TPHCM: Gia hạn thời gian các trường THCS chọn SGK mới lớp 6 đến ngày 5-3-2021

14:12 25/02/2021

Sáng 25-2, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức hội thảo trực tuyến triển khai công tác chuẩn bị sách giáo khoa thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 ở bậc THCS với sự tham gia ở các điểm cầu của tất cả trường THCS trên địa bàn Thành phố.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, năm học 2021-2022 là năm đầu tiên các trường học trên địa bàn TPHCM nói riêng, cả nước nói chung thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 ở bậc THCS.

Trong đó, nội dung chương trình các môn học, phương pháp tiếp cận thay đổi khá nhiều, đặc biệt ở các môn mới như Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý lần đầu tiên xuất hiện theo hình thức tích hợp liên môn sau một thời gian dài triển khai dạy học đơn môn ở bậc THCS.

Một trong những bộ SGK lớp 6 đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt
Một trong những bộ SGK lớp 6 đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ, thời gian Bộ GD-ĐT phê duyệt và công bố các bộ SGK thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 đối với lớp 2 và lớp 6 có trễ hơn so với kế hoạch dự kiến ban đầu. Do đó, trước đây TPHCM yêu cầu các trường THCS báo cáo kết quả đề xuất lựa chọn sách vào cuối tháng 2-2021 thì nay gia hạn thêm 1 tuần cho các trường thực hiện đến ngày 5-3-2021.  

Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TPHCM thông tin, thời điểm hiện tại, giáo viên lớp 6 các trường THCS vừa triển khai dạy học trên internet vừa nghiên cứu, đề xuất lựa chọn SGK, bước đầu tiên thực hiện triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 ở bậc THCS.

Trong đó, đối với các bộ môn gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý cần nghiên cứu sâu hơn vì có nhiều điểm mới trong triển khai dạy học. Các trường được yêu cầu  chọn sách phù hợp mục tiêu kế hoạch giáo dục nhà trường và kế hoạch bài dạy (giáo án) của giáo viên, không phải chọn sách theo kiểu đọc và so sánh nội dung giữa các bộ sách, thấy sách nào hay thì chọn.

Như vậy, bắt đầu từ năm học 2021-2022, trong cùng một trường THCS sẽ tồn tại song song 2 kế hoạch giáo dục của 2 chương trình ở các khối lớp khác nhau, gồm chương trình giáo dục theo Quyết định 16 của Bộ GD-ĐT (trước đây gọi là chương trình giáo dục hiện hành) ở các khối 7, 8, 9 (đã có chương trình, kế hoạch dạy học chi tiết) và Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 ở khối 6 (không có chương trình chi tiết).

Nhiệm vụ của giáo viên khi triển khai chương trình mới là tìm hiểu Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, thảo luận và đề xuất kế hoạch giáo dục cho học sinh. Riêng giáo viên các tổ chuyên môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học phải tham gia học tập, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu dạy học cả 2 chương trình trong trường THCS.

Bên cạnh đó, các trường cần đề xuất chọn lựa tài liệu, ấn phẩm, tài liệu dạy học bổ trợ phù hợp kế hoạch dạy học của giáo viên và tổ chuyên môn, đồng thời thông báo cho học sinh, cha mẹ học sinh để có chuẩn bị phù hợp.

Để thực hiện tốt công tác chuẩn bị, hiệu trưởng các trường THCS phải dự toán mua sắm thiết bị dạy học; dự kiến biên chế giáo viên; thông tin cho tổ chuyên môn về số lớp học dự kiến, phân phối thời lượng dạy học từng môn học, phân bổ hoạt động giáo dục để các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch giáo dục cũng như thông tin về đối tượng học sinh lớp 6 của năm học 2021-2022.

Hiện nay, theo ông Cao Minh Quý, Phó phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TPHCM, quy trình lựa chọn SGK lớp 6 gồm các bước: giáo viên nghiên cứu, bỏ phiếu kín kết quả lựa chọn SGK, sau đó tổ chuyên môn đề xuất, cơ sở giáo dục tiến hành họp và chọn 1 SGK/môn học. Các trường báo cáo kết quả chọn sách về phòng GD-ĐT để tổng hợp, báo cáo Sở GD-ĐT TPHCM.

Từ kết quả này, hội đồng lựa chọn SGK của TP sẽ nghiên cứu, tổng hợp và lựa chọn các đầu sách phù hợp, Sở GD-ĐT TP sẽ tổng hợp, có tờ trình báo cáo UBND TPHCM xem xét, quyết định phê duyệt danh mục SGK sử dụng trong các trường học.

Dự kiến cuối tháng 3-2021, TPHCM sẽ công bố kết quả lựa chọn SGK năm học 2021-2022. 

THU TÂM/SGGP

Tin cùng chuyên mục