5 bệnh nhân COVID-19 nguy kịch hồi phục kỳ diệu
Thông tin từ báo Người Lao Động, ngày 7/7, Bệnh viện COVID-19 Trưng Vương cho biết 5 bệnh nhân nặng nhất từng nhập viện tại đây đều đã qua cơn nguy kịch, hồi phục tốt sau khoảng 10 ngày điều trị tích cực.
"Trong 5 người này chỉ có 1 ca 30 tuổi, còn lại 4 ca đều là bệnh nhân cao tuổi (60-67 tuổi). Tất cả các bệnh nhân lớn tuổi này đều có các bệnh nền như cao huyết áp, đái tháo đường, cơ tim thiếu máu cục bộ... 5 bệnh nhân này đều phải can thiệp bằng máy thở xâm lấn, điều trị an thần, giãn cơ, kháng viêm, kháng đông. Thời gian họ phải thở máy kéo dài trung bình 10 ngày" - BS chuyên khoa II Nguyễn Thiên Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc của bệnh viện cho biết.
Theo TS-BS Lê Thanh Chiến, Giám đốc Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương, bệnh viện là một trong những đơn vị được phân công điều trị các ca nặng nên đã dựa trên Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 của Bộ Y tế và tham khảo nhiều tài liệu y văn thế giới qua đó soạn thảo Hướng dẫn tiếp cận, phân loại mức độ bệnh và Phác đồ điều trị Covid-19 để áp dụng điều trị.
Tính đến sáng 7/7, tức ngày thứ 20 từ lúc bắt đầu hoàn tất chuyển đổi công năng trên nền Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương đã có 50 bệnh nhân xuất viện và 20 bệnh nhân nặng diễn tiến tốt, được ra khỏi khu vực hồi sức.
Người từ TPHCM đi các tỉnh thành phải tự cách ly 7 ngày, xét nghiệm 3 lần
Báo Tiền Phong cho hay, Ngày 7/7, Bộ Y tế ra công văn hỏa tốc hướng dẫn UBND các tỉnh, thành trên cả nước tiếp nhận người về từ TPHCM.
Theo Bộ Y tế, hiện nay diễn biến dịch COVID-19 tại TP.HCM vẫn đang hết sức phức tạp, khó lường, tiếp tục lây lan nhanh sang một số địa phương lân cận, cần sớm có các giải pháp hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa, kịp thời kiềm chế, đẩy lùi và kiểm soát tình hình.
Trước thực tế trên, Bộ Y tế đề nghị UBND TPHCM trao đổi, thống nhất với UBND các tỉnh, thành phố trước khi đưa những người từ TP.HCM về các tỉnh, thành phố khác, đồng thời thống nhất bố trí phương tiện vận chuyển đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.
Ngoài ra, về việc tiếp nhận người từ TPHCM về các tỉnh trên cả nước, Bộ Y tế quy định tất cả những người từ TPHCM (trừ các trường hợp từ các tỉnh, thành phố khác đi qua TPHCM nhưng không dừng, đỗ) được coi là người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định thì phải thực hiện cách ly y tế tại nhà trong thời gian 7 ngày kể từ ngày về địa phương, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong thời gian 7 ngày tiếp theo. Đồng thời phải thực hiện xét nghiệm 3 lần vào ngày đầu, ngày thứ 3 và ngày thứ 6 trong thời gian cách ly y tế tại nhà.
Trong thời gian tự theo dõi sức khỏe, yêu cầu hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, không tham gia các hoạt động tập trung đông người. Nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở hoặc có biểu hiện mất vị giác phải báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn xử lý kịp thời, đúng quy định.
Thí điểm cách ly F1 tại nhà ở tất cả các quận huyện và TP Thủ Đức
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, Sở Y tế TP vừa có tờ trình gửi UBND TP về bổ sung phạm vi áp dụng hướng dẫn thí điểm cách ly F1 tại nhà. Theo đó, Sở này đề xuất thí điểm cách ly F1 tại nhà ở tất cả quận huyện và TP Thủ Đức thay vì chỉ áp dụng tại các địa phương thuộc nhóm có nguy cơ cao gồm các quận 3, 6, 7, 10, 11, Phú Nhuận, huyện Nhà Bè và Cần Giờ như Tờ trình trước đó.
Theo Sở Y tế TP, số trường hợp F1 đang tăng cao, yêu cầu cách ly F1 tại nhà của Bộ Y tế rất nghiêm ngặt, nên thống nhất áp dụng thí điểm cách ly F1 tại nhà trên toàn địa bàn TPHCM.
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ người cách ly y tế tại nhà, người ở cùng nhà, cán bộ y tế và đơn vị liên quan phải được thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Các F1 cách ly tại nhà sẽ được lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 5 lần vào ngày thứ nhất, 7, 14, 20, 28 kể từ ngày bắt đầu cách ly.
Doanh nghiệp khẩn trương lập danh sách người lao động tạm hoãn hợp đồng
Báo Thanh Niên cho hay, ngày 7/7, Sở LĐ-TB-XH TP vừa có công văn khẩn đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khẩn trương lập danh sách người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, chậm nhất trước ngày 15/7 để triển khai hỗ trợ theo chỉ đạo tại Công văn số 2209/2021 của UBND TPHCM về việc triển khai chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Cụ thể, trong Công văn 2209, UBND TP giao người sử dụng lao động có trách nhiệm lập danh sách đối tượng người lao động ở trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 30 ngày liên tục trở lên để UBND TPThủ Đức và các quận - huyện chi hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người lao động.
Sau ngày 15/7/2021, doanh nghiệp không gửi danh sách thì xem như không có người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.
Sở này cũng đề nghị BHXH TP Thủ Đức và các quận - huyện tích cực thẩm định hồ sơ trong 1 ngày làm việc để chuyển danh sách người lao động đủ điều kiện hỗ trợ cho UBND TP Thủ Đức, quận huyện chi hỗ trợ theo quy định.
Tạo 3 vùng đệm để tiếp nhận hàng hóa, thực phẩm
Theo báo Pháp Luật TP, Sở Công Thương TP đang triển khai các phương án điều tiết hàng hóa, đảm bảo có thể cung ứng đầy đủ cho TP. Do đó, người dân không cần chen nhau mua sắm thực phẩm lúc này.
Nhằm đảm bảo nguồn hàng thông suốt từ các tỉnh, Sở Công Thương cũng đã gửi văn bản đề nghị UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện hướng dẫn thương nhân đang kinh doanh hàng hóa tại các chợ đầu mối tổ chức giao dịch trực tuyến và đưa hàng trực tiếp đến các chợ truyền thống.
Đồng thời, TP quyết định dành ba vùng đệm tại huyện Củ Chi, TP Thủ Đức và huyện Bình Chánh để tập kết hàng hóa.
Theo đó, hàng hóa từ tỉnh Tây Ninh đến TPHCM sẽ được tập kết tại một khu đất trống (diện tích khoảng 1 ha), gần cổng chào Suối Sâu, giáp ranh hai huyện Củ Chi và Trảng Bàng để thực hiện khử khuẩn.
Đồng thời, TP cũng đề xuất 3 phương án bố trí, trung chuyển hàng hóa, đảm bảo hàng lưu thông xuyên suốt trong thời gian tới.
Không để tồn đọng rác ở những điểm tiêm chủng
Cũng trên báo Pháp Luật TP, Sở TN&MT đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải y tế phát sinh do dịch COVID-19 trên địa bàn TP.
Đồng thời, đề nghị UBND quận, huyện phối hợp, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 phải thực hiện phân loại rác tại các điểm tiêm chủng đúng hướng dẫn chuyên ngành y tế để công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác đảm bảo đúng quy định an toàn, vệ sinh môi trường, không tồn đọng, ùn ứ; Chủ động liên hệ với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP (CITENCO) để được thu gom, vận chuyển rác thải y tế đúng quy định.
Ngoài ra, Sở TN&MT cũng đề nghị CITENCO triển khai thu gom, vận chuyển, xử lý rác tại các điểm tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 theo đúng hướng dẫn của Sở Y tế; báo cáo Sở TN&MT để theo dõi và kịp thời giải quyết các tình huống phát sinh.
Huy động khoảng 10.000 cán bộ y tế hỗ trợ chống dịch tại TPHCM
Theo báo Chính phủ, tại cuộc họp khẩn chiều tối 7/7 với Bộ phận thường trực của Bộ Y tế hỗ trợ TPHCM chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế huy động khoảng 10.000 cán bộ, nhân viên y tế tham gia hỗ trợ chống dịch tại TPHCM.
Đội ngũ gần 10.000 cán bộ, nhân viên y tế chi viện cho TPHCM nhằm giúp Thành phố ứng phó với diễn biến của dịch, đồng thời bố trí thay đổi nhân lực với các biện pháp luân chuyển, “đảo quân”, để đảm bảo sức chiến đấu cho đội ngũ y tế tại TPHCM.
Hiện nay, hơn 3.300 cán bộ, nhân viên y tế các đơn vị thuộc Bộ Y tế, sinh viên các trường y dược thuộc Bộ Y tế đã có mặt tại TPHCM. Bộ Y tế sẽ tiếp tục huy động lực lượng y bác sĩ, nhân viên y tế để tham gia phục vụ tại các bệnh viện dã chiến, lấy mẫu xét nghiệm tầm soát. Dự kiến, Bộ Y tế sẽ thiết lập 24 đoàn công tác cho TP. Thủ Đức và các quận, huyện của TPHCM để phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ TP trong kiểm soát tình hình dịch bệnh.
Đến tận nhà chi trả chính sách
Trong lúc TP thực hiện giãn cách xã hội, người dân hạn chế đi lại, các bưu tá và cán bộ, công chức, viên chức cùng đoàn viên thanh niên ở 312 phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP đã tới tận nhà dân chi trả lương hưu, trợ cấp. Hơn 289.000 hưu trí, người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội được nhận tiền ngay tại nhà. Thông tin trên báo SGGP.
Ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP, cho hay, toàn TP có hơn 236.000 người hưởng lương hưu. Trong đó, ước tính 58% đã nhận lương hưu qua thẻ ATM, khoảng 98.000 hưu trí nhận tiền mặt.
Về việc chi trả lương hưu, theo bà Nguyễn Thị Thu Vân, Giám đốc Bưu điện TP, nhân viên, bưu tá, cộng tác viên bưu điện sẽ tới tận nhà người dân chi trả (không tính phí) từ ngày 2/7 đến ngày 25/7 (trừ ngày Chủ nhật).
Nếu người nhận đang ở khu vực có dịch COVID-19 và bị phong tỏa, Bưu điện TP phối hợp với địa phương chi trả tại nhà an toàn cho người hưởng. Đối với người đang cách ly tập trung, Bưu điện TP sẽ liên hệ với người hưởng và cơ sở cách ly để chi trả; nếu người hưởng không muốn nhận lương hưu, trợ cấp tại cơ sở cách ly tập trung thì sẽ nhận vào thời điểm sau khi hết cách ly.
Với người có công với cách mạng và diện bảo trợ xã hội, toàn TP có khoảng 48.000 người hưởng chính sách và khoảng 143.000 người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng. Hiện nay, chi trả chính sách có công do Bưu điện TP thực hiện. Trong khi đó, chi trả trợ cấp đối với diện bảo trợ xã hội vừa do Bưu điện TP thực hiện (tại TP Thủ Đức, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh), vừa do cán bộ, công chức LĐTB-XH ở xã, phường, thị trấn thực hiện ở các quận, huyện còn lại.
Dự kiến, từ tháng 10/2021, việc chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội được chuyển sang ngành bưu điện thực hiện, như đối với chi trả lương hưu, ưu đãi người có công. Lý giải vì sao chưa thực hiện chuyển khoản tới người hưởng, Giám đốc Sở LĐTB-XH TP Lê Minh Tấn cho hay, nhiều người có công với cách mạng là người lớn tuổi, ngại sử dụng tài khoản. Trong khi đó, diện bảo trợ xã hội chủ yếu là người già, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nên việc sử dụng tài khoản cá nhân cũng hạn chế.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)