Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TPHCM ngày 22/1/2021

09:22 22/01/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 22/1:

Tôn vinh 30 doanh nghiệp “Thương hiệu vàng TPHCM 2020”

Tối 21/1, Sở Công Thương TP phối hợp với Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức lễ công bố giải thưởng "Thương hiệu vàng TPHCM 2020". Giải thưởng nhằm tôn vinh các doanh nghiệp (DN) có kết quả xuất sắc trong công tác xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, dịch vụ. Nội dung đăng tải trên báo Người Lao Động.

Kết quả, Hội đồng Bình chọn đã thống nhất chọn 30 DN đoạt giải thưởng "Thương hiệu Vàng TP HCM" gồm hầu hết là những DN dẫn đầu hoặc ở tốp đầu trong ngành nghề sản xuất, kinh doanh của mình như: Vinamilk, Saigon Co.op, Acecook Việt Nam, Kido, CJ Cầu Tre, San Hà, Saigontourist, Biti’s, Thiên Long, PNJ…

Theo Ban tổ chức, tổng doanh thu năm 2019 của 30 DN này đạt 252.792 tỉ đồng, tương đương 21,8% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2019 trên địa bàn TPHCM; tổng lợi nhuận sau thuế đạt 32.670 tỉ đồng.

Những doanh nghiệp đoạt Giải thưởng “Thương hiệu Vàng TP HCM” năm 2020
Những doanh nghiệp đoạt Giải thưởng “Thương hiệu Vàng TP HCM” năm 2020

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, đây là lần đầu tiên TP tổ chức giải thưởng này nhằm tôn vinh các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ uy tín tiêu biểu trên địa bàn TP.

Theo ông Phong, xây dựng thương hiệu sản phẩm không chỉ là nhiệm vụ của DN mà còn là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. 

“Thành phố cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ nhiều hơn nữa đối với công tác quảng bá, phát triển thương hiệu sản phẩm của DN. Thành phố sẽ nâng chất lượng để tạo tiền đề cho năm 2021 giải thưởng không chỉ dừng lại ở con số 30 mà lan toả mạnh mẽ, trở thành động lực cho việc xây dựng thương hiệu sản phẩm của DN thành phố”- ông Phong nói.

Giải thưởng Thương hiệu Vàng TPHCM với ba mục tiêu cốt lõi là trở thành một giải thưởng mang tính “bảo chứng” cho uy tín của DN trên thị trường trong nước và quốc tế. Giải thưởng là tiền đề để đầu tư lớn mạnh trong tương lai, xây dựng niềm tự hào cho người dân TP.HCM về sản phẩm, dịch vụ của địa phương mình. Giải thưởng cũng nâng cao vị thế trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước.

Chính quyền TP Thủ Đức chính thức hoạt động từ ngày 22/1

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, Sở Nội vụ TP vừa có văn bản hướng dẫn UBND quận 2, 9 và Thủ Đức lưu ý một số nội dung thực hiện Nghị quyết số 4764 của UBND TP.

Theo đó, ngày 22/1 diễn ra kỳ họp thứ nhất của HĐND TP Thủ Đức để bầu các chức danh của HĐND, UBND theo quy định.

Kể từ kỳ họp thứ nhất của HĐND TP Thủ Đức, chính quyền địa phương của TP Thủ Đức chính thức hoạt động. Chính quyền địa phương của quận 2, 9 và Thủ Đức sẽ kết thúc nhiệm vụ, quyền hạn và chuyển tiếp cho chính quyền địa phương TP Thủ Đức thực hiện.

Do đó, kể từ ngày 22/1/2021, tất cả các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sẽ do chính quyền TP Thủ Đức thực hiện.

Con dấu của cơ quan, đơn vị và các phường thuộc chính quyền địa phương quận 2, 9 và Thủ Đức đến hết ngày 21/1 sẽ hết hiệu lực.

Chính quyền TP Thủ Đức chính thức hoạt động từ ngày 22-1 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chính quyền TP Thủ Đức chính thức hoạt động từ ngày 22-1 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Mỗi cán bộ, giáo viên được 1,5 triệu đồng quà Tết

Báo Giáo dục và Thời đại cho biết, Sở GD&ĐT TP vừa ban hành văn bản gửi Hiệu trưởng các trường THPT công lập; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở về chi quà Tết Tân Sửu 2021 cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở GD&ĐT.

Theo đó, mức chi là 1.500.000 đồng/người. Đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở GD&ĐT (có mặt tại thời điểm tháng 01/2021 và trong chỉ tiêu biên chế được giao năm 2021).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động, nguồn kinh phí sẽ do Ngân sách TP bổ sung dự toán kinh phí để chi quà Tết cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị.

Để kịp thời chi quà Tết, các đơn vị chi từ nguồn kinh phí được giao trong dự toán năm 2021 hoặc tạm ứng từ nguồn thu khác của đơn vị. Đồng thời, đơn vị có văn bản đề nghị bổ sung dự toán năm 2021 kèm bảng lương tháng 01/2021 của đơn vị gửi Sở GD&ĐT.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên, các đơn vị này chủ động cân đối từ nguồn kinh phí giao tự chủ, nguồn thu của đơn vị để chi quà Tết cho cán bộ, viên chức, người lao động tại đơn vị.

Đặt mục tiêu thu hút 550 triệu USD đầu tư vào khu công nghiệp

Vietnamplus cho hay, tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 21/1, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP (HEPZA) chia sẻ, năm 2021, TP đặt mục tiêu thu hút 550 triệu USD vốn đầu tư vào các khu chế xuất và công nghiệp TP, tập trung ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu và công nghiệp hỗ trợ.

Đại diện HEPZA cũng thông tin, khó khăn lớn nhất hiện nay là quỹ đất thu hút đầu tư vào khu chế xuất, khu công nghiệp ngày càng thu hẹp, trong khi các khu công nghiệp mới chậm triển khai do vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất triển khai dự án.

Các khu công nghiệp hiện hữu đang hoạt động dần lấp đầy, một số khu công nghiệp đang hoạt động đang gặp khó khăn trong lĩnh vực đất đai liên quan đến xác định đơn giá thuê đất với nhà nước, giao đất, cho thuê đất đã bồi thường giải phóng mặt bằng…

Tổng công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn-Samco (TP. Hồ Chí Minh) chuyên sản xuất, lắp ráp ôtô từ 28 đến 80 chỗ. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)
Tổng công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn-Samco (TP. Hồ Chí Minh) chuyên sản xuất, lắp ráp ôtô từ 28 đến 80 chỗ. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Theo đó, HEPZA đặt trọng tâm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu đầu tư trong khu chế xuất, khu công nghiệp, thu hút đầu tư vào những ngành, lĩnh vực, những công đoạn có hàm lượng khoa học-công nghệ, giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số. Nhất là ngành cơ khí theo hướng tự động hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngành công nghệ thông tin như thiết bị điện tử, thông tin, phần mềm, vi mạch, robot...

Đồng thời, phát triển công nghiệp thời trang ngành dệt may, da giày, công nghiệp thiết kế; khuyến khích phát triển các dịch vụ hỗ trợ công nghiệp; trong đó, chú trọng vào việc xây dựng nhà xưởng tiêu chuẩn và nhà xưởng cao tầng nhằm đáp ứng việc thu hút đầu tư trong bối cảnh quỹ đất khu công nghiệp ngày càng hạn hẹp.

Bên cạnh đó, HEPZA cũng tăng cường công tác tạo quỹ đất để sẵn sàng thu hút đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh; bảo vệ môi trường bền vững, xây dựng các khu chế xuất, khu công nghiệp sạch, xanh, thân thiện với môi trường; tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng...

Phấn đấu 100% trường học thanh toán không dùng tiền mặt

Theo báo Pháp Luật TP, Sở GD&ĐT TP vừa có thông báo kết luận và chỉ đạo của Phó Giám đốc Lê Hoài Nam tại cuộc họp về Đề án SSC- Hệ Thống quản lý trực tuyến các nguồn thu cho trường học tích hợp thanh toán học phí không sử dụng tiền mặt.

Với mục tiêu 100% trường học trên địa bàn TP triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, Sở đề nghị các trường thông qua Phần mềm quản lý trực tuyến các nguồn thu, triển khai thu hộ học phí bằng phương thức không tiền mặt, đa dạng hình thức, không giới hạn ngân hàng thanh toán. Điều này sẽ giúp phụ huynh thuận lợi khi thanh toán không dùng tiền mặt, không phải đến trường.

Trong đó, ưu tiên thanh toán trên thiết bị di động, thiết bị chấp nhận thẻ POS, liên kết tài khoản, thẻ ngân hàng qua các kênh trực tuyến: Sacombank, ViettelPay, Momo… các kênh cửa hàng thu hộ (Bsmart, Vinmart+...). Các trường sẽ hướng dẫn thực hiện các kênh thanh toán thông qua các bảng tuyên truyền, phiếu thông báo đến phụ huynh.

Các đại biểu trải nghiệm tiện ích của thẻ VinaID tại hội nghị báo cáo sơ kết mô hình quản lý “Trường học thông minh – an toàn – không sử dụng tiền mặt” sau 2 năm triển khai. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Các đại biểu trải nghiệm tiện ích của thẻ VinaID tại hội nghị báo cáo sơ kết mô hình quản lý “Trường học thông minh – an toàn – không sử dụng tiền mặt” sau 2 năm triển khai. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Thông báo nêu rõ, thống nhất chủ trương 5 ngân hàng: TMCP Sài Gòn Thương tín, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, TMCP Quân đội, TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, TMCP Sài Gòn Công thương được tham gia, phối hợp triển khai dịch vụ trung gian thu hộ và tài khoản phải trả học phí cùng các khoản thu khác của ngành GD&ĐT theo Đề án SSC.

Các ngân hàng khi tham gia đề án thống nhất quy trình phục vụ đối với dịch vụ chuyển khoản phải trả, khoản thu hộ cho nhà trường một lần/tuần về tài sản nhà trường. Thống nhất đưa vào tiêu chí đánh giá thi đua của các đơn vị, cơ sở giáo dục, UBND các quận, huyện thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại trường học.

Chợ đầu mối Hóc Môn chuẩn bị đủ hàng hóa cho Tết Tân Sửu

Trao đổi với báo Lao Động, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Chợ đầu mối Hóc Môn cho biết, chợ đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Tân sửu 2021 trên tinh thần đảm bảo đủ lượng hàng cung cấp ra thị trường, không để khan hiếm hàng và tăng giá trái phép.

Theo ông Dũng, dự báo lượng hàng nhập chợ vào tháng cận Tết Tân Sửu (tính từ ngày 1 – 30/12 Âm lịch) khoảng 77.000 tấn (2.500 tấn/ngày - đêm), tăng khoảng 2,8% so với ngày bình thường.

Đặc biệt 6 ngày cao điểm Tết từ ngày 25 - 30/12 Âm lịch, lượng hàng tăng khoảng 5% so với ngày bình thường.

Lượng thịt heo tại chợ Đầu mối Hóc Môn chiếm 1/2 thi trường toàn thành phố. Ảnh: Huân Cao
Lượng thịt heo tại chợ Đầu mối Hóc Môn chiếm 1/2 thi trường toàn thành phố. Ảnh: Huân Cao

Trong dịp Tết, chợ sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra việc niêm yết và bán đúng giá niêm yết, thu thập thông tin giá cả và báo cáo giá cả thường xuyên cho các cơ quan chức năng của Thành phố. Đồng thời, phối hợp tốt với các cơ quan chức năng, liên ngành kiểm tra giá cả, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, chống đầu cơ, găm hàng tạo sự khan hiếm giả tạo nhằm góp phần ổn định giá cả trên thị trường.

Lãnh đạo Chợ Đầu mối Hóc Môn thông tin thêm, đêm 30 tháng Chạp đến ngày mùng 1 Tết chợ tạm ngưng kinh doanh. Đến khoảng 22 giờ ngày mùng 1 Tết, một số sạp chợ rau củ quả đã về hàng và bắt đầu kinh doanh trở lại.

Chợ chuẩn bị lượng hàng dự trữ và kiểm soát giá tránh tạo khan hiếm hàng và tăng giá trái phép. Ảnh: Huân Cao
Chợ chuẩn bị lượng hàng dự trữ và kiểm soát giá tránh tạo khan hiếm hàng và tăng giá trái phép. Ảnh: Huân Cao

Cảnh sát giao thông TPHCM và 6 tỉnh thành giáp ranh phối hợp đảm bảo an toàn giao thông

Báo Thanh Niên cho hay, chiều 21/1, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP) đã ký kết kế hoạch phối hợp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội với lực lượng CSGT 6 tỉnh thành giáp ranh TPHCM.

Theo đó, các đơn vị sẽ tiến hành phối hợp trên nhiều lĩnh vực, nhiều mảng công tác khác nhau như: công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội, công tác tuyên truyền, công tác xây dựng lực lượng và giải quyết những vụ việc cụ thể.

Trung tá Nguyễn Đình Dương, Trưởng phòng PC08, cho biết, trong những năm qua, PC08 Công an TP thường xuyên tổ chức khảo sát cụ thể ở từng tuyến, khu vực, các điểm nóng về an ninh trật tự, trật tự xã hội tại các địa bàn giáp ranh, từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể của từng đơn vị trong công tác phối hợp, trao đổi thông tin nhằm đảm bảo tốt trật tự giao thông, phòng chống ùn tắc, đua xe trái phép và tích cực đấu tranh trấn áp các loại tội phạm lợi dụng phương tiện giao thông để hoạt động phạm pháp trên đường.

Ký kết kế hoạch phối hợp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội địa bàn giáp ranh của lực lượng CSGT 7 tỉnh, TP. ẢNH: VŨ PHƯỢNG
Ký kết kế hoạch phối hợp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội địa bàn giáp ranh của lực lượng CSGT 7 tỉnh, TP. ẢNH: VŨ PHƯỢNG

Để hoàn chỉnh về cơ chế phối hợp nhằm xây dựng lực lượng CSGT chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng tình hình mới, PC08 Công an TP đề nghị quá trình phối hợp phải giữ bí mật lực lượng, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ, hồ sơ tài liệu, thông tin liên quan đến hoạt động phối hợp.

Phát hiện 1,3 tấn ốc ngâm hóa chất công nghiệp trước khi bán

Thông tin từ báo Pháp Luật TP, Đội 5 Phòng cảnh sát môi trường, Công an TP đang lập hồ sơ xử lý một cơ sở chế biến thịt ốc sử dụng hóa chất công nghiệp trong chế biến.

Trước đó, ngày 20/1, trinh sát ập vào cơ sở chế biến ốc tại Khu dân cư Bến Lức, phường 7, quận 8, phát hiện chủ cơ sở tên Huân đang cùng với các công nhân dùng hóa chất công nghiệp để ngâm thịt ốc.

Ông Huân khai, hóa chất có người giao đến đựng trong các can chất tẩy rửa, chất bào mòn. Hóa chất này được pha vào nước rồi ngâm với ốc trong vòng 7 tiếng để làm sạch, tươi bóng và tăng ký trước khi giao cho các chợ và tiệm ăn trên địa bàn TP.

Gần 500kg hóa chất được công an phát hiện tại cơ sở của ông Huân. Ảnh: HT
Gần 500kg hóa chất được công an phát hiện tại cơ sở của ông Huân. Ảnh: HT

Ông Huân cũng thừa nhận việc cơ sở sản xuất hàng tấn thịt ốc và hầu như các tiệm ăn, xí nghiệp và siêu thị, chợ… đều lấy sản phẩm ốc của ông. Mỗi khi sơ chế, sang chiết hóa chất ông này đều phải mang bao tay cao su.

Công an đã niêm phong gần 500kg hóa chất và hơn 1,3 tấn ốc để phục vụ công tác xử lý điều tra, xử lý. Theo một cán bộ điều tra, đây là cơ sở chế biến ốc lớn nhất ngay khu vực chợ đầu mối thủy hải sản Bình Điền.

Ông Huân khai dùng hóa chất ngâm vào ốc để ốc được sạch, tươi bóng và tăng ký sau đó bán cho các siêu thị, quán ăn trên khắp thành phố.
Ông Huân khai dùng hóa chất ngâm vào ốc để ốc được sạch, tươi bóng và tăng ký sau đó bán cho các siêu thị, quán ăn trên khắp thành phố.

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục