Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TPHCM ngày 13/1/2021

10:36 13/01/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 13/1:

Giảm 50% tiền thuê sạp cho tiểu thương chợ truyền thống

Báo Người Lao Động cho hay, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong vừa chấp thuận chủ trương giảm tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ truyền thống (gọi tắt là tiền thuê sạp chợ) trên địa bàn TP trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 12/2020 theo đề xuất của Sở Công Thương; đồng thời giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn UBND quận - huyện thực hiện giảm 50% tiền thuê sạp chợ trên địa bàn trong giai đoạn nói trên.

Nguồn kinh phí hoạt động của chợ trong thời gian giảm thu tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ được cân đối từ nguồn thu và các quỹ (quỹ dự phòng ổn định thu nhập, quỹ phúc lợi) của đơn vị để bảo đảm các hoạt động thường xuyên trong thời gian miễn thu tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ.

Trong trường hợp nguồn thu và các quỹ tại đơn vị không bảo đảm chi hoạt động thường xuyên, UBND quận - huyện cấp bù phần kinh phí còn thiếu để bảo đảm chi hoạt động cho Ban quản lý chợ do thực hiện chính sách giảm tiền thuê sạp theo chỉ đạo của UBND TP.

Trong trường hợp ngân sách quận - huyện có khó khăn, không cân đối được nguồn, UBND quận - huyện có báo cáo, đề xuất Sở Tài chính trình UBND TP xem xét, quyết định.

Tiểu thương chợ truyền thống sẽ được giảm 50% tiền thuê sạp chợ trong 6 tháng cuối năm 2020
Tiểu thương chợ truyền thống sẽ được giảm 50% tiền thuê sạp chợ trong 6 tháng cuối năm 2020

Việc chính quyền TP quyết định giảm 50% tiền thuê sạp chợ cho tiểu thương chợ truyền thống nhằm hỗ trợ tiểu thương khắc phục những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra và góp phần giúp tiểu thương tổ chức lại hoạt động kinh doanh trong hiện tại. Theo Sở Công Thương, trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, tại các chợ truyền thống, mãi lực (sức mua) giảm mạnh 50%-80% từ tháng 2 đến nay khiến nhiều người bán hàng gặp khó khăn trong việc kinh doanh.

Tuần này, dự kiến làm căn cước công dân gắn chip

Báo Pháp Luật đưa tin, Đại tá Lê Công Vân, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP, cho biết dự kiến trong tuần này, công an các quận, huyện sẽ thực hiện cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử cho người dân.

Theo Đại tá Vân, những người đủ 14 tuổi trở lên và người đang sử dụng CMND 9 số hết hạn hoặc sắp hết hạn nên đi cấp đổi CCCD gắn chíp. Với những người đã có CCCD gắn mã vạch thì chưa vội đổi, tránh trường hợp tập trung nhiều người gây quá tải cho các đơn vị đang thực hiện công tác này.

Việc cấp CCCD có gắn chip sẽ tiến hành trong hai giai đoạn. Giai đoạn 1 là trước ngày 1/7/2021, TPHCM sẽ ưu tiên cấp đổi cho những người đủ 14 tuổi chưa làm CCCD và những người hiện còn đang sử dụng CMND chín số.

Giai đoạn 2 là sau ngày 1/7/2021, sẽ bắt đầu cấp CCCD gắn chip cho những người đang sử dụng CCCD mã vạch và CMND 12 số.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Công an TP đã tuyên truyền cho người dân đến làm CCCD mới thì mang theo sổ hộ khẩu bản chính, giấy CMND và một số giấy tờ pháp lý khác nếu có sự thay đổi thông tin về nhân khẩu.

"Có một điều thuận lợi khi làm CCCD có gắn chip điện tử là dữ liệu công dân đã được thu thập, làm sạch từ năm 2018 đến nay. Đến giờ này, dữ liệu đã được đổ lên cổng dữ liệu chung. Người dân khi đến làm CCCD không cần phải kê khai hay ký bất kỳ giấy tờ gì. Chúng tôi chỉ cần trích xuất dữ liệu và đối chiếu với sổ hộ khẩu rồi tiến hành lấy vân tay, chụp ảnh” - Thượng tá Trang nói.

Công an từng quận, huyện sẽ có thông báo cụ thể cho người dân trên địa bàn để thực hiện cấp đổi CCCD.

Chốt giá bán thịt heo bình ổn Tết Tân Sửu 2021

Ngày 12/1, Sở Tài chính TP cho phép các doanh nghiệp (DN) tham gia bình ổn thị trường (BOTT) mặt hàng thịt heo được điều chỉnh giá bán tăng 6.000 -15.000 đồng/kg, tương ứng mức tăng từ 4,1%-10%/kg. Điều này đồng nghĩa, Sở Tài chính đã chốt giá bán thịt heo trong dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021 và giữ ổn định trong suốt 60 ngày tới. Nội dung đăng tải trên SGGP.

Theo đó, có 8 loại thịt heo trong chương trình BOTT điều chỉnh tăng giá bán lẻ trong đợt này gồm thịt heo đùi từ 145.000 đồng/kg tăng lên 151.000 đồng/kg; thịt vai từ 145.000 đồng/kg lên 158.000 đồng/kg; thịt cốt lết từ 140.000 đồng/kg lên 153.000 đồng/kg; chân giò từ 129.000 đồng/kg lên 139.000 đồng/kg; thịt nách từ 127.000 đồng/kg lên 137.000 đồng/kg; thịt nạc vai, đùi từ 175.000 đồng/kg lên 190.000 đồng/kg; xương đuôi heo 103.000 đồng/kg lên 113.000 đồng/kg; xương bộ heo 77.000 đồng/kg lên 85.000 đồng/kg.

Có 4 DN tham gia BOTT được điều chỉnh giá bán tăng trong đợt này là Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), hệ thống siêu thị BigC, Công ty Cổ phần Vissan và Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn.

TPHCM chốt giá bán thịt heo bình ổn Tết Tân Sửu 2021, tăng 6.000 -15.000 đồng/kg
TPHCM chốt giá bán thịt heo bình ổn Tết Tân Sửu 2021, tăng 6.000 -15.000 đồng/kg

Mặt khác, việc điều chỉnh giá bán từ ngày 12/1 vẫn đảm bảo giá thịt heo BOTT thấp hơn giá bán lẻ cùng sản phẩm, chủng loại, quy cách trên thị trường và ổn định cho đến sau Tết Nguyên Đán 2021 là 30 ngày, kể cả trong trường hợp giá heo hơi và thịt heo bán lẻ trên thị trường có biến động mạnh hơn nữa. 

Trường hợp giá heo hơi giảm, các DN sẽ phải tăng khuyến mãi sao cho giá bán trong chương trình BOTT luôn thấp hơn giá sản phẩm cùng loại trên thị trường ít nhất 5%-10%. Theo Sở Tài chính, các nhóm hàng BOTT còn lại gồm gạo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, dầu ăn, đường... vẫn ổn định.

Thêm nhiều cầu, đường hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2021

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP cho biết, trước Tết Nguyên đán 2021 sẽ hoàn thành cơ bản, đưa vào sử dụng nhiều cầu đường được nâng cấp, mở rộng.

Đó là các dự án nâng cấp đường Huỳnh Tấn Phát (Nhà Bè), cầu Kênh A và đường Hương Lộ 11 (huyện Bình Chánh), đường chui trên xa lộ Hà Nội ở phía trước cổng Bến xe miền Đông mới (Q.9).

Đến nay dự án xây dựng hệ thống thoát nước và cải tạo mặt đường Huỳnh Tấn Phát, đoạn từ cầu Phú Xuân đến phà Bình Khánh dài khoảng 5km rộng 15m cho 4 làn xe đã cơ bản hoàn thành tráng nhựa và lát vỉa hè rộng từ 3-6m. Như vậy, trước Tết Nguyên đán người dân sẽ đi lại thuận lợi trên con đường khang trang. 

Đường Huỳnh Tấn Phát đoạn từ cầu Phú Xuân đến phà Bình Khánh, quận 7 đã được nâng cấp mặt đường và hệ thống thoát nước, lát vỉa hè - Ảnh: T.TUẤN
Đường Huỳnh Tấn Phát đoạn từ cầu Phú Xuân đến phà Bình Khánh, quận 7 đã được nâng cấp mặt đường và hệ thống thoát nước, lát vỉa hè - Ảnh: T.TUẤN

Tương tự, ở dự án sửa chữa nâng cấp mặt đường và xây dựng hệ thống thoát nước đường Hương lộ 11 sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2 gói thầu nâng cấp mặt đường. Điều này tạo thuận lợi cho người dân đi lại trên đoạn đường dài 4km/6,3km.

Đường Hương lộ 11 được nâng cấp mặt đường, lắp hệ thống thoát nước và lát vỉa hè được 4km - Ảnh: T.TUẤN
Đường Hương lộ 11 được nâng cấp mặt đường, lắp hệ thống thoát nước và lát vỉa hè được 4km - Ảnh: T.TUẤN

Đồng thời, dự án xây cầu Kênh A rộng 26,5m trên đường Trần Đại Nghĩa và đường dẫn 2 đầu cầu dài 275m, trước tết sẽ cho lưu thông trước một nhánh cầu rộng hơn 13m, không hạn chế tải trọng xe, thay chiếc cầu cũ đã hư hỏng xuống cấp. Nhánh cầu thứ 2 sẽ thi công và hoàn thành trong năm 2021.

Các đơn vị đang thi công cầu Kênh A để đưa vào sử dụng trước Tết 2021 - Ảnh: T.TUẤN
Các đơn vị đang thi công cầu Kênh A để đưa vào sử dụng trước Tết 2021 - Ảnh: T.TUẤN

Còn theo Ban điều hành dự án đường bộ 2, các đơn vị thi công đang phấn đầu hoàn thành đưa vào sử dụng phần đường song hành bên phải Xa lộ Hà Nội (Q.9) vào cuối tháng 1/2021 và phần đường chui trước Bến xe miền Đông mới vào đầu tháng 3/2021. Tuyến đường chui này dài 670m, rộng 8m cho xe gắn máy và ôtô con đi từ TP ra Đồng Nai, được xây dựng nhằm tránh xung đột giao thông với luồng xe ra vào Bến xe miền Đông mới.

Đường chui trên xa lộ Hà Nội cho xe gắn máy và ôtô con chạy từ TP.HCM hướng ra Đồng Nai nhằm tránh xung đột giao thông với xe chở khách ra vào Bến xe miền Đông mới, quận 9 - Ảnh: HOÀNG ANH
Đường chui trên xa lộ Hà Nội cho xe gắn máy và ôtô con chạy từ TP.HCM hướng ra Đồng Nai nhằm tránh xung đột giao thông với xe chở khách ra vào Bến xe miền Đông mới, quận 9 - Ảnh: HOÀNG ANH

Lập 20 đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán

Theo Ban quản lý An toàn thực phẩm TP, hiện nay, Ban đã thành lập 20 đoàn kiểm tra với hơn 300 thanh tra viên, tăng cường kiểm tra việc phân phối, kinh doanh, tiêu thụ những mặt hàng thực phẩm, rượu bia...phục vụ Tết Nguyên đán. Thông tin từ VOV.vn.

Riêng tại 3 chợ đầu mối: Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP bố trí lực lượng trực 24/24 giờ để kiểm tra hàng hóa nhập vào chợ.

Nông sản về Chợ đầu mối Thủ Đức.
Nông sản về Chợ đầu mối Thủ Đức.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban quản lý An toàn thực phẩm TP cho biết: “Ban tăng cường công tác thanh tra không chỉ kênh phân phối hiện đại mà còn các kênh phân phối truyền thống, chợ truyền thống trên địa bàn. Đặc biệt, lưu ý đến các nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm cũng như kiểm tra nhanh chất lượng hàng hóa không chứa hóa chất độc hại. Ban sẽ kết hợp với quản lý thị trường, công an kinh tế và lực lượng kiểm tra chuyên ngành ở các quận, huyện để tăng cường kiểm tra".

Đề xuất 8 dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài ​

Theo báo SGGP, liên quan về kết quả thực hiện danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020, UBND TP kiến nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư ngoài 11 dự án chuyển tiếp, TP đề xuất thêm 8 dự án mới.

Các dự án để đưa vào danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025 gồm: dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (giai đoạn 2); tuyến đường sắt đô thị số 3a; tuyến đường sắt đô thị số 4; tuyến đường sắt đô thị số 5 (giai đoạn 1, Ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn); Trung tâm tài chính tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Khu Liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc; Khu phức hợp Trung tâm Hội nghị triển lãm và Khách sạn; Trung tâm Thương mại - dịch vụ tại Khu chức năng số 1 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đối với các dự án giao thông, đường sắt đô thị có vai trò quan trọng trong hệ thống hạ tầng giao thông công cộng, các dự án này chỉ phát huy hiệu quả khi được đầu tư và phát triển đồng bộ. Bên cạnh đó, các dự án giao thông, đường sắt đô thị có quy mô và vốn đầu tư lớn (đặc biệt là các chi phí liên quan việc bồi thường, giải phóng mặt bằng), đòi hỏi các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và năng lực phù hợp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hiện nguồn vốn vay ODA cho đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị ngày càng được thắt chặt; trong khi đó, quy định pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) áp dụng cho dự án giao thông, đường sắt đô thị vẫn còn nhiều bất cập, chồng chéo, vướng mắc giữa Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư với các luật khác như: Luật Đất đai;Luật Quản lý, Sử dụng tài sản công...

Vì vậy, trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục mời gọi đầu tư các dự án nêu trên thông qua các hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo phù hợp theo quy định tại Luật Đất đai, Luật Đấu thầu.

TPHCM kiến nghị Chính phủ mở thí điểm tuyến xe buýt điện

Cũng trên báo SGGP, chiều 12/1, Sở GTVT TP cho biết, liên quan đến việc mở mới tuyến xe buýt sử dụng năng lượng sạch (xe buýt điện) trên địa bàn TP, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương đưa xe buýt điện vào hoạt động thí điểm trên địa bàn TP.

Đồng thời, cho phép áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đã được ban hành đối với loại xe buýt CNG (xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch) đang hoạt động trên địa bàn TP hiện nay để thực hiện theo phương thức đặt hàng cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện đối với Tập đoàn Vingroup - Công ty Cổ phần.

UBND TPHCM có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện đặt hàng theo đơn giá cố định được áp dụng vận dụng cho loại xe buýt CNG. Khi có định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá chính thức được phê duyệt sẽ tiến hành công tác đấu thầu hoặc đặt hàng theo đúng quy định. Thời gian thí điểm dự kiến 2 năm kể từ ngày chính thức đưa vào hoạt động thí điểm.

Xe buýt điện tuyến trung tâm TPHCM (ảnh chụp ngày 29-8-2020). Ảnh: CAO THĂNG
Xe buýt điện tuyến trung tâm TPHCM (ảnh chụp ngày 29-8-2020). Ảnh: CAO THĂNG

Tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục ngoài công lập

Thông tin từ báo Pháp Luật TP, UBND TP đã ban hành văn bản về tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn TPHCM.

Theo đó, UBND TP đề nghị các đơn vị liên quan tăng cường phối hợp nhằm nâng cao trách nhiệm quản lý. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục ngoài công lập, tuyệt đối không để các cơ sở hoạt động không phép.

Chủ động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giám sát hoạt động của các cơ sở đã được cấp phép, đảm bảo hoạt động đúng quy định, nội dung được cấp phép. Kịp thời xử lý nghiêm các cơ sở hoạt động không phép, không tuân thủ quy định, gây mất an ninh trật tư và ảnh hưởng đến quyền lợi của người học, người lao động, thông tin kết quả xử lý về Sở GD&ĐT.

UBND TP.HCM đề nghị UBND các quận thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ năng sống trên địa bàn. 
UBND TP.HCM đề nghị UBND các quận thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ năng sống trên địa bàn. 

Bên cạnh đó, tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra các cơ sở dịch vụ giữ trẻ ngoài giờ, nghiêm cấm hoạt động dạy thêm trong cơ sở dịch vụ giữ trẻ ngoài giờ.

Kiểm tra, rà soát, báo cáo UBND TP về tình hình các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài hoặc các cơ sở giáo dục đang dạy chương trình giáo dục tích hợp chuyển đổi mô hình quản lý, hoạt động theo Nghị đinh số 86. 

Ra mắt Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học đầu tiên ở trường đại học

Ngày 12/1, Trường ĐH Kinh tế TPHCM (UEH) ra mắt Phòng chăm sóc và hỗ trợ người học. Đây được xem là mô hình đầu tiên trong hệ thống cơ sở giáo dục đại học công lập tại Việt Nam đặt người học ở vị trí khách hàng. Nội dung trên báo Tuổi Trẻ.

Đại diện nhà trường cho biết, trên cơ sở nghiên cứu và phân tích tình hình công tác chăm sóc và hỗ trợ người học tại các trường đại học trong và ngoài nước, nhà trường đã quyết định thành lập một đơn vị quản lý có chức năng làm đầu mối thực hiện việc cung cấp, cập nhật thông tin chính thức từ trường để hỗ trợ cho người học và các nhóm đối tác liên quan.

Hoạt động của Phòng tập trung vào các hoạt động hỗ trợ cho người học về mọi mặt, đồng thời phối hợp với các đơn vị chức năng khác trong việc tổ chức các hoạt động toàn trường phục vụ cho việc giáo dục, học tập, sinh hoạt, rèn luyện, giải trí tại trường.

Sinh viên tìm hiểu thông tin tại phòng mới ra mắt - Ảnh: TỐ NHƯ
Sinh viên tìm hiểu thông tin tại phòng mới ra mắt - Ảnh: TỐ NHƯ

Các dịch vụ và hỗ trợ chi tiết hiện nay phòng mang đến cho người học gồm: hướng nghiệp, tuyển sinh, định hướng, dịch vụ cho sinh viên, học bổng, chính sách và chất lượng giáo dục, chương trình chăm sóc sức khỏe và hoạt động thể chất, chương trình hòa nhập đa văn hóa, hoạt động Đoàn - Hội (CLB đội, nhóm) và các sự kiện của người học….

Bên cạnh đó, Phòng còn cung cấp dịch vụ hỗ trợ người học về các vấn đề cá nhân, các vấn đề trong học tập, nơi ở, người học khuyết tật, phòng chống quấy rối tình dục và các trường hợp khẩn cấp khác. Ngoài ra, Phòng cũng đảm nhận nhiệm vụ hỗ trợ và kết nối với phụ huynh, người giám hộ, người học tiềm năng và cộng đồng cựu sinh viên UEH.

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục