP cho biết, ngày 5/1, tổ công tác Đội 7 - Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TPHCM phối hợp Công an xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh tiến hành kiểm tra nhà kho không số ở Ấp 5, xã Lê Minh Xuân do Nguyễn Văn Hà (SN 1982, thường trú ấp 3) làm chủ.

Hàng hóa trong kho sản xuất hàng giả bị thu giữ.
Hàng hóa trong kho sản xuất hàng giả bị thu giữ.

Thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện trong kho đang sản xuất các mặt hàng tiêu dùng như: nước mắm Nam Ngư Đệ Nhị, bột giặt Omo, bột giặt Aba, bột ngọt Saji... Đối tượng không xuất trình được hóa đơn chứng từ cũng như hồ sơ ủy quyền của các mặt hàng nêu trên.

Quá trình kiểm đếm tang vật thu giữ hàng hóa gồm: 360 bao bột giặt Aba loại 800gr thành phẩm, 300 bao bột giặt Aba loại 400gr thành phẩm, 75 bao bột giặt Aba loại 3kg thành phẩm; 619 bao bột giặt Omo loại 36ogr, 700gr, 2.9kg và 4.5kg; 740 chai nước chấm Nam Ngư Đệ Nhị; 74 bao bột nêm Knor loại 400g và 900g; 230 bao bột ngọt Saji loại 500g; 920 bao bột ngọt nhãn hiệu Ajinomoto loại 400g và 1kg cùng nhiều máy móc, bao bì, vỏ chai các loại… phục vụ cho việc sản xuất.

Tổng giá trị hàng hóa thu giữ khoảng 200 triệu đồng. Bước đầu, Hà thừa nhận số hàng hóa trên là hàng giả, nhái các nhãn hiệu nổi tiếng.

Nhiều điểm check-in nổi tiếng ở TPHCM phục vụ người dân vui xuân

Báo Tiền Phong ghi nhận, năm nay, Tết Nguyên đán đến sớm hơn mọi năm nên hầu hết các địa điểm chụp ảnh du xuân tại TPHCM đều được thi công từ khá sớm. Dự kiến nhiều nơi sẽ mở cửa phục vụ người dân trước Tết nguyên đán gần 2 tuần.

Một tiểu cảnh đã hoàn thiện bên trong Phố ông đồ
Một tiểu cảnh đã hoàn thiện bên trong Phố ông đồ
Các hạng mục tại Phố ông đồ sắp hoàn thành
Các hạng mục tại Phố ông đồ sắp hoàn thành
Khu vực cổng chào Phố đi bộ Kỳ Đài Quang Trung trong dịp Tết 2023
Khu vực cổng chào Phố đi bộ Kỳ Đài Quang Trung trong dịp Tết 2023
Một số tiểu cảnh bên trong Phố đi bộ Kỳ Đài Quang Trung
Một số tiểu cảnh bên trong Phố đi bộ Kỳ Đài Quang Trung
Khu vực tiểu cảnh mang đậm chất phong cách Tết xưa trong Bảo tàng Áo dài
Khu vực tiểu cảnh mang đậm chất phong cách Tết xưa trong Bảo tàng Áo dài
Du khách thăm quan chụp hình tại tiểu cảnh ngày tết bên trong Bảo tàng Áo dài
Du khách thăm quan chụp hình tại tiểu cảnh ngày tết bên trong Bảo tàng Áo dài

Thời gian dự kiến khai mạc của một số địa điểm du xuân Quý Mão 2023 tại TPHCM:

Phố ông đồ (Nhà văn hóa Thanh Niên)

Chính thức cửa phục vụ người dân và du khách vào chiều ngày 5/1 và kết thúc vào ngày 26/1.

Đường hoa Nguyễn Huệ (Quận 1)

Chính thức cửa phục vụ người dân và du khách từ 19h ngày 19/1/2023 đến 21h ngày 26/1/2023 (từ 28 tháng Chạp âm lịch đến mùng 5 Tết Quý Mão).

Chợ hoa trên bến dưới thuyền (Bến Bình Đông - Quận 8)

Chính thức cửa phục vụ người dân và du khách từ ngày 6 đến ngày 21/1/2023 (nhằm ngày 15 đến 30 tháng Chạp âm lịch). Lễ mạc sẽ diễn ra vào lúc 19h, ngày 16/1/2023 (ngày 25 tháng Chạp) tại sân khấu chính trên đường Nguyễn Văn Của (phường 13, quận 8).

Huỳnh Nhung (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục