Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 7/5/2021

09:23 07/05/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 7/5:

Chưa điều chỉnh lịch thi tốt nghiệp THPT 2021

Theo báo SGGP, hiện nay, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng Bộ GD-ĐT chưa có kế hoạch điều chỉnh lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Bộ GD-ĐT cũng khẳng định chương trình năm học sẽ hoàn thành trước ngày 31/5, theo đúng khung kế hoạch ban hành từ đầu năm.

Tính đến chiều 6/5, đã có 18 tỉnh, thành đã cho học sinh dừng đến trường do dịch Covid-19 lan rộng. Một số địa phương cho học sinh dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến để phòng chống Covid-19.

Học sinh nhiều nơi có dịch đang phải chuyển sang học trực tuyến. Ảnh: QUANG PHÚC
Học sinh nhiều nơi có dịch đang phải chuyển sang học trực tuyến. Ảnh: QUANG PHÚC

Riêng với việc kiểm tra, đánh giá trực tuyến, Bộ GD-ĐT cũng đã có quy định, nhà trường có thể chủ động bố trí lịch kiểm tra học kỳ tùy theo diễn biến dịch. Nếu học sinh có thể đến trường thì kiểm tra tại trường, chỉ khi bất khả kháng mới tổ chức kiểm tra trực tuyến.

Ngoài thi học kỳ 2, hai kỳ thi quan trọng khác là thi vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT. Nếu thời gian tới khống chế được dịch, lịch thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT vẫn có thể tiến hành đúng kế hoạch (từ ngày 6 đến ngày 9/7/2021).

Nhiều trường đại học tiếp tục dạy online để phòng dịch Covid-19

Trao đổi với PV báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trường Thịnh, Phụ trách Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, cho biết Trường vừa quyết định tiếp tục cho sinh viên học online thêm 2 tuần nữa (từ ngày 10 đến 22/5). Trước đó, nhà trường quyết định cho sinh viên chuyển sang học online 1 tuần khi có một sinh viên tên T. của trường thuộc diện F1 (đi trên chuyến bay VJ 133 với BN 2910). 

"Toàn bộ sinh viên trường chỉ học online các lớp lý thuyết, còn các lớp thí nghiệm, thực hành, làm dự án và đồ án vẫn triển khai bình thường. Nhà trường cũng đang xem xét khả năng và năng lực từng khoa để có thể triển khai các môn thi online tùy theo môn học", ông Thịnh cho biết thêm.

Tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, ông Phan Hồng Hải - Hiệu trưởng nhà trường thông tin, từ lúc bùng phát đợt dịch Covid-19 trước Tết, nhà trường đồng thời tổ chức cho sinh viên học hai hình thức trực tiếp và online. Việc này được nhà trường duy trì cho đến nay. Những môn thực hành sinh viên vẫn trực tiếp nhưng sẽ thực hiện giãn cách, đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19.

Từng sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM thực hiện khai báo qua điện thoại và quét mã QR trước khi vào trường. Nhà trường đã sẵn sàng phương án dạy online trong những ngày tới - Ảnh: LỆ HUYỀN
Từng sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM thực hiện khai báo qua điện thoại và quét mã QR trước khi vào trường. Nhà trường đã sẵn sàng phương án dạy online trong những ngày tới - Ảnh: LỆ HUYỀN

Trong khi đó, hàng loạt trường khác đều cho biết đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, sẵn sàng phương án dạy - học online khi có khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP và thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của UBND TP.

Đại diện Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) và đại diện Trường ĐH Luật TPHCM đều cho biết, nếu dịch diễn biến phức tạp sẽ chuyển sang dạy online ngay vì mọi thứ đều đã sẵn sàng cho việc này.

Chấn chỉnh việc phòng chống dịch ở Bến xe An Sương

Ngày 6/5, đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 của TP do Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu làm Trưởng đoàn, đã kiểm tra tại quận 12 và huyện Hóc Môn, gồm 4 đơn vị: Bến xe An Sương, chợ đầu mối Hóc Môn, Công ty May Logistik và Trung tâm cách ly quận 12. Thông tin trên báo Người Lao Động.

Tại Bến xe An Sương, đơn vị quản lý bến chỉ mới nắm thông tin người sử dụng phương tiện tại bến bằng danh sách hành khách trên mỗi chuyến xe trước khi xuất bến. Danh sách này chỉ có thông tin nhân thân (còn chưa đầy đủ). Đơn vị quản lý bến chưa thực hiện khai báo y tế.

Phó chủ tịch Ngô Minh Châu (trái) trao đổi với đại diện bến xe An Sương 
Phó chủ tịch Ngô Minh Châu (trái) trao đổi với đại diện bến xe An Sương 

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu, với cách làm hiện tại của bến xe, khả năng ghi nhận, phát hiện người có nguy cơ cao với dịch Covid-19 là gần như bằng 0. Ngoài ra, công tác truy vết, khoanh vùng cũng hết sức khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND TP đặc biệt lưu ý đơn vị quản lý Bến xe An Sương khẩn trương khắc phục. Tại chợ đầu mối Hóc Môn và Công ty May Logistik, đoàn kiểm tra đánh giá hoạt động phòng chống dịch Covid-19 được thực hiện nghiêm, tuân thủ các quy định hiện hành.

Một số hãng hàng không hỗ trợ bảo lưu vé máy bay cho khách đoàn

Báo SGGP đưa tin, một số hãng hàng không đang khẩn trương triển khai chính sách hỗ trợ khách đoàn bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Cụ thể, đối với Vietnam Airlines, sẽ áp dụng chính sách hỗ trợ khách đoàn nội địa bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Phạm vi áp dụng bao gồm, đoàn khách có ngày khởi hành từ 3/5 đến 31/5/2021 và thời điểm thông báo hủy đến Vietnam Airlines từ ngày 3/5 đến ngày 7/5/2021.

Đoàn khách thuộc các đơn vị hành chính nhà nước, các đơn vị thuộc tỉnh, thành phố nơi đang có dịch, các đơn vị mang tính đặc thù (quân đội, công an, y tế) có ngày khởi hành từ 3/5 đến 31/5/2021 và thời điểm thông báo hủy đến Vietnam Airlines từ ngày 29/4 đến 7/5/2021, đồng thời có công văn xác nhận về việc hạn chế đi lại trong thời gian dự kiến khởi hành. 

Với những trường hợp trên, số tiền đã đặt cọc được phép bảo lưu để sử dụng cho đặt cọc hoặc xuất vé khách đoàn đối với các hành trình có ngày khởi hành đến hết 31/12/2021.  

Khách xếp hàng làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất giữa tháng 4/2021
Khách xếp hàng làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất giữa tháng 4/2021

Tương tự, Bamboo Airways cũng thông báo về việc áp dụng bảo lưu vé cho các đoàn khách nội địa, có thời gian khởi hành đầu tiên trên vé từ 5/5 đến 31/5/2021. Việc thực hiện thay đổi, hoàn hủy và thanh toán các phí hoàn hủy áp dụng từ ngày 5/5 đến 15/5/2021 hoặc cho đến khi có thông báo tiếp theo.

Đối với các đoàn đã đặt cọc hoặc đã thanh toán toàn bộ sẽ được đổi trực tiếp hoặc hoàn về tài khoản bảo lưu và sử dụng đặt đoàn mới. Thời gian bay mới áp dụng từ ngày 5/5/2021 đến 30/10/2021 hoặc tùy lịch bay khai thác tại thời điểm thay đổi.

Trường hợp hoàn vé, sẽ thu phí hoàn 200.000 đồng/khách mỗi chặng, được phép hoàn toàn bộ khách. Toàn bộ tiền hoàn cọc, hoàn vé luân chuyển về tài khoản bảo lưu và sẽ được sử dụng để thanh toán cho các đoàn phát sinh kế tiếp có thời gian khởi hành đầu tiên không vượt quá ngày 31/12/2021.

Thông tin về việc cấp CCCD gắn chip cho người dân tạm trú

Cũng trên báo SGGP, ngày 6/5, Công an TP đã thông tin về việc cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chip cho người dân tạm trú trên địa bàn.

Theo đó, từ ngày 1/5, Công an TP tổ chức thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho các nhân khẩu tạm trú trên địa bàn. Công dân từ đủ 14 tuổi trong diện được cấp CCCD đang sinh sống, làm việc, học tập… có hộ khẩu thường trú tại TPHCM hoặc có nơi đăng ký thường trú tại địa phương khác đang tạm trú tại địa bàn thuộc TPHCM.

Công dân đến điểm cấp CCCD trên địa bàn hiện đang tạm trú để thực hiện thủ tục cấp CCCD cần mang theo một trong các loại giấy tờ CMND/CCCD, sổ hộ khẩu hoặc giấy khai sinh để chứng minh nội dung thông tin. Cơ quan công an sẽ đối chiếu thông tin và thực hiện quy trình cấp CCCD theo quy định.

Lực lượng công an làm CCCD gắn chip cho người dân trên địa bàn TPHCM. Ảnh: C.T
Lực lượng công an làm CCCD gắn chip cho người dân trên địa bàn TPHCM. Ảnh: C.T

Công an TP Thủ Đức, quận, huyện tổ chức tiếp nhận hồ sơ cấp CCCD vào tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày lễ, bắt đầu từ 6 giờ hoặc 7 giờ đến 0 giờ hoặc 1 giờ ngày hôm sau tại trụ sở Đội Cảnh sát QLHC về TTXH - Công an TP Thủ Đức, quận, huyện hoặc các điểm cấp CCCD lưu động thuộc Công an TP Thủ Đức, quận, huyện.

Công an đề nghị người dân nhanh chóng liên hệ Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP Thủ Đức, quận, huyện hoặc các điểm cấp CCCD lưu động… để được hướng dẫn và thực hiện thủ tục cấp CCCD.

Bãi bỏ hàng loạt quy hoạch ngành nghề “nhạy cảm”

Theo báo Đại Đoàn Kết, UBND TP vừa có văn bản số 11/2021/QĐ-UBND về việc bãi bỏ các quyết định của UBND TP ban hành trước đó.

Cụ thể, có 27 quyết định mà UBND TP đã ban hành vào giai đoạn 2004 – 2005 liên quan tới các phê duyệt quy hoạch một số ngành nghề thương mại và dịch vụ trong lĩnh vực văn hoá – xã hội “nhạy cảm” dễ phát sinh tệ nạn xã hội tại 24 quận, huyện sẽ bị bãi bỏ kể từ ngày 14/5/2021.

Trong đó có các nghành nghề như: Dịch vụ xoa bóp, dịch vụ nhà hàng, dịch vụ quán ăn, dịch vụ cà phê - giải khát, dịch vụ lưu trú khách sạn, dịch vụ lưu trú nhà trọ, dịch vụ hớt tóc thanh nữ (hót tóc nam có sử dụng thợ nữ).

Việc bãi bỏ 27 quyết định về dịch vụ nhạy cảm căn cứ theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tại Tờ trình số 402/TTr-SVHTT ngày 03/2/2021 và ý kiến thẩm định của Sở Tư Pháp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sở Văn hóa - Thể thao TP cho biết, hiện nay số điểm dịch vụ “nhạy cảm” tại TPHCM đã tăng lên vượt nhiều so với quy hoạch, thậm chí một số loại hình dịch vụ còn biến tướng, khó xử lý.

Chỉ riêng trong năm 2020 đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội TP HCM (Đoàn 1) đã kiểm tra 69 cơ sở kinh doanh ngành nghề nhạy cảm, biến tướng, dễ phát sinh tệ nạn xã hội, tội phạm và vi phạm pháp luật.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã xử phạt 32 cơ sở tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng liên quan đến các vi phạm như: sử dụng nữ tiếp viên không khai báo lao động, không giao kết hợp đồng lao động, sử dụng người chưa thành niên, kinh doanh karaoke không phép, hoạt động quá giờ quy định gây mất an ninh, trật tự và an toàn xã hội.

Chung tay vì một cộng đồng khỏe mạnh, an toàn

Thông tin khác trên báo SGGP, ngày 6/5, Hội Chữ thập đỏ TP phát động “Tháng Nhân đạo” năm 2021 với chủ đề “Vì một cộng đồng an toàn”.

Theo đó, Hội Chữ thập đỏ TP đề nghị các cấp hội trên địa bàn vận động, kêu gọi toàn xã hội chung tay xây dựng một cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái, khỏe mạnh và an toàn trước dịch bệnh Covid-19.

Trong “Tháng Nhân đạo”, Hội Chữ thập đỏ TP tập trung vào các hoạt động: tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19; tham gia hỗ trợ cộng đồng, hỗ trợ sinh kế cho người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Lễ phát động "Tháng Nhân đạo" năm 2021
Lễ phát động "Tháng Nhân đạo" năm 2021

Đồng thời, tuyên truyền vận động hiến máu nhân đạo; tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe cho cộng đồng; xây dựng hệ thống dữ liệu địa chỉ nhân đạo cần trợ giúp và kết nối với các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm hỗ trợ... “Tháng Nhân đạo” sẽ kéo dài cho đến ngày 31/5. Trong đó dự kiến trợ giúp ít nhất 5.000 lượt người hoàn cảnh khó khăn; mỗi Hội Chữ thập đỏ các cấp nhận trợ giúp 1 hộ gia đình hoàn cảnh khó khăn, thực hiện 1 công trình nhân đạo...

Tại lễ phát động, các hội chữ thập đỏ trên địa bàn TP đã trao hỗ trợ, đăng ký thực hiện các công trình nhân đạo năm 2021, tổng trị giá gần 20 tỷ đồng. Dịp này, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và UBND TP đã trao bằng khen cho 30 tập thể, cá nhân.

Thêm một bệnh viện đạt chứng nhận chất lượng điều trị Vàng quốc tế về đột quỵ

Báo Người Lao Động cho hay, ngày 6/5, Tổ chức Đột quỵ Thế giới đã trao Chứng nhận đạt chuẩn chất lượng điều trị Vàng về đột quỵ cho Bệnh viện Gia An 115 TPHCM.

Theo TS-BS Trương Vĩnh Long, Giám đốc Bệnh viện Gia An 115, để có được chứng nhận đạt chuẩn chất lượng điều trị Vàng của Tổ chức Đột quỵ Thế giới, Bệnh viện Gia An 115 phải đáp ứng hàng loạt các tiêu chí khắt khe như: thời gian từ khi người bệnh nhập viện đến khi được điều trị tái thông mạch máu là dưới 60 phút, tỷ lệ điều trị tái thông 5-15% trong tổng số bệnh nhân nhập viện; tỷ lệ bệnh nhân được chụp MRI/CT Scanner trên 85%...

PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, trao chứng nhận chuẩn chất lượng điều trị Vàng về đột quỵ cho Bệnh viện Gia An 115 TP HCM.
PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, trao chứng nhận chuẩn chất lượng điều trị Vàng về đột quỵ cho Bệnh viện Gia An 115 TP HCM.

PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM, cho biết Bệnh viện Gia An 115 là bệnh viện tư đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận chất lượng điều trị Vàng của Tổ chức Đột quỵ Thế giới.

Theo thống kê, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ. Việc nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị đột quỵ sẽ góp phần quan trọng bảo vệ bệnh nhân và hạn chế ở mức thấp nhất mọi biến chứng có thể xảy ra.

Thoát ‘lô cốt’, đường Lê Lợi trở thành điểm đến mới của người trẻ

Hơn một tuần kể từ khi “lô cốt” được tháo dỡ trên đoạn đường Lê Lợi, nhiều người trẻ đến đây đi dạo, trượt ván, chạy bộ, chụp hình check-in… Các hoạt động vui chơi diễn ra đến tối muộn. Ghi nhận trên báo Thanh Niên.

Cao Minh An Tú, sinh viên Trường ĐH Sư Phạm TPHCM, chia sẻ trượt ván ở đây khác hẳn ở công viên. “Ở đây, nhóm chúng tôi có thể an tâm trượt ván mà không sợ ảnh hưởng đến trẻ nhỏ và người đi bộ quá động như ở công viên” - Tú nói.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 7/5/2021 - Ảnh 1
Phần đường thông thoáng trở thành điểm lý tưởng cho bộ môn trượt ván. Ảnh: THANH DUNG
Phần đường thông thoáng trở thành điểm lý tưởng cho bộ môn trượt ván. Ảnh: THANH DUNG

Ngoài các nhóm trượt ván, nhiều người chọn đây là địa điểm để tản bộ, trò chuyện cùng bạn bè, người thân sau một ngày làm việc, học tập vì chưa có nhiều xe cộ lưu thông.

Văng Thị Bảo Quyên, sinh viên Trường ĐH Mở TPHCM, cho biết: “Đây là địa điểm mới, không gian rộng nên đến để vui chơi và chụp ảnh lưu lại làm kỷ niệm”.

Đoạn đường Lê Lợi có thể trở thành điểm vui chơi lý tưởng sau khi kết nối với đường Nguyễn Huệ để tạo thành không gian đi bộ rộng rãi.

Tạo dáng chụp ảnh thoải mái vì không gian thoáng người. Ảnh: THANH DUNG
Tạo dáng chụp ảnh thoải mái vì không gian thoáng người. Ảnh: THANH DUNG

Vân Anh - Khang Minh (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục