TP.HCM: Gỡ khó, triển khai hiệu quả chương trình GD phổ thông mới

14:04 18/03/2023

Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 3 bài viết phân tích những khó khăn và nút thắt cần tháo gỡ để việc thực hiện lộ trình chương trình giáo dục phổ thông mới trong những năm tới đạt mục tiêu đề ra.

Sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Triển khai từ năm học 2020-2021, đến nay, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được áp dụng ở các lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình bước đầu đạt hiệu quả nhưng vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ để việc thực hiện theo lộ trình trong những năm tới đạt mục tiêu đề ra.

Phóng viên TTXVN thực hiện 3 bài viết với chủ đề "Gỡ khó triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới".

Bài 1: Những tín hiệu tích cực

Qua 3 năm triển khai, khắc phục khó khăn, việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới ở Thành phố Hồ Chí Minh bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực.

Với yêu cầu trao quyền tự chủ để giáo viên phát huy tính sáng tạo, các thầy cô đã tích cực đổi mới phương pháp, góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học, đáp ứng mục tiêu của chương trình mới.

Phát huy tính sáng tạo của giáo viên

Chương trình giáo dục phổ thông mới nhấn mạnh đến việc trao quyền tự chủ cho giáo viên. Giáo viên tham gia trực tiếp vào việc xây dựng kế hoạch dạy học của tổ bộ môn, nhà trường, đồng thời chủ động tổ chức hoạt động giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học phù hợp. Giáo viên trở thành người hướng dẫn, định hướng học sinh học tập, nghiên cứu thông qua các hoạt động giáo dục mà mình thiết kế, tổ chức.

Từ thực tế 2 năm giảng dạy chương trình mới, cô Nguyễn Thị Hiền, giáo viên lớp 2/2 Trường Tiểu học Bùi Văn Mới (thành phố Thủ Đức) cho rằng, với chương trình mới, giáo viên được phát huy tối đa tính sáng tạo, chủ động của mình trong quá trình giảng dạy.

Trước hết là việc được tham gia lựa chọn sách giáo khoa để dạy học; giáo viên có thể điều chỉnh, bổ sung nội dung từ nguồn học liệu khác nhau cho bài giảng của mình. Dựa trên khung kế hoạch giáo dục của nhà trường, tổ bộ môn, giáo viên có thể tự điều chỉnh kế hoạch dạy học của mình để phù hợp với học sinh mỗi lớp.

Việc không bị bó buộc về nguồn học liệu, phương pháp dạy, tiến độ bài học… giúp giáo viên xây dựng bài giảng phong phú, học sinh dễ tiếp cận bài học để đạt được kiến thức, kỹ năng cần thiết, phù hợp, cô Nguyễn Thị Hiền nhận định.

Tại Trường Trung học Phổ thông Gia Định, quá trình triển khai chương trình và sách giáo khoa mới đã có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp thực tế đổi mới, nhất là khuyến khích giáo viên chủ động sáng tạo khi thực hiện nhiệm vụ.

Thực tế, việc trao quyền tự chủ giúp giáo viên phát huy năng lực của mình. Tuy nhiên, thầy Tô Lâm Viễn Khoa, Phó Hiệu trưởng nhà trường đánh giá, tự chủ luôn gắn với trách nhiệm vì thế vẫn còn một bộ phận giáo viên, nhất là một số thầy cô đã lớn tuổi, sự điều chỉnh trong phương pháp dạy chưa mạnh mẽ.

Ở chương trình mới này, giáo viên sẽ vất vả hơn do phải đầu tư cho các bài giảng. Nhà trường luôn chú trọng trao quyền tự chủ cho giáo viên và hầu hết thầy cô đều sẵn sàng cho việc đổi mới này.

Tổ bộ môn sẽ xây dựng kế hoạch dạy học của tổ, trên cơ sở khung kế hoạch đó, mỗi thầy cô xây dựng kế hoạch dạy học cá nhân linh hoạt, phù hợp với từng lớp học. Ví dụ, một chuyên đề, Tổ bộ môn xây dựng với 3 tiết học, giáo viên có thể dạy một tiết lý thuyết, hai tiết làm bài tập hoặc giáo viên có thể dạy hai tiết lý thuyết, một tiết bài tập…

Ngoài sách giáo khoa và tài liệu lưu hành nội bộ, giáo viên có thể sử dụng tài liệu từ nguồn riêng nhưng phải chịu trách nhiệm với nguồn học liệu đó. Hiện những giáo viên trẻ đã mạnh dạn đổi mới cách dạy cũng như đa dạng nguồn học liệu trong dạy học, thầy Tô Lâm Viễn Khoa chia sẻ.

Theo nhận định của một số lãnh đạo trường, tự chủ là hướng mở tạo thuận lợi cho giáo viên trong giảng dạy nhưng cũng tạo áp lực khá lớn với thầy cô. Các giáo viên lớn tuổi không nhanh nhạy, năng động, không thành thạo kỹ năng tin học sẽ gặp khó khăn trong xây dựng bài giảng theo yêu cầu chương trình mới. Giao quyền tự chủ đồng nghĩa với việc tăng trách nhiệm cho giáo viên. Do đó, nhiều thầy cô còn ngần ngại đổi mới.

Hiệu quả các hoạt động giáo dục mở

Mở đầu tiết học “Một số nguyên liệu” (môn Khoa học tự nhiên lớp 6), cô Võ Thị Bảo Ngọc, Trường Trung học Cơ sở Cù Chính Lan tổ chức trò chơi “Ai nhiều hơn’’ cho học sinh tham gia. Với câu hỏi về những vật dụng làm bằng tre, học sinh nào trả lời được nhiều nhất sẽ là người thắng cuộc.

 

Giờ học môn Lịch sử của thầy và trò. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Giờ học môn Lịch sử của thầy và trò. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Từ trò chơi này, giáo viên hướng học sinh đến tìm hiểu mối liên hệ giữa những vật dụng được sử dụng trong đời sống với cây tre. Đồng thời, giáo viên chia lớp làm các nhóm cùng thực hiện nhiệm vụ tìm các đồ dùng liên quan đến “cây tre.” Sau phần trò chơi, giáo viên dẫn dắt vào nội dung bài học với nhiều nguyên liệu khác ngoài cây tre.

Trong suốt tiết dạy, giáo viên có vai trò chủ yếu hướng dẫn học sinh thảo luận theo nhóm về các nguyên liệu thông dụng, tính chất và ứng dụng của chúng… Sau mỗi phần thảo luận, giáo viên kết luận và chốt kiến thức cho học sinh.

Đó là một trong những tiết dạy được triển khai theo tinh thần đổi mới phương pháp dạy học của Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Em Đặng Nguyễn Thanh Trúc, học sinh lớp 6, Trường Trung học Cơ sở Cù Chính Lan chia sẻ qua các tiết học như vậy, ngoài kiến thức bài học, em học được nhiều kỹ năng khác như làm việc nhóm, tinh thần tập thể, đoàn kết để hoàn thành nhiệm vụ của giáo viên đưa ra.

Qua việc trao đổi, thảo luận để làm sáng tỏ vấn đề liên quan bài học, giúp em rèn luyện được tính chủ động, tích cực trong học tập, biết hợp tác, chia sẻ kết quả học tập.

Cô Võ Thị Bảo Ngọc cho rằng việc giao quyền tự chủ cho giáo viên giúp thầy cô linh hoạt trong các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học. Những đổi mới đó tác động trực tiếp tới việc tiếp thu kiến thức, hình thành kỹ năng của học sinh.

Học sinh phát huy được tính tích cực và chủ động sáng tạo trong hoạt động, nắm được trọng tâm bài học, chủ động nắm bắt kiến thức, phát huy tinh thần tập thể. Những gợi mở của giáo viên trong quá trình dạy học khuyến khích phát triển năng lực như tư duy, lập luận logic.

Dù có nhiều vất vả hơn khi thiết kế các bài giảng theo hướng mới nhưng cô Nguyễn Thị Hiền, giáo viên lớp 2/2 Trường Tiểu học Bùi Văn Mới (thành phố Thủ Đức) cho rằng, hiệu quả đạt được từ việc đổi mới này là rất lớn.

Từ việc đổi mới phương pháp dạy học, các thầy cô chủ động thiết kế nhiều hoạt động giáo dục phù hợp nội dung chương trình, bài học theo hướng mở. Việc thiết kế bài giảng theo hướng mở đã góp phần tạo hứng thú cho học sinh, phát huy tính chủ động của các em trong học tập.

Khi dạy theo phương pháp mới, học sinh hào hứng hơn, năng động hơn, không khí lớp học sôi nổi hơn so với cách dạy truyền thống một chiều như trước đây./.

 

Thu Hoài (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục