Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 9/4/2021

09:26 09/04/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 9/4:

Cấm nhiều tuyến đường, phục vụ giải marathon quốc tế

Theo Tạp chí GTVT, nhằm phục vụ Giải marathon quốc tế TPHCM lần 4, kể từ 12h ngày 10/4 - 12h ngày 11/4, TP sẽ cấm tất cả các loại xe lưu thông trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (đoạn từ đường Nguyễn Hữu Cảnh đến đường Nguyễn Thị Minh Khai), đường Lê Duẩn (đoạn từ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đến đường Đinh Tiên Hoàng), quận 1.

Cũng theo đó, từ 4h - 9h ngày 11/4, TP cấm tất cả các loại xe đi lại trên đường Lê Duẩn (đoạn từ đường Đinh Tiên Hoàng đến đường Công Xã Paris), đường Phạm Ngọc Thạch (đoạn từ Lê Duẩn đến Công trường Quốc Tế), đường Võ Văn Tần đoạn từ Công trường Quốc Tế đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa), đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đoạn từ Võ Văn Tần đến Lê Duẩn), đường Lê Duẩn đoạn từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến Công Xã Paris), Công Xã Paris, đường Đồng Khởi (từ đầu tuyến đến đường Tôn Đức Thắng), đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ đường Nguyễn Hữu Cảnh đến cầu Khánh Hội).

TP.HCM tổ chức giao thông phục vụ giải marathon quốc tế.
TP.HCM tổ chức giao thông phục vụ giải marathon quốc tế.

Ngoài ra, Sở GTVT TP thông báo từ 4h - 9h ngày 11/4, hạn chế các phương tiện xe 2 bánh, 3 bánh đi lại trên phần đường hỗn hợp đường Võ Văn Kiệt (đoạn từ đường Cao Văn Lầu đến đường Tôn Đức Thắng) theo hướng lưu thông từ quốc lộ 1 về quận 1. 

Các phương tiện xe 2 bánh, 3 bánh đi vào 1 làn đường dành cho xe ô tô trên đường Võ Văn Kiệt (làn đường sát dải phân cách biên). Sở GTVT TP cấm tất cả các loại xe từ đường Võ Văn Kiệt lưu thông lên nhánh cầu Calmette. Người dân khi đi qua khu vực tổ chức giải marathon quốc tế cần giảm tốc độ và chấp hành theo hướng dẫn của lực lượng điều tiết giao thông, cảnh sát giao thông hoặc hệ thống báo hiệu giao thông trên đường.

Đối với các phương tiện giao thông của cá nhân, tổ chức trong khu vực bị ảnh hưởng có nhu cầu lưu thông trong thời gian bị hạn chế, đề nghị trực tiếp liên hệ Sở Du lịch tại số 140 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, quận 3, số điện thoại (028) 3824 2903 để được hỗ trợ, tạo điều kiện lưu thông qua khu vực tổ chức sự kiện.

Năm 2021-2022: TPHCM thực hiện 4 chương trình bình ổn thị trường

Báo SGGP đưa tin, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng vừa ký các quyết định ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường (CTBOTT) năm 2021 - Tết Nhâm Dần 2022 trên địa bàn TP; ứng phó khẩn cấp dịch Covid-19. Thời gian thực hiện CTBOTT kể từ ngày 1/4/2021 đến hết ngày 31/3/2022.

Theo đó, 4 CTBOTT năm 2021 - Tết Nhâm Dần 2022 gắn với 4 mặt hàng gồm: lương thực, thực phẩm thiết yếu; hàng phục vụ mùa khai giảng; sữa; dược phẩm thiết yếu. Ngoài ra, TPHCM cũng đưa 2 nhóm mặt hàng là khẩu trang các loại và nước rửa tay sát khuẩn vào danh mục BOTT năm 2021.

Mua thịt heo tại siêu thị ở quận 7. Ảnh: CAO THĂNG
Mua thịt heo tại siêu thị ở quận 7. Ảnh: CAO THĂNG

Tham gia CTBOTT, các doanh nghiệp sẽ được kết nối với các tổ chức tín dụng tham gia chương trình với lãi suất dài hạn từ 6,5%-11,3%/năm và ngắn hạn là 4,5%/năm để đầu tư chăn nuôi, sản xuất, đổi mới công nghệ và phát triển hệ thống phân phối, dự trữ nguồn hàng…

Hàng bình ổn năm 2021 tiếp tục chiếm từ 25%-50% thị phần tùy nhóm hàng. Đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu đảm bảo thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm đăng ký giá ít nhất từ 5%- 10% và giữ ổn định giá bán trong thời gian 1 tháng trước tết và 1 tháng sau Tết Nhâm Dần 2022.

Bắt đầu cưỡng chế công trình vi phạm ở quận 10

Theo báo Người Lao Động, ngày 8/4, lực lượng chức năng quận 10 đã thực hiện các thủ tục để tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ phần công trình vi phạm trật tự xây dựng tại địa chỉ số 766/12 Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10.

Làm việc với chủ đầu tư, đại diện Đội Quản lý trật tự đô thị quận 10 đã đọc hai quyết định về cưỡng chế và buộc khắc hậu quả của Thanh tra Sở Xây dựng TP cùng thông báo lần 3 của UBND quận 10 về thời gian thực hiện cưỡng chế.

Tiếp đó, đại diện Tổ cưỡng chế đã bàn giao phương án tháo dỡ đã được Sở Xây dựng TP phê duyệt cho chủ đầu tư để tháo dỡ theo phương án này.

Đại diện Tổ pháp lý cũng thông báo đến chủ đầu tư vì công trình đang bị xử lý cưỡng chế, tháo dỡ nên mọi hoạt động kinh doanh phải tạm dừng và phương án di dời người thân, người nhà, tài sản trong quá trình cưỡng chế phải thực hiện song song. 

Công trình vi phạm trật tự xây dựng tại địa chỉ 766/12 Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10
Công trình vi phạm trật tự xây dựng tại địa chỉ 766/12 Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10

Hiện, lượng lực chức năng đã giăng dây và ghi nhận hiện trường, công tác tự tháo dỡ của chủ đầu tư tại công trình vi phạm 766/12 Sư Vạn Hạnh, phường 12.

Công trình xây dựng tại 766/12 Sư Vạn Hạnh, phường 12 đã vi phạm trật tự xây dựng đô thị do xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng số 996 của UBND quận 10 cấp ngày 30/11/2018. Các hành vi vi phạm tại công trình này là xây tăng tầng cao, nới rộng sân thượng... với tổng diện tích hơn 278 m2. Kinh phí thực hiện cưỡng chế, tháo dỡ cho chủ đầu tư chi trả. 

Lực lượng chức năng quận 10 đã giăng dây trước công trình vi phạm
Lực lượng chức năng quận 10 đã giăng dây trước công trình vi phạm

Thị trường văn phòng cho thuê có dấu hiệu phục hồi

Vietnamplus cho hay, ngày 8/4, tại buổi họp báo thông tin thị trường bất động sản TPHCM quý 1, bà Phạm Ngọc Thiên Thanh Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển, Công ty CBRE Việt Nam cho biết, thị trường văn phòng cho thuê trong quý 1/2021 ghi nhận dấu hiệu phục hồi khi tổng diện tích thực thuê vừa qua đạt gần 20.000 m2, giúp giảm tỷ lệ trống trung bình tòa nhà hạng A.

Cụ thể, tỷ lệ lấp đầy các dự án tại quận 1, quận 2, quận 4, quận 7, quận 10 đều được cải thiện. Trong đó, các ngành công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm dẫn đầu tổng diện tích giao dịch (chiếm 60%).

Mức giảm giá thuê các tòa nhà văn phòng do ảnh hưởng dịch COVID-19 đã chậm lại. Cụ thể, thị trường hạng A ở mức 42,1 USD/m2, hạng B ở mức 25,1 USD/m2. Dự đoán trong năm nay trên địa bàn TP sẽ có thêm 74.000 m2 diện tích văn phòng mới đến từ 5 dự án văn phòng hạng B.

Bất động sản cho thuê văn phòng gặp khó do dịch COVID-19. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Bất động sản cho thuê văn phòng gặp khó do dịch COVID-19. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Bà Thanh chia sẻ thêm, thị trường văn phòng đang hồi phục theo hướng tích cực với sự quay trở lại của các giao dịch đến từ việc mở rộng mặt bằng của khách thuê. Trong khi đó, khách thuê ở khu vực châu Á Thái Bình Dương khá lạc quan với xu hướng mở rộng thêm diện tích văn phòng cho thuê so với các khu vực khác trên thế giới.

Đội TPHCM thắng lớn ở vòng đua xe đạp quanh TP Lạng Sơn

Thông tin khác trên báo Người Lao Động, tay đua người Tây Ban Nha Javier Perez (TPHCM Vinama), đương kim áo vàng Giải xe đạp truyền hình TPHCM HTV-Tôn Đông Á bất ngờ giành chiến thắng ở chặng 3 Vòng đua TP Lạng Sơn (42 km) diễn ra vào sáng 8/4. Trong khi đó, Lê Nguyệt Minh (TPHCM New Group) về nhì và tiếp tục giữ vững Áo vàng lẫn Áo xanh sau 3 chặng.

Chặng đua diễn ra với 25 vòng (mỗi vòng 1,7 km) với góc quay đầu khá hẹp nên các tay đua phải thận trọng mỗi khi vào cua. Ở chặng đua này, Javier Perez vốn không mạnh về nước rút nên không được đánh giá cao như Lê Nguyệt Minh (TPHCM New Group), Nguyễn Tấn Hoài (Dược Domesco Đồng Tháp)…nhưng đã thi đấu rất ấn tượng tạo nên chiến thắng gây "sốc".

Chặng đua diễn ra tại khu trung tâm TP Lạng Sơn
Chặng đua diễn ra tại khu trung tâm TP Lạng Sơn

Javier Perez, người đang giữ áo vàng chung cuộc 2 năm liên tiếp 2019, 2020 tạo được lợi thế khi vào cua rồi tăng tốc mạnh mẽ để cán đích đầu tiên, giành chiến thắng chặng. Thành tích này giúp Perez tích lũy thêm 10 giây thưởng quan trọng để hướng đến cuộc đua áo vàng chung cuộc.

Không thắng chặng như kỳ vọng nhưng thành tích về hạng nhì cũng giúp "Vua nước rút" Lê Nguyệt Minh bảo vệ được danh hiệu áo vàng lẫn áo xanh sau 3 chặng.

Các tay đua TP HCM còn thâu tóm cả hạng 3 cá nhân chặng của Nguyễn Dương Hồ Vũ, hạng 4 của Nguyễn Trường Tài trong khi hạng 5 thuộc về Trịnh Đức Tâm (Tập đoàn Lộc trời-An Giang).

Javier (7) thi đấu xuất sắc ở chặng đua này
Javier (7) thi đấu xuất sắc ở chặng đua này
Javier Perez giành chiến thắng chặng
Javier Perez giành chiến thắng chặng

Dùng thiết bị không người lái phun khửi mùi bãi rác lớn nhất TP

Báo Tiền Phong cho biết, ngày 7/4, Công ty TNHH Xử lý chất thải Đa Phước (VWS) đã thử nghiệm đưa thiết bị bay không người lái vào việc phun xịt khử mùi, khử côn trùng cho Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh), nơi đang tiếp nhận và xử lý khoảng hơn 5.000 tấn rác mỗi ngày cho TP.

Theo đại diện VWS, thiết bị không người lái này có kích thước 1460x1460x578 mm, nặng 10 kg, chạy bằng pin sạc 12.000mAh, bình chứa có dung tích 10 lít, radar tự động phát hiện chướng ngại vật trên đường bay. Hệ thống phun sương hạt mịn phủ đều bề mặt, có thể phun trên diện tích rộng, địa hình phức tạp. Máy bay bay tự động, phun thuốc chính xác và tiết kiệm. Sau mỗi lần bay, có thể lưu lại bản đồ bay để sử dụng nhanh chóng, tự động ở lần bay tiếp theo.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 9/4/2021 - Ảnh 1

“Công suất làm việc có thể mang theo 10 lít nước và phun hết 1 ha trong vòng 10 phút, tốc độ 6 ha/giờ. Một người điều khiển thành thạo có thể phun hết hơn 50 hecta trong 1 ngày làm việc”, đại diện VWS cho biết.

Ông Romulo Jiménez, Quản lý vận hành bãi chôn lấp công nghệ cao VWS cho biết thêm, thông thường ở khu vực tiếp nhận rác cần 6 công nhân phun xịt khử mùi, khi sử dụng thiết bị bay chỉ cần 1 công nhân. Thiết bị này giúp phun xịt được ở những vùng công nhân khó tiếp cận.

“Trong thời gian tới, tính toán về tính hiệu quả chúng tôi sẽ đầu tư thêm thiết bị mang được tải trọng lớn hơn (20 lít) để đưa vào sử dụng. Ngoài ra thiết bị này còn có thể sử dụng để xịt thuốc diệt côn trùng”, ông Romulo Jiménez nói.

Thiết bị không người lái được VWS triển khai bay thử nghiệm
Thiết bị không người lái được VWS triển khai bay thử nghiệm

Phấn đấu làm mới 20 cây cầu trong năm 2021

Sở GTVT TP vừa ban hành kế hoạch các giải pháp kéo giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn TP năm 2021. Nội dung trên báo Pháp Luật TP.

Theo đó, ngành giao thông phấn đấu làm mới đưa vào sử dụng 90 km đường bộ và 20 cây cầu; mật độ đường giao thông đạt 2,26 km/km2; tỉ lệ đất dành cho giao thông đạt 12,76% đất xây dựng đô thị. Khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đáp ứng 10% nhu cầu giao thông đô thị, tương ứng với 638,41 triệu lượt hành khách.

Đồng thời, giảm tối thiểu 5% số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông so với năm 2020; giảm tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; giảm tai nạn giao thông liên quan đến xe ô tô kinh doanh vận tải.

Cầu Tăng Long (TP Thủ Đức) tắc nhiều năm nay vì vướng mặt bằng. Ảnh: LINH PHƯƠNG.
Cầu Tăng Long (TP Thủ Đức) tắc nhiều năm nay vì vướng mặt bằng. Ảnh: LINH PHƯƠNG.

Để thực hiện mục tiêu trên, Sở đề ra các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống quy hoạch, cơ chế chính sách và bộ máy quản lý nhà nước về giao thông đô thị. Cụ thể như tổ chức phân luồng giao thông khu vực trung tâm theo hướng hạn chế xe tải lưu thông ban ngày, rà soát, sắp xếp các điểm đỗ xe khách, xe taxi khu vực trung tâm TP; rà soát lắp đặt gờ giảm tốc và cắm biển báo cảnh báo nguy hiểm từ đường phụ ra đường chính, lối đi tự mở qua đường sắt, hàng rào ngăn cách đường sắt; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và công nghệ thông tin trong hoạt động xây dựng, quản lý khai thác, điều hành giao thông vận tải…

Số lượt khám chữa bệnh trái tuyến ngoại tỉnh tăng 20%

Cũng trên báo Pháp Luật TP, Sở Y tế TP vừa thông tin, tỉ lệ bệnh nhân ngoại tỉnh trái tuyến tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu xảy ra tại các bệnh viện (BV) chuyên khoa tuyến cuối của TP như BV Chấn thương chỉnh hình, BV Ung bướu, BV Nhân dân 115...

Phó Giám đốc Sở Y tế TP Tăng Chí Thượng nhìn nhận, việc gia tăng số lượt khám điều trị BHYT tỉnh trái tuyến là xu hướng tất yếu. Nguyên nhân vì từ 1/1/2021, người dân các tỉnh khu vực phía Nam được cơ quan BHYT thanh toán 100% khi đến thẳng các BV đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của TP.

Sau ba tháng có hiệu lực, chính sách liên thông khám chữa bệnh BHYT tuyến tỉnh đã bắt đầu có tác động đến tình hình khám chữa bệnh tại các bệnh viện (BV) trên địa bàn TP.HCM.
Sau ba tháng có hiệu lực, chính sách liên thông khám chữa bệnh BHYT tuyến tỉnh đã bắt đầu có tác động đến tình hình khám chữa bệnh tại các bệnh viện (BV) trên địa bàn TP.HCM.

Ông Tăng Chí Thượng cho biết thêm, đây là thách thức không nhỏ cho các BV TP. Các BV cần phải có giải pháp đảm bảo cân đối thu chi trong hoạt động như: Xây dựng tiêu chí nhập viện rõ ràng, sử dụng thuốc hợp lý, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh phù hợp, chỉ định thời gian nằm viện hợp lý...

Bên cạnh đó, các BV cũng cần cải tiến chuỗi cung ứng thuốc, vật tư trong BV, giám sát sự tuân thủ phác đồ điều trị, chi phí điều trị hợp lý để không bị vượt quá nhiều so với dự toán chi mà BHXH TP phân bổ.

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục