Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TPHCM ngày 27/1/2021

09:45 27/01/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 27/1:

Đặc sắc ở Chợ Hoa Xuân “Trên bến dưới thuyền” năm 2021

Chợ Hoa Xuân "Trên bến dưới thuyền" sẽ diễn ra từ hôm nay - 27/1 (tức từ 15 tháng Chạp và kéo dài đến 30 Tết) tại bến Bình Đông (quận 8) quy tụ khoảng trên 500 nhà vườn từ các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp…tham gia kinh doanh, trưng bày sản phẩm với nhiều chủng loại cây, hoa kiểng phong phú, mới lạ, đặc sắc. Vietnamplus đưa tin.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoa - Phó Chủ tịch UBND Quận 8 cho biết, nổi bật tại Chợ Hoa Xuân "Trên bến dưới thuyền" năm nay là mô hình trưng bày hoa đặc sắc của Đà Lạt, hoa giấy cẩm thạch ngũ sắc của huyện Chợ Giắt (Bến Tre), góp phần tạo nên không gian hấp dẫn, vừa hiện đại vừa truyền thống mang đậm nét đặc trưng của miền sông nước, phục vụ nhu cầu thưởng lãm, mua sắm của người dân.

Ngoài ra, Chợ Hoa Xuân năm 2021 còn tổ chức biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống trên 2 ghe bầu dọc tuyến kênh Tàu Hủ, từ cầu tàu (phường 11) đến cầu số 6 (phường 14); trang trí tiểu cảnh ở tuyến đường Bến Bình Đông từ đường Đinh Hòa đến đường Phan Huy Bích.

Chợ Hoa xuân Trên bến dưới thuyền năm 2020. (Nguồn: Báo Tin tức)
Chợ Hoa xuân Trên bến dưới thuyền năm 2020. (Nguồn: Báo Tin tức)

Cùng với đó là tổ chức 20 gian hàng ẩm thực phía trước khu vực Trường THPT Võ Văn Kiệt; tổ chức Hội thi ảnh lần thứ 8 năm 2021 chủ đề “Trên bến dưới thuyền” và Hội thi thuyền hoa chủ đề “Sắc Xuân”; biểu diễn Lân Sư Rồng lần 3-năm 2021 từ ngày 6 đến 9/2 tại khu vực sân khấu chính trên đường Nguyễn Văn Của; tổ chức tuyến đi bộ bến Bình Đông từ đường Đinh Hòa đến đường Nguyễn Văn Của, dài 525m vào 18 giờ đến 22 giờ từ ngày 6-10/2/2021.

Chợ Hoa Xuân “Trên bến dưới thuyền” là hoạt động, nét văn hóa tiêu biểu của TP, phát huy tối đa thế mạnh và điều kiện tự nhiên đặc thù mang đậm dấu ấn “Trên bến dưới thuyền”. Qua đó, nâng cao giá trị và khẳng định thương hiệu Chợ Hoa Xuân Quận 8, hình thành điểm đến du lịch đường bộ, đường thủy mang đậm nét đặc sắc của quận và TP dịp Tết Nguyên đán. 

5 năm, tiết kiệm gần 4.580 tỉ đồng tiền điện

Thông tin từ báo Lao Động, ngày 26/1, Ban chỉ đạo cung ứng, tiết kiệm và an toàn điện TP đã tổ chức tổng kết chương trình thi đua “Gia đình tiết kiệm điện” năm 2020 và 5 năm 2016-2020. Chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức người dân trong việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Từ xuất phát điểm ban đầu còn thấp đến nay việc tiết kiệm điện đã được nâng lên đáng kể, người dân, cơ quan, doanh nghiệp đã quan tâm và thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm điện.

Các gia đình thi đua tiết kiệm điện tiêu biểu nhận khen thưởng. Ảnh Nam Dương
Các gia đình thi đua tiết kiệm điện tiêu biểu nhận khen thưởng. Ảnh Nam Dương

Trong 5 năm (2016 -2020), toàn TP đã tiết kiệm 2.304 triệu kWh điện, tương ứng với số tiền gần 4.580 tỉ đồng, giảm phát thải gần 2 triệu tấn khí thải CO2 ra môi trường.

Riêng trong năm 2020, đã có gần 861.000 hộ gia đình thực hiện tiết kiệm điện, với sản lượng điện tiết kiệm gần 444 triệu kWh điện, tương ứng trên 921 tỉ đồng, góp phần giảm hơn 405.070 tấn CO2 phát thải ra môi trường.

Tặng hơn 5.000 vé xe, tàu cho công nhân về quê đón tết

Báo Thanh Niên cho hay, tối 26/1, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP tổ chức chương trình “Tấm vé nghĩa tình” tặng vé xe, vé tàu hỏa, vé máy bay cho công nhân về quê, tại Khu chế xuất Linh Trung 1 (P.Linh Trung, TP.Thủ Đức).

Tại chương trình, LĐLĐ TP trao tặng 598 vé xe, 205 vé tàu và 7 vé máy bay cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các Khu chế xuất và Công nghiệp TP. 

Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP, cho biết Công đoàn Khu chế xuất đã chăm lo 15.000 phần quà tết; vận động doanh nghiệp cùng sự hỗ trợ của thành phố tặng 4.600 vé xe, 25 vé máy bay, 900 vé tàu cho người lao động về quê đón tết.

Ông Phạm Chí Tâm – Phó chủ tịch LĐLĐ TP thông tin thêm, hiện nay đã có 420.438 đoàn viên công đoàn, lao động được các cấp công đoàn, các đơn vị, doanh nghiệp chăm lo tết với tổng số tiền trên 194 tỉ đồng. Ông hy vọng những tấm vé trao tay sẽ là nguồn động viên tinh thần, giúp người lao động đón những ngày tết cổ truyền của dân tộc trọn vẹn và đầm ấm.

Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó bí thư Thành uỷ TP.HCM trao vé máy bay người lao động tại chương trình. Ảnh: PHẠM THU NGÂN
Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó bí thư Thành uỷ TP.HCM trao vé máy bay người lao động tại chương trình. Ảnh: PHẠM THU NGÂN

Xử lý nghiêm hành vi kinh doanh tiền mệnh giá nhỏ trái phép

Báo Công an Nhân dân đưa tin, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động mạng lưới ATM và công tác tuyên truyền sử dụng tiền mệnh giá nhỏ trong hoạt động lễ hội, tín ngưỡng dịp Tết Tân Sửu 2021, UBND TP đã có văn bản chỉ đạo Công an TP cùng với Cục Quản lý thị trường TP, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh tiền mệnh giá nhỏ trái phép, đặc biệt tại các khu vực có hoạt động lễ hội, tín ngưỡng đầu năm, ảnh hưởng đến việc lưu thông tiền tệ và an ninh trật tự trên địa bàn TP.

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh tiền mệnh giá nhỏ trái phép (ảnh minh họa).
Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh tiền mệnh giá nhỏ trái phép (ảnh minh họa).

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu rút tiền mặt của người dân tại hệ thống ATM trên địa bàn, UBND TP giao Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP phối hợp Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP và các Ngân hàng thương mại có hoạt động giao dịch ATM nắm lại nhu cầu tiền mặt của các doanh nghiệp dự kiến sẽ trả lương, thưởng cho người lao động qua tài khoản ATM. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có kế hoạch triển khai cụ thể và dự phòng các vấn đề về tiếp quỹ ATM, về sự cố kỹ thuật máy để đảm bảo hệ thống ATM hoạt động thông suốt, liên tục, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu rút tiền của người dân.

Mặt khác, phối hợp làm việc với Công an TP để có kế hoạch bảo vệ an ninh trật tự tại các điểm ATM, đảm bảo an toàn cho người rút tiền.

Giá xăng A95, E5 tăng lần thứ 5 liên tiếp

Từ 15 giờ ngày 26/1, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng giá đồng loạt các mặt hàng xăng dầu. Đây là lần tăng thứ 5 liên tiếp trong các chu kỳ điều hành giá gần đây. Nội dung trên báo Pháp Luật TP.

Cụ thể, xăng E5 tăng 361 đồng/lít, lên 16.309 đồng/lít (nếu không chi Quỹ bình ổn - Quỹ BOG 1.350 đồng/lít thì giá mặt hàng này sẽ tăng 1.711 đồng/lít và giá bán là 17.659 đồng/lít).

Xăng A95 tăng 340 đồng/lít, lên 17.270 đồng/lít (nếu không chi Quỹ BOG 400 đồng/lít thì sẽ tăng 740 đồng/lít và giá bán là 17.670 đồng/lít).

Từ 15 giờ ngày 26/1, xăng E5 tăng 361 đồng/lít, lên 16.309 đồng/lít; xăng A95 cũng tăng 340 đồng/lít, lên 17.270 đồng/lít.
Từ 15 giờ ngày 26/1, xăng E5 tăng 361 đồng/lít, lên 16.309 đồng/lít; xăng A95 cũng tăng 340 đồng/lít, lên 17.270 đồng/lít.

Dầu diesel cũng tăng 395 đồng/lít, lên 13.042 đồng/lít (nếu không chi Quỹ BOG 300 đồng/lít sẽ tăng 695 đồng/lít và giá bán là 13.342 đồng/lít)

Dầu hỏa tăng 350 đồng/lít, lên 11.908 đồng/lít (nếu không chi Quỹ BOG 400 đồng/lít sẽ tăng 750 đồng/lít và giá bán là 12.308 đồng/lít).

Dầu mazut tăng 350 đồng/kg, lên 12.622 đồng/kg (nếu không chi Quỹ BOG 250 đồng/kg giá sẽ tăng 600 đồng/kg và giá bán là 12.872 đồng/kg).

Thị trường quà Tết: Đặc sản địa phương tấp nập khách 

Những ngày cận Tết Tân Sửu, những cửa hàng đặc sản của các vùng miền ở TPHCM tấp nập khách mua bán.

Tại cửa hàng phân phối chính thức của DNTN Hồ Quang Trí (chủ sở hữu giống lúa gạo ST25, ST24 nổi tiếng), cảnh buôn bán tấp nập hơn bao giờ hết. 4 nhân viên của cửa hàng tất bật nghe điện thoại ghi đơn và luân phiên nhau bán hàng cho khách.

Bên cạnh đó, các mặt hàng đặc sản khác như khô nhái, cá tra sông, khô trâu, khô bò của An Giang; cá sặc rằn của Cà Mau… cũng được nhiều người dân "săn lùng" mua làm quà tặng dịp Tết.

Gạo ST25 - đặc sản Sóc Trăng là một trong những mặt hàng làm nóng thị trường quà tặng Tết năm nay. Ảnh: Ngọc Lê
Gạo ST25 - đặc sản Sóc Trăng là một trong những mặt hàng làm nóng thị trường quà tặng Tết năm nay. Ảnh: Ngọc Lê

Anh Nguyễn Văn Toàn, chủ một cửa hàng bán đặc sản (đường Cách Mạng Tháng 8, Quận 10) cho biết, năm nay, cửa hàng không dám chuẩn bị đặt hàng trữ trước, vì sợ sẽ tồn kho, tuy nhiên thực tế một số loại đặc sản đang "cháy hàng".

Ghi nhận của PV báo Lao Động, mặc dù nhu cầu hàng hóa đang tăng cao nhưng giá cả các loại mặt hàng đặc sản chỉ tăng nhẹ từ 5-10%. Thêm vào đó, chủ các cơ sở chế biến, cửa hàng kinh doanh các mặt hàng này cũng rất chú ý đến vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, bao bì bắt mắt, vì vậy đã được lòng nhiều khách hàng.

Chất lượng không khí ở TPHCM xấu trở lại

Theo Zingnews, sau khoảng 2 ngày chất lượng không khí được cải thiện, sáng 27/1, TPHCM lại chìm trong ô nhiễm không khí từ sáng sớm. Khác với những ngày trước đó, hôm nay, các ứng dụng đo chất lượng không khí cho thấy nhiều điểm có chất lượng không khí xấu từ 6 giờ sáng.

Theo ứng dụng PAMAir, lúc 6h sáng, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) ở mức nguy hại - 362 đơn vị. Đây cũng là điểm có số liệu AQI cao nhất TP. Nhiều điểm đo khác cũng cho thấy chất lượng không khí xấu như: Tân Quý (quận Tân Phú) -184 đơn vị; Âu Cơ (quận Tân Phú) - 181 đơn vị; Đỗ Xuân Hợp (TP Thủ Đức) - 156 đơn vị.

Điểm đo tại đường Quốc Hương (TP Thủ Đức) là nơi duy nhất có chỉ số AQI ở ngưỡng trong lành - 49 đơn vị. Những điểm còn lại, không khí ở ngưỡng trung bình đến xấu.

Chỉ số AQI lúc 6h tại TP.HCM theo ứng dụng PAMAir (Ảnh chụp màn hình)
Chỉ số AQI lúc 6h tại TP.HCM theo ứng dụng PAMAir (Ảnh chụp màn hình)

Ứng dụng AirVisual cho thấy tình hình tương tự. Chỉ số AQI trung bình tại TPHCM từ 6h là 162 đơn vị - ngưỡng có hại cho sức khỏe.

Điểm quan trắc trên đường Nguyễn Đình Chính (quận Phú Nhuận) có chỉ số AQI cao nhất là 178 đơn vị - ngưỡng có hại cho sức khỏe. Nhiều điểm đo tại TP Thủ Đức cho thấy không khí xấu như: Thảo Điền - 170 đơn vị; Trường Thạnh - 164 đơn vị.

Dự báo ngày mai, chất lượng không khí TPHCM ở ngưỡng trung bình với 100 đơn vị. Hai ngày sau đó, chỉ số AQI tăng nhẹ lên mức 101-107 đơn vị, ngưỡng xấu. Không khí được cải thiện vào ngày 31/1 và 1/2 với chỉ số AQI trong 83-95 đơn vị, ngưỡng trung bình.

Về tình hình thời tiết, theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, hôm nay, TPHCM vẫn duy trì nắng cả ngày. Cường độ nắng mạnh hơn về trưa và chiều, trời nóng. Nhiệt độ cao nhất trong ngày dao động chủ yếu 30-32 độ C. Về đêm, tiết trời mát mẻ với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 23-24 độ C.

Kiểu thời tiết này sẽ còn duy trì tại TPHCM đến 5/2. Riêng từ ngày mai, 28/1, không khí lạnh tăng cường đổ bộ vào miền Bắc có thể ảnh hưởng đến Nam Bộ, nhiệt độ giảm nhẹ, thời tiết mát mẻ.

10 ngày tới, TP.HCM duy trì kiểu thời tiết nắng vào ban ngày, mát mẻ về chiều và tối. Ảnh: Phương Lâm.
10 ngày tới, TP.HCM duy trì kiểu thời tiết nắng vào ban ngày, mát mẻ về chiều và tối. Ảnh: Phương Lâm.

Thay đổi cách khử trùng nước

Báo Người Lao Động cho hay, theo thống kê của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO), 94% nguồn nước thô được khai thác trực tiếp tại lưu vực sông Ðồng Nai và sông Sài Gòn, sau đó xử lý để cung cấp gần 2 triệu m3 nước/ngày đêm cho người dân toàn TPHCM. Do đó, việc khử trùng trước khi cấp nước cho người dân luôn là vấn đề được các cơ quan liên quan đặc biệt quan tâm.

Theo ông Trần Kim Thạch - Trưởng Phòng Quản lý chất lượng nước của SAWACO, nhằm nâng cao chất lượng nước, ngành nước TP đã lên kế hoạch ứng dụng công nghệ sinh học, đưa công nghệ mới vào khử trùng.

TP HCM đang tiến hành hàng loạt giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nước cũng như nâng cao chất lượng cấp nước. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
TP HCM đang tiến hành hàng loạt giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nước cũng như nâng cao chất lượng cấp nước. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cụ thể, năm 2021, ngành nước sẽ tập trung nâng chất lượng nước tại Nhà máy Nước Tân Hiệp (lấy nước thô từ sông Sài Gòn, ô nhiễm hơn sông Ðồng Nai), theo đó, song song xử lý hóa lý, sẽ bổ sung công nghệ vi sinh để loại bỏ các chất ô nhiễm hữu cơ có trong nước, giảm lượng hóa chất để xử lý nước.

Ðặc biệt đến năm 2025, ngành nước sẽ ứng dụng các giải pháp khử trùng khác như dùng tia UV, ô-zôn thay cho châm clo tại các nhà máy nước. Với công nghệ này, theo ông Thạch, ngoài cân đối chi phí đầu tư, các nhà máy nước cần phải có mặt bằng để bố trí cũng như cần phải điều chỉnh lại dòng chảy thủy lực trong nhà máy xử lý nước để bảo đảm an toàn khi bổ sung thêm các công trình.

Song song với các kế hoạch bảo đảm an toàn, an ninh nguồn nước, hiện nay, TP HCM đang kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào 7 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, với tổng công suất xử lý 1.160.000 m3/ngày. Khi hoàn thành các nhà máy này, 100% lượng nước thải sinh hoạt của TP sẽ được xử lý an toàn trước khi ra sông, kênh, rạch.

Ðến năm 2025, cơ quan chức năng sẽ hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng nước, vật liệu dùng trong ngành nước và quy trình kiểm soát để lắp đặt từ 1.500 - 2.000 vị trí lắp đặt nước uống tại vòi.

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục