TPHCM đưa nước uống, thực phẩm dinh dưỡng... vào chương trình bình ổn
UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường năm 2025 - Tết Bính Ngọ năm 2026 trên địa bàn thành phố. Chương trình được thực hiện từ ngày 1/4/2025 đến ngày 31/3/2026.
So với năm 2024, chương trình năm nay dự kiến tăng 4-6% lượng hàng hóa bình ổn. Vào các tháng thường, lượng hàng bình ổn sẽ chiếm từ 21-32% thị phần, các tháng tết sẽ chiếm từ 25% đến 43% nhu cầu thị trường.
Mặt hàng bình ổn được mở rộng, tập trung vào lương thực (gạo, lương thực chế biến khô, bột…); đường; dầu ăn; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau củ quả; thủy hải sản; gia vị; sữa; nước uống và thực phẩm dinh dưỡng.
![]() |
Chương trình bình ổn thị trường năm 2025 sẽ tiếp tục triển khai các gian hàng lưu động phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân |
Đối với nhóm hàng học tập sẽ có 6 nhóm gồm: tập vở; cặp, ba lô, túi xách; đồng phục học sinh; giày dép học sinh; dụng cụ học tập; thiết bị điện tử phục vụ học tập.
Với nhóm hàng thiết yếu, có 6 nhóm là nước rửa chén, nước lau sàn, nước rửa tay, nước giặt/xả vải, túi rác phân hủy sinh học, khăn giấy ướt/khô.
So với các năm trước, hàng bình ổn sẽ được tăng cường kiểm soát chất lượng. Theo đó, chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa được đẩy mạnh để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng sản phẩm.
Năm nay, thành phố cũng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất và phân phối hàng hóa bình ổn. Đồng thời, các bên tham gia chương trình sẽ phối hợp dự báo xu hướng thị trường, định hướng cho doanh nghiệp sản xuất và phân phối hàng hóa phù hợp với nhu cầu người dân.
Điểm đáng chú ý là cơ chế điều chỉnh giá linh hoạt. Ví dụ như mặt hàng thịt heo đã liên tục tăng giá trong các tháng đầu năm 2025 và đỉnh điểm tăng trên 80.000 đồng/kg với heo hơi. Do đó, theo đề xuất của doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường, Sở Tài chính TPHCM đã quyết định cho phép doanh nghiệp điều chỉnh giá hai lần, lần đầu vào đầu tháng 3/2025 với mức tăng từ 3.000-13.000 đồng/kg và lần thứ hai áp dụng tăng 3.000-6.000 đồng/kg từ ngày 1/4/2025.
Theo kế hoạch, Sở Công Thương TPHCM được giao phối hợp với các đơn vị sàn thương mại điện tử tổ chức các gian hàng trực tuyến dành riêng cho các mặt hàng bình ổn thị trường và hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia bán sản phẩm hoặc thực hiện gian hàng, kênh bán hàng trực tuyến của doanh nghiệp.
Phối hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối các ngân hàng tổ chức, tín dụng thiết kế sản phẩm tín dụng tiêu dùng phù hợp cho nhóm đối tượng công nhân, người lao động, phục vụ mua sắm các sản phẩm bình ổn thị trường.
Xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhằm phát hiện, xử lý theo thẩm quyền, theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật như đầu cơ, găm hàng, sản xuất - kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng gian, hàng giả, hàng không có hóa đơn, chứng từ, hàng không có nguồn gốc xuất xứ, hàng không có nhãn mác, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm…
Riêng phía doanh nghiệp, UBND TPHCM khuyến khích tham gia Chương trình đầu tư phát triển các loại hình phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chú trọng phát triển điểm bán tại các chợ dân sinh, các khu chế xuất - khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu lưu trú công nhân, khu vực ven - ngoại thành trên địa bàn Thành phố…
Những điểm mới này cho thấy sự nỗ lực của TPHCM trong việc đảm bảo ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.