TP.HCM hướng tới mỗi công dân là một công dân số
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, quy mô trường lớp ở TP.HCM đã được phủ khắp 21 quận, huyện và TP Thủ Đức với 5.726 cơ sở giáo dục và đào tạo từ mầm non đến đại học.
Từ phải qua: ông Jonathan Wallace Baker - trưởng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc, ông Nguyễn Văn Phúc - thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, bà Nguyễn Thị Lệ - phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP.HCM, bà Lê Thị Hồng Vân - quyền vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam - trong lễ trao giấy chứng nhận thành phố học tập toàn cầu - Ảnh: HỮU HẠNH
Phát biểu tại buổi lễ vinh danh, bà Nguyễn Thị Lệ - phó bí thư Thành ủy, chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM - nói việc TP.HCM được UNESCO công nhận là TP học tập toàn cầu là niềm vinh dự.
Điều này cũng thể hiện sự công nhận của thế giới đối với các chính sách, cam kết, nỗ lực của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng trong việc đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện, thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.
Ông Nguyễn Văn Phúc - thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và bà Nguyễn Thị Lệ - phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP.HCM - nâng cao giấy chứng nhận TP.HCM gia nhập Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu - Ảnh: HỮU HẠNH
Bà Lệ cũng tin tưởng rằng với sự hợp tác và hỗ trợ từ UNESCO cùng với các thành viên khác trong mạng lưới, TP.HCM sẽ tiếp tục phát triển và vươn lên một cách mạnh mẽ, trở thành một trung tâm giáo dục hàng đầu của khu vực và đạt được uy tín, thứ hạng cao trong đánh giá và nhìn nhận của thế giới.
"Với tư cách là thành viên của Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu, TP.HCM sẽ nỗ lực không ngừng để đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội học tập và phát triển; cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các thành viên khác. TP.HCM đã sẵn sàng cho hành trình hướng tới một tương lai mà mỗi công dân đều là một công dân số, một công dân học tập toàn cầu", bà Lệ cam kết.
Triển khai chương trình "Thành phố học tập toàn cầu UNESCO giai đoạn 2024 - 2030" tại TP.HCM
Có mặt tại buổi lễ, ông Jonathan Wallace Baker - trưởng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam - chia sẻ niềm vui với TP.HCM và khẳng định UNESCO tin tưởng việc TP.HCM trở thành thành viên của mạng lưới này hoàn toàn phù hợp với chủ trương "cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030" của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ông Jonathan Wallace Baker - trưởng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam - Ảnh: HỮU HẠNH
Tại buổi lễ, ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM - khẳng định việc trở thành thành viên chính thức Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO là vinh dự và trách nhiệm chung của quốc gia, cộng đồng, chính quyền các cấp, cơ quan, ban ngành liên quan trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của các danh hiệu được UNESCO công nhận.
Chính vì thế, TP.HCM xác định danh hiệu "Thành phố học tập toàn cầu" được UNESCO công nhận không chỉ là mục tiêu đạt được mà là điểm khởi đầu cho những chương trình hành động tiếp theo.
Tại buổi lễ, ông Dương Anh Đức đã thay mặt lãnh đạo TP.HCM phát động triển khai thực hiện chương trình hành động xây dựng "Thành phố học tập toàn cầu UNESCO giai đoạn 2024 - 2030" trên địa bàn TP.
"Tiếp tục và tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng thành phố học tập và xã hội học tập, bảo đảm đến năm 2030 mọi công dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế", ông Đức nhấn mạnh.
UBND TP.HCM đề nghị thực hiện 5 nhiệm vụ sau khi gia nhập mạng lưới học tập toàn cầu
1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, đào tạo.
2. Công tác triển khai thực hiện xây dựng thành phố học tập phải gắn với triển khai thực hiện các đề án học tập.
3. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
4. Nội dung được xác định cụ thể thông qua việc xác định các chỉ tiêu thực hiện, phù hợp với từng cơ quan.
5. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.