Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 6/12/2022

10:43 06/12/2022

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 6/12:

Lập 6 đoàn kiểm tra thực phẩm tết tại 12 tỉnh, thành

Thông tin trên báo SGGP, ngày 5/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Phó trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm Trung ương đã ban hành kế hoạch triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và lễ hội Xuân 2023.

Kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. Ảnh minh hoạ: HOÀNG HÙNG
Kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. Ảnh minh hoạ: HOÀNG HÙNG

Theo đó, Ban Chỉ đạo lập 6 đoàn tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm, gồm: Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Thanh Hóa, TPHCM, Bến Tre, Nam Định, Thái Bình, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Nai và Long An.

Đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và các lễ hội như: thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau củ quả, phụ gia thực phẩm... và các cơ sở dịch vụ ăn uống.

TPHCM sẽ có du thuyền nghỉ qua đêm và tái hiện chợ nổi trên sông Sài Gòn

Báo Thanh Niên cho hay, TPHCM dự kiến sẽ có tàu nghỉ qua đêm trải nghiệm trên sông Sài Gòn, kết hợp tàu gỗ nhỏ đưa khách tham quan các di tích lịch sử, đình, chùa, làng nghề trên tuyến. Đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm được Sở Du lịch đặt ra để phát triển du lịch đường thủy giai đoạn 2022 - 2025.

TP.HCM dự kiến có tàu nghỉ qua đêm trên sông Sài Gòn.
TP.HCM dự kiến có tàu nghỉ qua đêm trên sông Sài Gòn.

Theo đó, TPHCM sẽ phát triển tuyến du lịch quan trọng trên sông, như tái hiện chợ nổi tại khu vực cầu Tân Thuận định kỳ thứ bảy, chủ nhật hằng tuần; đa dạng hóa các dịch vụ giải trí trên các phương tiện thủy, kết nối các câu lạc bộ vui chơi, giải trí dưới nước như: CLB du thuyền, CLB thuyền hơi, chèo thuyền kayak… nhằm thu hút khách tham gia trải nghiệm, tạo không khí nhộn nhịp trên các tuyến sông nội đô.

Giai đoạn này, TPHCM dự kiến xây dựng các loại hình tàu nghỉ qua đêm trải nghiệm trên sông Sài Gòn có quy mô 100 - 200 phòng, tàu gỗ nhỏ vận chuyển từ 10 - 50 khách nhằm kết nối với các khu vực rạch nhỏ/kênh kết hợp tham quan các di tích lịch sử, đình, chùa làng nghề trên tuyến.

Triều cường hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai có thể đạt đỉnh vào ngày 7/12

Theo báo SGGP, Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, trong 24 giờ qua, mực nước tại các trạm vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai lên nhanh và ở mức cao. 

Triều cường gây ngập trên đường. Ảnh tư liệu: HOÀNG HÙNG
Triều cường gây ngập trên đường. Ảnh tư liệu: HOÀNG HÙNG

Tính đến 7 giờ ngày 5/12, mực nước cao nhất ngày thực đo tại Phú An đạt ở mức 1,50m (ở mức báo động 3) và trạm Nhà Bè là 1,53m (xấp xỉ báo động 2). Cảnh báo, mực nước cao nhất ngày tại các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai có khả năng lên chậm trong 3-4 ngày tới, sau đó xuống nhanh.

Đỉnh triều đợt này có thể xuất hiện vào ngày 7 đến 9/12 ở mức như sau: Trạm Phú An, Nhà Bè ở mức 1,58-1,63m (xấp xỉ báo động 3), thời gian xuất hiện đỉnh triều từ 4-6 giờ và 17-19 giờ; trạm Biên Hòa ở mức 1,90-2,00m (xấp xỉ hoặc thấp hơn báo động 2 là 0,10m); trạm Thủ Dầu Một là 1,65-1,70m (cao hơn báo động 3 từ 0,05-0,10m). Mức độ rủi ro thiên tai khu vực hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai ở cấp độ 2. Đây là kỳ triều cường cao, cần đề phòng ngập úng vùng trũng thấp và ven sông.

