TPHCM cùng 3 tỉnh ký kết quy chế triển khai thực hiện xây dựng đường Vành đai 3

15:09 02/07/2022

(HMC) - Sáng 2-7, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện dự án xây dựng đường Vành đai 3 và công tác chuẩn bị dự án đường Vành đai 4 TPHCM. Tại hội nghị, lãnh đạo TPHCM cùng 3 địa phương: Đồng Nai, Bình Dương và Long An ký kết quy chế, kế hoạch triển khai thực hiện đường Vành đai 3, bước đầu đưa dự án đi vào thực tế.

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các Sở, ban, ngành liên quan của 4 địa phương triển khai dự án đường Vành đai 3 TPHCM.

Lãnh đạo 4 địa phương thể hiện quyết tâm thực hiện dự án đường Vành đai 3 TPHCM qua việc ký kết phối hợp. Ảnh: Thiệp Hợp 
Lãnh đạo 4 địa phương thể hiện quyết tâm thực hiện dự án đường Vành đai 3 TPHCM qua việc ký kết phối hợp. Ảnh: Thiệp Hợp 

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm cho biết, ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường Vành đai 3 vào giữa tháng 6 vừa qua, TP cùng với các địa phương đã khẩn trương phối hợp triển khai các phần việc tiếp theo trong thẩm quyền. 

Theo chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương, mà chủ chốt là TPHCM, đang đẩy nhanh tiến độ, nỗ lực khởi công dự án vào tháng 6-2023, thay vì đến cuối năm 2023 như dự tính trước đó.

Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm thông tin về kế hoạch triển khai dự án. Ảnh: Thiện Hợp 
Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm thông tin về kế hoạch triển khai dự án. Ảnh: Thiện Hợp 

Giám đốc Sở GTVT TPHCM cũng cho biết, Sở đã tham mưu TP chủ động đề xuất với các cơ quan Trung ương nhiều cách làm riêng. Trong đó, đáng chú ý là xin chỉ định thầu rút gọn để rút ngắn thời gian; phân công cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chính của từng dự án thành phần; tổ chức thực hiện song song một số đầu việc.

Tuy nhiên, hiện tại dự án vẫn đang chờ Nghị quyết; các ban quản lý phải làm việc với tư vấn, đây lại là điểm nghẽn lớn nhất trên nguyên tắc chỉ định thầu. Thời gian chỉ định thầu trong 2 năm sau khi Nghị quyết ra đời.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thiệp Hợp 
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thiệp Hợp 

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, vành đai 3 TPHCM là dự án lớn, thời gian thực hiện ngắn nên các địa phương cần và có thể triển khai song song một số công việc, trong khi trình Chính phủ ban hành Nghị quyết. 

Liên quan đến đề nghị ngày 15/8 bắt đầu giải phóng mặt bằng, lập dự án khả thi là 4 tháng rưỡi, Bộ GTVT đồng tình với ý kiến của TPHCM và khẳng định là thực hiện được.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, vấn đề khó nhất của dự án là công tác giải phóng mặt bằng, cần làm nhanh nhưng phải chắc chắn. Thời điểm khởi công phải có 70% mặt bằng cho ban quản lý dự án triển khai thi công. "Cần gắn trách nhiệm với từng cơ quan, đơn vị, cán bộ. Sau này, căn cứ vào đó để kiểm điểm tiến độ", ông Lê Đình Thọ đề nghị.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thay mặt các địa phương tiếp thu ý kiến từ  cơ quan Trung ương. Ành: Thiện Hợp 
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thay mặt các địa phương tiếp thu ý kiến từ  cơ quan Trung ương. Ành: Thiện Hợp 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thay mặt TP và các tỉnh cùng thực hiện dự án cảm ơn sự góp ý, tư vấn và cho chủ trương từ các cơ quan Trung ương. TP sẽ là đầu mối tiếp thu những ý kiến tại Hội nghị để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Chính phủ. Lãnh đạo TPHCM cho biết: "Các địa phương cũng sẽ chủ động triển khai song song các phần việc để đảm bảo tiến độ mốc chính của dự án".

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TPHCM cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh tiến độ thẩm định và trình Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi để dự án sớm triển khai.

Quang cảnh hội nghị sáng 2/7/2022. Ảnh: Thiện Hợp 
Quang cảnh hội nghị sáng 2/7/2022. Ảnh: Thiện Hợp 

Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM được Quốc hội thông qua vào sáng 16/6.

Nghị quyết nêu rõ mục tiêu: Đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 TPHCM, kết nối TPHCM với tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Long An và các địa phương khác trong vùng; phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang đầu tư; tạo không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng sử dụng đất nhằm xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Dự án thực hiện với khoảng 76,34 km, chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công, tổng mức đầu tư dự kiến 75.378 tỷ đồng. Về tiến độ, chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Huỳnh Nhung - Thiện Hợp

Tin cùng chuyên mục