Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 9/6/2021

09:48 09/06/2021

(HMC) - Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 9/6.

Lập 2 trung tâm cách ly tập trung

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, ngày 8/6, UBND TP có quyết định thành lập trung tâm cách ly tập trung phòng, chống dịch Covid-19 tại Trường Quân sự Quân khu 7 (phường Trung Mỹ Tây, quận 12) và Trung tâm cách ly ký túc xá Trường đại học Sư phạm TP (phường 5, quận 11).

Trường quân sự Quân khu 7 từng được dùng làm khu cách ly trong đợt bùng phát dịch vào tháng 3/2020. Ảnh: Báo quân khu 7.
Trường quân sự Quân khu 7 từng được dùng làm khu cách ly trong đợt bùng phát dịch vào tháng 3/2020. Ảnh: Báo quân khu 7.

Các trung tâm này có chức năng tiếp nhận, khám, sàng lọc, theo dõi, tư vấn những người được cách ly tập trung theo quy định. Sở Y tế có trách nhiệm xem xét, phê duyệt quy chế tổ chức và hoạt động của các trung tâm.

Bên cạnh đó, UBND TP cũng có quyết định thành lập khu cách ly y tế tập trung tại khách sạn do người cách ly tự nguyện chi trả trực thuộc UBND quận, huyện và TP Thủ Đức. Khu cách ly y tế tập trung tại các khách sạn gồm Happy Life (phường Bình Thuận, quận 7); Golden View, TTC Deluxe Airport (quận Tân Bình). Các khu cách ly y tế này chịu sự chỉ đạo, quản lý, điều hành trực tiếp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.

Kiểm tra toàn diện công tác phòng, chống dịch tại doanh nghiệp

Theo Vietnamplus, từ ngày 8/6, Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp TPHCM triển khai kiểm tra toàn diện công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp hoạt động trong khu.

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cùng đoàn đại biểu tiến hành kiểm tra phòng, chống dịch COVID-19 tại Công ty trách nhiệm hữu hạn In và sản xuất bao bì Đức Mỹ, ở khu công nghiệp Hiệp Phước. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cùng đoàn đại biểu tiến hành kiểm tra phòng, chống dịch COVID-19 tại Công ty trách nhiệm hữu hạn In và sản xuất bao bì Đức Mỹ, ở khu công nghiệp Hiệp Phước. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Nội dung của đợt kiểm tra lần này gồm tất cả các vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch của doanh nghiệp như: việc thành lập ban chỉ đạo, đội phản ứng nhanh; xây dựng và diễn tập phương án ứng phó với các tình huống về dịch bệnh; đánh giá nguy cơ lây nhiễm, lập danh sách công nhân lao động tại doanh nghiệp.

Đoàn cũng kiểm tra công tác giám sát thường xuyên trong trường hợp phát hiện có ca bệnh ; việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19; công tác tuyên truyền, hướng dẫn người lao động thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế...

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp TP cho rằng, công tác phòng, chống dịch trong các khu công nghiệp được coi là một trong những nhiệm vụ trọng yếu nhằm thực hiện tốt "mục tiêu kép". Bởi, đây là nơi tập trung đông công nhân, môi trường làm việc dễ bị lây nhiễm dịch bệnh.

Việc kiểm tra lần này không chỉ tập trung vào giám sát mà còn chấn chỉnh, tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng chỉ đạo, hướng dẫn của cấp, ngành chuyên môn về phòng, chống dịch Covid-19.

Đề xuất thí điểm xét xử trực tuyến đối với vụ án hình sự

Thông tin từ Vov.vn, ngày 8/6, ông Nguyễn Thành Vinh, Chánh án Tòa án nhân dân TP Thủ Đức cho biết, liên ngành tòa án-viện kiểm sát-công an TP Thủ Đức mới đây đã họp bàn, thống nhất đề xuất cấp trên chấp thuận chủ trương cho thí điểm xét xử trực tuyến các vụ án hình sự đối với bị cáo đang bị tạm giam tại nhà giam giữ của Công an TP Thủ Đức.

Thẩm phán, chủ tọa phiên toà tuyên án. (Ảnh: TTXVN)
Thẩm phán, chủ tọa phiên toà tuyên án. (Ảnh: TTXVN)

Theo ông Nguyễn Thành Vinh, nếu được chấp thuận, việc này sẽ góp phần không nhỏ vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng như giảm thiểu một khoản chi phí khi di chuyển, áp giải bị cáo đến phiên tòa. Qua đó, tiến tới đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật tố tụng hình sự trong việc xét xử hình sự đối với vụ án theo thủ tục rút gọn hoặc những vụ án đơn giản.

Hiện tại, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, công tác của Tòa án nhân dân các cấp vẫn được triển khai đầy đủ. Các phiên toà xét xử vẫn được tiến hành nhưng phải đảm bảo việc giãn cách theo đúng quy định và chỉ ở giới hạn dưới 10 người có mặt ở phòng xử án.

Tại Tòa án nhân dân TP Thủ Đức vẫn nhận đơn khởi kiện của các đương sự qua đường bưu điện. Trường hợp có những vụ án cần giải quyết cấp bách, các đương sự có thể trực tiếp nộp đơn khởi kiện tại toà án và phải đảm bảo thực hiện theo Thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Trường đại học gửi đề thi năng khiếu qua email cho thí sinh

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành ngày 8/6 quyết định sẽ không tổ chức thi tập trung mà gửi đề thi năng khiếu qua email cho thí sinh và kết hợp phỏng vấn trực tuyến. Thông tin trên báo Thanh Niên.

Cụ thể, trường sẽ gửi đề thi qua email cho các thí sinh đăng ký dự thi năng khiếu vẽ và năng khiếu âm nhạc ở các ngành kiến trúc, thiết kế đồ họa, thiết kế nội thất, piano, thanh nhạc. Thời gian thi năng khiếu đợt 1 sẽ diễn ra trong tháng 6.

Thí sinh sẽ phải hoàn thành bài thi vẽ tĩnh vật chì hoặc vẽ trang trí màu đối với năng khiếu vẽ và 2 tác phẩm âm nhạc khác nhau về thể loại đối với năng khiếu hát và piano. Sau đó, thí sinh gửi bài dự thi đến địa chỉ email thinangkhieu@ntt.edu.vn, gửi chuyển phát nhanh qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại Trung tâm tư vấn tuyển sinh của nhà trường.

Vì dịch Covid-19 thí sinh sẽ nhận đề thi và nộp bài thi qua email
Vì dịch Covid-19 thí sinh sẽ nhận đề thi và nộp bài thi qua email

Kết thúc vòng sơ khảo, thí sinh sẽ được tham gia phỏng vấn theo hình thức trực tuyến với hội đồng chuyên môn của trường. Nhà trường sẽ gửi thông tin chi tiết lịch phỏng vấn cho thí sinh qua email.

Đối với các ngành diễn viên kịch, điện ảnh - truyền hình, đạo diễn điện ảnh - truyền hình, quay phim, nhà trường dự kiến sẽ tổ chức kỳ thi năng khiếu đợt 2 với hình thức thi tập trung vào tháng 7 tới.

Tiếp sức chống dịch từ những “Suất ăn tử tế”

Hàng ngày, một nhóm mạnh thường quân (giấu tên) đều đặn gửi đến Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP 140 “suất ăn tử tế” để tiếp sức cho các tình nguyện viên (TNV) tham gia phòng, chống dịch. Suất ăn khi là hộp cơm sườn, khi là bún xào chả lụa, nui xào bò… kèm chai nước ép trái cây mát lạnh, đảm bảo đủ dinh dưỡng.

Đúng 11 giờ trưa và 5 giờ chiều, các "suất ăn tử tế" được mang đến HCDC cho các tình nguyện viên. Ảnh: Thành Đoàn TPHCM
Đúng 11 giờ trưa và 5 giờ chiều, các "suất ăn tử tế" được mang đến HCDC cho các tình nguyện viên. Ảnh: Thành Đoàn TPHCM

Trao đổi với báo SGGP, đại diện nhóm mạnh thường quân cho biết, “Suất ăn tử tế” khởi động từ ngày 2/6, qua mạng xã hội, nhóm đã kêu gọi mọi người cùng viết 1.400 lời nhắn yêu thương để đính kèm hộp cơm.

“Ngày đầu nhận được hộp cơm, thực sự lúc đó tụi em cũng mệt, chỉ thèm nước. Thế nhưng mở hộp cơm ra, dòng chữ ‘Những điều bạn đang làm khiến cuộc sống này tốt đẹp hơn!’ khiến em rất xúc động”, Trương Thanh An, sinh viên Khoa Y tế công cộng chia sẻ.

Tại TP Thủ Đức, những ngày này, người dân cũng phấn khởi khi trên địa bàn xuất hiện một siêu thị nghĩa tình. Ông Trần Hữu Phước, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Thủ Đức, cho biết, tình hình dịch Covid-19 đang rất phức tạp, địa phương không thể triển khai mô hình ATM gạo hoặc ATM thực phẩm như trước để mọi người đến nhận.

Do đó, Ban Thường vụ Ủy Ban MTTQ Việt Nam TP Thủ Đức nghĩ đến siêu thị nghĩa tình và chương trình đi chợ giúp dân để kịp thời hỗ trợ cho những hộ dân bị ảnh hưởng trong các khu cách ly, người dân có hoàn cảnh khó khăn. Qua kêu gọi bằng thư ngỏ, các trang tin, kênh Zalo của TP Thủ Đức và 34 phường, rất nhiều đơn vị, cá nhân đã đồng hành cùng TP Thủ Đức.

“Bên cạnh những mặt hàng nhận được từ mạnh thường quân, chúng tôi sẽ rà soát, lên danh sách các mặt hàng thiết yếu còn thiếu và trích quỹ phòng chống dịch Covid-19 của TP Thủ Đức để mua bổ sung. Việc này nhằm đảm bảo quà gửi đến người dân có đầy đủ nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày”, ông Trần Hữu Phước cho biết thêm.

Gian hàng 0 đồng chia sẻ yêu thương trong mùa dịch

Chia sẻ với báo Tuổi Trẻ, ngày 8/6, bà Đặng Thị Hồng Vân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Tân Phú, cho biết hiện tại có 6 phường trên địa bàn quận Tân Phú có 18 "Gian hàng 0 đồng" phục vụ miễn phí cho người dân trong điểm cách ly phòng chống dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, khu phố 5 (phường Tân Sơn Nhì) cũng mới đưa vào hoạt động một "gian hàng nghĩa tình" dành tặng hộ dân khó khăn bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn phường.

Gian hàng 0 đồng hoạt động từ 8h đến 11h từ ngày 8/6 đến ngày 13/6 trước trụ sở UBND phường Tân Hưng Thuận (quận 12). Ảnh: UBND phường Tân Hưng Thuận cung cấp
Gian hàng 0 đồng hoạt động từ 8h đến 11h từ ngày 8/6 đến ngày 13/6 trước trụ sở UBND phường Tân Hưng Thuận (quận 12). Ảnh: UBND phường Tân Hưng Thuận cung cấp

Những gian hàng trên do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các phường phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội thực hiện, với sự đồng hành của các nhà hảo tâm. Sáng sớm hằng ngày, các tình nguyện viên cùng với ban điều hành khu phố, tổ trưởng dân phố... sẽ sắp xếp các thực phẩm tươi sống (như cá, rau, củ...) và nhu yếu phẩm thiết yếu tại gian hàng.

Cùng ngày, lãnh đạo UBND phường Tân Hưng Thuận (quận 12) cho biết "Gian hàng 0 đồng - kết nối yêu thương" dành cho người lao động khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 vừa đi vào hoạt động. Gian hàng gồm một số nhu yếu phẩm và thực phẩm, hoạt động từ 8h đến 11h từ ngày 8/6 đến 13/6 trước trụ sở UBND phường Tân Hưng Thuận (số 3 đường DN06, khu phố 4, phường Tân Hưng Thuận).

Những “Gian hàng 0 đồng” giúp người dân vơi đi phần nào khó khăn trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh.

Chấm dứt khai thác nước ngầm

Báo Pháp Luật TP thông tin, UBND TP cho biết việc triển khai đề án phát triển hệ thống cấp nước TP giai đoạn 2020 - 2050 và chương trình cung cấp nước sạch, chấm dứt khai thác nước ngầm TP giai đoạn 2020 - 2030 đã được Thành ủy thông qua.

Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn hỗ trợ người dân trám giếng. Ảnh: ĐT.
Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn hỗ trợ người dân trám giếng. Ảnh: ĐT.

Theo đó, UBND TP ban hành kế hoạch thực hiện chương trình cung cấp nước sạch và chấm dứt khai thác nước ngầm TP năm 2021. Kế hoạch này sẽ giảm tỉ lệ thất thoát, thất thu nước sạch dưới 18,93%, giúp 100% hộ dân được sử dụng nước sạch. Từ đó, điều chỉnh quy hoạch cấp nước TP đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; cải tạo cấu trúc mạng lưới chuyển tải và phân phối, phát triển hệ thống cấp nước thông minh; góp phần điều chỉnh quy hoạch tổng thể cấp nước TP đảm bảo cấp nước an toàn và thích ứng với biến đối khí hậu trong tình hình hiện nay.

Để tiến tới lộ trình hạn chế khai thác nước ngầm, các đơn vị tính toán việc khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên nước dưới đất gắn với bảo vệ, hạn chế ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước. UBND TP cũng đã ban hành kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP đến năm 2025.

Trong đó, để giảm khai thác nước ngầm, TP thực hiện các giải pháp chính sau: Đối với đối tượng sử dụng nguồn nước ngầm trong các khu chế xuất - công nghiệp và đối tượng sử dụng nguồn nước ngầm bên ngoài các khu chế xuất - công nghiệp không phải hộ gia đình sẽ giảm khai thác nước dưới đất theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP. Đối với các đơn vị cấp nước sẽ ngừng khai thác các trạm tại các khu vực đã có mạng cấp nước của TP.

Đề xuất cách xử lý trường hợp mua nhà trả góp trước 30/4/1975

Theo báo Người Lao Động, Sở Xây dựng TP cho biết hiện trên địa bàn TP còn nhiều trường hợp người dân mua nhà trả góp trước ngày 30/4/1975 chưa trả hết tiền. Loại nhà này thuộc sở hữu Nhà nước, được quản lý theo quy định tại Nghị định 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, do không được xác định rõ về văn bản bố trí và một số trường hợp tới nay vẫn chưa có hợp đồng thuê nhà nên loại nhà này không đủ điều kiện để giải quyết bán theo quy định hiện hành.

Nhiều chung cư cũ ở TP HCM được xây dựng trước năm 1975 (Ảnh: NLĐO)
Nhiều chung cư cũ ở TP HCM được xây dựng trước năm 1975 (Ảnh: NLĐO)

Sở Xây dựng nhận thấy, đây là trường hợp đặc biệt về sử dụng nhà thuộc sở hữu Nhà nước, người dân đã mua trả góp từ trước năm 1975 và sử dụng đến nay nhưng chưa được pháp luật về nhà ở quy định xử lý. Do đó, để giải quyết dứt điểm nguyện vọng, bức xúc của người dân và đảm bảo quy định pháp luật, Sở Xây dựng đã kiến nghị UBND TP phương án xem xét, giải quyết bán loại nhà này.

Cụ thể, Sở đề xuất UBND TP chấp thuận xem Quyết định số 6017/1997 là văn bản bố trí sử dụng nhà ở với các căn nhà được người dân mua trả góp trước năm 1975 chưa trả hết tiền. Đồng thời, hoàn tất thủ tục xác lập sở hữu toàn dân theo quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 36 của Nghị định 99 nêu trên.

Đối với những căn nhà chưa có quyết định thu hồi của cơ quan có thẩm quyền, Sở Xây dựng đề xuất chấp thuận giải quyết ký hợp đồng thuê nhà cho người đang thực tế sử dụng nhà. Cụ thể là người đứng tên (hoặc là người thừa kế hợp pháp của người đứng tên) trong hợp đồng mua nhà trả góp trước đây, hoặc là những người nhận sang nhượng (giấy tay) từ người đứng tên trong hợp đồng mua nhà trả góp.

Nhà nước sẽ thực hiện truy thu tiền thuê nhà kể từ 27/11/1992 (thời điểm ban hành Quyết định 118/1992 về giá cho thuê nhà ở và đưa tiền nhà ở vào tiền lương).

Sở Xây dựng cũng tham mưu UBND TP xác định thời điểm bố trí sử dụng là ngày 27/11/1992 (theo thời điểm truy thu tiền thuê nhà), từ đó làm cơ sở để giải quyết bán nhà theo Điều 65 Nghị định 99 khi người mua nhà có cam kết không yêu cầu khấu trừ số tiền đã trả góp.

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục