Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 8/10/2021

09:56 08/10/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 8/10:

Bố trí phương tiện đưa đón người dân về quê an toàn, chu đáo

Thông tin từ báo SGGP, ngày 7/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ban hành Công điện số 1314/CĐ-TTg về việc tổ chức đưa đón người dân có nhu cầu cần thiết, chính đáng được về quê an toàn, chu đáo.

Nội dung công điện nêu rõ: Sau thời gian khá dài thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, một bộ phận người dân ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai... có nhu cầu di chuyển về quê. Đây là nhu cầu chính đáng của người dân, tuy nhiên nếu không tổ chức tốt việc đưa, đón để người dân tự phát sẽ dẫn tới nguy cơ dịch lây lan ra nhiều địa phương trong cả nước.

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh thành tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo Công điện số 1625 ngày 30/9/2021 và Công điện số 122 của Văn phòng Chính phủ ngày 1/10/201. Việc phối hợp đưa, đón người dân phải được thực hiện nhanh, nhịp nhàng hơn, không để ùn ứ tại các điểm kiểm soát cửa ngõ. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Các địa phương chưa hoàn toàn kiểm soát được dịch nhưng đã dừng thực hiện Chỉ thị 16 tiếp tục tích cực vận động, thuyết phục người dân yên tâm ở lại, gắn với hỗ trợ an sinh và thực hiện khôi phục sản xuất - kinh doanh an toàn. Đối với những người vẫn muốn về quê cần chủ động lập danh sách thông báo cho địa phương nơi đến và tổ chức đưa, đón đến tận nơi đến. 

Đối với người dân đã ra tới các chốt kiểm soát cửa ngõ phải thực hiện ngay việc phân nhóm, thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn dịch tễ, liên hệ với tỉnh thành nơi đến và tổ chức đưa người dân đi. Bố trí phương tiện vận chuyển an toàn đối với những người không có phương tiện hoặc người già, phụ nữ có thai, trẻ em có nhu cầu. Các tỉnh thành dọc đường có trách nhiệm phối hợp đảm bảo giao thông thông suốt và hỗ trợ nếu cần thiết. Tỉnh thành nơi đến có trách nhiệm đón, nhận bàn giao và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch theo quy định.

Các tỉnh thành nếu phát hiện có người dân tự phát từ vùng có dịch về quê qua địa phương mình cần chủ động hỗ trợ, thông báo cho tỉnh, thành phố nơi đến và tổ chức đưa người dân di chuyển an toàn không để lây lan dịch bệnh. 

Bộ Y tế phân bổ ngay vaccine sau khi tiếp nhận, ưu tiên sớm hơn cho các tỉnh có nhiều người dân từ vùng dịch về; hỗ trợ phương tiện, sinh phẩm xét nghiệm; hỗ trợ thuốc để các địa phương có người dân trở về xét nghiệm kịp thời, sẵn sàng điều trị khi có ca mắc Covid-19 mới. Căn cứ yêu cầu các địa phương, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng tăng cường, hỗ trợ nhân lực đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Thí điểm trả chi phí điều trị COVID-19 cho cơ sở y tế tư nhân

Theo báo Người Lao Động, UBND TPHCM đã có văn bản gửi Sở Y tế và Sở Tài chính để triển khai thông báo của Thành ủy TP về việc chi phí trả cho cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị COVID-19.

Nguyên tắc là việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 do ngân sách nhà nước bảo đảm; chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị COVID-19 thực hiện theo quy định về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh.

Đối với phần ngân sách nhà nước đảm bảo, trước mắt TP thanh toán cho các cơ sở y tế tư nhân chi phí điều trị bệnh nhân COVID -19 theo mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh được Bộ Y tế quy định tại Thông tư 13 và 14 năm 2019.

Đối với các nội dung chưa được kết cấu trong giá dịch vụ khám, chữa bệnh nêu trên thì thanh toán theo chi phí thực tế phát sinh nhưng phải đảm bảo định mức chi và mức giá thanh toán tương đương với mức thực hiện của các cơ sở y tế công lập.

Nhân viên y tế tại Bệnh viện FV (quận 7, TP HCM) chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)
Nhân viên y tế tại Bệnh viện FV (quận 7, TP HCM) chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Tiền chi trả được trích từ nguồn kinh phí phòng, chống dịch TP bố trí cho Sở Y tế. Phần chênh lệch giữa chi phí ngân sách nhà nước thanh toán và chi phí thực tế phát sinh trong điều trị bệnh nhân COVID -19 tại các cơ sở y tế tư nhân do các cơ sở này cân đối thực hiện (bao gồm cả việc cho phép các cơ sở y tế tư nhân thỏa thuận với bệnh nhân để bù đắp chi phí).

Trong trường hợp bệnh nhân cam kết tự nguyện chi trả toàn bộ chi phí điều trị (không sử dụng ngân sách nhà nước), TP cho phép các cơ sở thực hiện theo cam kết tự nguyện của bệnh nhân để trang trải chi phí. Sau khi có hướng dẫn từ các bộ ngành Trung ương, Sở Y tế TP và các cơ sở y tế tư nhân sẽ thực hiện theo đúng hướng dẫn.

Taxi công nghệ GrabCar chính thức hoạt động lại từ ngày 7/10

Cũng trên báo Người Lao Động, chiều 7/10, Grab Việt Nam cho biết thực hiện theo Thông báo số 10558/TB-SGTVT của Sở GTVT TP, hãng xe công nghệ này triển khai dịch vụ đặc biệt GrabCar Protect để khởi động lại hoạt động chở khách trong giai đoạn "bình thường mới".

Dịch vụ GrabCar Protect đáp ứng toàn bộ tiêu chí an toàn được áp dụng cho hoạt động vận chuyển hành khách đường bộ do cơ quan chức năng quy định. Bên cạnh đó, người dùng được khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt qua thẻ hoặc ví điện tử Moca để giảm thiểu các tiếp xúc vật lý.

Xe chở khách được trang bị vách ngăn giữa tài xế và hành khách
Xe chở khách được trang bị vách ngăn giữa tài xế và hành khách

Tất cả đối tác tài xế tham gia dịch vụ GrabCar Protect đều đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 và đủ 14 ngày sau khi tiêm. Các tài xế cũng thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 theo quy định của ngành y tế, có kết quả xét nghiệm âm tính mới được phép hoạt động.

Đặc biệt, toàn bộ xe GrabCar Protect sẽ được trang bị vách ngăn giữa tài xế và hành khách để giảm thiểu các tiếp xúc không cần thiết; đồng thời trang bị đầy đủ dung dịch rửa tay, khử khuẩn, thùng rác có nắp đậy, bảo đảm mức độ thông thoáng trên xe… Các biện pháp bảo vệ an toàn đều được nghiêm túc áp dụng.

GrabCar Protect bảo đảm vận chuyển không quá 50% sức chứa của xe. Cụ thể, xe 4 chỗ sẽ chỉ chở 1 hành khách, xe 7 chỗ chỉ chở 2 hành khách.

Hành khách cần phải sử dụng mã QR khai báo di chuyển của ứng dụng VNEID và mã QR thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế HCM hoặc Sổ sức khỏe điện tử (đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động).

Nếu không có mã QR, hành khách cần có một trong các giấy xác nhận là người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng hoặc đã tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 ít nhất 1 mũi được 14 ngày.

Sở Y tế TP lập đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định chống dịch

Zingnews cho hay, ngày 7/10, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hoài Nam ký ban hành kế hoạch kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong lĩnh vực y tế và công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, Giám đốc Sở Y tế sẽ thành lập các đoàn kiểm tra gồm Thanh tra Sở Y tế, Phòng Nghiệp vụ Dược, Phòng Quản lý Dịch vụ Y tế, Phòng Nghiệp vụ Y; cùng các cơ quan chức năng có liên quan như: Công an TP, Cục Quản lý thị trường TP, Phòng Y tế quận, huyện và TP Thủ Đức.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 8/10/2021 - Ảnh 1

Về hình thức, đoàn sẽ kiểm tra đột xuất từ nay đến hết ngày 31/12. Nếu cơ sở vi phạm hành chính, Đoàn kiểm tra sẽ lập biên bản và chuyển về Chánh Thanh tra sở để ra quyết định xử phạt (nếu các vi phạm thuộc thẩm quyền của ngành y tế).

Nếu vi phạm vượt thẩm quyền ngành y tế thì sẽ trình UBND TP ra quyết định xử phạt theo mức độ vi phạm.

5 đối tượng kiểm tra:

- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu sinh phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền, trang thiết bị, vật tư y tế.

- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế.

- Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về quảng cáo liên quan đến hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.

- Các cơ sở theo chỉ đạo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; có đơn thư, phản ánh.

Shipper phải xét nghiệm 3 ngày/lần

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, ngày 7/10, các ứng dụng công nghệ Grab, Gojek thông báo đến lực lượng shipper về hướng dẫn xét nghiệm định kỳ của Sở Y tế đối với lực lượng shipper.

Theo đó, shipper vẫn duy trì tần suất xét nghiệm 1-3 ngày/lần, không thay đổi so với trước ngày 1/10. Ngoài kết quả xét nghiệm âm tính, các đối tác tài xế vẫn phải đảm bảo các yêu cầu bắt buộc như tiêm ít nhất mũi 1 vắc xin COVID-19, trang bị đầy đủ bộ nhận diện shipper, nằm trong danh sách đã được đăng ký với Sở Công thương TP.

Hiện Gojek tiếp tục hỗ trợ miễn phí hoàn toàn hoạt động xét nghiệm cho shipper của hãng trong giai đoạn này để giảm bớt gánh nặng chi phí cho các đối tác tài xế.

Còn Grab sẽ hỗ trợ bộ xét nghiệm nhưng tài xế phải đáp ứng các tiêu chí như đạt 30 cuốc xe/tuần sẽ nhận 1 bộ xét nghiệm, đạt 60 cuốc/xe tuần tài xế nhận 2 bộ xét nghiệm.

Shipper hoạt động tại TP.HCM vẫn duy trì xét nghiệm 3 ngày/lần, tự chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về tính trung thực của kết quả xét nghiệm. Trong ảnh: shipper giao hàng cho khách - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Shipper hoạt động tại TP.HCM vẫn duy trì xét nghiệm 3 ngày/lần, tự chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về tính trung thực của kết quả xét nghiệm. Trong ảnh: shipper giao hàng cho khách - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dù vậy, đại diện Gojek cho rằng yêu cầu xét nghiệm nhanh với tần suất liên tục với các shipper có thể không còn phù hợp với thực tiễn khi TP đã được nới lỏng. Việc duy trì xét nghiệm shipper làm hạn chế hiệu quả của chuỗi cung ứng TP và có thể gây lãng phí bởi tất cả các tài xế được phép hoạt động đều đã tiêm ít nhất 1-2 mũi vắc xin.

"Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng cân nhắc giãn tần suất xét nghiệm nhanh COVID-19 dựa trên cơ sở thực tiễn, các yếu tố dịch tễ và độ phủ của vắc xin", đại diện Gojek đề xuất.

Đoàn Luật sư TPHCM tổ chức tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân

Chào mừng Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam (10/10), Đoàn Luật sư TP tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật trực tuyến trên nền tảng zoom với chủ đề Pháp luật về phòng chống dịch COVID và các vấn đề an sinh xã hội. Chương trình tư vấn hoàn toàn miễn phí và giới hạn 500 người tham gia. Nội dung trên báo Pháp Luật TP.

Chương trình tư vấn pháp luật ngày 10/10. Ảnh: BTC cung cấp
Chương trình tư vấn pháp luật ngày 10/10. Ảnh: BTC cung cấp

Luật sư Nguyễn Thành Công (thành viên Ban tổ chức) cho biết, thích ứng với giai đoạn TP đang nới lỏng giãn cách, các luật sư chuyển cách tư vấn pháp luật từ trực tiếp sang trực tuyến trên cách nền tảng mạng xã hội. Chương trình sẽ hỗ trợ tư vấn miễn phí cho bà con nhân dân trong việc tháo gỡ những vướng mắc khó khăn pháp lý trong cuộc sống.

Ngoài chương trình trên, 55 tổ chức hành nghề luật sư tham gia tư vấn pháp luật miễn phí bằng Viber, Zalo, Whatsapp, Facebook, điện thoại cho người dân trong hai ngày 8 và 9/10.

Công đoàn các cấp đã chăm lo cho gần 1,6 triệu lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19

Theo Thanhuytphcm.vn, từ đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, các cấp công đoàn đã tổ chức kịp thời các hoạt động chăm lo cho đoàn viên Công đoàn, công nhân lao động tại các khu nhà trọ, tạm ngừng việc không hưởng lương và gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

Bên cạnh những mô hình, cách làm hay trong chăm lo vật chất cho công nhân, người lao động như Gian hàng “0 đồng” cho bệnh nhân F0, Chương trình “Phúc lợi cộng thêm cho người lao động”,… công đoàn các cấp tiếp tục thực hiện các gói hỗ trợ cho đoàn viên Công đoàn, công nhân, viên chức, người lao động. Đến nay, 1.572.645 người lao động đã được công đoàn hỗ trợ với tổng số tiền hơn 213,8 tỷ đồng.

Trao túi an sinh cho đoàn viên công đoàn bị ảnh hưởng dịch COVID -19
Trao túi an sinh cho đoàn viên công đoàn bị ảnh hưởng dịch COVID -19

Liên đoàn Lao động TP còn cho biết, đến ngày 6/10, Công đoàn các cấp đã thành lập 7.260 Tổ an toàn COVID-19 với 30.648 thành viên, 5.382/7.509 đơn vị xây dựng phương án phòng, chống dịch.

Các cấp Công đoàn cũng phối hợp tốt với doanh nghiệp xây dựng các phương án vừa cách ly, vừa sản xuất, chủ động xử lý khi có trường hợp nghi nhiễm hoặc nhiễm SARS-CoV-2; Phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương, các cơ quan chức năng trong việc triển khai tiêm vaccine phòng ngừa Covid-19 cho công nhân tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Tính đến nay, đã có 690.237 người lao động được tiêm mũi 1 và 259.141 người được tiêm mũi 2 vaccine phòng ngừa COVID-19 tại 5.306 doanh nghiệp, đơn vị.

Nhóm BTV (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục