Ngày 31/7, tại Hà Nội, Thành ủy, UBND TPHCM đã có buổi làm việc để lấy ý kiến Ban Kinh tế Trung ương (TƯ), Văn phòng TƯ Đảng về đề án “Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030” để tăng thu ngân sách nộp về TƯ và tăng thu ngân sách để lại cho TP, tạo tiền đề để TP phát triển nhanh, bền vững.
Hội nghị do đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương (TƯ) và đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM chủ trì.
Hội nghị ngày 31-7. Ảnh: QUANG PHÚC
Theo đề án “Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030", TPHCM đề xuất xin tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách giữ lại lên 23% giai đoạn 2022-2025; 26% giai đoạn 2026-2030 (bằng với tỷ lệ điều tiết thời kỳ ổn định ngân sách hai giai đoạn trước liền kề 2011-2016; 2007-2010) là cần thiết và cấp bách.
Theo đề án, khi tỷ lệ điều tiết tăng từ 18% hiện nay lên 23%, tổng thu ngân sách nhà nước chuyển TƯ sẽ tăng thêm 39.599 tỷ đồng, tương đương 1,7 tỷ USD. Khi tỷ lệ điều tiết tăng từ 18% lên 26%, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) chuyển TƯ sẽ tăng thêm 343.861 tỷ đồng, tương đương tăng thêm 14,76 tỷ USD.
Trước khi họp lấy ý kiến Ban Kinh tế TƯ, Văn phòng TƯ Đảng về đề án này, Thành ủy, UBND TPHCM đã họp lấy ý kiến các cơ quan của Quốc hội, các bộ ngành TƯ về đề án này. Đây cũng là lần thứ 2, Thành ủy, UBND TPHCM lấy ý kiến Ban Kinh tế TƯ.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM là một nội dung của Nghị quyết 54 năm 2017 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM, vì vậy TPHCM sẽ hoàn thành sơ kết ngay Nghị quyết 54, đưa vào thành một chương của đề án. Theo đó sẽ nói rõ những điểm làm được, chưa làm được của Nghị quyết 54, trong đó có những chính sách chưa có điều kiện phát huy do còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện (nguồn vốn từ cổ phần hóa, bán nhà, đất của Trung ương trên địa bàn, nguồn thu thuế...). Rồi việc tăng thu một số loại phí cũng chưa làm được nhiều, khiến cho việc tự chủ tăng nguồn thu của TPCHM theo Nghị quyết 54 còn hạn chế. Do đó, hiện nay TP chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, ảnh hưởng đến việc giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nếu TPHCM suy giảm về kinh tế, cả nước sẽ bị ảnh hưởng và giảm số thu ngân sách nhà nước.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: QUANG PHÚC
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, TPHCM luôn xác định các đột phá để phát triển trên cơ sở bám sát các đột phá của Đảng về thể chế, nhân lực, hạ tầng.
“TPHCM không phải chỉ dựa vào nguồn điều tiết ngân sách để phát triển, mà là đồng bộ các giải pháp, bao gồm cả tiền vốn, phát triển nguồn lực nhân lực, doanh nghiệp chủ lực, đất đai, chính sách, hoạch định chính sách…”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nói.
Về cơ sở pháp lý của việc đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách TƯ cho TPHCM, theo đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM, Luật Ngân sách nhà nước quy định phải giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách, khóa sau giảm hơn khóa trước, nếu TPHCM đề nghị tăng lên là trái luật. Nhưng theo Điều 74 của luật này hướng dẫn thi hành đối với một số nội dung đặc thù thì nêu rõ: Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại và một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TPHCM, một số tỉnh thành và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất; Hà Nội thì theo Luật Thủ đô. “Do đó, nếu tăng có tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM cũng không trái luật. Còn theo Nghị quyết 54 của Quốc hội thì giao Chính phủ nghiên cứu các chính sách trong tài chính công cũng như đổi mới thể chế để TPHCM phát triển. Như vậy đề xuất này không vướng căn cứ pháp lý”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nói.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định, tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM nhưng tổng nộp về ngân sách TƯ lại tăng thêm nhiều, chứ không giảm đi. “Nếu so với phương án cũ với tỷ lệ giữ lại là 18%, khi tăng lên mà năm đầu tiên ngân sách TƯ bị hụt hơn thì chúng tôi sẽ có trách nhiệm bù vào, TPHCM không bao giờ để TƯ bị hụt ngân sách đi cả, chỉ có tăng thêm”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Theo đồng chí Bí thư Thành ủy, TPHCM đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM vì đây là nơi có năng suất lao động cao, hệ số đòn bẩy đầu tư cao. 1 đồng để lại sẽ đi vào các đơn vị sản xuất, mà năng suất lao động TPHCM cao gấp 2,7-2,9 lần cả nước, nên 1 đồng để lại có thể tạo ra 10-14 đồng. Đó là đòn bẩy chính sách tài chính công. Nếu để lại cho TPHCM 1 đồng, ngắn hạn TƯ có thể hụt 1 đồng nhưng sau đó TP sẽ nộp về cho TƯ 5 đồng. Đó là hệ số khuếch đại về ngân sách, về tài chính công, đó là điểm khác biệt của TPHCM so với các nơi khác của cả nước.
Tại cuộc làm việc, cơ bản các ý kiến đóng góp đều tán thành tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng Ban Kinh tế TƯ cũng đề nghị TPHCM tìm kiếm thêm nguồn lực phát triển, nhất là trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, kết cấu ngành nghề, nhất là tập trung mạnh cho lĩnh vực công nghệ sáng tạo. TP cũng cần sớm tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phát triển TPHCM tăng trưởng để đề xuất Bộ Chính trị các giải pháp cho TPHCM đột phá.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế TƯ, với đề án của TPHCM, phải xác định rõ mục tiêu để hướng tới. Nếu dựa vào Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 54 của Quốc hội thì phải chú trọng vào nội dung cốt lõi. Trong đó, Nghị quyết số 16-NQ/TW 2012 của Bộ Chính trị và Kết luận 21-KL/TW năm 2017 của Bộ Chính trị giao nhiệm vụ xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, đề án cần nêu rõ những tồn tại ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng TPHCM với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, giảm đóng góp của TP cho TƯ. Đồng thời, đề án phải bảo đảm có được sự đồng thuận cao trước khi trình ra Bộ Chính trị. Tờ trình của đề án phải thể hiện đúng thực tiễn phát triển của TP, trong đó nêu rõ tỷ lệ điều tiết ngân sách thấp dẫn đến những bất cập, không khuyến khích cho TP phát triển. Đề án cũng phải nêu rõ được hiệu quả của việc được tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách; nêu rõ tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM nhưng về số tuyệt đối là không ảnh hưởng đến ngân sách TƯ, không ảnh hưởng nhiều đến phân bổ ngân sách TƯ, điều này phải có sự đồng thuận của Bộ Tài chính.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, TPHCM cũng cần làm rõ tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách là một trong những bước đi để giúp TP cơ cấu lại kinh tế TP, đi đầu trong CNH-HĐH, từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á, tái cơ cấu lại kinh tế TPHCM, đúng tinh thần Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị. Đó cũng là cách để TPHCM kết nối được với vùng kinh tế phía Nam và Tây Nguyên, đóng góp lan tỏa cho kinh tế cả nước.
"Tóm lại đề án phải nêu bật được cả về thực tiễn (khả thi) lẫn cam kết chính trị (bảo đảm đạt được mục tiêu xây dựng TPHCM như tinh thần Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị)". Đồng chí Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng, đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM lên 23% là khả thi.
Phát biểu tiếp thu các ý kiến đóng góp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cảm ơn các ý kiến đóng góp rất tâm huyết, sâu sắc. Đề án sẽ được hoàn thiện bảo đảm mục tiêu kép: tăng thu cho TƯ, tăng thu cho TP. TPHCM cũng sẽ tổng kết Nghị quyết 54 của Quốc hội.