Doanh nghiệp nỗ lực giữ chân người lao động

Báo Lao Động phản ánh, bên cạnh những doanh nghiệp buộc cắt giảm nhân sự trong bối cảnh khó khăn do thiếu đơn hàng, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực giữ phúc lợi, đảm bảo lương, thưởng Tết, đồng thời tìm giải pháp tăng đơn hàng nhằm đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và người lao động.

Công nhân KCX Linh Trung 1, TPHCM. Ảnh: Khánh Linh
Công nhân KCX Linh Trung 1, TPHCM. Ảnh: Khánh Linh

Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TPHCM) - doanh nghiệp có đông lao động nhất TPHCM hiện nay - do tình hình đơn hàng, công nhân các xưởng thuộc khối sự nghiệp PCaG đã thoả thuận sắp xếp nghỉ luân phiên. Theo đó, kể từ 1.12.2022, khoảng 20.000 công nhân của Công ty PouYuen Việt Nam nghỉ luân phiên, chủ yếu sẽ nghỉ vào thứ Bảy. Công ty chi trả tiền lương cho ngày nghỉ luân phiên 180.000 đồng/ngày.

Bà Trần Thị Hồng Vân - Chủ tịch CĐ Công ty Nissei Electric Việt Nam (KCX Linh Trung 1) cho biết, công ty giữ thưởng Tết cho công nhân từ 1,8 - 2,2 tháng lương/người, tương đương mỗi công nhân sẽ được thưởng hơn 13 triệu đồng. Với nhân sự quản lý, mức thưởng cao hơn, khoảng 2,4 tháng lương, công ty cũng có quà Tết cho tất cả NLĐ. Đây là nỗ lực của công ty để đảm bảo phúc lợi cho NLĐ trong bối cảnh đơn hàng những tháng cuối năm sụt giảm 20-30%.

Công ty TNHH May mặc Dony (huyện Bình Chánh, TPHCM) cũng đang tìm mọi cách để duy trì việc làm cho người lao động. Lãnh đạo công ty này chia sẻ, do lượng đơn hàng giảm tới 50% ở mảng thời trang từ tháng 8 đến nay, do đó hiện công ty đang hoạt động không có lợi nhuận. 

Thúc đẩy dự án nhà ở giá rẻ

Báo Tiền Phong cho hay, các tỉnh, thành phố phía Nam, trong đó có TPHCM đang thúc đẩy kế hoạch phát triển nhà ở xã hội có quy mô lớn.

Công nhân ở trọ mong sở hữu NƠXH. Ảnh: H.C
Công nhân ở trọ mong sở hữu NƠXH. Ảnh: H.C

Ông Phạm Chí Tâm - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết, khoảng 60% công nhân thu nhập từ vừa đủ đến thiếu hụt trong chi tiêu. Do vậy, phần lớn những công nhân này không có khả năng mua nhà mà chỉ cần có chỗ thuê khang trang, phù hợp túi tiền.

Là một doanh nghiệp lĩnh vực địa ốc, ông Trần Quốc Dũng - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, cách điều tiết NƠXH hiện nay đang có những bất cập, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Ông Dũng kiến nghị, đối với các khu đất do chủ đầu tư tự tạo lập thì cho phép doanh nghiệp được quyền lựa chọn phương án bố trí bằng đất tại khu vực phù hợp để phát triển NƠXH hoặc bằng tiền mà không phân biệt quy mô khu đất, dự án.

Lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM thông tin, đến nay đã hoàn thành 32 dự án NƠXH với quy mô 19.100 căn hộ. TP.HCM có 9 dự án đang triển khai với tổng diện tích 17,5 ha, quy mô 6.231 căn hộ. Thành phố phát triển 30.500 căn NƠXH trong giai đoạn 2021-2025 và 50.000 căn giai đoạn 2026-2030. Ngoài ra, trong phân khúc nhà lưu trú công nhân, sẽ có thêm 4.500 phòng đến năm 2025 và 8.000 phòng trong 5 năm tiếp.

TPHCM: Khoác áo mới cho hàng loạt trụ biến áp

Từ năm 2020, Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) đã phối hợp với UBND quận 3 để lắp đặt 13 tủ panel thông tin bên ngoài các trạm biến áp. Bước đầu, mô hình này đã mang lại thành công khi góp phần xóa bỏ tình trạng xịt sơn, dán tờ rơi ở TPHCM.

Một trụ biến áp được lắp đặt tủ panel, tạo mỹ quan đô thị. Ảnh: Đ.TRANG
Một trụ biến áp được lắp đặt tủ panel, tạo mỹ quan đô thị. Ảnh: Đ.TRANG

Trao đổi với báo Pháp Luật TP, đại diện EVNHCMC cho biết, qua ba năm triển khai, đến nay các trụ biến áp không còn tình trạng vẽ bậy, nhếch nhác như trước. Không chỉ vậy, các hoạt động đo đếm thông tin từ xa đang được vận hành ổn định. Đồng thời, điều này cũng góp phần xây dựng cảnh quan và nâng cao mỹ quan đô thị cho TP. Vì vậy, EVNHCMC kiến nghị UBND TP thí điểm rộng hơn, nhân rộng mô hình này với hơn 260 trụ biến áp.

Ông Lê Ngọc Tâm, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Sài Gòn (thuộc EVNHCMC), cho biết sau hơn ba năm triển khai thí điểm “khoác áo mới” cho các trụ biến áp, ngành điện vẫn đảm bảo trong việc vận hành. Đồng thời nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn cảnh quan đô thị. Đến nay UBND quận 1, quận 3 đánh giá rất cao và đề nghị phối hợp để nhân rộng mô hình.

Lưu giữ vẻ đẹp các di sản của Sài Gòn qua góc nhìn ký họa đô thị

Báo Tuổi Trẻ cho biết, hơn 60 tác phẩm lưu giữ vẻ đẹp di sản quý giá của Sài Gòn vừa được nhóm Urban Sketchers Vietnam trưng bày nhân sự kiện 'Urban Sketch – TPHCM qua góc nhìn ký họa đô thị' diễn ra ngày 5/12 tại bến Nhà Rồng.

Sự kiện diễn ra đến 11/12 với các hoạt động tại cột cờ Thủ Ngữ, bến Bạch Đằng, Nhà hát TPHCM, Bưu điện trung tâm và Đường sách TPHCM. "Từ hàng trăm tác phẩm của các thành viên, chúng tôi đã chắt lọc lại hơn 60 bức ấn tượng nhất để trưng bày. Đây cũng là tín hiệu vui khi thành phố ngày càng quan tâm tương tác với các hoạt động nghệ thuật nói chung và ký họa nói riêng trong việc lan tỏa vẻ đẹp của TPHCM" - kiến trúc sư Vũ Đức Chiến, người sáng lập Urban Sketchers Vietnam, tâm sự.

Là kiến trúc sư trẻ nhiệt tình xây dựng cộng đồng, Đình Trung rất tâm huyết với hoạt động bảo tồn di sản. Theo Trung, bất kỳ ai cũng có thể vẽ, và đây là sân chơi hội tụ: Chúng ta có di sản, có trái tim, có ký ức, mời mọi người cùng tham gia và cùng gìn giữ.

Đây là lần đầu ký họa đô thị được chọn là một trong những hoạt động tiêu biểu để quảng bá thành phố, nằm trong khuôn khổ Tuần lễ du lịch TP.HCM lần 2 năm 2022
Đây là lần đầu ký họa đô thị được chọn là một trong những hoạt động tiêu biểu để quảng bá thành phố, nằm trong khuôn khổ Tuần lễ du lịch TP.HCM lần 2 năm 2022
Tác phẩm ký họa chợ Bến Thành của họa sĩ Vincent Monluc
Tác phẩm ký họa chợ Bến Thành của họa sĩ Vincent Monluc
Là họa sĩ chuyên vẽ 2D để làm đồ họa hoạt hình, họa sĩ Vincent chú trọng từng chi tiết trong các bức vẽ trực họa
Là họa sĩ chuyên vẽ 2D để làm đồ họa hoạt hình, họa sĩ Vincent chú trọng từng chi tiết trong các bức vẽ trực họa
Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 6/12/2022 - Ảnh 1
Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 6/12/2022 - Ảnh 2

Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục