Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 9/7/2021

09:17 09/07/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 9/7:

Kích hoạt lại 12 chốt kiểm soát dịch COVID-19 ở cửa ngõ từ 0h ngày 9/7

Theo báo Tuổi Trẻ, ngày 8/7, UBND TP triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ thị 16 trong vòng 15 ngày, kể từ 0h ngày 9/7.

Trong đó, Công an TP có nhiệm vụ  đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an ninh trật tự, vi phạm trong việc thực hiện các hoạt phòng chống dịch bệnh.

12 chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ TP.HCM sẽ được kích hoạt lại từ 0h ngày 9-7 - Ảnh: MINH HÒA
12 chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ TP.HCM sẽ được kích hoạt lại từ 0h ngày 9-7 - Ảnh: MINH HÒA

Đồng thời tổ chức lại 12 chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 do Công an TP kiểm soát. Bố trí lực lượng đảm bảo an ninh trật tự tại các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh; các khu cách ly, phong tỏa trên địa bàn TP; phối hợp truy vết các ca nghi nhiễm COVID-19.

Lực lượng tham gia tại các chốt ngoài Công an TP còn có Sở Y tế TP, Bộ tư lệnh TP, Thanh tra giao thông, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP. Trong đó, lực lượng công an làm tổ trưởng điều hành. Lực lượng tại chốt có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định của Thủ tướng và ngành y tế về phòng, chống dịch COVID-19.

Bên cạnh việc tái thiết lập 12 chốt, trạm kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 do TP kiểm soát; UBND TP giao UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện thành lập các chốt kiểm soát tại các khu phố, ấp và ở những tuyến đường, khu vực trọng điểm.

12 chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ TP từ 0h ngày 9/7:

1. Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (trạm thu phí Long Phước)

2. Đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương (trạm thu phí đường dẫn cao tốc Tân Tạo - Chợ Đệm)

3. Đường Trần Văn Giàu (chân cầu Đôi, giáp tỉnh Long An)

4. Quốc lộ 1A (ngã tư Ba Làng, giáp tỉnh Long An)

5. Quốc lộ 22 (trên quốc lộ 22, giáp tỉnh Tây Ninh)

6. Tỉnh lộ 8 (chân cầu Phú Cường, giáp tỉnh Bình Dương)

7. Quốc lộ 13 (chân cầu Vĩnh Bình, giáp tỉnh Bình Dương)

8. Quốc lộ 1A (chân cầu vượt Sóng Thần, giáp tỉnh Bình Dương)

9. Quốc lộ 1K (trên quốc lộ 1K, giáp tỉnh Bình Dương)

10. Quốc lộ 50 (trên quốc lộ 50, giáp tỉnh Long An)

11. Quốc lộ 1A (trước cổng Đại học An ninh, kiểm tra hướng từ Đại học An ninh ra quốc lộ 1A)

12. Chân cầu Đồng Nai

Khai báo y tế bằng mã QR với xe vận chuyển hàng hóa đi và đến Thành phố

Báo Chính phủ cho hay, ngày 8/7, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ban hành công điện gửi các cục chuyên ngành, Sở GTVT các địa phương về việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp trong phòng, chống dịch COVID-19 của ngành giao thông vận tải.

Trong đó, tất cả người điều khiển, người phục vụ, hành khách trên phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa khi từ TPHCM đi các tỉnh/thành phố khác hoặc từ tỉnh/thành phố khác đến TPHCM bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực (theo quy định hiện hành của Bộ Y tế), trừ trường hợp phương tiện vận chuyển người dân đi, đến bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cấp thiết nhưng phải được theo dõi, kiểm soát y tế và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Các trường hợp vận chuyển lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, nguyên vật liệu sản xuất, xe đưa đón cán bộ, nhà quản lý, chuyên gia, công nhân… làm việc tại các cơ quan, khu công nghiệp khi đi lại hằng ngày giữa TPHCM đến các tỉnh lân cận và ngược lại (bao gồm cả người điều khiển, người phục vụ trên phương tiện) được phép hoạt động trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Đồng thời phải được sự chấp thuận của UBND tỉnh, thành phố lân cận. Hằng ngày, thực hiện khai báo y tế bằng mã QR theo đúng quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Giới hạn lượng hành khách bay đến TPHCM trong 15 ngày

Một thông tin khác trên báo Chính phủ cho hay, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) vừa có thông báo về việc khai thác vận tải hàng không đi/đến TPHCM có khống chế tải. Đồng thời, hành khách bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực. Thời gian áp dụng từ 0 giờ ngày 9/7 đến hết ngày 23/7/2021 (15 ngày).

Cụ thể, chặng bay TPHCM-Hà Nội và ngược lại, các hãng hàng không chỉ bán 1.700 ghế/chiều/ngày. Vietnam Airlines cung ứng tối đa không quá 700 ghế/chiều/ngày; Pacific Airlines cung ứng tối đa không quá 200 ghế/chiều/ngày; Bamboo Airways và Vietjet Air cung ứng tối đa không quá 400 ghế/chiều/ngày/hãng.

Việc khống chế tải cung ứng nhằm mục đích kiểm soát số lượng người từ TPHCM đi/đến các địa phương
Việc khống chế tải cung ứng nhằm mục đích kiểm soát số lượng người từ TPHCM đi/đến các địa phương

Các chuyến bay ngoài kế hoạch trên đi/đến TPHCM sẽ được xem xét trên cơ sở đề nghị của các UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan. Các chuyến bay chở hàng hoá đến TPHCM không bị hạn chế.

Các đường bay từ Phù Cát, Buôn Ma Thuột, Cam Ranh và Đà Nẵng đi/đến TPHCM được tiếp tục thực hiện theo kế hoạch khai thác của các hãng.

Cục Hàng không Việt Nam sẽ tổ chức thống kê, giám sát hoạt động vận chuyển trong giai đoạn TP thực hiện Chỉ thị 16. Trong trường hợp phát hiện hãng hàng không vi phạm số lượng ghế hành khách được phép cung ứng nêu trên, Cục sẽ dừng cấp phép bay cho các chuyến bay của ngày kế tiếp.

Lô vắc xin phòng COVID-19 thứ 3 do Nhật Bản viện trợ về đến TPHCM vào sáng 9/7

Báo Hà Nội Mới  đưa tin, cuối giờ chiều 8/7, Bộ Y tế cho biết, lô vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca thứ 3 do Chính phủ và nhân dân Nhật Bản viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam sẽ về đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vào sáng 9/7. Đây là số lượng vắc xin còn lại trong 1 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 mà Chính phủ Nhật Bản dành tặng Việt Nam được công bố vào ngày 25/6.

Lô vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca thứ 3 do Nhật Bản viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam sẽ về đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vào sáng 9/7
Lô vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca thứ 3 do Nhật Bản viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam sẽ về đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vào sáng 9/7

Theo đó, 1 triệu liều vắc xin này được chuyển về Việt Nam làm 2 đợt. Đợt 1 với 400.000 liều vắc xin đã về đến TPHCM vào rạng sáng 2/7. Như vậy, cho đến nay Nhật Bản đã hỗ trợ cho Việt Nam 2 triệu liều vắc xin phòng COVID-19.

Thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà trên toàn thành phố

Báo Tiền phong đưa tin, tối 8/7, UBND TP đã ban hành văn bản khẩn về việc thí điểm cách ly y tế tại nhà cho đối tượng F1 với phạm vi áp dụng trên toàn Thành phố.

Theo đó, những người được áp dụng cách ly tại nhà gồm hai nhóm đối tượng. Một là là F1, có mang khẩu trang y tế trong quá trình tiếp xúc, có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính với SARS-CoV- 2 (trong khi chờ thực hiện xét nghiệm PCR) và thuộc một trong các nhóm sau: Người tiếp xúc gần với ca bệnh COVID-19 nhưng không thường xuyên; Người làm việc cùng phòng với ca bệnh nhưng vị trí làm việc cách xa trên 2m và không có sự tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh; Người tiếp xúc gần là người già trên 60 tuổi, trẻ em, thai phụ, người tàn tật... cần sự chăm sóc hỗ trợ.

Cách ly tại nhà phải lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 5 lần
Cách ly tại nhà phải lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 5 lần

Hai là người tiếp xúc gần đã được cách ly tập trung đủ 14 ngày và có kết quả xét nghiệm ngày thứ 14 âm tính với SARS-CoV-2 được chuyển từ cơ sở cách ly tập trung về cách ly tại nhà.

Trong thời gian cách ly y tế tại nhà, người thực hiện cách ly phải lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 5 lần vào thời điểm ngày thứ 1, 7, 14, 20 và 28 kể từ khi bắt đầu cách ly hoặc ít nhất 2 lần vào thời điểm ngày thứ 20 và 28 kể từ khi bắt đầu cách ly đối với các đối tượng đã được cách ly tập trung đủ 14 ngày.

Công an TP cảnh báo tội phạm lợi dụng dịch bệnh COVID-19

Thông tin từ Zingnews, ngày 8/7, Công an TP cho biết trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, một số kẻ xấu lợi dụng thời điểm cơ quan chức năng và người dân tập trung phòng, chống dịch để thực hiện hành vi phạm tội.

Các hành vi chủ yếu là cướp, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân với những phương thức, thủ đoạn như giả dạng nhân viên y tế, mặc trang phục kín đến tận nhà, mời gọi người dân phun thuốc phòng dịch, phát “thuốc diệt khuẩn” để lừa đảo thu tiền của người dân.

Hoặc giả mạo nhân viên y tế, đại diện thương mại cho nhà sản xuất vaccine COVID-19, có quyền phân phối, tiếp cận vaccine để đề nghị người dân đưa tiền đặt cọc tiêm chủng rồi chiếm đoạt hoặc cung cấp vaccine giả.

Công an TP.HCM làm nhiệm vụ tại chốt phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Phạm Ngôn.
Công an TP.HCM làm nhiệm vụ tại chốt phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Phạm Ngôn.

Kẻ xấu còn giả mạo nhân viên y tế lợi dụng sơ hở của người dân để trộm cắp tài sản hoặc gây mê cướp tài sản, đăng thông tin giả mạo trên mạng xã hội về hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân COVID-19 để vận động quyên góp,…

Bên cạnh đó, tội phạm sử dụng thủ đoạn gọi điện thoại thông báo cho người dân nằm trong danh sách bị cách ly và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, truy cập vào đường link website có chứa mã độc nhằm đánh cắp thông tin cá nhân. Hoặc gửi tin nhắn có chứa đường link liên kết đến trang website giả mạo có tên, địa chỉ truy cập và hình thức gần giống với website chính thức của các ngân hàng, tổ chức tài chính, trung gian thanh toán yêu cầu người nhận cung cấp thông tin để đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản.

Công an TP đề nghị người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, khi gặp các trường hợp nêu trên cần báo ngay cho cảnh sát để được hỗ trợ.

Các sàn thương mại điện tử "vào cuộc” cung ứng hàng hóa

Theo báo Pháp Luật VN, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) vừa ban hành Công văn số 687/TMĐT-TTCNS gửi các sàn TMĐT về việc tổ chức đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu như ưu tiên hiển thị các mặt hàng nông sản, thực phẩm, nhu yếu phẩm trên webiste; kết nối với các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối bán lẻ uy tín để nhanh chóng đảm bảo nguồn cung; có các chính sách hỗ trợ TMĐT đồng bộ, tạo điều kiện cho người dân đặt mua sản phẩm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trên sàn TMĐT một cách thuận lợi.

Các sàn thương mại điện tử lớn đã triển khai các chương trình ưu đãi cho các mặt hàng nhu yếu phẩm, tạo điều kiện mua sắm cho người dân TPHCM. Ảnh minh họa
Các sàn thương mại điện tử lớn đã triển khai các chương trình ưu đãi cho các mặt hàng nhu yếu phẩm, tạo điều kiện mua sắm cho người dân TPHCM. Ảnh minh họa

Với các sàn TMĐT uy tín, người mua hàng hoàn toàn có thể lựa chọn hình thức giao hàng nhanh hoặc giao hàng tiết kiệm tùy thuộc vào sản phẩm đặt mua. Như vậy, việc mua thực phẩm tươi sống hay các đồ dùng thiết yếu sẽ không gặp nhiều khó khăn, các siêu thị và cửa hàng bách hóa sẽ giảm thiểu được tình trạng quá tải, hết hàng...

Ngay trong ngày 8/7, các sàn TMĐT lớn đã triển khai các chương trình ưu đãi về vận chuyển và đơn đặt hàng cho các mặt hàng nhu yếu phẩm, tạo điều kiện mua sắm cho người dân ở TP.HCM và các tỉnh phía nam trên các kênh trực tuyến như Chương trình “Đi chợ tại nhà”, “Tuần lễ Nông sản Việt” trên Sendo hoặc “Đi chợ Online” các thực phẩm tươi sống từ sàn Tiki; các sản phẩm nông sản tươi của ShopeeFarm hay các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm khác từ các sàn Voso, Postmart và Lazada.

Satra bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa trong mọi tình huống

Cũng trên báo Người Lao Động, theo đại diện hệ thống bán lẻ Satra, trong thời gian giãn cách toàn TP theo Chỉ thị 16, hệ thống bán lẻ Satra gồm 3 siêu thị Satramat (Siêu thị Sài Gòn, Siêu thị Phạm Hùng, Siêu thị Củ Chi) và chuỗi 188 cửa hàng Satrafoods trên toàn thành phố sẽ nỗ lực vừa phòng, chống dịch vừa bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa phục vụ mọi nhu cầu của người dân trong mọi tình huống của dịch bệnh.

Thực phẩm tươi sống tại Satramart siêu thị Phạm Hùng vẫn dồi dào. Ảnh chụp sáng 8/7
Thực phẩm tươi sống tại Satramart siêu thị Phạm Hùng vẫn dồi dào. Ảnh chụp sáng 8/7

Cụ thể, các mặt hàng tươi sống như thịt heo, cá, rau củ quả đã được tăng gấp 3 - 4 lần so với trước đây. Các mặt hàng nhu yếu phẩm như gạo, đường, dầu ăn, muối, nước mắm, thực phẩm khô và các sản phẩm chống dịch như nước rửa tay, xà bông, khẩu trang… cũng đã được chuẩn bị đủ để phục vụ thị trường với giá bình ổn.

Song song đó, hệ thống bán lẻ Satra cũng tăng cường nhân lực, hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm online của người dân trong thời gian giãn cách xã hội.

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục