Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 8/9/2023

09:51 08/09/2023

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 8/9:

Hôm nay, cầu Long Kiểng Nhà Bè chính thức thông xe

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, sáng nay 8/9, TPHCM tổ chức lễ thông xe cầu Long Kiểng mới (huyện Nhà Bè), sau 22 năm kể từ lúc lập dự án.

Toàn cảnh cầu Long Kiểng (nối 2 xã Phước Kiển và Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) - Ảnh: CHÂU TUẤN
Toàn cảnh cầu Long Kiểng (nối 2 xã Phước Kiển và Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) - Ảnh: CHÂU TUẤN

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM cho biết, dự án cầu Long Kiểng, huyện Nhà Bè được UBND TPHCM phê duyệt từ năm 2001. Sau thời gian dài vướng mắc về giải phóng mặt bằng, hơn 10 năm sau, tháng 8/2018 cầu Long Kiểng mới được khởi công và dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 11/2019.

Tuy nhiên sau đó dự án này tiếp tục vướng mặt bằng. Đến tháng 9/2022, UBND huyện Nhà Bè mới giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư xây dựng, đến nay tháng 9/2023 đã hoàn thiện, chính thức thông xe. Cây cầu Long Kiểng dài gần 318m, rộng 15m, đường dẫn hai đầu 661m (trong đó phía xã Phước Kiển khoảng 215m, xã Nhơn Đức khoảng 446m).

Thay áo mới cho bờ đông sông Sài Gòn

Trong báo cáo vừa gửi UBND TPHCM về ý tưởng thiết kế cải tạo, chỉnh trang, sử dụng tạm không gian bờ đông sông Sài Gòn đoạn từ cầu Ba Son đến nắp hầm Thủ Thiêm, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đánh giá khu vực bờ sông này chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Trong thời gian chờ triển khai xây dựng công viên ven sông theo quy hoạch được duyệt, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất ý tưởng thiết kế cải tạo, chỉnh trang nhằm cải thiện cảnh quan, môi trường đô thị khu vực bờ đông. Nội dung trên báo Thanh Niên. 

Một phần khu Thủ Thiêm (bên trái) nằm ở bờ đông sông Sài Gòn.
Một phần khu Thủ Thiêm (bên trái) nằm ở bờ đông sông Sài Gòn.

Cụ thể, đoạn bờ sông được cải tạo dài khoảng 830m, từ cầu Ba Son đến nóc hầm Thủ Thiêm, đối diện là công viên bến Bạch Đằng. Các đơn vị sẽ làm sạch, tạo thông thoáng cho đoạn sông nêu trên với chiều rộng khoảng 50m vào phía bờ. Tại các vị trí bãi bồi, khu bán ngập nước sẽ được lắp đặt bè nổi trồng cây thủy sinh. Đoạn trước nhà thờ đến nóc hầm Thủ Thiêm dài 200 m được tính toán tận dụng rào chắn công trình kết hợp trồng tre, trúc, tạo tường xanh dọc bờ sông.

Khu vực phía trước nhà thờ Thủ Thiêm dự kiến được bố trí các màn hình LED phục vụ cổ động, tuyên truyền, tạo ánh sáng về đêm. Đồng thời, tại nóc hầm Thủ Thiêm cũng sẽ bố trí một số công trình trang trí như: đu quay đứng, cầu đi bộ, khung vòm cảnh quan...

Dự án cảng Cần Giờ dự kiến sẽ tạo 6.000 - 8.000 việc làm tại cảng

Báo Lao Động cho biết, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường vừa ký văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Việc này nhằm thực hiện đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về lấy ý kiến thẩm định dự án.

Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Ảnh: Portcoast cung cấp
Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Ảnh: Portcoast cung cấp

Về nhu cầu sử dụng đất, UBND TPHCM cho biết địa điểm đầu tư dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nằm tại xã Thạnh An (xã ven biển), huyện Cần Giờ (TPHCM). Theo hồ sơ đề xuất, tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 571 ha, trong đó diện tích đất cù lao (rừng phòng hộ ven biển) khoảng 89,95 ha, còn lại là diện tích mặt nước khoảng 481,05 ha.

Dự án thuộc vùng đệm của Khu Dự trữ Sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Theo quy định tại Quyết định số 05/2008/QĐ-UBND ngày 21.1.2008 của UBND TPHCM về việc ban hành Quy chế quản lý Khu Dự trữ Sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ thì hoạt động phát triển kinh tế là hoạt động được triển khai, được thực hiện với công trình có kết cấu, vật liệu xây dựng hài hòa với cảnh quan tự nhiên và được cấp có thẩm quyền cho phép.

Về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, UBND TP cho biết, đối với TPHCM và huyện Cần Giờ, dự án thu hút được số vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp để đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển hiện đại. Dự án sẽ tạo việc làm cho khoảng 6.000 - 8.000 nhân viên, lao động làm việc tại cảng; tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và khu phi thuế quan...

Cấm phương tiện lưu thông vào đoạn đường phía trước Nhà hát TPHCM

Trên báo Tiền Phong, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM vừa có thông báo về việc điều chỉnh tổ chức giao thông trên đường Đồng Khởi (quận 1).

Khu vực Nhà hát TPHCM - nơi diễn ra Lễ công bố và trao tặng Giải thưởng sáng tạo TPHCM lần thứ 3 - năm 2023.
Khu vực Nhà hát TPHCM - nơi diễn ra Lễ công bố và trao tặng Giải thưởng sáng tạo TPHCM lần thứ 3 - năm 2023.

Theo đó, nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông phục vụ Lễ công bố và trao tặng Giải thưởng sáng tạo TPHCM lần thứ 3 - năm 2023 tại khu vực trước Nhà hát Thành phố, Sở GTVT thông báo:

Kể từ ngày 5/9 đến ngày 8/9, hạn chế lưu thông vào đường Đồng Khởi (đoạn phía trước Nhà hát Thành phố). Kể từ 17 giờ đến 22 giờ ngày 8/9, cấm các phương tiện lưu thông vào đường Đồng Khởi (đoạn phía trước Nhà hát Thành phố).

Lộ trình lưu thông thay thế: Đường Đồng Khởi → đường Lê Lợi → đường Nguyễn Huệ → đường Nguyễn Thiệp → đường Đồng Khởi.

Sở GTVT lưu ý người điều khiển phương tiện giao thông phải chấp hành theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông và hệ thống báo hiệu đường bộ.

TPHCM sẽ đưa các thửa đất nhỏ hẹp vào phục vụ công cộng hoặc cho thuê

Báo Phụ Nữ TP cho hay, UBND TPHCM vừa ban hành quy định việc rà soát, công bố công khai danh mục các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước trực tiếp quản lý.

TPHCM có 3 phương án sử dụng thửa đất nhỏ hẹp.
TPHCM có 3 phương án sử dụng thửa đất nhỏ hẹp.

Quy định này nhằm lấy ý kiến người sử dụng đất liền kề và công khai việc giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp để sử dụng vào mục đích công cộng hoặc giao đất, cho thuê đất cho người sử dụng đất liền kề trên địa bàn TPHCM.

Về tiêu chí xác định thửa đất nhỏ hẹp là các thửa đất nhỏ hẹp có diện tích, kích thước, hình dạng không đủ tiêu chuẩn diện tích, kích thước tối thiểu được phép tách thửa đất ở theo quy định của UBND TP quy định diện tích tối thiểu được tách thửa.

UBND cấp huyện chủ trì, phối hợp với UBND cấp xã kiểm tra hiện trạng thửa đất trên thực địa, đối chiếu hồ sơ pháp lý sử dụng đất của thửa đất liền kề, căn cứ quy định để xác định thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước trực tiếp quản lý sử dụng vào mục đích công cộng hoặc giao đất, cho thuê đất cho người sử dụng liền kề trên địa bàn TP.

Công ty du lịch cảnh báo giả mạo website ngoại giao làm visa "lừa đảo"

VietNamPlus đưa tin, Công ty Cổ phần Truyền thông Du lịch Việt đã phát hành văn bản khẳng định không có sự liên quan và không chịu trách nhiệm về các “dịch vụ” bất hợp pháp do website checkvisa.vn cung cấp.

Nhiều người phản ánh việc nhầm tưởng trang web tại địa chỉ checkvisa.vn này là của Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh chụp màn hình)
Nhiều người phản ánh việc nhầm tưởng trang web tại địa chỉ checkvisa.vn này là của Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh chụp màn hình)

Cụ thể, từ đầu tháng 8/2023 đến nay, nhiều khách hàng phản ánh về việc tìm kiếm, truy cập vào website checkvisa.vn và nhầm tưởng đây là trang web của Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TPHCM. Đã có khách hàng được tư vấn nội dung không đúng quy định pháp luật khi khách hàng gọi điện cần hỗ trợ và tư vấn.

Tuy nhiên, nghiêm trọng hơn nữa là website này đã sử dụng hai địa chỉ trụ sở đã đăng ký trên Giấy phép Kinh doanh của Công ty Cổ phần Truyền thông Du lịch Việt là số 239A Hoàng Văn Thụ, Phường 8, Quận Phú Nhuận (TPHCM) và số 44 Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã tạo sự "nhập nhèm" có chủ đích. Ngoài ra, website checkvisa.vn còn mạo danh phòng vé máy bay của Công ty Cổ phần Truyền thông Du lịch Việt đăng tải những mức giá cực kỳ thấp để chào bán trên mạng.

Theo đại diện Công ty Cổ phần Truyền thông Du lịch Việt, doanh nghiệp đang tiến hành các thủ tục pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, cộng đồng, đối tác trong và ngoài nước đã tin tưởng thương hiệu Du lịch Việt, cũng như lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

TPHCM liên tiếp phát hiện bánh trung thu 'nhiều không'

Thông tin với báo Pháp Luật TP, Cục quản lý thị trường (QLTT) TPHCM cho biết, ngày 6/9, Đội QLTT số 17 kiểm tra đột xuất điểm kinh doanh thực phẩm bánh kẹo trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh).

Bánh trung thu không có hồ sơ công bố an toàn thực phẩm. Ảnh: Cục QLTT TP.HCM
Bánh trung thu không có hồ sơ công bố an toàn thực phẩm. Ảnh: Cục QLTT TP.HCM

Theo đó, lực lượng chức năng phát hiện điểm này đang kinh doanh 216 chiếc bánh trung thu hiệu Pamiriter, loại 50g/cái (6 cái/hộp); ngày sản xuất 4/8/2023. Toàn bộ số hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, trên sản phẩm có chữ nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không có hồ sơ công bố an toàn thực phẩm theo quy định. Đội QLTT số 17 đã ban hành quyết định tạm giữ số bánh trên để xử lý theo quy định.

Trước đó, cuối tháng 8, lực lượng QLTT TPHCM kiểm tra một cửa hàng bán bánh trung thu ở quận Gò Vấp, phát hiện 200 chiếc bánh Trung thu hiệu KK LAVA CUSTARD không có hóa đơn, chứng từ. Sản phẩm có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có tài liệu liên quan đến chất lượng sản phẩm. Toàn bộ hàng hóa tạm giữ để xử lý theo quy định.

Đề xuất xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp TP với Bệnh viện Mắt và Nhà Thiếu nhi TPHCM

Sở Văn hóa và Thể thao vừa có tờ trình đề xuất việc xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đối với Bệnh viện Mắt và Nhà Thiếu nhi TPHCM. Tin trên báo Tuổi Trẻ.

Bệnh viện Mắt TP.HCM được xây dựng từ năm 1930 theo kiến trúc Pháp - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Bệnh viện Mắt TP.HCM được xây dựng từ năm 1930 theo kiến trúc Pháp - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Sở này cho biết, Bệnh viện Mắt TPHCM với chuyên khoa hạng I, là cơ sở nhãn khoa đầu ngành của TPHCM. Đây là công trình do dòng Saint Paul của Pháp xây theo kiến trúc Pháp từ những năm 1930. Sau đó, bệnh viện được đổi lên thành Trung tâm Mắt và được chính thức đổi tên thành Bệnh viện Mắt từ năm 2002. Qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển, bệnh viện đã đạt nhiều thành tích nổi bật như Huân chương Độc lập hạng ba (2008), Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba…; được nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.

Còn Nhà Thiếu nhi TPHCM thành lập từ ngày 1/6/1975 tại số 55 Nguyễn Đình Chiểu với tên gọi Câu lạc bộ Thiếu nhi. Ngày 25/8/1976, Thành ủy quyết định giao cho Thành Đoàn tòa nhà nhằm tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, khoa học kỹ thuật, vui chơi, giải trí, phát triển năng khiếu và rèn luyện kỹ năng cho thiếu nhi. Ngày 20/4/1979, Câu lạc bộ Thiếu nhi TP được đổi tên thành Nhà văn hóa Thiếu nhi. Đến 2/8/1986, UBND TPHCM quyết định đổi tên thành Nhà Thiếu nhi TPHCM cho đến nay.

Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục