Sáng 22-7, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đợt 5 tại TPHCM đã đồng loạt triển khai tại các quận huyện.
Ghi nhận của phóng viên trong buổi đầu triển khai, việc tổ chức tiêm vaccine được triển khai một cách khoa học, không tập trung quá đông người nhằm mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn cho người dân nhất là trong bối cảnh TP đang thực hiện quy định giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Chiến dịch lần này diễn ra trong 2-3 tuần và có thể kéo dài tùy tình hình thực tế để đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch.
Nhiều điểm tiêm dã chiến ở trường học đã sẵn sàng bàn ghế để buổi chiều tiêm cho người dân. Một số địa điểm như Nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng (Quận 11) đã thực hiện thí điểm tiêm từ chiều hôm qua 21-7, đến sáng nay, việc tiêm vẫn tiếp tục theo quy định. Người dân đến xếp hàng đều nhận được tin nhắn hẹn giờ tiêm từ trước. Quy trình tiêm 1 chiều, người dân vào và ra 2 cửa khác nhau.
Kiểm tra sức khỏe người dân trước khi tiêm vaccine tại điểm tiêm Nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng, quận 11, TPHCM, sáng 22-7-2021. Ảnh: CAO THĂNG
Tiêm vaccine cho người dân tại Nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng, quận 11, TPHCM, sáng 22-7-2021.. Ảnh: CAO THĂNG
Tại Bệnh viện Quận 11, bác sĩ Phạm Quốc Dũng, Giám đốc Bệnh viện Quận 11 cho biết, trong sáng 22-7 đã thực hiện tiêm chủng cho 115 người. Dự kiến mỗi ngày đơn vị này tiêm cho 240 người và chương trình dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 3-8 với khoảng 3.120 người được tiêm vaccine. Vaccine được chỉ định tiêm cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền tại Bệnh viện Quận 11 là vaccine Moderna (do Mỹ sản xuất).
Không khí tiêm sáng nay diễn ra trong trật tự; người dân tuân thủ các quy định giãn cách, 5K…; điểm tiêm tổ chức chuyên nghiệp các khu vực đo thân nhiệt, khai báo y tế, khai báo thông tin, đo huyết áp, khám sàng lọc, tiêm vaccine và theo dõi sau tiêm, bảo đảm rà soát đúng đối tượng, thuận tiện cho người dân. Bên cạnh đó, lực lượng y tế tích cực hỗ trợ người dân đến tiêm vì đa số là người lớn tuổi, có người trên 90 tuổi.
Tiêm vaccine cho người trên 65 tuổi tại Bệnh viện Quận 11, TPHCM, sáng 22-7-2021. Ảnh: CAO THĂNG
Tại điểm tiêm Viện Y dược học Dân tộc TPHCM, TS-BS Trương Thị Ngọc Lan, Viện phó Viện Y dược học Dân tộc TPHCM cho biết, rút kinh nghiệm đợt tiêm trước, mỗi điểm tiêm bố trí đến 5 bàn tiêm nên có thời điểm chỗ tiêm chủng tập trung hơn 100 người kể cả khâu khám sàng lọc và nghỉ ngơi 30 phút sau tiêm, khó đảm bảo giãn cách. Do vậy, lần này, quận Phú Nhuận đã chia nhỏ điểm tiêm ra, mỗi phường chỉ bố trí 2 bàn tiêm, mỗi giờ tiêm 12 người, dù hoạt động chậm hơn nhưng đảm bảo việc theo dõi sau tiêm và an toàn.
Ghi nhận tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) lúc 8 giờ 30 sáng 22-7, khu vực tiêm chủng có không gian thoáng rộng, được chia thành các khu vực phòng tiêm, phòng chờ sau khi tiêm… lúc này có khoảng 50 người trên 65 tuổi đang ngồi đợi tới lượt vào tiêm chủng. Bác Trần Văn Đợi (71 tuổi, phường Thạch Mỹ Lợi) phấn khởi cho biết: “Tôi không đắn đo, lựa chọn xem mình sẽ được tiêm loại vaccine nào trong 3 loại Astrazenneca, Moderna và Pfizer mà thành phố được cấp lần này. Quan trọng nhất, người lớn tuổi như chúng tôi, có nhiều bệnh nền nên được tiêm bất kỳ loại vaccine nào cũng mừng và an tâm”.
Bác sĩ – CKII Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, kiêm nhiệm Giám đốc Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 3 chia sẻ, bệnh viện được giao tiêm chủng cho người từ 65 tuổi trở lên của toàn TP Thủ Đức, bình quân mỗi ngày bệnh viện sẽ tiêm cho 240 người cao tuổi. Danh sách người được tiêm chủng tại bệnh viện do UBND TP Thủ Đức chuyển đến. “Tổng số người từ 65 tuổi trở lên của TP Thủ Đức rất lớn, nhiều người có bệnh nền, vì vậy công tác tổ chức, phòng chống dịch cho các trường hợp này được bệnh viện tiến hành chặt chẽ, thực hiện nghiêm “5K”. Tất cả người cao tuổi khi đến tiêm chủng đều phải thực hiện test nhanh trước khi tiêm. Khi có kết quả âm tính mới được vào khu vực tiêm và được khám sàng lọc kỹ trước tiêm. Sau khi tiêm xong, bắt buộc phải được theo dõi từ 30-40 phút mới để họ về” – Bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Những người lớn tuổi, có bệnh lý nền được tiêm chủng tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh
Trong buổi sáng, ngoài Bệnh viện Lê Văn Thịnh, còn có Bệnh viện quận Phú Nhuận, Bệnh viện Nhân Dân 115, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định… cũng tiến hành tiêm chủng cho người từ 65 tuổi có bệnh nền, công tác tổ chức từ ngoài cửa vào đến các phòng tiêm được triển khai chặt chẽ, chu đáo và đảm bảo an toàn.
Bà Trịnh Thị Mai Trinh, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú cho biết, đợt 5 quận tổ chức 11 điểm tiêm và chia thành 2 nhóm đối tượng. Nhóm 1 có trên 32.000 người trong độ tuổi từ 18 đến 64 tiêm tại các điểm tiêm chủng cộng đồng; nhóm 2 có khoảng 31.000 người, là người từ 65 tuổi có bệnh nền tiêm tại Bệnh viện Tân Phú và một số bệnh viện trên địa bàn.
TS-BS Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế Gò Vấp cho biết, đợt 5 quận tổ chức 4 điểm tiêm gộp cho đối tượng là người cao tuổi từ 65 trở lên. Mỗi điểm tùy vào số lượng người để sắp xếp 3-5 phường/điểm. Riêng trong chiều nay, đội tiêm chủng của Bệnh viện 175 Bộ Quốc Phòng bắt đầu tiêm chủng với số lượng từ 300-500 người; điểm tiếp theo tại Trường Đại học Công nghiệp 4, dự kiến khoảng 300 người lớn tuổi. Sau đó, quận sẽ đánh giá, rồi mới nhân rộng ra toàn quận trong những ngày tiếp theo.
Bên cạnh đó, một số địa phương vẫn chưa tổ chức tiêm trong hôm nay vì đang rà soát lại danh sách các đối tượng ưu tiên. Lãnh đạo một số trung tâm y tế quận huyện cho biết lần tiêm này được chuẩn bị rất kỹ, công tác tổ chức đã có sẵn trong kế hoạch. Theo chỉ đạo của lãnh đạo TP, việc lựa chọn thời điểm, địa điểm do địa phương toàn quyền quyết định dựa trên nguyên tắc “chưa sẵn sàng thì chưa triển khai”.
Theo kế hoạch, đối tượng ưu tiên tiêm chủng trong đợt 5 được xác định là những người mắc các bệnh nền (bệnh thận mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường); người trên 65 tuổi; người thuộc diện chính sách, có công và đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người yếu thế; người làm việc trong cơ sở y tế, ngành y tế; người tham gia trực tiếp phòng chống dịch (thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, người làm việc ở khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, tổ Covid-19 cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...). Ngoài ra, TP cũng ưu tiên tiêm cho những có nguy cơ cao, trong đó tập trung là người nghèo, sống chen chúc, tạm bợ.
Các đội tiêm được bố trí theo đúng quy định (mỗi đội gồm 1 bác sĩ khám sàng lọc, 1 điều dưỡng thực hiện kỹ thuật tiêm, 1 bác sĩ và 11 điều dưỡng theo dõi sau tiêm, 1 nhân viên hành chính). Tất cả nhân sự chuyên môn phải được tập huấn về an toàn tiêm chủng. Các đội tiêm khi thực hiện nhiệm vụ phải tuân thủ phương tiện phòng hộ (áo choàng, khẩu trang N95, kính/mạng che mặt...). Sở Y tế TPHCM cũng lưu ý các cơ sở tiêm chủng phải liên hệ phòng y tế, trung tâm y tế địa phương để biết địa điểm tiêm, chủ động liên hệ phòng y tế để bố trí số đội tiêm phù hợp với lượng người đến tiêm hằng ngày.
Quận 11: Một cơ sở tôn giáo cho mượn trụ sở làm điểm tiêm chủng vaccine Covid-19
Sáng 22-7, quận 11, TPHCM triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 đợt 5 cho các đối tượng ưu tiên trên địa bàn quận.
Theo đó, mỗi phường tổ chức 2 điểm tiêm (2 bàn tiêm) gồm 1 điểm tiêm tại Trạm Y tế và 1 điểm tiêm lưu động, với tổng cộng 32 điểm tiêm trên địa bàn quận. Mỗi điểm tiêm sẽ thực hiện tiêm cho 120 người/10 giờ/ngày. Trong ngày 22-7, quận tiêm cho 3.000 người.
Tại các địa điểm tiêm chủng, quận tổ chức tiêm giãn cách theo khung giờ trên nguyên tắc hạn chế tối đa người dân ra ngoài và tập trung tại một địa điểm. Đối với người đi tiêm chủng, quận yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp 5K như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang… theo quy định.
Theo UBND quận 11, quá trình triển khai công tác tiêm chủng đợt 5 trên địa bàn quận 11 được chuẩn bị chu đáo, tuân thủ quy trình và yêu cầu đảm bảo tuyệt đối an toàn tại các điểm tiêm chủng… Tuy nhiên, cũng có không ít khó khăn như việc bố trí địa điểm tiêm chủng đảm bảo diện tích đủ rộng nên có số ít đơn vị phải huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ, điển hình là điểm tiêm chủng tại phường 13, do khó khăn về địa điểm tổ chức.
Cụ thể, địa điểm dự kiến là Trường Mầm non phường 13 hiện đang bị phong tỏa. Do đó, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận 11 đã vận động cơ sở tôn giáo là Nhà thờ Thăng Long (địa chỉ số 84 Tôn Thất Hiệp, phường 13) hỗ trợ và thành lập điểm tiêm chủng tại phường, góp phần chung tay cùng quận trong công tác phòng chống dịch.
Người dân tiêm chủng vaccine Covid-19 tại điểm tiêm Nhà thờ Thăng Long, phường 13, quận 11
Thực hiện nghiêm túc việc tiêm chủng vaccine Covid-19
Bộ Y tế vừa có văn bản hỏa tốc gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện nghiêm túc việc tiêm chủng vaccine Covid-19. Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên đặc biệt là các tỉnh, thành phố có dịch diễn biến phức tạp theo chỉ đạo cua Chính phủ, Thủ tướng, Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định các đổi tượng tiêm chủng phù hợp với tình hình thực tế; chỉ đạo việc rà soát các đối tượng tiêm theo đúng quy định và chỉ đạo thực hiện tiêm chủng tối đa số vaccine được cấp, bảo đảm an toàn, hiệu quả, tăng diện bao phủ tiêm chủng.
Đôn đốc các cơ sơ tiêm chủng xây dựng kế hoạch, tiếp nhận và tổ chức tiêm ngay các loại vaccine phòng Covid-19 đã được Bộ Y tê phân bổ. Thực hiện tư vấn cho người được tiêm chung lợi ích, tác dụng của các loại vaccine và thực hiện tiêm sớm, đúng lịch, không để xảy ra tình trạng lựa chọn hoặc chờ đợi để được tiêm loại vaccine khác.
Đẩy nhanh, tăng tốc độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy trình tiêm chủng bao gồm xây dựng kế hoạch, tổ chức đăng ký tiêm, thực hiện sàng lọc, tổ chức tiêm chủng... và báo cáo theo quy định. Yêu cầu sử dụng nền tảng Hỗ sơ sức khoẻ điện tử để quản lý và theo dõi đối tượng tiêm chủng.
THÀNH AN - ĐÌNH LÝ - QUANG HUY/SGGP