Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 7/9/2023

10:14 07/09/2023

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 7/9:

World Travel Awards 2023: “Cơn mưa” giải thưởng cho Việt Nam

VietNamPlus đưa tin, tối qua 6/9, trong khuôn khổ Lễ trao giải thưởng World Travel Awards 2023 (WTA) khu vực châu Á và châu Đại dương diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam đã nhận được “cơn mưa” giải thưởng.

World Travel Awards 2023 được mệnh danh là “Oscar của ngành du lịch thế giới. (Ảnh: BTC)
World Travel Awards 2023 được mệnh danh là “Oscar của ngành du lịch thế giới. (Ảnh: BTC)

Sau thành công năm 2022, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thắng giải Điểm đến du lịch kết hợp công việc hàng đầu châu Á, và có thêm giải thưởng Điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á (hạng mục mà Đà Nẵng được vinh danh năm 2022).

Hội An được xướng tên ở giải thưởng Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á (Asia's Leading Cultural City Destination). Phú Quốc là “Hòn đảo du lịch sang trọng hàng đầu châu Á.”

Đáng chú ý, Hà Giang lần đầu tiên thắng giải Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á. Giải thưởng Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á 2023 thuộc về Hà Nam. Mộc Châu nhận danh hiệu Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu châu Á 2023. Vườn Quốc gia Cúc Phương đoạt giải tại hạng mục Vườn quốc gia hàng đầu châu Á.

TP.HCM lập Tổ Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý biên chế

Báo Pháp Luật TP cho biết, ngày 6/9, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã ký quyết định thành lập Tổ Công tác nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ việc quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của toàn hệ thống chính trị TPHCM (gọi tắt là Tổ Công tác).

TP.HCM sẽ quản lý toàn bộ biên chế của hệ thống chính trị. Ảnh: HOÀNG GIANG
TP.HCM sẽ quản lý toàn bộ biên chế của hệ thống chính trị. Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo đó, Tổ Công tác do Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan làm Tổ trưởng, Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân làm Tổ phó thường trực.

Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Thành ủy Thái Thị Bích Liên, Chánh Văn phòng Thành uỷ Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở TT&TT Võ Thị Trung Trinh và Phó Giám đốc Sở Tài chính Trần Mai Phương làm Tổ phó.

Tổ Công tác còn có sáu thành viên khác là lãnh đạo các sở, ngành TP. Bên cạnh đó, UBND TP cũng thành lập Tổ Giúp việc gồm 32 thành viên do. Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Hùng Tấn làm Tổ trưởng.

Nhiệm vụ của Tổ Công tác là nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của toàn hệ thống chính trị TP, báo cáo đột xuất hoặc theo yêu cầu của Thành ủy, UBND TP về kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Còn Tổ Giúp việc tham mưu, giúp việc cho Tổ Công tác thực hiện các nhiệm vụ của Tổ và chuẩn bị hồ sơ cuộc họp và thực hiện các công tác hậu cần phục vụ quá trình thực hiện nhiệm vụ của Tổ Công tác.

TP HCM đặt mục tiêu trở thành lá cờ đầu về kinh tế số

Báo Người Lao Động cho hay, sáng nay 7/9, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM phối hợp với Vụ Kinh tế số và Xã hội số - Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Báo Người Lao Động tổ chức hội thảo về thúc đẩy kinh tế số TP HCM phát triển bền vững.

Các đại biểu tham dự hội thảo
Các đại biểu tham dự hội thảo

Hội thảo thu hút sự tham gia của lãnh đạo các trường, viện, doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia…

Các vấn đề được hội thảo tập trung bàn bạc, thảo luận gồm: Thực trạng kinh tế số ở Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng; mô hình ứng dụng công nghệ số tiêu biểu thành công ở các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và quản lý; những thách thức và cơ hội phát triển kinh tế số tại TP HCM.

Không bỏ quên khu vực phi chính thức trong chiến lược lao động

Theo báo Thanh Niên, ngày 6/9, Viện nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức hội thảo khoa học về đề án chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn TP giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Ảnh minh họa..
Ảnh minh họa..

Một điểm nổi bật được nêu ra trong hội thảo là cần có các biện pháp tiến tới "chính thức hóa" khu vực phi chính thức, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ lao động khu vực này gia tăng vì tác động của đại dịch Covid-19, thất nghiệp. Sự gia tăng việc làm của khu vực phi chính thức tuy tiếp tục đóng góp kinh tế cho TPHCM nhưng lại gia tăng rủi ro an sinh xã hội đối với NLĐ khi không được pháp luật bảo vệ và thiếu các điều kiện phúc lợi xã hội…

Thạc sĩ Lê Văn Thành, nguyên trưởng phòng Nghiên cứu văn hóa xã hội, Viện nghiên cứu phát triển TP, cho rằng về lâu dài cần "chính thức hóa" khu vực này để bảo vệ quyền lợi và đảm bảo an toàn cho NLĐ, tạo ra sự công bằng trong thị trường lao động. Các giải pháp có thể tính tới là cung cấp các cơ hội chuyển đổi hoặc hợp đồng lao động, kèm theo đào tạo; hỗ trợ cộng đồng để cải thiện điều kiện sống của NLĐ khu vực phi chính thức.

Khách quốc tế đến Việt Nam đang tăng mạnh

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, lượng khách quốc tế tăng trong dịp lễ 2/9 là tín hiệu khả quan cho mùa du lịch inbound (khách quốc tế đến) từ tháng 10 tới. Nội dung trên báo Phụ Nữ TP.

Người dân xem trình diễn khinh khí cầu bên sông Sài Gòn dịp lễ 2/9 - Ảnh: Quốc Thái
Người dân xem trình diễn khinh khí cầu bên sông Sài Gòn dịp lễ 2/9 - Ảnh: Quốc Thái

Theo số liệu mới nhất từ cơ quan này, trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 (từ ngày 1 - 4/9), ước tính cả nước đón khoảng 2,5 triệu lượt khách. Các địa phương tập trung đông khách là TPHCM, ước đón và phục vụ 960.000 lượt (tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2022), Hà Nội: 640.000 lượt (tăng 51%), Khánh Hòa: 503.154 lượt (tăng 141%), Bà Rịa - Vũng Tàu: 502.865 lượt (tăng 28,26%), Thanh Hóa: 328.000 lượt (tăng 26,6%), Đà Nẵng: 254.000 lượt khách (tăng 6,3%), Lâm Đồng: 120.000 lượt khách (tăng 29,4%)...

"Một số địa phương chưa thu hút được lượng khách như kỳ vọng do kỳ nghỉ lễ năm nay một bộ phận khách có xu hướng chỉ chọn đi gần và đi tự túc gần nhà, ngay tại nơi sinh sống (staycation, drivecation), cắt giảm chi phí đi lại, du lịch…" - theo nhận xét từ Cục Du lịch Quốc gia.

Đáng chú ý, lượng khách du lịch quốc tế đến các địa phương trọng điểm du lịch cơ bản tăng, là tín hiệu khả quan cho mùa du lịch inbound (khách quốc tế đến) của Việt Nam từ tháng 10 sắp tới.

TPHCM thêm 7 cảng cạn để phát huy lợi thế 1.000km đường thủy

Trên báo Lao Động, ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM - cho biết, hệ thống cảng cạn có sự hỗ trợ lớn hơn về năng lực cho hệ thống cảng biển, đặc biệt cảng biển khu vực TPHCM, tạo hiệu quả về chi phí vận tải do sử dụng đường thủy nội địa. Thời gian tới TPHCM sẽ kêu gọi đầu tư thêm 7 cảng cạn theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thời gian qua khu cảng cạn Trường Thọ (Thành phố Thủ Đức) hỗ trợ rất tốt cho các cảng biển TPHCM và Vũng Tàu. Ảnh: Minh Quân
Thời gian qua khu cảng cạn Trường Thọ (Thành phố Thủ Đức) hỗ trợ rất tốt cho các cảng biển TPHCM và Vũng Tàu. Ảnh: Minh Quân

Trong đó, lớn nhất là Cảng cạn Long Bình với diện tích khoảng 54ha. Cảng này phục vụ cho việc di dời cảng Trường Thọ, chủ yếu tiếp nhận hàng hóa từ khu vực Đồng Nai, Bình Dương (giai đoạn hiện tại khoảng 20 triệu tấn/năm, tăng trưởng bình quân 10%/năm) để vận chuyển bằng đường thủy đi đến các khu vực Cát Lái, Hiệp Phước, Cái Mép.

Còn ở hướng Tây TPHCM, tại khu vực tiếp giáp giữa đại lộ Võ Văn Kiệt và đường cao tốc TPHCM - Trung Lương sẽ xây dựng cảng cạn Tân Kiên rộng 50ha. Cảng này vừa nằm kế sông Chợ Đệm, vừa ở ngã ba hai tuyến đường nêu trên, lại trong khu vực dự kiến xây ga đường sắt quốc gia Tân Kiên. Như vậy khi hình thành thì nơi đây sẽ là đầu mối của ba loại hình vận tải thủy - bộ - sắt.

Ở hướng Tây Bắc, TPHCM sẽ xây cảng cạn Củ Chi rộng 15 - 20ha. Cảng này không chỉ phục vụ cho các khu công nghiệp ở huyện Củ Chi mà còn cả Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, giúp đưa hàng về cảng Cát Lái qua sông Sài Gòn. Các cảng cạn còn lại gồm: Cảng cạn ngã ba Mũi Đèn Đỏ (15 - 20ha); cảng cạn Linh Trung (9ha); cảng cạn Hóc Môn (10-20ha).

Lãnh đạo Sở GTVT TPHCM cho hay, tổng nguồn vốn đầu tư xây mới các cảng này hơn 10.000 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách TPHCM khoảng 1.000 tỉ đồng, còn lại là vốn từ Trung ương, vốn PPP.

TPHCM có nguy cơ bùng phát bệnh chốc lở

Báo Tiền Phong ghi nhận, tại Bệnh viện Da Liễu TPHCM mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 6 đến 8 trẻ mắc bệnh chốc. Bệnh đang có xu hướng gia tăng trong tháng qua và nguy cơ tiếp tục tăng cao vào thời gian tới khi học sinh đi học trở lại, gia tăng tiếp xúc kéo theo nguy cơ lây nhiễm.

Bệnh nhi mắc bệnh chốc đến thăm khám, điều trị tại Bệnh viện Da Liễu TPHCM. Ảnh: Vân Sơn
Bệnh nhi mắc bệnh chốc đến thăm khám, điều trị tại Bệnh viện Da Liễu TPHCM. Ảnh: Vân Sơn

Thống kê của bệnh viện từ ngày 1/8 đến ngày 5/9 ghi nhận 227 trường hợp nhiễm bệnh, đa phần là nhóm trẻ nhỏ trong độ tuổi mầm non, mẫu giáo.

Theo BS Võ Thị Đoan Phượng, Trưởng khoa Lâm sàng 1, Bệnh viện Da Liễu TPHCM bệnh chốc là tình trạng nhiễm trùng ngoài da do vi khuẩn gây ra và thường gặp ở trẻ nhỏ. Biểu hiện của bệnh chốc là xuất hiện các mụn nước hay bọng nước trên da. Các bóng nước sẽ đục dần, có mủ rồi vỡ, tạo thành vết trầy, đóng vảy màu vàng mật ong đặc trưng.

Nếu không được điều trị, tình trạng nhiễm trùng sẽ nhanh chóng lan rộng ra vùng da xung quanh. Vị trí thường gặp của bệnh chốc là ở mặt, xung quanh hốc mũi, miệng hoặc tay chân. Khi điều trị đúng cách, trẻ có thể khỏi bệnh trong thời gian từ 7 đến 10 ngày.

Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục