TPHCM dành 3.900 tỷ đồng xây dựng nút giao An Phú, 8.200 tỷ cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên

10:50 22/04/2021

Sáng 22/4, tại kỳ họp thứ 25, kỳ họp cuối cùng của HĐND TPHCM khóa IX, HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng nút giao thông An Phú (TP Thủ Đức) và dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.

Khai mạc kỳ họp thứ 25, HĐND TPHCM khóa IX. Ảnh: VIỆT DŨNG
Khai mạc kỳ họp thứ 25, HĐND TPHCM khóa IX. Ảnh: VIỆT DŨNG

Dự án xây dựng nút giao thông An Phú (TP Thủ Đức) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM quản lý dự án, có tổng vốn thực hiện là 3.926 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 1.800 tỷ đồng và vốn ngân sách TPHCM là 2.126 tỷ đồng.

Việc đầu tư dự án nhằm tăng cường kết nối cho tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ và các tuyến trục chính của TPHCM. Dự án cũng nhằm giải quyết ùn tắc, đáp ứng nhu cầu giao thông thông suốt cho tuyến đường vận tải quan trọng của TPHCM và TP Thủ Đức.

Về dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn), dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị quản lý dự án.

Dự án thuộc nhóm A với mức tổng đầu tư là 8.200 tỷ đồng, gồm 4.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách Trung ương và 4.200 tỷ đồng từ ngân sách TPHCM. Địa điểm thực hiện dự án tại quận 12, quận Bình Tân, quận Tân Phú, quận Tân Bình, quận Gò Vấp, quận Bình Thạnh và huyện Bình Chánh.

Dự án có quy mô xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường toàn tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên với chiều dài toàn tuyến hơn 32,7km. Trong đó, xây dựng kè dọc hai bên bờ kênh dài hơn 32,7km bằng bê tông cốt thép dự ứng lực; nạo vét toàn tuyến kênh; làm bến thuyền dọc theo tuyến kênh (12 bến); xây dựng đường giao thông dọc 2 bên bờ kênh dài hơn 32,7km với chiều rộng mặt đường từ 8m-12m và 3 cầu dọc theo tuyến; xây dựng hệ thống thoát nước mưa, hào kỹ thuật, chiếu sáng và cầu giao thông… hai bên bờ kênh.

Dự án được thực hiện nhằm tiêu thoát nước, chống ngập và giải quyết ô nhiễm, kết nối hạ tầng giao thông. Đây là dự án hạ tầng mang tính chất phục vụ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đồng thời làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM trong tương lai.

Dự kiến khi hoàn thành, dự án sẽ mang lại một số hiệu quả kinh tế gián tiếp. Do được ngăn lũ, chống ngập, giải quyết ô nhiễm sẽ làm cho giá trị đất, giá trị nhà trong khu vực dự án tăng lên, gia tăng sản lượng cây trồng. Gia tăng GDP khi vận chuyển hàng hóa, vận chuyển hành khách trên sông thuận lợi và kết hợp phát triển du lịch. Dự án giúp tiêu thoát nước mưa, chống úng ngập cho diện tích 14.900ha của khu vực và các khu vực khác có liên quan...

Cả hai dự án có thời gian thực hiện từ năm 2021 đến 2025. HĐND TPHCM giao UBND TPHCM chịu trách nhiệm về sự chậm trễ so với thời gian và tiến độ thực hiện dự án.

MẠNH HÒA - MAI HOA/SGGP

Tin cùng chuyên mục