Ngày 4/10, ông Phạm Văn Hiền, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất-Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết tại Khu chế xuất Linh Trung có khoảng 26 doanh nghiệp hoạt động trở lại, số lao động đi làm chủ yếu ở thành phố, đã tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19 hoặc tiêm mũi 1 được hơn 14 ngày.
Riêng tại Khu chế xuất Tân Thuận, cùng nhiều khu công nghiệp khác như An Hạ, Bình Chiểu, Cát Lái II, Hiệp Phước, Lê Minh Xuân… bộ phận văn phòng của 80% doanh nghiệp đã đến làm việc để thực hiện các giấy tờ, thủ tục gửi các cơ quan chức năng chuẩn bị cho doanh nghiệp hoạt động trở lại trong thời gian tới.
Số còn lại là công ty sản xuất “3 tại chỗ” thực hiện duy trì số lượng công nhân làm việc từ giữa tháng 7 đến nay nhưng tất cả các doanh nghiệp đều thực hiện kiểm tra y tế, yêu cầu công nhân tuân thủ 5K, test nhanh kháng nguyên trước khi công nhân vào làm việc. Nhiều doanh nghiệp còn yêu cầu công nhân thay khẩu trang đã dùng trước khi vào nhà máy làm việc.
Ông Huỳnh Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần dược phẩm SAVI tại Khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7 cho biết, trước đây, công ty hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ” với khoảng 300 người lao động đi làm. “Tuy nhiên, đến cuối tuần qua công ty đã dừng hoạt động theo hình thức này để tất cả lao động của công ty đi làm trở lại trong điều kiện bình thường mới,” ông Nghĩa chia sẻ.
Ngược lại, ông Quách Mẫn Nghĩa, Chủ tịch Công đoàn Công ty Always tại Khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết hiện chỉ có bộ phận văn phòng và lãnh đạo công ty đã vào làm việc nhưng cũng chỉ mới chuẩn bị các thủ tục để hoạt động trở lại.
Tương tự, hàng trăm công nhân của Công ty Nissei Electric Việt Nam tại Khu chế xuất Linh Trung I, thành phố Thủ Đức, cũng đã trở lại công ty làm việc sau hơn 2 tháng phải tạm ngừng việc.
Chị Vương Thị Ngọc Bích, công nhân của Công ty Nissei Electric Việt Nam tại Khu chế xuất Linh Trung I chia sẻ, được trở lại làm việc chị rất vui, bởi gần 2 tháng nay do giãn cách xã hội nên cũng mệt mỏi cả về kinh tế lẫn tinh thần. Việc đi lại qua chốt giữa Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh trên Quốc lộ 1K cũng thuận tiện bởi các lực lượng trực chốt tại đây hướng dẫn, kiểm tra khai báo di chuyển nội địa qua phần mềm VNEID và giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2.
Một số người khác chưa cài phần mềm VNEID trên điện thoại thì được hướng dẫn cài phần mềm để khai báo. Còn những người không có điện thoại thông minh thì được các lực lượng trực chốt hướng dẫn khai báo qua giấy, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi làm.
Theo Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Hepza), các doanh nghiệp đang gấp rút hoàn thành các tiêu chí theo quy định để sớm đón công nhân lao động trở lại nhà máy, xí nghiệp hoạt động trở lại. Trong đó, Hepza đang phối hợp với các cơ quan y tế thành phố, quận, huyện tăng cường tiêm mũi 2 vaccine phòng COVID-19 cho công nhân để họ đủ điều kiện quay lại nhà máy.
Ông Phạm Thanh Trực, Phó trưởng ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết tính đến thời điểm hiện tại đã có 242.000 người lao động trong các các Khu chế xuất, Khu Công nghiệp thành phố đã được tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 và trên 204.000 người lao động đã được tiêm mũi 2. Còn lại 46.000 lao động chưa tiêm vaccine mũi 1 và gần 83.000 người lao động đang chờ tiêm vaccine mũi thứ 2.
Một trong những điều kiện cần thiết để doanh nghiệp và người lao động được trở lại sản xuất sau khi Thành phố nới lỏng giãn cách như tiêm đủ 2 liều vaccine; đảm bảo thời gian đủ 2 tuần sau khi tiêm liều thứ nhất (vaccine tiêm 2 lần) hoặc vaccine tiêm một liều; người lao động mắc COVID-19 đã khỏi bệnh có giấy chứng nhận của cơ quan thẩm quyền. “Do đó, việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine trong công nhân lao động không chỉ giúp phòng, chống dịch được tốt hơn mà còn giúp doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy thành phố phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới,” ông Trực chia sẻ.
Thành phố Hồ Chí Minh có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp với gần 1.500 nhà máy và 288.000 lao động. Khi dịch bệnh bùng phát và phải thực hiện sản xuất theo phương án "3 tại chỗ", "1 cung đường, hai điểm đến", chỉ có 720 doanh nghiệp với hơn 64.000 người lao động làm việc./.
Thanh Vũ (TTXVN/Vietnam+)