TP Thủ Đức: Nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Trung tâm Báo chí TPHCM 19/03/2022 20:42

(HMC) - Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, hướng đến xây dựng TP Thủ Đức sạch, xanh và thân thiện môi trường, ngày 19/3, UBND TP Thủ Đức tổ chức hội thảo chuyên đề “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP Thủ Đức”. Hội thảo do PGS.TS. Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang và GS.TS. Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức chủ trì.

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Chí Lộc

Hội thảo còn có sự tham dự của 40 chuyên gia, lãnh đạo các trường đại học, trung tâm nghiên cứu khoa học, đại diện các cơ quan, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp của TPHCM và TP Thủ Đức.

Quá trình thu gom, xử lý rác thải còn nhiều bất cập

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, với quy mô dân số xấp xỉ 1,3 triệu dân, hàng ngày khối lượng chất thải rắn sinh hoạt cần thu gom, vận chuyển và xử lý tại TP Thủ Đức là khoảng 1.300 – 1.500 tấn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong quá trình thực hiện còn có những bất cập, từ việc tuyên truyền vận động nâng cao ý thức cộng đồng, đến khâu phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải chưa được tháo gỡ.

Ông Tống Viết Thành, Phó trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Tài nguyên và Môi trường TPHCM chia sẻ, mỗi ngày toàn TPHCM thải ra khoảng 8.600 tấn rác thải rắn sinh hoạt (CTRSH). Số rác này được các công ty thu gom khoảng 40% còn 60% còn lại do hệ thống dân lập thực hiện. Tuy nhiên, phần lớn phương tiện thu gom vận chuyển của nhóm dân lập còn thiếu, chưa đạt chuẩn vệ sinh môi trường.

Theo đánh giá của ông Huỳnh Minh Nhật, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Môi trường Đô thị TPHCM, công tác thu gom, vận chuyển, trung chuyển, xử lý chất thải rắn hiện nay còn dàn trải, chưa tập trung; phương tiện, thiết bị, công nghệ thu gom, trung chuyển, vận chuyển và xử lý chưa đồng bộ, hiện đại; tỷ trọng rác do lực lượng dân lập thu gom cao (60%), thu gom chưa triệt để; công tác xử lý chất thải rắn hiện nay chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng.

Thực tế tại TP Thủ Đức, theo Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP Thủ Đức Trần Duy Long, ước tính lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn TP Thủ Đức khoảng 1.300 tấn/ngày - 1.500 tấn/ngày. Dự tính đến năm 2025, với quy mô dân số gần 2 triệu người ước tính lượng rác thải sinh hoạt phát sinh khoảng 2.600 - 3.000 tấn/ngày. Việc khối lượng rác thải ngày càng tăng sẽ làm gia tăng áp lực cho công tác quản lý trong thời gian tới.

Ông cũng cho biết, hiện nay toàn TP Thủ Đức có 17 doanh nghiệp tư nhân, 04 doanh nghiệp công lập và 08 Hợp tác xã thực hiện thu gom rác thải sinh hoạt tại nguồn; phương tiện vận chuyển có 97 xe ép rác đạt chuẩn, hơn 350 xe thô sơ chưa đạt chuẩn và 46 thùng 660L. Rác thải sinh hoạt tại các trạm trung chuyển, điểm hẹn được vận chuyển về Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước để xử lý theo quy định.

Cần có cơ chế quản lý tốt các chủ nguồn thải

Trước thực trạng nêu trên, ông Huỳnh Minh Nhật, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Môi trường Đô thị TPHCM đề xuất cần có cơ chế quản lý tốt các chủ nguồn thải; tuyên truyền vận động, hoặc chế tài nếu không có hợp đồng để thu gom, xử lý; chuẩn hoá lực lượng thu gom, vận chuyển rác công lập, dân lập; quy hoạch mạng lưới trạm trung chuyển phù hợp, đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư xây dựng các trạm ép rác áp dụng công nghệ hiện đại, tính tự động hoá cao; Lãnh đạo cần đẩy mạnh tổ chức thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị có chức năng thu hồi và tái chế chất thải; hình thành mạng lưới thu gom chất thải công nghiệp, chất thải cồng kềnh, chất thải tái chế tiến đến thành lập trung tâm xử lý và tái chế chất thải.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Loan, Trưởng khoa môi trường, trường đại học Văn Lang cho rằng, TP Thủ Đức cần tăng hiệu quả quản lý chất thải rắn như phát triển phân loại CTRSH tại nguồn; tuân thủ pháp luật và nâng cao nhận thức của cộng đồng tuyên truyền thực thi pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng; quản lý tổng hợp chất thải rắn, nâng cao năng lực quản lý chất thải rắn cần có sự tham gia của các đối tượng công lập - dân lập và các bên liên quan; các khía cạnh xã hội trong đó người lãnh đạo và quyết tâm chính trị là yếu tố quyết định…

GS.TS. Nguyễn Kỳ Phùng, Ủy viên Ban thường vụ, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức phát biểu kết luận tại buổi hội thảo

Phát biểu kết luận tại buổi hội thảo, GS.TS. Nguyễn Kỳ Phùng, Ủy viên Ban thường vụ, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức thay mặt Ban tổ chức gửi lời cảm ơn đến các chuyên gia, quý thầy cô là lãnh đạo các trường đại học, trung tâm nghiên cứu khoa học, các cơ quan, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp của TPHCM và TP Thủ Đức đã đến tham dự và có những góp ý, hiến kế những mô hình vô cùng chất lượng và thiết thực cho TP Thủ Đức.

"Ban tổ chức chúng tôi sẽ ghi nhận, chọn lọc và truyền tải những ý kiến đóng góp hay, các mô hình phù hợp quy định hiện hành, phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương trong nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP Thủ Đức trong thời gian tới. Từ đó sớm đưa TP Thủ Đức trở thành thành phố xanh - sạch - đẹp phát triển bền vững", lãnh đạo UBND TP Thủ Đức chia sẻ.

    Nổi bật
        Mới nhất
        TP Thủ Đức: Nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO