Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 7/9/2021

08:47 07/09/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 7/9

Học sinh trường ngoài công lập được hỗ trợ học phí bằng mức thu học phí ở trường công

Báo SGGP đưa tin, ngày 6/9, Sở GD&ĐT TP đã có văn bản gửi UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện, hiệu trưởng các trường THPT công lập và ngoài công lập, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc về hướng dẫn thực hiện giãn thu và hỗ trợ học phí năm học 2021-2022 cho các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn TPHCM. 

Theo đó, Sở GD-ĐT TP đề nghị tất cả các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TPHCM tạm thời chưa thực hiện việc thu học phí học kỳ 1 năm học 2021-2022 cho đến khi có hướng dẫn thu học phí mới.

Toàn bộ học sinh TPHCM sẽ được hỗ trợ học phí học kỳ 1 năm học 2021-2022
Toàn bộ học sinh TPHCM sẽ được hỗ trợ học phí học kỳ 1 năm học 2021-2022

Đối với việc thu học phí của các cơ sở giáo dục ngoài công lập và cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên, học phí học kỳ 1 năm học 2021-2022 sẽ được hỗ trợ bằng định mức học phí đang áp dụng cho các bậc học đối với đơn vị công lập.

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT TP đề nghị các cơ sở giáo dục ngoài công lập bao gồm các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài điều chỉnh mức học phí và các khoản thu khác trong năm học 2021-2022 cho phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt đối với các trường có học sinh bậc tiểu học, đảm bảo không để một học sinh nào phải bỏ học vì điều kiện kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Hiện nay học phí ở các bậc học được chia thành hai mức thu. Học sinh ở nhóm 1 là học sinh đang theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Thủ Đức và các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú và Bình Tân.

Và nhóm 2 là học sinh đang theo học tại 5 huyện ngoại thành gồm Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ. 

Trong đó, đối với bậc mầm non, học phí công lập đối với học sinh các lớp nhà trẻ là 200.000 đồng/học sinh/tháng (nhóm 1) và 140.000 đồng/học sinh/tháng (nhóm 2), học phí đối với lớp mẫu giáo là 160.000 đồng/học sinh/tháng (nhóm 1) và 100.000 đồng/học sinh/tháng (nhóm 2). 

Bậc tiểu học không thu học phí.

Đối với bậc THCS, học sinh ở nhóm 1 có mức thu học phí là 100.000 đồng/học sinh/tháng và 85.000 đồng/học sinh/tháng đối với nhóm 2. Ở bậc THPT, nhóm 1 có mức thu học phí là 120.000 đồng/học sinh/tháng và 100.000 đồng/học sinh/tháng đối với nhóm 2. 

Thủ tướng đề nghị Bộ Công an xử lý nghiêm hành vi 'bom hàng' đi chợ hộ

Theo báo Tuổi Trẻ, Văn phòng Chính phủ ngày 6/9 đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an nghiên cứu xử lý hành vi hủy đơn hàng "đi chợ hộ".

Công văn nêu rõ: Việc "đi chợ hộ" đã được triển khai trong thời gian thực hiện tăng cường giãn cách xã hội tại TPHCM. Tuy nhiên, tại một số nơi đã xảy ra tình trạng hủy đơn hàng "đi chợ hộ", gây khó khăn cho bộ đội, tình nguyện viên, làm dư luận nhân dân bức xúc.

Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu có chế tài xử lý nghiêm hành vi nêu trên để bộ đội, tình nguyện viên yên tâm giúp dân.

Cán bộ phường cùng bộ đội đi chợ giúp người dân ở siêu thị tại TP Thủ Đức - Ảnh: MINH HÒA
Cán bộ phường cùng bộ đội đi chợ giúp người dân ở siêu thị tại TP Thủ Đức - Ảnh: MINH HÒA

Trước đó, nhiều địa phương phản ánh có tình trạng người dân sau khi đặt hàng và được bộ đội, tình nguyện viên mang đến nhà nhưng không nhận, hủy đơn hàng. Có người gọi điện tới thì tắt máy, có người trả lời nhưng nói 'không đặt nữa', còn có người lại nói 'đặt thử xem chứ không mua'. Lực lượng "đi chợ hộ" phải rất vất vả, khó khăn để xử lý túi hàng bị hủy.

Đến 15/9, người dân vùng đỏ, cam phải được xét nghiệm ít nhất 3 lần

Cũng trên báo Tuổi Trẻ, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM vừa có văn bản về tăng cường công tác xét nghiệm trên địa bàn TP từ nay đến ngày 15/9.

Theo đó, để phát hiện triệt để các ca nhiễm trong cộng đồng, thu gọn vùng cam (nguy cơ cao) và vùng đỏ (nguy cơ rất cao), mở rộng và kiểm soát vùng an toàn, phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP giao UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức báo cáo bằng văn bản kết quả xét nghiệm trên địa bàn và đánh giá phân loại lại vùng nguy cơ theo tổ dân phố, tổ nhân dân. Đồng thời, tiếp tục triển khai xét nghiệm liên tục.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ở những vùng đỏ, vùng cam, thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh mẫu gộp (2-3 người/test/hộ gia đình) hoặc xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo hộ gia đình (toàn bộ thành viên trong 1 hộ gia đình/1 mẫu gộp), giải gộp mẫu dương tính bằng test nhanh; tần suất lặp lại 2-3 ngày/lần.

Tại các vùng vàng, xanh, cận xanh thì xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp đại diện hộ gia đình, gộp 10 cho vùng xanh, cận xanh và gộp 5 cho vùng vàng. Trong đó, mẫu đại diện vòng 2 phải khác với mẫu đại diện ở vòng 1. Nếu hộ có từ 5 người trở lên phải lấy 2 mẫu đại diện hộ gia đình. Giải gộp mẫu dương tính bằng test nhanh hoặc RT-PCR mẫu đơn; tần suất lặp lại 5-7 ngày/lần.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch yêu cầu đến ngày 15/9, người dân ở vùng đỏ, vùng cam được xét nghiệm ít nhất 3 lần và các vùng còn lại được xét nghiệm ít nhất 1 lần hoặc mỗi hộ gia đình được xét nghiệm ít nhất 2 lần.

Đồng thời, các địa phương cần chủ động tăng cường nguồn nhân lực lấy mẫu và khuyến khích người dân tự test nhanh.

Ra mắt khoa Hồi sức và phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau COVID-19

Ngày 6/9, Bệnh viện Thống Nhất chính thức ra mắt Khoa Hồi sức và phục hồi chức năng sau COVID-19, dành cho những bệnh nhân đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 nhưng do mắc Covid-19 mức độ nặng trước đó nên sức khỏe chưa hoàn toàn hồi phục. Thông tin từ báo Người Lao Động.

Tại chuyên khoa đặc biệt này, bệnh nhân sẽ được điều trị phục hồi chức năng phối hợp với điều trị bệnh nền từ nhiều chuyên khoa, kết hợp giữa Đông và Tây Y, giữa điều trị hiện đại với y học cổ truyền, điều trị tâm lý, dinh dưỡng sau COVID-19.

Một nữ bệnh nhân lớn tuổi đang được chăm sóc tại khoa Hồi sức và phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau Covid-19 (Ảnh do bệnh viện cung cấp)
Một nữ bệnh nhân lớn tuổi đang được chăm sóc tại khoa Hồi sức và phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau Covid-19 (Ảnh do bệnh viện cung cấp)

"Trong hành trình quay trở lại cuộc sống bình thường sẽ chẳng có ai giống ai, vì mỗi người có một sức khỏe nền khác nhau, trải qua tình trạng bệnh khác nhau, thiệt hại cơ thể trong lúc chống chọi với bệnh tật cũng khác nhau. Chúng tôi mong việc thành lập Khoa Hồi sức và phục hồi chức năng sau COVID-19 sẽ giúp các bệnh nhân nhanh chóng phục hồi hoàn tàn, sớm trở lại với đời sống và công việc thường ngày" - PGS-TS-BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất kiêm Giám đốc Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng quận Tân Bình, cho biết.

Dùng xe cẩu tiếp tế lương thực cho người dân ở chung cư cũ

Để tiết kiệm được sức lực và tránh tụ tập đông người, một hội thiện nguyện đã dùng xe cẩu để chuyển lương thực cho những hộ dân ở các chung cư cũ.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 7/9/2021 - Ảnh 1

Ngày 6/9, Hội thiện nguyện BDS dùng 2 xe cẩu móc lương thực chuyển đến các hộ dân ở chung cư Ấn Quang, quận 10. 

Trước đó, đội dân quân tự vệ, tình nguyện viên phát thông báo, đề nghị người dân ở yên trong nhà, không tập trung đông vì mỗi hộ sẽ được tiếp tế lương thực đến tận cửa. Được xây dựng từ năm 1968, Chung cư Ấn Quang có 4 tầng, không có thang máy, với hơn 900 hộ dân đang sinh sống.
Trước đó, đội dân quân tự vệ, tình nguyện viên phát thông báo, đề nghị người dân ở yên trong nhà, không tập trung đông vì mỗi hộ sẽ được tiếp tế lương thực đến tận cửa. Được xây dựng từ năm 1968, Chung cư Ấn Quang có 4 tầng, không có thang máy, với hơn 900 hộ dân đang sinh sống.
Mỗi xe chở khoảng 400 phần quà, đặt giữa 2 block chung cư, để chuyển lên các hộ dân lầu 1 đến lầu 4 bằng cẩu gắn rơ móc.
Mỗi xe chở khoảng 400 phần quà, đặt giữa 2 block chung cư, để chuyển lên các hộ dân lầu 1 đến lầu 4 bằng cẩu gắn rơ móc.
Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 7/9/2021 - Ảnh 2
Mỗi đợt chuyển sẽ có khoảng 5 túi quà. Phía trên các tầng sẽ có các chiến sĩ bộ đội đứng đợi sẵn ở hành lang để đón lấy.
Mỗi đợt chuyển sẽ có khoảng 5 túi quà. Phía trên các tầng sẽ có các chiến sĩ bộ đội đứng đợi sẵn ở hành lang để đón lấy.
Mỗi block sẽ có khoảng 15 chiến sĩ bộ đội của Trung đoàn Gia Định và Sư đoàn 302 chia ra để phát cho người dân.
Mỗi block sẽ có khoảng 15 chiến sĩ bộ đội của Trung đoàn Gia Định và Sư đoàn 302 chia ra để phát cho người dân.
Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 7/9/2021 - Ảnh 3
 Bà con chỉ cần ở yên trong nhà, bộ đội sẽ mang quà đặt ở trước cửa nhà mỗi hộ.
 Bà con chỉ cần ở yên trong nhà, bộ đội sẽ mang quà đặt ở trước cửa nhà mỗi hộ.

Đề xuất tăng cường phương tiện vận chuyển rác y tế

Thông tin khác từ báo Người Lao Động, UBND TPHCM vừa có đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN-MT) về việc đưa phương tiện vận chuyển của các công ty dịch vụ công ích quận, huyện vào vận chuyển rác y tế nguy hại từ các khu cách ly, bệnh viện đến khu xử lý.

Cụ thể, TP kiến nghị Bộ này đánh giá, có hướng dẫn để những phương tiện của các công ty dịch vụ công ích quận, huyện tham gia công tác thu gom, vận chuyển  HYPERLINK "https://nld.com.vn/rac-y-te.html" \o "rác y tế" \t "_blank" rác y tế phát sinh do dịch Covid-19 trên địa bàn TP.

Sau đó, vận chuyển về 3 nhà máy xử lý đang tiếp nhận rác thải y tế gồm: công ty cổ phần Môi trường Việt Úc, công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh và công ty CP Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu.

Công nhân xịt khuẩn các thùng rác y tế tại công trường xử lý rác ở Đông Thạnh, huyện Hóc Môn
Công nhân xịt khuẩn các thùng rác y tế tại công trường xử lý rác ở Đông Thạnh, huyện Hóc Môn

Ngoài ra, TP cũng kiến nghị Bộ TN-MT cho phép TP được sử dụng một số lò đốt rác hiện hữu của công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa dự phòng trong tình huống rác thải y tế vượt công suất, quá tải.

Để đảm bảo an toàn công tác thu gom, xử lý rác y tế phát sinh do dịch bệnh, TP sẽ chủ động trong công tác quản lý, giám sát, đồng thời hạn chế việc vận chuyển rác thải có nguy cơ lây nhiễm sang địa phương khác trong điều kiện các địa phương đều đang giãn cách xã hội.

Ngoài Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP trực tiếp tham gia vận chuyển, xử lý rác thải y tế phát sinh do dịch bệnh, để tránh quá tải TP đã bổ sung 3 công ty đã nêu trên tham gia xử lý rác. Theo thống kê của Sở TN-MT TP, mỗi ngày tại TP lượng rác thải y tế phát sinh do dịch bệnh là khoảng 70 - 80 tấn. Với 4 đơn vị tham gia xử lý công suất tối đa lên đến 120 tấn/ngày.

Nhiều phương án dự phòng khi dạy học trực tuyến

Hôm qua 6/9, gần 700.000 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 trên địa bàn TPHCM đã bước vào ngày học chính thức đầu tiên của năm học mới. Ghi nhận chung của báo SGGP tại nhiều trường học cho thấy đã xảy ra tình trạng nghẽn mạng, học sinh không đăng nhập được vào phần mềm trực tuyến khiến việc học bị ảnh hưởng.

Cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1), cho biết, sáng 6/9 đã xảy ra tình trạng nghẽn mạng tạm thời khi học sinh và giáo viên sử dụng phần mềm dạy học K12 online. Tuy nhiên, nhà trường đã chuẩn bị sẵn nhiều phương án dự phòng như dạy học qua Zoom, Google Meet… Ngay khi xảy ra sự cố, các thầy, cô giáo đã chủ động hướng dẫn học sinh tham gia lớp học bằng các phần mềm khác. Song song đó, đơn vị cũng triển khai hệ thống quản trị trực tuyến nhằm theo dõi tình hình học tập của học sinh cũng như công tác dạy học của giáo viên. 

TPHCM chuẩn bị nhiều phương án dự phòng khi dạy học trực tuyến
TPHCM chuẩn bị nhiều phương án dự phòng khi dạy học trực tuyến

Tương tự, tại Trường THPT Tân Phong (quận 7), trước khi bắt đầu các tiết học trực tuyến, giáo viên bộ môn đã gửi tài liệu học tập qua mail, các phần mềm dạy học trực tuyến hoặc nhóm trò chuyện qua internet (Facebook, Viber, Zalo…) để học sinh nghiên cứu giúp các em chủ động trong việc tham gia lớp học.

Trong khi đó, Trường THCS Hoàng Văn Thụ (quận 10) triển khai dạy học bằng phần mềm Google Meet. Thống kê sau ngày học trực tuyến đầu tiên cho thấy, số lượng học sinh không đủ điều kiện tham gia học trực tuyến chiếm tỷ lệ không đáng kể. 

Sau ngày học đầu tiên, tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến đạt khoảng 90%. Những học sinh không tham gia học trực tuyến sẽ được hỗ trợ tài liệu giấy thông qua lực lượng tình nguyện viên để không gián đoạn quá trình học tập.

Nhóm BTV

Tin cùng chuyên mục