Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 8/6/2021

10:02 08/06/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 8/6:

Xúc tiến kích hoạt gói hỗ trợ lần 2

Báo SGGP đưa tin, UBND TP Thủ Đức và 21 quận - huyện đang thống kê cụ thể tình hình doanh nghiệp (DN) và NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn. Từ đó, UBND TPHCM sẽ tính toán các giải pháp tháo gỡ, xúc tiến kích hoạt gói hỗ trợ lần 2 một cách phù hợp.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Thái Thị Hồng Nga, trên tinh thần hỗ trợ tối đa người dân tại các khu cách ly, nhất là các hộ có hoàn cảnh khó khăn, quận đã chỉ đạo các phường rà soát để không bỏ sót người dân nào cần trợ giúp. Bên cạnh gói hỗ trợ theo quy định, quận Bình Thạnh đã vận động từ các nhà hảo tâm thêm 1 tỷ đồng để chăm lo các hộ dân khó khăn, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tìm hiểu thông tin, đăng ký tìm việc làm mới tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TPHCM. Ảnh: GIA NHI
Người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tìm hiểu thông tin, đăng ký tìm việc làm mới tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TPHCM. Ảnh: GIA NHI

Tại các khu chế xuất và khu công nghiệp TP, Phó Chủ tịch Công đoàn Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP (HEPZA) Nguyễn Thái Thành cho hay, công đoàn đang phối hợp các ngành chức năng để thống kê số lượng NLĐ thuộc diện được hỗ trợ khẩn cấp. Trước mắt, công đoàn HEPZA đã trao hỗ trợ 80 triệu đồng cùng các nhu yếu phẩm trị giá 125 triệu đồng đến 777 công nhân Công ty cổ phần Thiết bị nhà bếp Vina (Khu công nghiệp Tân Bình) đang cách ly tại công ty.

Tại quận 11, các phòng ban chuyên môn và 16 phường, Hội DN quận đang gấp rút rà soát, thống kê những khó khăn, vướng mắc của DN, hộ kinh doanh.

Tổ chức công đoàn TPHCM chuẩn bị quà và trao đến người lao động bị cách ly trên địa bàn quận Gò Vấp. Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Tổ chức công đoàn TPHCM chuẩn bị quà và trao đến người lao động bị cách ly trên địa bàn quận Gò Vấp. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Bà Trần Thị Bích Trâm, Phó Chủ tịch UBND quận 11, đề nghị chính sách hỗ trợ sắp tới cần tập trung trợ giúp, khuyến khích đầu tư nhằm vào những đối tượng, khu vực đang tạo nên dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế, thay vì hỗ trợ chung chung cho tất cả đối tượng, sẽ khiến nguồn lực bị phân tán, dàn trải, kém hiệu quả.

Cùng với đó, phải quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho DN, tháo gỡ các nút thắt trong thủ tục đầu tư để DN nắm bắt cơ hội kinh doanh. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ cũng tập trung giảm thuế đối với đối tượng cho thuê nhà, từ đó, người cho thuê có thể giảm giá hỗ trợ người thuê nhà.

Khẩn trương xây dựng đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức

Thông tin khác trên báo SGGP, Văn phòng UBND TP vừa có thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình về tiến độ thực hiện lập đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình giao Chủ tịch UBND TP Thủ Đức khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết về tiến độ thực hiện lập đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 song song với công tác lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Chậm nhất trước ngày 15/7/2021, UBND TP Thủ Đức phải báo cáo UBND TPHCM thông qua bộ đồ án quy hoạch.

Sau đó hoàn chỉnh đồ án quy hoạch, báo cáo trình Ban Thường vụ Thành ủy TP thông qua đồ án quy hoạch trước ngày 15/8/2021, để kịp trình Bộ Xây dựng thẩm định đồ án quy hoạch trước ngày 15/10/2021.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 8/6/2021 - Ảnh 1

Tăng cường năng lực xét nghiệm trong tình hình mới

Vietnamplus cho hay, ngày 7/6, Sở Y tế TP ban hành kế hoạch tổ chức hoạt động xét nghiệm trong tình hình mới nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp mắc Covid-19 để thực hiện giám sát, cách ly, điều trị và xử lý dập dịch triệt để. Theo đó, ngành Y tế TP tăng cường năng lực lấy mẫu, tổ chức 920 tổ lấy mẫu với công suất 200 mẫu/tổ/buổi.

Cụ thể, tại 22 trung tâm Y tế TP Thủ Đức và quận - huyện tổ chức 120 tổ (trung bình 5-6 tổ/đơn vị); tại 112 bệnh viện của TP, quận - huyện và bệnh viện tư nhân tổ chức 700 tổ (trung bình 1 tổ/50 giường bệnh). Lực lượng sinh viên các trường đại học y khoa trên địa bàn được huy động, tổ chức 100 tổ lấy mẫu. Qua đó, nâng tổng công suất lấy mẫu toàn TP là 184.000 mẫu/buổi.

Các y bác sỹ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh và Quận 7 thực hiện xét nghiệm sàng lọc COVID-19 ngẫu nhiên cho công nhân. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Các y bác sỹ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh và Quận 7 thực hiện xét nghiệm sàng lọc COVID-19 ngẫu nhiên cho công nhân. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Sở Y tế TP yêu cầu các bệnh viện cần chủ động tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động (lấy mẫu, thực hiện xét nghiệm) để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 trong mọi tình huống; đặc biệt là các bệnh viện hạng 1 của TP khẩn trương trang bị hệ thống xét nghiệm RT-PCR đạt mức tối thiểu mỗi 300 giường bệnh có 1 hệ thống. Cùng với đó, Viện Pasteur, các bệnh viện Bộ, ngành trên địa bàn TP đủ điều kiện thực hiện xét nghiệm khẳng định Covid-19 cùng tham gia hỗ trợ trong tình huống dịch bệnh lan rộng.

Thay đổi cách làm việc, quận, phường vẫn hỗ trợ dân tối đa

Ghi nhận từ báo Pháp Luật TP, sau khi thay đổi phương thức làm việc theo chỉ đạo của UBND TP, tại phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân), cán bộ được bố trí luân phiên làm việc tại nhà để giảm số người đến trụ sở làm việc. Dù vậy, đây là thời điểm phường thực hiện tổng điều tra kinh tế, điều tra giảm nghèo và kiểm soát dịch bệnh nên các cán bộ của ba lĩnh vực này vẫn đang làm việc hết công suất, bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Hiện bộ phận một cửa của quận Bình Tân chỉ còn 7 cán bộ phụ trách trả hồ sơ và tiếp nhận hồ sơ cấp bách, giảm một nửa so với trước đây. Tuy nhiên, đơn vị vẫn bảo đảm hỗ trợ tối đa cho các nhu cầu của người dân, giải quyết hồ sơ nhanh chóng để tránh tập trung đông người.

Người dân khai báo y tế khi đến giao dịch hồ sơ tại UBND quận Bình Tân. Ảnh: LÊ THOA
Người dân khai báo y tế khi đến giao dịch hồ sơ tại UBND quận Bình Tân. Ảnh: LÊ THOA

Theo đại diện UBND quận Bình Tân, với đặc thù là địa bàn đông dân cư, số lượng hồ sơ lớn, để thuận lợi cho người dân làm các hồ sơ cấp bách trong thời điểm có dịch Covid-19, quận đang nghiên cứu hoàn thiện phần mềm lấy số online. Cụ thể, người dân sẽ lấy số online, đến giờ hẹn thì tới làm mà không cần phải chờ đợi.

Còn tại quận 1, bà Nguyễn Thị Thu Hường, quyền Chủ tịch UBND quận, cho biết, tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của quận, các cán bộ được bố trí luân phiên 50% (khoảng 6 người) để trả hồ sơ và giải quyết hồ sơ cấp bách theo quy định của TP.

Trước đó, UBND quận 1 đã kịp thời có thông báo đến người dân thông qua các hình thức khác nhau nên không có tình trạng tập trung đông người tại bộ phận một cửa. Đặc biệt, đối với các hồ sơ được nhận trực tiếp, quận 1 đã số hóa hồ sơ, đưa vào hệ thống một cửa điện tử để người dân không phải mang theo giấy tờ khi đến giao dịch ở các lần tiếp theo.

Thực phẩm tươi sống tiêu thụ mạnh

Thông tin từ báo Người Lao Động, thống kê nhanh về tình hình thị trường TP, Sở Công Thương TP cho biết nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu của 2.874 điểm bán tại chợ, siêu thị, cửa hàng luôn bảo đảm dồi dào, đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Hiện nay, không còn tình trạng người dân thu gom, tích trữ hàng hóa.

Đến cuối tuần qua, tại các chợ lẻ, sức mua đã tăng 5%-15% so với những ngày đầu TP thực hiện giãn cách xã hội. Người dân đến chợ chủ yếu mua sắm các mặt hàng thực phẩm tươi sống như: rau, củ, quả, thịt, cá... để dự trữ cho cả tuần.

Đa số người tiêu dùng đi chợ, siêu thị để mua thực phẩm tươi sống
Đa số người tiêu dùng đi chợ, siêu thị để mua thực phẩm tươi sống

Ở quận 12, do người dân bị ảnh hưởng bởi một số thông tin liên quan tới dịch Covid-19, sức mua tại chợ có xu hướng giảm nhẹ 10%. Tại quận Gò Vấp, sức mua các chợ giảm đến 70% so với ngày thường trước đợt giãn cách.

Riêng tại các hệ thống siêu thị, sức mua đã tăng 9% - 10% so với ngày thường và nhóm sản phẩm thuộc ngành hàng thực phẩm tươi sống đang tiêu thụ tốt nhất. Còn ở chợ đầu mối, lượng hàng về 3 chợ Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn tăng nhẹ. Hàng hóa đang có xu hướng về chợ nhiều hơn bình thường, giá cả ổn định.

Cho phép dạy lý thuyết lái xe trực tuyến trong mùa dịch Covid-19

Báo Tuổi Trẻ thông tin, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn TP, các cơ sở đào tạo lái xe đã tạm ngưng giảng dạy lý thuyết tập trung từ ngày 8/5. Tuy nhiên, nhu cầu học lái ôtô của người dân khá cao, việc gián đoạn học tập lâu dài sẽ ảnh hưởng đến người dân.

Vì vậy, Sở GTVT TP vừa ban hành văn bản cho phép các cơ sở đào tạo đáp ứng được toàn bộ quy chế đào tạo trực tuyến thì cho phép triển khai dạy trực tuyến các môn học lý thuyết đảm bảo vừa phòng dịch, vừa không làm chậm quá trình học của người dân.

Cơ sở đào tạo đủ yêu cầu mới được dạy lý thuyết lái xe trực tuyến - Ảnh: VĂN BÌNH
Cơ sở đào tạo đủ yêu cầu mới được dạy lý thuyết lái xe trực tuyến - Ảnh: VĂN BÌNH

Công tác đào tạo của các cơ sở triển khai dạy theo nội dung hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Phòng quản lý sát hạch và cấp phép lái xe Sở GTVT TP chịu trách nhiệm kiểm tra, đánh giá công tác tổ chức lớp học, tổ chức dạy học, phần mềm ứng dụng, bài giảng trực tuyến...

Ngoài ra, Sở GTVT TP yêu cầu đối với việc dạy thực hành lái xe luôn luôn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Thêm 18 tuyến xe buýt dừng hoạt động

Cũng trên báo Người Lao Động, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP thông báo từ ngày 8/6 sẽ tạm ngưng hoạt động thêm 18 tuyến xe buýt do dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể, 18 tuyến xe buýt sẽ tạm ngưng hoạt động từ ngày hôm nay (8/6) gồm: Tuyến số 6, 10, 30, 31, 38, 43, 45, 48, 62, 64, 85, 87, 89, 93, 107, 145, 148, 152.

Nhiều tuyến xe buýt sẽ dừng hoạt động từ ngày 8/6/2021
Nhiều tuyến xe buýt sẽ dừng hoạt động từ ngày 8/6/2021

Trong số các tuyến dừng hoạt động có các tuyến đưa đón học sinh, sinh viên, người dân đến các chợ, khu vui chơi như tuyến số 6 (Bến xe Chợ Lớn - ĐH Nông lâm), tuyến số 10 (ĐHQG - Bến xe Miền Tây), tuyến số 30 (Chợ Tân Hương - ĐH Quốc tế), tuyến số 64 (Bến xe Miền Đông - Đầm Sen)…

Ngoài ra, đối với 56 tuyến xe buýt có trợ giá còn lại tiếp tục duy trì hoạt động vì những tuyến xe này hoạt động ở những trục chính, tuyến vành đai để trung chuyển hành khách, đồng thời tuyến có lộ trình hoạt động độc đạo không có tuyến thay thế, qua khu công nghiệp, khu chế xuất, phục vụ đi lại cơ bản của người dân vẫn hoạt động bình thường.

Căn cứ tình hình thực tế, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP trình Sở Giao thông Vận tải sẽ công bố thời gian hoạt động trở lại của các tuyến xe buýt.

Kiến nghị khẩn gỡ khó cho doanh nghiệp vận tải

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải hành khách bị ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19, Sở GTVT TP kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất và giãn nợ đối với các khoản vay mua phương tiện của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn TP; riêng các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe buýt đã đầu tư phương tiện theo Đề án đầu tư xe buýt giai đoạn 2014-2020, kiến nghị ngân sách hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong năm 2021.

Ngoài ra, Sở này cũng kiến nghị UBND TP chỉ đạo Cục thuế TP xem xét việc giảm thuế hoặc kéo giãn thời gian đóng thuế cho các đơn vị kinh doanh vận tải; Đề nghị Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn chỉ đạo các đơn vị quản lý bến xe khách liên tỉnh tiếp tục xem xét phương án giảm hoặc miễn thu phí đậu, đón khách và giảm giá dịch vụ xe ra vào tại bến xe và các khoản chi phí khác để hỗ trợ các doanh nghiệp

 

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục