Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 7/10/2021

09:44 07/10/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 7/10

Đã có 2 triệu người nhận hỗ trợ đợt 3

Theo Báo SGGP, trưa 6/10, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn cho biết, tính đến 14 giờ cùng ngày, trên toàn địa bàn TPHCM đã có 2 triệu người được nhận hỗ trợ đợt 3.

Số người được hỗ trợ chiếm gần 36% trong tổng số gần 5,65 triệu người có hoàn cảnh khó khăn đã được các quận, huyện và TP Thủ Đức phê duyệt, thẩm định danh sách chi hỗ trợ.

Danh sách gần 5,65 triệu người này đã được Công ty TNHH MTV phát triển công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cập nhật lên app SafeID Delivery để các địa phương cập nhật tiến độ, giám sát việc chi hỗ trợ.

Cán bộ quận Phú Nhuận mang tiền hỗ trợ đợt 3 đến tận nhà trao cho người dân. Ảnh: UBND quận Phú Nhuận cung cấp.
Cán bộ quận Phú Nhuận mang tiền hỗ trợ đợt 3 đến tận nhà trao cho người dân. Ảnh: UBND quận Phú Nhuận cung cấp.

Trong đợt 3, TPHCM dành nguồn ngân sách 7.347 tỷ đồng dự kiến hỗ trợ hơn 7,3 triệu người có hoàn cảnh thật sự khó khăn. Mỗi người được nhận 1 triệu đồng, không phân biệt thường trú, tạm trú hay lưu trú.

Các địa phương đồng loạt triển khai hỗ trợ từ ngày 1/10 và đến nay, sau 6 ngày thực hiện, đã chi hỗ trợ cho hơn 2 triệu người.

Tạo điều kiện để nhân lực hỗ trợ chống dịch trở về địa phương

Thông tin từ Vietnamplus, ngày 6/10, Bộ Y tế có công văn gửi UBND TP đề nghị sắp xếp để nhân lực hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 trở về địa phương công tác.

Nhân viên y tế điều trị bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: TTXVN)
Nhân viên y tế điều trị bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: TTXVN)

Bộ Y tế cho biết, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại TP, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, để bảo đảm đủ nguồn nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã huy động nhân lực y tế từ các địa phương, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế và các cơ sở giáo dục đại học y dược tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại TP

Theo Bộ Y tế, hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP đã có nhiều chuyển biến tích cực và cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh.

Để đảm bảo sức khỏe cho cán bộ viên chức y tế, đồng thời để bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ viên chức y tế tại các địa phương, đơn vị, Bộ Y tế đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở Y tế, các cơ quan chuyên môn của TP và UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức bố trí, sắp xếp và tạo điều kiện hỗ trợ các thủ tục cần thiết để các đoàn cán bộ viên chức y tế của các địa phương, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch tại TPHCM được về địa phương, đơn vị công tác chậm nhất trước ngày 15/10/2021.

Người lao động từ TPHCM được đến Bình Dương làm việc với một số điều kiện

Báo Công an TP cho biết, ngày 6/10, UBND tỉnh Bình Dương đã thống nhất chủ trương về phương án cho phép người dân di chuyển liên tỉnh đối với đề xuất của TPHCM.

Những người lao động và chuyên gia được phép di chuyển giữa hai địa phương để làm việc, khôi phục sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, người tham gia di chuyển giữa Bình Dương và TPHCM bắt buộc chấp hành một số điều kiện.

CSGT Công an TPHCM kiểm soát người lưu thông liên tỉnh, từ TPHCM đến Bình Dương
CSGT Công an TPHCM kiểm soát người lưu thông liên tỉnh, từ TPHCM đến Bình Dương

Cụ thể, với phương án đưa đón chuyên gia, người lao động di chuyển liên tỉnh bằng ôtô, tỉnh Bình Dương thống nhất điều kiện của người ngồi trên xe đưa đón là người đã tiêm đủ hai mũi vaccine hoặc là F0 đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng và có giấy xét nghiệm âm tính 7 ngày/1 lần như phương án TPHCM đề xuất.

Những người mới tiêm 1 mũi vaccine sau 14 ngày phải có giấy xét nghiệm âm tính 7 ngày/2 lần (tăng 1 lần xét nghiệm so với phương án đề xuất của TPHCM).

Đối với người lưu thông liên tỉnh giữa TPHCM - Bình Dương bằng xe cá nhân, UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị chỉ cho phép người đã tiêm đủ hai mũi vaccine và có giấy xét nghiệm âm tính định kỳ 7 ngày/2 lần lưu thông được lưu thông.

Ngoài ra, người lưu thông liên tỉnh bằng xe cá nhân còn phải có giấy xác nhận về việc lưu thông có nội dung địa điểm, cung đường... theo mẫu thống nhất.

Trước mắt, áp dụng việc đi lại giữa các địa bàn vùng giáp ranh gồm TP. Dĩ An, TP.Thuận An của tỉnh Bình Dương với TP.Thủ Đức.

Nhiều doanh nghiệp đón công nhân trở lại làm việc

VOV ghi nhận, từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp khu chế xuất, khu công nghệ cao của TP đáp ứng đủ yêu cầu theo Bộ tiêu chí phòng chống dịch bệnh của TP đã bắt đầu đón công nhân trở lại làm việc, chuẩn bị tái sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp ở khu công nghiệp TP cho biết, tại khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), ngoài 110/170 nhà máy sản xuất 3 “tại chỗ” với 6.000 lao động, từ đầu tuần đến nay có thêm 40 nhà máy hoạt động trở lại. Còn tại khu chế xuất Linh Trung (TP Thủ Đức) có gần 30 doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Khu chế xuất Linh Trung
Khu chế xuất Linh Trung

Riêng tại khu chế xuất Tân Thuận, các khu công nghiệp: Cát Lái II, Lê Minh Xuân, Bình Chiểu, An Hạ…, có 80% nhân viên bộ phận văn phòng làm việc tại trụ sở công ty. Số công nhân đang ở các tỉnh giáp ranh với TPHCM như Long An, Đồng Nai, Bình Dương... đã được tiêm vaccine, cũng đang chuẩn bị lao động sản xuất.

“Các doanh nghiệp phải thực hiện bộ tiêu chí của thành phố quy định cho các doanh nghiệp, nhà máy, nếu đáp ứng đủ yêu cầu phòng ngừa dịch bệnh khi hoạt động. Ban Quản lý có trách nhiệm thẩm định, hậu kiểm. Hiện các doanh nghiệp cũng đang chuẩn bị máy móc, vệ sinh công nghiệp để đón công nhân theo đúng quy định, công nhân tiêm 1 hay 2 mũi vaccine đều phải xét nghiệm trước khi vào làm việc”, ông Bé thông tin.

Yêu cầu trường học được trưng dụng làm khu cách ly báo cáo thực trạng

Báo Thanh Niên đưa tin, ngày 6/10, Sở GD-ĐT TP đã yêu cầu tất cả các trường học từ mầm non cho đến THPT báo cáo thực trạng và kế hoạch khắc phục cơ sở vật chất sau khi trưng dụng trường học vào mục đích phòng chống dịch COVID-19.

Trường tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (quận Tân Bình) trưng dụng làm khu cách ly
Trường tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (quận Tân Bình) trưng dụng làm khu cách ly

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, thời gian vừa qua, do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, một số cơ sở giáo dục đã được trưng dụng tạm thời vào các mục đích nhằm thực hiện công tác phòng, chống dịch như: khu cách ly tập trung, khu điều trị cho bệnh nhân, điểm tiêm vắc xin, điểm tập kết hỗ trợ cho lực lượng phòng, chống dịch… Do vậy, cơ sở vật chất nhà trường đã được cải tạo để đáp ứng nhu cầu sử dụng vào từng mục đích cụ thể.

Nhằm đảm bảo kịp thời điều kiện cơ sở vật chất để các cơ sở giáo dục trở lại hoạt động bình thường sau khi hết thời gian trưng dụng, Sở GD-ĐT đề nghị các trường căn cứ tình hình thực tế, rà soát hiện trạng cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị phục vụ dạy học và hoạt động cần cải tạo, mua sắm, thay thế…

Cụ thể, bắt đầu từ ngày 12/10, các trường thực hiện việc báo cáo theo tuần về thời gian dự kiến nhận bàn giao sau khi hết thời gian trưng dụng, dự kiến nhu cầu cải tạo, khả năng thực hiện…

Đề xuất nghiên cứu mô hình quản lý hiện đại cho hệ thống chợ đầu mối

Báo Tuổi Trẻ cho hay, Sở Công thương TP đã đề xuất phối hợp với Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP) nghiên cứu đề án Phát triển hệ thống chợ đầu mối TPHCM thích ứng với bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và chuyển đổi số nền kinh tế.

Chợ đầu mối Thủ Đức vào tháng 6/2021
Chợ đầu mối Thủ Đức vào tháng 6/2021

Theo Sở Công thương, đề án sẽ đề xuất mô hình hoạt động hệ thống chợ đầu mối tại TP bền vững, an toàn, hiệu quả trong điều kiện sống chung với dịch COVID-19 và sự phát triển của kinh tế số trong hai giai đoạn.

Giai đoạn 1 (từ nay đến ngày 15/11): nghiên cứu mô hình hoạt động của hệ thống chợ đầu mối trong giai đoạn chuyển tiếp thích ứng với bối cảnh dịch bệnh.

Giai đoạn 2 (từ 15/11/2021 đến 30/6/2022): nghiên cứu mô hình chợ đầu mối hiện đại trong nền kinh tế số áp dụng cho hệ thống chợ đầu mối tại TP trên cơ sở phát triển hệ thống chợ đầu mối trong giai đoạn 1.

Dự kiến đề án sẽ nghiên cứu các khung cơ chế, chính sách liên quan đến công tác quản lý chợ; gợi ý các mô hình quản lý hiện đại cho ban quản lý chợ đầu mối trên nền tảng chuyển đổi số và đáp ứng quy định công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Đồng thời, đề án sẽ nghiên cứu và đưa ra các khuyến nghị về chính sách liên quan đến lực lượng lao động tham gia công tác vận hành chợ đầu mối trên địa bàn TPHCM và các tỉnh, thành (tiểu thương, thương nhân, đơn vị sản xuất, cung ứng, vận chuyển, hậu cần...) đảm bảo phù hợp tình hình mới và quá trình chuyển đổi sang mô hình hiện đại.

Nhiều hoạt động trong Tuần lễ học tập suốt đời 2021

Cũng trên báo Tuổi Trẻ, từ ngày 1 đến 7/10, Tuần lễ học tập suốt đời năm 2021 trên địa bàn TPHCM đã diễn ra với chủ đề “Chuyển đổi số để xây dựng thành công một xã hội học tập mới”. Ngày 8/10, UBND TP sẽ tổ chức tổng kết và khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều sáng tạo, đóng góp vào thành tích trong Tuần lễ.

Học sinh TPHCM
Học sinh TPHCM

Theo đó, tuần lễ này sẽ có những nội dung chính như sau:

Đẩy mạnh và đổi mới hoạt động thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cổng thông tin điện tử của đơn vị, tổ chức liên quan, các trang mạng xã hội… về tầm quan trọng và vai trò của chuyển đổi số trong việc cung ứng cơ hội học tập suốt đời cho mọi người trong bối cảnh giãn cách xã hội.

Khuyến khích các tổ chức thi đua chuyển đổi số hiệu quả; kịp thời vinh danh các tổ chức và cá nhân có những giải pháp, sáng kiến về chuyển đổi số góp phần thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tổ chức các hoạt động dạy học và các hoạt động thư viện trong các cơ sở giáo dục, tổ chức các lớp, khóa học trực tuyến miễn phí, học phí thấp cho trẻ em và người lớn... trong đó lồng ghép, giới thiệu các nội dung học tập, các bài học và học liệu phù hợp với từng nhóm đối tượng người học thông qua các phần mềm trực tuyến như Zoom, Google Meet...

Khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ phối hợp, đồng hành, tài trợ cho các cơ sở giáo dục triển khai tập huấn, hướng dẫn về kỹ năng tìm kiếm, khai thác, sử dụng thông tin mạng Internet một cách an toàn, hiệu quả cho học sinh, sinh viên, phụ huynh, cán bộ công nhân viên chức, người lao động; xây dựng và phát triển các ứng dụng, trò chơi có tính giáo dục kết hợp giải trí lành mạnh có thể tạo sân chơi hữu ích cho trẻ em, học sinh, sinh viên.

Tăng cường vai trò của các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng sư phạm trong việc cung cấp các nguồn tài nguyên học liệu mở, liên thông, liên kết với hệ thống cơ sở giáo dục thường xuyên để phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người dân.

Khuyến khích các cơ quan báo chí tổ chức các cuộc thi cộng đồng số, công dân số… giúp học sinh, sinh viên, người dân tìm hiểu về các kỹ năng, năng lực thiết yếu của công dân trong thời đại số và toàn cầu hóa...

Du lịch mở cửa với tour câu cá, ngắm sông

Báo Pháp luật TP thông tin, từ ngày 9/10, một số tour du lịch tại TPHCM bắt đầu mở cửa trở lại, chủ yếu đi về trong ngày.

Ngành du lịch TP đang hoàn thiện dự thảo phục hồi hoạt động giai đoạn đến cuối năm 2021 và 2022. Trong đó, việc tổ chức tour sẽ được thực hiện theo quy trình tổ chức du lịch an toàn, mở dần từng điểm đến và các điểm đến này phải nằm trong vùng xanh.

Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist cho biết mới đây, đơn vị đã thực hiện thành công tám tour tại Cần Giờ và Củ Chi tri ân phục vụ hơn 1.000 lượt y bác sĩ, lực lượng quân y tuyến đầu chống dịch. Trên cơ sở đó, công ty tiếp tục là đơn vị tiên phong triển khai các tour du lịch đến các vùng xanh của TP cho du khách.

Lực lượng tuyến đầu tham gia tour Cần Giờ. Ảnh: VT
Lực lượng tuyến đầu tham gia tour Cần Giờ. Ảnh: VT

Tương tự, đại diện Công ty Vietravel thông tin bên cạnh việc chuẩn bị mở cửa hoạt động kinh doanh tại trụ sở và các chi nhánh trên toàn quốc, công ty sẽ phát triển sản phẩm nội vùng, cung ứng dịch vụ tại chỗ để phục vụ du khách ngay trong tháng 10.

Ngoài ra, công ty còn thiết kế các hành trình riêng dành cho khách MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) đến các địa điểm xanh dựa vào nhu cầu của chính doanh nghiệp, tổ chức hay nhóm gia đình. “Trong tình hình mới, để đảm bảo an toàn tối đa cho du khách, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến ba yếu tố, đó là điểm đến an toàn, dịch vụ an toàn và đội ngũ nhân sự phục vụ an toàn” - đại diện Vietravel nhấn mạnh.

Nhiều công ty du lịch khác cũng cho hay đang rục rịch tái khởi động các hoạt động du lịch phù hợp với điều kiện mới.

Nhóm BTV (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục