Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TPHCM ngày 11/1/2021

10:53 11/01/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 11/1:

Đi bộ đồng hành “Thủ Đức nghĩa tình”, quyên góp 3,9 tỷ đồng chăm lo cho người nghèo

Báo SGGP đưa tin, ngày 10/1, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thủ Đức tổ chức Chương trình đi bộ đồng hành “Thủ Đức nghĩa tình” gây quỹ chăm lo cho người nghèo. Tham gia chương trình có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP; Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP.

Chương trình thu hút 1.500 cán bộ, công chức, công nhân lao động, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tham dự.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu tham gia đi bộ trong chương trình đi bộ đồng hành "Thủ Đức nghĩa tình"
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu tham gia đi bộ trong chương trình đi bộ đồng hành "Thủ Đức nghĩa tình"

Trong chương trình đi bộ đồng hành, Quỹ “Vì người nghèo” quận Thủ Đức đã tiếp nhận đăng ký, đóng góp ủng hộ của 133 doanh nghiệp, tập thể và cá nhân với số tiền trên 3,9 tỷ đồng.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thủ Đức Hà Tuấn Anh cho biết, từ nguồn quỹ trên, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận cùng Ban vận động, quản lý và sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” quận có thêm nguồn lực để chăm lo cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, góp phần rất lớn trong thực hiện chính sách an sinh xã hội và chương trình “Giảm nghèo bền vững” của quận.

Với tinh thần đoàn kết ấy, đồng chí Hà Tuấn Anh bày tỏ mong muốn chương trình đi bộ đồng hành “Thủ Đức nghĩa tình” sẽ trở thành hoạt động truyền thống hàng năm của quận. Qua đó nêu cao tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, “lá lành đùm lá rách” để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc sống.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận

Nhiều sở-ngành đồng ý đề xuất mở 5 tuyến xe buýt điện

Thông tin từ báo Tuổi Trẻ, Sở Giao thông vận tải TP vừa đề nghị UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa xe buýt điện vào hoạt động trên địa bàn TPHCM. Đồng thời, cho phép áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đã được ban hành đối với loại xe buýt CNG (sử dụng khí nén thiên nhiên) đang hoạt động. 

Sở này đề xuất thực hiện theo phương thức đặt hàng cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện đối với Tập đoàn Vingroup. Thời gian thực hiện thí điểm dự kiến 24 tháng, kể từ ngày chính thức đưa vào thí điểm.

Theo Sở Giao thông vận tải, trong quá trình nghiên cứu đề xuất chủ trương thí điểm đưa xe buýt điện vào hoạt động, Sở đã lấy ý kiến và được nhiều Sở - ngành đồng thuận.

Hiện nay phần lớn xe buýt ở TP sử dụng dầu diezel hoặc khí nén thiên nhiên CNG, TP chưa có xe buýt điện - Ảnh: VĂN BÌNH
Hiện nay phần lớn xe buýt ở TP sử dụng dầu diezel hoặc khí nén thiên nhiên CNG, TP chưa có xe buýt điện - Ảnh: VĂN BÌNH

Trong đó, Sở Xây dựng đề nghị Sở Giao thông vận tải trình UBND TP báo cáo Thủ tướng về các đề xuất cơ chế đặc thù áp dụng đối với xe buýt điện. Sở Tài nguyên - môi trường cho rằng việc mở 5 tuyến xe buýt điện trên địa bàn TP sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường và cắt giảm phát thải khí nhà kính. UBND quận 9 thống nhất với đề xuất của Tập đoàn Vingroup về mở tuyến xe buýt sử dụng năng lượng sạch trên địa bàn TP…

Sở Kế hoạch và đầu tư thì cho rằng, việc mở 5 tuyến xe buýt điện để kết nối giữa dự án Vinhomes Grand Park, quận 9 với các điểm đến trên địa bàn TP là phù hợp với danh mục mạng lưới tuyến xe buýt ở TPHCM.

Sở Giao thông vận tải cho biết việc đặt điểm đầu - cuối tuyến xe buýt điện phần lớn nằm trong khu đô thị Vinhomes Grand Park thuận lợi về việc bố trí bãi đỗ xe và khu vực bảo dưỡng sửa chữa và trạm sạc điện. Chi phí đầu tư xây dựng bãi đỗ, trạm sạc điện…do chủ đầu tư thực hiện.

Giá vé xe đò Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 tăng từ 40% đến 60%

Website Thành uỷ TPHCM đưa tin, theo đại diện bến xe miền Tây, đặc điểm tại bến hoạt động tuyến đường ngắn, lượng hành khách tập trung đi lại vào các ngày cuối năm, cao điểm bắt đầu từ ngày 27 tháng Chạp. Do đó, trong đợt cao điểm Tết Tân Sửu, bến xe tổ chức bán vé phục vụ hành khách 24/24 giờ và tổ chức bán vé trước từ ngày 10 đến 25 tháng Chạp cho hành khách đi lẻ và tập thể tại phòng bán vé của bến xe.

Về mức tăng giá và thời điểm tăng giá vé bù chiều xe chạy rỗng trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, qua thống kê các năm trong dịp Tết Nguyên đán, các đơn vị vận tải kê khai tăng giá vé không quá 40% so với mức giá vé ngày thường, thời gian tăng giá trong 6 ngày (gồm 4 ngày trước Tết và 2 ngày sau Tết).

Trong khi đó, đại diện bến xe miền Đông cho hay, dự báo lượng hành khách sẽ bắt đầu tăng vào ngày 24, 25, 26, 27, 28 và 29 tháng Chạp. Về dự kiến mức phụ thu giá cước và thời điểm áp dụng, đối với các tuyến từ Quảng Ngãi trở ra đến tỉnh Thừa Thiên Huế, từ ngày 16 đến 19 tháng Chạp, giá vé tăng không quá 40%; từ ngày 20 tháng Chạp đến hết mùng 3 Tết, giá vé tăng không quá 60%.

Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, giá vé xe đò sẽ tăng từ 40% đến 60%.
Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, giá vé xe đò sẽ tăng từ 40% đến 60%.

Đối với các tuyến thuộc tỉnh Phú Yên, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, từ ngày 17 đến 19 tháng Chạp, giá vé tăng không quá 40%, từ ngày 20 tháng Chạp đến mùng 3 Tết, giá vé tăng không quá 60%.

Đối với các tuyến thuộc tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, từ ngày 20 tháng Chạp đến 23 tháng Chạp, giá vé tăng không quá 40%, từ ngày 24 tháng Chạp đến mùng 4 Tết, giá vé tăng không quá 60%.

Đối với các tuyến thuộc tỉnh Ninh Thuận, từ ngày 20 đến 23 tháng Chạp và từ mùng 1 đến mùng 4 Tết, giá vé tăng không quá 40%; từ ngày 24 đến 30 tháng Chạp, giá vé tăng không quá 60%.

Đối với các tuyến thuộc tỉnh Bình Thuận, từ ngày 24 tháng Chạp đến hết ngày mùng 4 Tết, giá vé tăng không quá 60%.

Đối với các tuyến thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tà, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, từ ngày 26 tháng Chạp đến mùng 6 Tết, giá vé tăng không quá 40%.

Đối với khu vực Miền Tây, các tuyến từ Bến xe miền Đông đi các tỉnh miền Tây điều chỉnh giá cước không quá 40% từ ngày 27 tháng Chạp đến mùng 2 Tết.

Không ép học sinh học thêm và dạy trước chương trình lớp 1

Báo Thanh Niên cho hay, ngày 10/1, sau khi Sở GD- ĐT TP có văn bản yêu cầu 24 quận, huyện tăng cường quản lý việc dạy thêm học thêm, Phòng Giáo dục Quận 1 đã có những yêu cầu cụ thể đến các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn bàn.

Theo đó, Phòng Giáo dục đã yêu cầu hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS thực hiện nghiêm túc các nội dung sau: Tăng cường quản lý, chỉ đạo hoạt động dạy thêm, học thêm; Tiếp tục phổ biến, quán triệt các văn bản có liên quan về dạy thêm, học thêm cho toàn thể cán bộ, giáo viên thuộc đơn vị mình quản lý; Tuyệt đối không dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ em; không yêu cầu trẻ tập tô, tập viết chữ; Tuyệt đối không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng nghê thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; Giáo viên THCS tham gia hoạt động dạy thêm ở các trung tâm đã được cấp phép.

Đồng thời, giám sát chặt chẽ việc chấp hành quy định về dạy thêm, học thêm; Xử lý nghiêm các trường hợp giáo viên ép học sinh học thêm dưới bất cứ hình thức nào và giáo viên vi phạm quy định dạy thêm, học thêm; Nâng cao chất lượng học tập của học sinh, đặc biệt là học sinh gặp khó khăn trong học tập.

Tuyệt đối không dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ mầm non; không yêu cầu trẻ tập tô, tập viết chữ. Ảnh: BÍCH THANH
Tuyệt đối không dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ mầm non; không yêu cầu trẻ tập tô, tập viết chữ. Ảnh: BÍCH THANH

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thiếu trách nhiệm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư

Theo Website Thành uỷ TPHCM, UBND TP vừa ban hành Chỉ thị 01/CT-UBND về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Theo đó, UBND TP yêu cầu thủ trưởng các sở - ban - ngành, Chủ tịch UBND quận - huyện, các doanh nghiệp (DN) thuộc TP tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”.

Cùng với đó, đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các sở, ngành trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN; chủ động xây dựng kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) phục vụ người dân và DN đáp ứng được yêu cầu: Có thời hạn đối với quy trình TTHC, xử lý hồ sơ; xác định rõ tổ chức, cá nhân thực hiện chức trách trong xử lý hồ sơ; có sự tham gia, đóng góp ý kiến của tổ chức, DN; có sự giám sát của HĐND, MTTQ; có chế tài xử lý vi phạm và khen thưởng; triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC.

Năm 2021, TPHCM tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.
Năm 2021, TPHCM tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.

Mặt khác, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ, phát huy tối đa vai trò giám sát của HĐND, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các cơ quan báo chí, đặc biệt là giám sát của người dân, DN; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thiếu trách nhiệm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của TP.

Bắt người mạo danh là thượng tướng trong ngành giáo dục để lừa đảo

Ngày 10/1, Công an quận 1 cho hay đã khởi tố và thi hành lệnh bắt giam với Cao Dương Thái (SN 1968, ngụ quận Thủ Đức) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tại công an, Thái khai nhận hành vi phạm tội của mình. Theo đó, tháng 11/2018, Thái lập Công ty TNHH MTV Giáo dục Phúc Thịnh, đặt tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức để tổ chức dạy thêm. Năm 2019, công ty của Thái ngưng hoạt động.

Đầu năm 2020, thông qua mối quan hệ xã hội, Thái quen biết với bà Dung. Trong những lần gặp gỡ, Thái tự giới thiệu là Chánh thanh tra Sở GD-ĐT TPHCM, và cũng có lúc nổ là “Thượng tướng công an hoạt động trong ngành giáo dục”. Thái nói rằng có quen thân với hàng loạt lãnh đạo TW, các bộ ngành và ở nhiều tỉnh thành.

Tháng 3/2020, bà Dung có nhờ Thái tác động để bà được chuyển về làm việc tại Sở Xây dựng TPHCM. Thái yêu cầu bà Dung chung chi bôi trơn và chuyển tiền vào một số tài khoản ngân hàng mà Thái chỉ định.

Tháng 7/2020, thông qua Dung, ông T.H. (SN 1968, ngụ quận 1) nhờ Thái "chạy" để được chuyển công tác từ một trường THPT ở quận 1 về Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, quận 6. Thái ra giá 50 triệu đồng. Ông H. sau đó chuyển trước cho Dung 30 triệu đồng, theo yêu cầu của Thái, số tiền này Dung chuyển vào tài khoản "cấp dưới" của Thái 24 triệu đồng, còn 6 triệu đồng đưa cho Thái bằng tiền mặt.

Bằng thủ đoạn tương tự, Thái lừa tiếp ông L.V.T. (SN 1977, ngụ quận 10) 5.000 USD, cũng là người quen của Dung.

Đối tượng Cao Dương Thái
Đối tượng Cao Dương Thái

Sau đó, thấy lâu mà Thái chưa lo xong việc nên Dung tìm hiểu thì biết Thái là kẻ lừa đảo. Vì Thái không chịu trả lại tiền nên các nạn nhân tới công an trình báo. Riêng Dung biết mình có một phần trách nhiệm nên tự hoàn cho ông T. vào tháng 10/2020 số tiền 21 triệu đồng. Sau đó, Công an đã ra thông báo truy tìm với Dung.

Ngày 28/12, Dung tới công an trình diện và khai báo như trên. Từ lời khai, công an truy xét, bắt giữ Thái và đang điều tra mở rộng vì nghi Thái thực hiện nhiều vụ lừa đảo tương tự.

Được biết, khi công an điều tra, bà Dung đã chủ động thương lượng với một số nạn nhân hoàn trả lại một phần tiền để khắc phục hậu quả. Bà Dung cũng đã làm việc với cơ quan công an và cho biết, bà cũng là một nạn nhân của Thái.

Quá trình điều tra, đến nay Công an quận 1 bắt giữ được siêu lừa Cao Dương Thái. Công an tình nghi Thái đã thực hiện hàng loạt vụ lừa đảo khác, nên đang tiếp tục mở rộng điều tra.

Bạn trẻ Sài Gòn thích thú tham gia ngày hội cổ phục

Nhiều bạn trẻ thích thú khi có cơ hội được trải nghiệm mặc thử các trang phục truyền thống Việt Nam như áo giao lĩnh, áo Nhật Bình, áo ngũ thân... thông qua Ngày hội Việt Phục "Tóc xanh - Vạt áo" diễn ra tại quận 1. Thông tin trên báo Tuổi Trẻ.

Ngày hội có sự tham gia và góp mặt của nhiều hội nhóm yêu thích về cổ phong, cổ phục Việt Nam: Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi, Great Vietnam, Sử Talk, Ngàn năm Sử Việt, Ỷ Vân Hiên, Vương Sư Kiên Duệ, Đại Nam Hội Quán, CLB Văn hóa trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa... Đây đều là những hội nhóm tập trung những bạn trẻ có đam mê và yêu thích văn hóa Việt.

Các bạn trẻ mặc thử cổ phục. Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Các bạn trẻ mặc thử cổ phục. Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Tóc xanh - Vạt áo diễn ra với nhiều hoạt động ý nghĩa: trình diễn cổ phục, các gian hàng cổ phong, talkshow về hành trình phục dựng mũ miện triều Nguyễn, talkshow đối thoại về áo dài cổ truyền, talkshow Đưa văn hóa dân gian Việt Nam ra thế giới và đêm gala tái hiện Điển lễ sách phong hoàng hậu triều Nguyễn.

12 gian hàng của các hội quán tại ngày hội truyền tải nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam. Gian hàng của Đại Nam Hội quán phục dựng lại phong tục tập quán của người Nam Kỳ xưa, đặc biệt là cách trưng bày thờ cúng của người miền Nam theo quy tắc "Đông bình Tây quả". Các gian hàng Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi, Ỷ Vân Hiên, Hoa Niên... thì trưng bày các loại trang phục cổ triều Nguyễn như áo giao lĩnh, áo viên lĩnh, áo ngũ thân, long bào và trang phục của các phi tần thời xưa. Riêng gian hàng của Vương Sư Kiên Duệ thu hút sự tò mò của nhiều bạn trẻ khi giới thiệu về nghệ thuật cung nỏ truyền thống Việt Nam. 

Ngày hội Việt Phục Tóc Xanh - Vạt Áo là chương trình mở đầu cho tuần lễ Văn hóa Sóng đôi do trường Đại học KHXH&NV tổ chức từ ngày 10 đến 16/1/2021.

Cổ phục triều Nguyễn được phục dựng ngay trên sân khấu tại ngày hội Việt Phục, Q.1, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Cổ phục triều Nguyễn được phục dựng ngay trên sân khấu tại ngày hội Việt Phục, Q.1, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Bạn Phạm Cao Thái Bảo (Q.Thủ Đức) và Bạn Nguyễn Anh Tuấn (Q.3) chọn áo ngũ thân để tham gia ngày hội
Bạn Phạm Cao Thái Bảo (Q.Thủ Đức) và Bạn Nguyễn Anh Tuấn (Q.3) chọn áo ngũ thân để tham gia ngày hội
Bạn Đan Anh và Đỗ Quyên chọn riêng cho mình chiếc áo tấc và áo dài cách tân để "trẩy hội"
Bạn Đan Anh và Đỗ Quyên chọn riêng cho mình chiếc áo tấc và áo dài cách tân để "trẩy hội"
Không gian trưng bày trang sức của phụ nữ miền Nam xưa
Không gian trưng bày trang sức của phụ nữ miền Nam xưa
Những tráp đựng thức ăn với họa tiết cầu kỳ cũng được trưng bày tại ngày hội
Những tráp đựng thức ăn với họa tiết cầu kỳ cũng được trưng bày tại ngày hội
Chị Uyên Minh (Q.7) diện cổ phục áo ngũ thân đến tìm hiểu về Nhật Bình (cổ phục Việt Nam triều Nguyễn)
Chị Uyên Minh (Q.7) diện cổ phục áo ngũ thân đến tìm hiểu về Nhật Bình (cổ phục Việt Nam triều Nguyễn)

Mua đồ cũ làm từ thiện

Một thông tin khác trên báo Tuổi Trẻ, ngày 10/1, nhiều bạn trẻ đến gian hàng "Đổi cũ trao yêu thương" tại 54/2 Nguyễn Cư Trinh, quận 1 để chọn vài món đồ cũ, lạ, xinh. Đây là dịp để mọi người cùng trải nghiệm lối sống tối giản thông qua việc mua bán, trao đổi đồ cũ.

Đổi cũ trao yêu thương là chuỗi các hoạt động gây quỹ được các bạn trẻ thuộc nhóm Saigon For Blue Dragon thực hiện từ tháng 3/2020 để ủng hộ cho Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh Việt Nam.  

Các gian hàng của ngày hội bày bán quần áo, sách, đồ gia dụng... Tất cả đều là đồ cũ được thành viên ban tổ chức vận động quyên góp. Đồ cũ khi được mang tới đều đã qua xử lý làm sạch, đa phần còn như mới.

Những sản phẩm đồ gốm nhiều hình thù được bày bán tại ngày hội - Ảnh: HỮU HƯỚNG
Những sản phẩm đồ gốm nhiều hình thù được bày bán tại ngày hội - Ảnh: HỮU HƯỚNG

Trong ngày hội, túi giấy cũ được tái sử dụng thay cho túi nhựa. Ban tổ chức cũng khuyến khích người tham gia mang theo túi vải để giảm thiểu rác thải ra môi trường. 

Sau ngày hội, các hoạt động tương tự vẫn được nhóm tiếp tục thực hiện bằng hình thức online đồng thời sẽ có thêm những ý tưởng gây quỹ mới.

Có nhiều vật phẩm để mọi người đến chọn - Ảnh: NHẬT THƯ
Có nhiều vật phẩm để mọi người đến chọn - Ảnh: NHẬT THƯ
Túi giấy cũ được tái sử dụng thay cho túi nhựa - Ảnh: HỮU HƯỚNG
Túi giấy cũ được tái sử dụng thay cho túi nhựa - Ảnh: HỮU HƯỚNG

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục