TP. HCM: Họp báo kinh tế - xã hội thường kỳ tháng 5/2024

19:18 31/05/2024

(HMC) - Chiều 31/5, UBND TP. HCM tổ chức họp báo kinh tế - xã hội thường kỳ tháng 5 năm 2024. Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Đức Hải và Chánh văn phòng UBND TP. HCM Đặng Quốc Toàn chủ trì cuộc họp.

Cùng tham dự có đại diện các sở, ban, ngành và phóng viên, biên tập viên một số cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố. Cuộc họp được truyền trực tiếp về điểm cầu Trung tâm Báo chí Thành phố.

Toàn cảnh họp báo. Ảnh: HUYỀN MAI 
Toàn cảnh họp báo. Ảnh: HUYỀN MAI 

TP. HCM tích cực chăm lo, hỗ trợ cho trẻ em 

Về công tác chăm lo, hỗ trợ cho trẻ em, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Nguyễn Tăng Minh thông tin ngày 7/4/2022, HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND về "Chính sách đặc thù chăm lo, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em mồ côi và những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thành phố" có hiệu lực từ ngày 01/5/2022 đến ngày 3/12/2023. Kết quả, có 1.813 trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn nhận hỗ trợ (học tập, bảo hiểm y tế trợ cấp hàng tháng) với tổng kinh phí hơn 22 tỷ đồng, được chi từ nguồn ngân sách của Thành phố.

Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Nguyễn Tăng Minh khẳng định, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em luôn nhận được sự quan tâm sâu sát của các cấp thành phố. Ảnh: HUYỀN MAI 
Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Nguyễn Tăng Minh khẳng định, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em luôn nhận được sự quan tâm sâu sát của các cấp thành phố. Ảnh: HUYỀN MAI 

Hiện nay, Nghị quyết số 35/2023/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 của HĐND Thành phố về chính sách đặc thù chăm lo, hỗ trợ cho người cao tuổi, trẻ em mồ côi và những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thành phố đang được triển khai thực hiện.

Thành phố đã thực hiện trợ giúp trợ cấp xã hội hàng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng luôn được tiên hành kịp thời, đầy đủ và đúng đối tượng với 132.915 trường hợp (tương đương 83.191.200.000 đồng), trong đó trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng tại cộng đồng là 687 người.

Tại các Trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Sở đã chăm lo cho 6.399 đối tượng (tương đương 10.494.720.000đồng), trong đó trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng là 474 người.

Sở cũng đã phối hợp với Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố, Thành đoàn và các tổ chức xã hội thực hiện Tháng hành động vì trẻ em và quốc tế thiếu nhi 1/6 cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em bị ảnh hường bởi COVID-19; tham mưu góp ý dự thảo Kế hoạch tổ chức hoạt động hè của Thành phố và giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chỉ đạo hoạt động Hè Thành phố năm 2024; Tham gia kỳ họp lần thứ 13 Hội đồng Trẻ em Thành phố mở rộng và họp mặt đại biểu tham dự Chương trình "Lãnh đạo Thành phố gặp gỡ, lắng nghe thiếu nhi năm 2024".

Lãnh đạo Sở LĐ,TB&XH khẳng định, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy, chính quyền, Hội, đoàn thể và các tổ chức xã hội trong và ngoài nước; tạo điều kiện, cơ hội cho mọi trẻ em sinh sống trên địa bàn thành phố có cuộc sống ổn định, có nhiều cơ hội được học tập, phát huy năng lực, sở trường và được tự do bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình để đóng góp các chương trình, chính sách an sinh xã hội thành phố

TP. HCM bước vào giai đoạn cao điểm tuyển sinh đầu cấp

Tại họp báo, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hồ Tấn Minh cho biết, hiện các quận, huyện đang ở giai đoạn tập trung nguồn lực để tuyển sinh đầu cấp. Đối với tuyển sinh vào lớp1 và lớp 6, việc tuyển sinh thực hiện ưu tiên theo thứ tự trẻ có địa chỉ thường trú tại quận, huyện và trẻ đang học trên địa bàn quận, huyện. Cổng thông tin tuyển sinh của thành phố đang mở cho phụ huynh rà soát thông tin.

Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Hồ Tấn Minh trả lời nội dung báo chí quan tâm. Ảnh: HUYỀN MAI 
Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Hồ Tấn Minh trả lời nội dung báo chí quan tâm. Ảnh: HUYỀN MAI 

Tuy vậy, đại diện Sở GD-ĐT cho biết, hiện vẫn còn nhiều phụ huynh vẫn chưa khai báo dữ liệu với Công an địa phương. Trong khi đó, việc tuyển sinh năm nay dựa hoàn toàn trên dữ liệu này. Chính vì vậy, những phụ huynh nào chưa khai báo thay đổi về nơi cư trú cần nhanh chóng liên lạc địa phương để cập nhật, bổ sung thông tin, giải quyết kịp thời cho việc tuyển sinh, phân tuyến.

Về vụ việc của Trường Tiểu học, THCS và THPT Quốc Tế Mỹ, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT thông tin, sẽ tham mưu đình chỉ hoạt động cơ sở này nếu không đáp ứng được các điều kiện đến ngày 15/6.

Theo đó, hai điều kiện để được cho phép hoạt động giáo dục (khoản 5 và khoản 6 Điều 27 Nghị định số 46/2017/NĐ-CP) là: có đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đủ về số lượng theo cơ cấu về loại hình giáo viên, bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục và tổ chức các hoạt động giáo dục; có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục.

Sau ngày 15/6, Sở sẽ xem xét điều kiện hoạt động của trường AIS, nếu không đáp ứng các điều kiện theo Nghị định 46 sẽ đình chỉ hoạt động của trường.

Để tạo điều kiện cho nhà đầu tư và đảm bảo quyền lợi cho học sinh, trong thời hạn đình chỉ (dự kiến 12 tháng), nếu nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ được khắc phục thì Sở sẽ xin ý kiến ra quyết định cho phép nhà trường hoạt động giáo dục trở lại.

Hơn 55.000 nhà trọ có nguy cơ cháy nổ cao

Thông tin về tình hình cháy, nổ 5 tháng đầu năm 2024, đại tá Huỳnh Ngọc Quang, Phó Trưởng phòng PCCC&CNCH - Công an TP. HCM cho biết, tính từ 15/12/2023 - 14/5/2024, thành phố xảy ra 234 vụ cháy, làm chết 10, bị thương 4 người, thiệt hại về tài sản ước tính thành tiền khoảng 5,04 tỷ đồng.

Các vụ cháy chủ yếu diễn ra tại TP. Thủ Đức, quận 12, quận Gò Vấp, huyện Bình Chánh, tập trung tại loại hình nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh (131/234 vụ, tỷ lệ 56%) và công ty - doanh nghiệp (38/234 vụ, chiếm 16%).

Đại diện Công an TP tại họp báo. Ảnh: HUYỀN MAI 
Đại diện Công an TP tại họp báo. Ảnh: HUYỀN MAI 

Về nguyên nhân gây cháy, đại diện Công an TP cho rằng thường do sự cố trong sử dụng thiết bị điện; vi phạm các quy định an toàn PCCC; bất cẩn trong sinh hoạt, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt;…

Từ số liệu trên, Công an TP nhận định, so với năm ngoái, số vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng tăng 5 vụ, thiệt hại về người tăng mạnh (thêm 8 người chết). Qua rà soát, Công an TP phát hiện 60.493 cơ sở, nhà chung cư, nhà trọ, ngăn phòng cho thuê, nhà ở nhiều căn hộ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao. Trong đó, tổng số cơ sở thuộc loại hình nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê là 55.446 cơ sở.

Sau khi kiểm tra 59.828 lượt/60.493 cơ sở, lực lượng chức năng đã xử lý vi phạm hành chính vi phạm về PCCC 6.525 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 11,5 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 17 cơ sở, tạm đình chỉ hoạt động 36 cơ sở.

Đại diện Công an TP cũng cho biết, sau vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội ngày 24/5, Công an TP. HCM đã ban hành văn bản chỉ đạo phòng PC07 và Công an các địa phương tổ chức rà soát, kiểm tra, phân loại, đánh giá công tác PCCC và CNCH đối với các loại hình, cơ sở tập trung đông người, nguy cơ cháy nổ cao, đặc biệt là nhà trọ, nhà cho thuê trọ kết hợp kinh doanh, nhà ở kết hợp kinh doanh.

Kiểm tra, xử lý hành vi xả rác do báo chí và người dân phản ánh

Trước phản ánh của báo Tuổi Trẻ về tình trạng tập kết rác bừa bãi ven dòng lên An Hạ thuộc xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh (TP. HCM), ông Tống Viết Thành - Phó Trưởng phòng Xử lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường (TM-MT) cho biết đã giao Công an TP chủ trì, phối hợp với UBND huyện Bình Chánh kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm.

Đại diện Sở TN-MT phản hồi thông tin báo chí. Ảnh: HUYỀN MAI 
Đại diện Sở TN-MT phản hồi thông tin báo chí. Ảnh: HUYỀN MAI 

Cùng với đó, Sở TM-MT phối hợp Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, UBND TP. Thủ Đức và quận Bình Tân, Gò Vấp, Tân Phú rà soát và tổ chức quét dọn, tổng vệ sinh các điểm ô nhiễm rác thải trên đường phố và tổ chức vớt, thu gom rác thải trôi nổi trên các tuyến kênh rạch mà các cơ quan báo chí và người dân trên địa bàn liên tiếp phản ánh trong thời gian qua như tuyến kênh 19/5, kênh Nước Đen, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, rạch Ông Bàu, rạch Cầu Làng; các tuyến đường Lương Văn Can, đường vận hành Suối Nhum, Lê Văn Chí, đường CN1 Khu công nghiệp Tân Bình; khu vực cầu Trường Đai nối quận Gò Vấp và quận 12,…

Đồng thời, các đơn vị rà soát, giải quyết dứt điểm các điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải trên địa bàn TP. Thủ Đức và quận, huyện, ở các tuyến kênh rạch và tại các khu vực công cộng như công viên, vỉa hè, lòng đường, vòng xoay, gầm cầu, khu vực mặt tiền hộ gia đình, hộ kinh doanh,… Tổ chức kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện các nội dung cam kết của người dân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp trú đóng trên địa bàn về thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường, cam kết không xả rác ra đường phố, kênh rạch và nơi công cộng.

Huỳnh Nhung - Huyền Mai

Tin cùng chuyên mục