Nhà đầu tư ngoại quan tâm đến triển vọng phát triển chíp bán dẫn ở Việt Nam
Theo VietNamPlus, hơn 130 nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia Hội nghị Nhà đầu tư 2024 do VinaCapital tổ chức tại TP. HCM trong 2 ngày 8-9/10. Các diễn giả đến từ nhiều ngành nghề và lĩnh vực, từ các công ty khởi nghiệp công nghệ, các tập đoàn công nghiệp và các định chế tài chính lớn.
Ông Don Lam, Tổng Giám đốc và Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital cho biết, số lượng nhà đầu tư tham dự hội nghị năm nay tăng 20% so với năm trước; trong đó khoảng 2/3 là đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) và 1/3 đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Điều này cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với thị trường Việt Nam trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang tích cực hơn.
Vấn đề phát triển xanh, sạch và chíp bán dẫn là những nội dung chính mà nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm, muốn tìm hiểu về thị trường Việt Nam. Bên cạnh các nhà quản lý quỹ, hội nghị còn có sự tham gia của các diễn giả đến từ nhiều ngành nghề và lĩnh vực, từ các công ty khởi nghiệp công nghệ, các tập đoàn công nghiệp và các định chế tài chính lớn.
Các phiên thảo luận tập trung vào các chủ đề như: Triển vọng kinh tế và thị trường chứng khoán, các chính sách thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai của Việt Nam, xu hướng tiêu dùng trong nước, lĩnh vực ngân hàng và bất động sản, năng lượng tái tạo và tín chỉ carbon...
Rà soát ngay bất cập giao thông đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7
Sở Giao thông vận tải TP. HCM vừa giao Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ rà soát, yêu cầu khắc phục bất cập giao thông đường Huỳnh Tấn Phát. Tin trên báo Tuổi Trẻ.
Theo đó, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ nhanh chóng phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, báo cáo kết quả khắc phục bất cập hạ tầng giao thông đường Huỳnh Tấn Phát của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM (chủ đầu tư dự án).
Đồng thời rà soát các nội dung khác có liên quan, để đề xuất giải pháp xử lý theo quy định, trong đó nêu rõ trách nhiệm của các đơn vị có liên quan và báo cáo kết quả về Sở Giao thông vận tải TP. HCM.
Trước đó, UBND quận 7 có báo cáo lãnh đạo UBND TP. HCM về việc đảm bảo an toàn giao thông tuyến đường Huỳnh Tấn Phát. Tuyến đường này hiện có nhiều đoạn hư hỏng, nhất là từ đường Trần Xuân Soạn đến cầu Phú Xuân. Do bất cập tồn tại, đoạn đường này không đảm bảo an toàn giao thông cho người dân đi lại.
Thời gian qua, UBND quận 7 và các đơn vị đã có nhiều văn bản chuyển đến các đơn vị liên quan đề nghị duy tu, sửa chữa những hư hỏng mặt đường, tăng chiếu sáng cho tuyến đường...
Nâng bước trẻ mồ côi đến trường
Báo Phụ Nữ TP cho biết, năm học 2024-2025, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP. HCM trao học bổng cho 106 học sinh tại các quận 7, 10, Tân Bình, Bình Tân, Bình Thạnh và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn. Giá trị học bổng đối với cấp tiểu học là 2 triệu đồng, cấp THCS 3 triệu đồng và cấp THPT 4 triệu đồng.
Ngoài ra, hội còn hỗ trợ 43 xe đạp để các em có phương tiện đến trường. Tổng số tiền trao tặng là 326 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Yến - Phó chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP. HCM, cũng là một trong những nhà tài trợ tích cực của quỹ học bổng - chia sẻ, COVID-19 đã để lại nhiều đau thương mất mát, đặc biệt là đối với trẻ mồ côi. Chính vì vậy, bà và các mạnh thường quân đã chung tay với xã hội quan tâm, chăm lo và tạo điều kiện cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp các em tiếp tục đến trường.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP. HCM - cho biết, trong nhiều năm qua, hội là điểm hẹn kết nối những trái tim yêu thương của các tổ chức chính trị, xã hội, các nhà tài trợ cùng chung tay hỗ trợ vật chất lẫn tinh thần cho trẻ mồ côi và người khuyết tật. Nhờ đó, nhiều chương trình, dự án đã và đang được triển khai như trao học bổng, trao xe lăn - xe lắc, cây mùa xuân, khám sức khỏe, các dự án dạy nghề, trao phương tiện sinh kế,… đã được thực hiện.
Đề xuất thí điểm xây trường mầm non cho con em công nhân
Báo Pháp Luật cho hay, ngày 8/10, tại Hội trường Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc đã diễn ra tọa đàm với chủ đề “Hỗ trợ công nhân lao động về việc chăm sóc và nuôi dạy con” do Liên Đoàn Lao Động (LĐLĐ) TP. HCM tổ chức, với sự tham gia của đại diện các tổ chức công đoàn và doanh nghiệp, nhằm đưa ra các giải pháp thiết thực giúp công nhân, người lao động yên tâm lao động, giảm bớt khó khăn trong việc nuôi dạy con em.
Bà Lê Thị Lệ Huyền, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu Chế xuất - Công nghiệp (KCX-CN) TP.HCM, cho biết hiện Công đoàn các KCX-CN TP đang quản lý 17 công đoàn KCX-CN với 732 công đoàn cơ sở (CĐCS), trong đó có 130.436 lao động nữ, chiếm gần 70% tổng số 217.394 công nhân lao động.
“Vấn đề cấp thiết là phát triển giáo dục mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân ngoại tỉnh – đối tượng chiếm tới gần 70% tổng số lao động trong các doanh nghiệp thuộc các KCX-KCN” - bà Huyền cho hay.
Hiện tại, các trường mầm non công lập chỉ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu gửi trẻ, trong khi 85% còn lại phải dựa vào các cơ sở giáo dục mầm non tư thục.
Bên cạnh đó, bà Huyền còn đề xuất thí điểm mô hình hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non phục vụ con em công nhân, người lao động. Mô hình này bao gồm việc nhận trẻ ở nhiều độ tuổi; tổ chức giữ trẻ theo ca của bố mẹ và mở rộng thời gian giữ trẻ ngoài giờ hành chính.
Trường nghề thu hút sinh viên quốc tế
Tháng 9 vừa qua, Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành (quận Gò Vấp) đón đoàn sinh viên (SV), giảng viên Trường ĐH Chenla (Campuchia) đến trao đổi học tập ngắn hạn ngành chăm sóc sắc đẹp. Em Chheng Seavnith, SV năm nhất ngành kỹ thuật viên xét nghiệm y khoa, ĐH Chenla, cho biết đây là lần đầu tiên đến Việt Nam và cũng là lần đầu tiên tìm hiểu về ngành chăm sóc sắc đẹp. Seavnith được học về những kỹ thuật trang điểm, làm móng, tạo mẫu tóc, chăm sóc da theo xu hướng của năm 2025.
Chia sẻ với báo Người Lao Động, em Hout Sokreaksa - SV ngành điều dưỡng cho biết từng thực tập tại bệnh viện và nhận thấy các bệnh nhân rất quan tâm đến chuyện làm đẹp. Thông qua khóa học, Sokreaksa đã hiểu biết hơn về những kỹ năng chăm sóc người bệnh. Ngoài ra, khóa học cũng hướng dẫn SV những kiến thức như: chế độ dinh dưỡng khi nằm viện; những biện pháp chăm sóc da và tóc đơn giản; cách sử dụng mỹ phẩm, thảo dược để làm đẹp…
Tại Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn (quận Gò Vấp), hiện có hơn 50 SV là người Myanmar đang theo học ngành ngôn ngữ Nhật. Đây là năm đầu tiên nhà trường mở rộng chương trình đào tạo dành cho SV quốc tế. Với chương trình này, SV sẽ có 2 năm học ngôn ngữ tại Việt Nam, sau đó đi thực tập tại nước ngoài.
ThS Nguyễn Văn Minh Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn, cho biết ngoài SV Myanmar còn có SV Lào, Thái Lan,... đang học tại trường. Đầu vào tối thiểu dành cho SV ngành này là chứng chỉ N4. Trong quá trình học, SV sẽ học thêm một học phần về tiếng Việt.
Toàn cảnh công trường đường Vành đai 3 TP. HCM nhìn từ trên cao
Thông tin trên báo Tiền Phong, sau 13 tháng khởi công, gói thầu XL-08 thuộc tuyến đường Vành đai 3 TP. HCM đi qua huyện Hóc Môn chỉ đạt 15% tổng sản lượng do thiếu nguồn cát nên tiến độ thời gian qua bị chững lại. Từ đầu tháng 9, sau khi cát về nhà thầu tập trung hàng trăm kỹ sư, công nhân và máy móc, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ.
Dự án Vành đai 3 đoạn qua địa bàn TP. HCM có tổng chiều dài 47km, bao gồm 10 gói thầu xây lắp chính và bốn gói thầu phục vụ vận hành khai thác. Hiện tại, tổng tiến độ thi công đã đạt gần 20% giá trị hợp đồng.
Nhà thầu đang tăng tốc xây dựng các hạng mục cầu, hầm trên tuyến, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nền đường, đoạn xử lý đất yếu bằng đào thay đất đóng cừ tràm, cọc đất gia cố xi măng và thi công bấc thấm.
Từ đầu tháng 9, sau khi cát về nhà thầu tập trung hàng trăm kỹ sư, công nhân và máy móc, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ.
Cầu vượt TL9 đoạn qua Hóc Môn có tổng cộng 14 trụ, 2 mố. Nhiều trụ đã cơ bản hoàn thành phần thân, bệ.
Tại Km 65+703, cầu N8 cũng đã cơ bản hoàn thiện. Đường Vành đai 3 trên địa phận TPHCM có chiều dài 47,51km, đi qua TP Thủ Đức, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn và huyện Bình Chánh.