TPHCM cần 2 tỷ USD để đảm bảo an ninh nguồn nước trong trường hợp khẩn nguy

14:25 16/04/2024

UBND TPHCM vừa ban hành quyết định phê duyệt “Phương án phát triển thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Theo đó, ngành thủy lợi TPHCM đã và đang xây dựng được khoảng 45 hệ thống công trình thủy lợi với khoảng 2.000km đê bao, bờ bao lớn nhỏ ven các sông kênh rạch, kèm theo trên 900 các loại công trình phụ trợ như cống, đập, trạm bơm...

Cần Giờ (TPHCM). 
Cần Giờ (TPHCM). 

Ngoài ra còn có khoảng 600 hạng mục công trình bờ bao phòng chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn được đầu tư các năm qua.

Các công trình, hệ thống công trình thủy lợi đã và đang xây dựng tại TPHCM đáp ứng nhu cầu phục vụ tưới tiêu, xổ phèn, ngăn mặn cho khoảng 55.000ha đất sản xuất nông nghiệp; ngăn lũ, ngăn triều, chống ngập úng cho khoảng 70.000ha; đầu tư tập trung chủ yếu tại các huyện ngoại thành và quận vùng ven như các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ, TP Thủ Đức; các quận 12, Bình Tân.

Hệ thống thuỷ lợi tưới tiêu tại xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi (TPHCM). Ảnh: ĐỨC TRUNG
Hệ thống thuỷ lợi tưới tiêu tại xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi (TPHCM). Ảnh: ĐỨC TRUNG

Theo UBND TPHCM, hiện nay thành phố đã và đang đối mặt với các nhiều loại hình thiên tai và nguy cơ nên công tác vận hành điều tiết hệ thống công trình thủy lợi cũng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt trong mùa khô, ngoài việc điều tiết phục vụ tưới tiêu, ngăn mặn công trình còn phải vận hành điều tiết ngăn nguồn thải ô nhiễm.

Vì vậy, UBND TPHCM cho rằng cần rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh nhằm đáp ứng nhiệm vụ đa mục tiêu của công trình thủy lợi.

Theo phương án phát triển thủy lợi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì có 3 tiểu vùng. Tiểu vùng 1 huyện Củ Chi sẽ có 3 nhiệm vụ về hệ thống kênh Đông, hệ thống thủy lợi ven sông Sài Gòn và tiêu thoát nước. Tiểu vùng này dự kiến sẽ có 185 công trình được hoàn thiện xây dựng, với kinh phí gần 14.000 tỷ đồng. Hệ thống kênh Đông sẽ cần nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống, đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt của TPHCM từ nguồn nước hồ Dầu Tiếng, thông qua hệ thống công trình thủy lợi kênh Đông Củ Chi đến năm 2045 là 1 triệu m3/ngày đêm. Hệ thống thủy lợi ven sông Sài Gòn sẽ được nâng cấp đảm bảo khả năng cấp nước và tiêu thoát nước, phòng chống lũ và kiểm soát triều cường.

Tiểu vùng 2 là khu vực quận 12, các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè. Đây là khu vực nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, chủ yếu được cung cấp từ các hệ thống kênh, rạch nội vùng xuất phát từ sông Vàm Cỏ, sông Sài Gòn, rạch Tra. Tiểu vùng này cần nâng cấp hệ thống thủy lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh bằng việc nạo vét thông thoáng dòng chảy, nâng cấp bờ hai bên kết hợp giao thông nông thôn và bổ sung hoàn chỉnh hệ thống cống, đê bao bảo vệ các khu sản xuất, khu dân cư. Tiểu vùng 2 cần 266 công trình thủy lợi với hơn 9.560 tỷ đồng.

Tiểu vùng 3 là huyện Cần Giờ cần nâng cấp các tuyến kè chống sạt lở, đê bao chống ngập do triều cường, nạo vét các kênh, rạch để tăng khả năng tiêu thoát nước. Đối với khu vực sản xuất muối cần xây dựng hệ thống đê bao bảo vệ vùng sản xuất khi có triều cường và nước dâng do bão. Tiểu vùng 3 cần 101 công trình với gần 2.990 tỷ đồng.

Ngoài 3 tiểu vùng này, TPHCM cũng cần đầu tư 105 công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng với gần 450 tỷ đồng trong tương lai.

Theo phương án phát triển thủy lợi này thì một trong những nhiệm vụ quan trọng của thành phố là đảm bảo nước sạch cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất - kinh doanh.

Vì vậy, quy hoạch cấp nước thành phố đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060 sẽ cần xây dựng hệ thống hồ điều tiết, hồ dự trữ nước thô và các bể chứa nước sạch tại các nhà máy nước. Đồng thời xây dựng phương án xử lý tình huống ảnh hưởng tác động của biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước.

Báo cáo cuối kỳ Điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, liên danh tư vấn nêu TPHCM cần xây 5 cụm hồ trữ nước thô, nước sạch với diện tích 500ha. Ngoài ra, TPHCM cũng cần dời dần điểm khai thác nước thô hiện hữu lên phía thượng lưu sông Sài Gòn và sông Đồng Nai để tránh nhiễm mặn. Tổng kinh phí cho kế hoạch làm hồ trữ nước và di dời điểm lấy nước thô này cần đến 2 tỷ USD để TPHCM đảm bảo an ninh nguồn nước trong trường hợp khẩn nguy.

ĐỨC TRUNG/Báo SGGP

Tin cùng chuyên mục