TP.HCM muốn an cư cho 48.000 hộ dân

15:58 12/11/2024

Sở Xây dựng TP.HCM vừa tham mưu UBND TP xây dựng Đề án thực hiện di dời toàn bộ nhà trên và ven sông, kênh, rạch trên địa bàn TP.HCM.

Nhiều địa phương như TP.HCM, Đà Nẵng... đã thành công trong cải tạo nhà ven sông rạch. Trong ảnh: hai góc ảnh chụp ở hai thời điểm khác nhau, nhà chồ khi xưa (ảnh nhỏ tư liệu của ÔNG VĂN SINH) và khu vực nhà chồ nay đã là đường Trần Hưng Đạo, thuộc quận Sơn Trà, Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Nhiều địa phương như TP.HCM, Đà Nẵng... đã thành công trong cải tạo nhà ven sông rạch. Trong ảnh: hai góc ảnh chụp ở hai thời điểm khác nhau, nhà chồ khi xưa (ảnh nhỏ tư liệu của ÔNG VĂN SINH) và khu vực nhà chồ nay đã là đường Trần Hưng Đạo, thuộc quận Sơn Trà, Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Nếu được chấp thuận, đây được xem là "siêu đề án" để di dời khoảng 48.000 hộ dân trên và ven sông, kênh, rạch tồn tại hàng chục năm qua và sớm chỉnh trang bộ mặt đô thị.

Quận 8 đề xuất thí điểm nhiều chính sách mới

Hiện UBND quận 8 đang tập trung thúc đẩy công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dự án cải tạo môi trường bờ bắc kênh Đôi.

Dự án này có 1.633 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có khoảng 1.019 căn nhà phải giải tỏa toàn bộ. Với 1.019 hộ dân này, có 907 hộ đủ điều kiện tái định cư và 112 hộ đủ điều kiện bồi thường nhưng không được tái định cư.

Gia đình chị Trần Thành Ý Vân (48 tuổi) đã hơn 20 năm bám trụ trong căn nhà dưới chân cây cầu sắt Hiệp Ân 2 (đường Nguyễn Duy). Căn nhà không mấy bình yên bởi tiếng ầm ầm từ cây cầu sắt inh ỏi cả đêm lẫn ngày.

Chưa kể mỗi khi mưa xuống, triều cường dâng cao, nước từ kênh tràn vào nhà. Mùi hôi thối, chuột cống, ruồi muỗi ve vãn khó chịu vô cùng. Căn nhà của chị Vân thuộc diện di dời để chỉnh trang bờ bắc kênh Đôi.

Thời gian qua, nhiều lần cán bộ địa phương có xuống đo đạc nhà cửa chuẩn bị cho công tác giải phóng mặt bằng. Chị Vân vừa mừng vừa lo, bởi đây là cơ hội để gia đình có chỗ ở mới, nhưng lo chi phí bồi thường không đủ để tái lập cuộc sống. 

Chị Vân cho biết gia đình chị sẵn sàng di dời nếu mức giá đền bù hợp lý để cuộc sống được ổn định, có điều kiện chăm lo cho các con ăn học.

Khác với gia đình chị Vân, ông Lê Quang Nghĩa (52 tuổi) lại lo lắng căn nhà dưới chân cầu Hiệp Ân 2 không được đền bù vì đây là đất ông mua sang tay, đến nay vẫn chưa có giấy chứng nhận.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Phó chủ tịch UBND quận 8 Phạm Quang Tú cho biết Luật Đất đai 2024 cho phép UBND cấp tỉnh quyết định biện pháp, mức hỗ trợ để đảm bảo có chỗ ở, ổn định đời sống và sản xuất của người dân. 

UBND quận 8 đã đề xuất 22 mức hỗ trợ để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Đáng chú ý là quận 8 đề nghị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các căn nhà mua bán sang tay trong giai đoạn từ 1-7-2014 đến trước ngày 1-8-2024 và chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất với điều kiện không có tranh chấp, có xác nhận của chính quyền địa phương về hiện trạng đất.

Bên cạnh đó, quận 8 cũng đề xuất hỗ trợ với đất ở chưa có giấy chứng nhận, nay bị thu hồi đất đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận nhưng phải thực hiện nghĩa vụ tài chính trừ tiền sử dụng đất. 

Tuy nhiên khi áp dụng Luật Đất đai mới thì việc trừ nghĩa vụ tài chính sẽ làm giảm giá trị bồi thường so với trước đây. Do đó quận 8 kiến nghị hỗ trợ thêm mức chênh lệch.

Những chính sách này cũng nhằm giải quyết những lo lắng của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án và cũng nhằm thực hiện yêu cầu khi người dân bị thu hồi đất thì phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. 

Với dự án bờ bắc kênh Đôi, quận 8 dự kiến đến tháng 6-2025 sẽ hoàn thành cơ bản việc thu hồi mặt bằng.

Trong 22 chính sách mới mà quận 8 đề xuất, có 20 chính sách đã được Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở ngành thống nhất áp dụng cho dự án rạch Xuyên Tâm. 

Hiện quận Gò Vấp và Bình Thạnh đang khẩn trương thực hiện các thủ tục để hoàn thành bàn giao mặt bằng dự án rạch Xuyên Tâm. Trong đó, quận Gò Vấp có 138 trường hợp bị ảnh hưởng và hiện quận đã bàn giao 35 trường hợp. 

Dự kiến đến tháng 12-2024, quận sẽ hoàn thành bàn giao toàn tuyến. Quận Bình Thạnh có 2.077 trường hợp bị ảnh hưởng, dự kiến quận sẽ hoàn thành bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư khởi công hai gói thầu XL-01 và XL-02 trước tháng 4-2025.

Khu nhà ven sông đường Phạm Thế Hiển (quận 8, TP.HCM). Ảnh chụp vào chiều 11-11 - Ảnh: VĂN TRUNG
Khu nhà ven sông đường Phạm Thế Hiển (quận 8, TP.HCM). Ảnh chụp vào chiều 11-11 - Ảnh: VĂN TRUNG

46.400 căn nhà chưa có phương án bồi thường

Theo Sở Xây dựng, TP.HCM còn có khoảng 48.143 căn nhà trên và ven sông, kênh, rạch. Trong đó có 9 dự án đã và đang triển khai thực hiện di dời, giải tỏa; còn khoảng 46.400 căn nhà chưa có phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Dự kiến nhu cầu nhà ở xã hội phục vụ tái định cư nhà trên và ven kênh rạch là 8.100/46.400 căn trên các tuyến kênh rạch chưa triển khai di dời. 

Riêng quận Bình Thạnh có 864/2.077 trường hợp bị ảnh hưởng dự án rạch Xuyên Tâm có nhu cầu nhà ở xã hội. Còn với dự án bờ bắc kênh Đôi, UBND quận 8 dự kiến nhu cầu nhà ở xã hội là 680/1.633 trường hợp bị ảnh hưởng.

Sở Xây dựng cho rằng nhu cầu nhà ở xã hội các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch tại các địa phương có khác nhau, dao động trên dưới 40%. Thực tế do chưa thực hiện công tác điều tra xã hội học nên một số quận huyện chưa dự kiến chính xác nhu cầu nhà ở xã hội phục vụ tái định cư.

Thời gian qua, UBND TP.HCM và các sở ngành đặt ra vấn đề áp dụng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội cho hộ dân trên và ven kênh rạch khi không có dự án. Nhưng theo quy định của Luật Đầu tư công, TP phải báo cáo và xin ý kiến chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Mặt khác, nhiều trường hợp nhà trên và ven kênh rạch không có giấy tờ hợp lệ, đa phần là chiếm dụng, nhà đất không hợp pháp... sẽ không đủ điều kiện bồi thường về đất ở nhưng được hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật Đất đai 2024. 

Tuy nhiên không phải tất cả trường hợp đều đủ điều kiện được hưởng chính sách này (đối tượng không thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thu nhập thấp).

Do đó Sở Xây dựng tham mưu UBND TP.HCM xây dựng đề án lớn để di dời toàn bộ nhà trên và ven sông, kênh, rạch. Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tham mưu xây dựng đề án. 

Trong đó, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM sẽ chủ trì thực hiện điều tra xã hội học, thống kê các số liệu và góp ý các chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho nhà trên và ven kênh rạch. UBND quận 8 sẽ là đơn vị thí điểm thực hiện các cơ chế, chính sách mới của đề án.

Nguồn: chinhphu.vn - Đồ họa: T.ĐẠT
Nguồn: chinhphu.vn - Đồ họa: T.ĐẠT

Cần đầu tư với tất cả tâm huyết

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia đồng tình với việc TP.HCM đề ra một đề án lớn với các cơ chế, chính sách mới để di dời toàn bộ nhà trên và ven kênh rạch. Tuy nhiên để an cư cho 48.000 hộ dân trong giai đoạn hiện nay là bài toán khó, cần nguồn lực rất lớn.

TS Nguyễn Minh Hòa cho biết khi cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, TP.HCM vay được khoản tiền lớn để thực hiện các dự án tái định cư cho người dân, nhưng sau một thời gian, 60 - 70% người dân đã bỏ đi.

Người dân mong muốn định cư tại chỗ, nhưng vấn đề này hiện nay rất khó do TP.HCM không còn nhiều quỹ đất. Do đó TP.HCM phải có những chính sách đủ quyết tâm di dời một lần.

Với những hộ dân không đủ điều kiện tái định cư, TP.HCM cần xây nhà cho thuê, có chính sách hỗ trợ tiền để người dân đủ thuê nhà trong vài năm, ổn định lại công việc. Bên cạnh đó có thể hỗ trợ để đưa các người dân về quê. TP.HCM không nên chần chừ, còn người dân thì mãi không chịu di dời.

Chỉnh trang kênh rạch, tiền đẻ ra tiền

Muốn làm được điều này, theo TS Nguyễn Minh Hòa - phó chủ tịch Hội Quy hoạch TP.HCM, TP phải có nguồn vốn rất lớn.

Mặc dù nguồn ngân sách TP.HCM hiện nay rất hạn chế nhưng phải nhìn rộng ra đây không chỉ là cải tạo kênh rạch mà cùng lúc sẽ giải quyết được nhiều vấn đề như an ninh trật tự, môi trường, thoát nước, giao thông, cảnh quan, sắp xếp lại dân cư... Lợi ích mang lại sẽ lớn hơn số tiền bỏ ra.

"TP.HCM có thể cắt một phần kinh phí từ đầu tư cho giao thông, giảm ô nhiễm môi trường để thực hiện đề án. Bởi giải được bài toán này sẽ góp phần giải các bài toán còn lại", ông Hòa nói.

Còn theo TS Nguyễn Thị Hồng Thu (Đại học Kinh tế TP.HCM), việc cải tạo có thể tạo ra nhiều tác động không chỉ đến hệ thống thoát nước mà còn đến cả thị trường bất động sản hai bên kênh và khu vực lân cận.

Chính quyền TP.HCM có thể khai thác giá trị tăng thêm của bất động sản để tạo thêm nguồn thu. Không chỉ vậy, khi kênh rạch được chỉnh trang sẽ thu hút đầu tư và phát triển.

Các nhà phát triển bất động sản lớn cân nhắc các dự án có quy mô lớn như khu đô thị, trung tâm thương mại, công viên giải trí và các cơ sở kinh doanh thương mại khác. Sự tham gia của nhà phát triển lớn và quy mô phát triển lớn hơn tạo ra tăng trưởng kinh tế trong khu vực và tiếp tục tạo động lực tăng giá bất động sản.

Do đó trong bối cảnh nguồn ngân sách TP.HCM còn hạn hẹp, TP.HCM có thể kêu gọi nhà phát triển bất động sản hợp tác theo hình thức hợp tác công tư (PPP) để phát triển và khai thác quỹ đất tại dự án và khu vực lân cận.

Trong trường hợp này, quy hoạch khu vực cần chỉnh trang cần mở rộng để có quỹ đất đủ lớn, thu hút sự quan tâm của nhà phát triển.

Đặc biệt tại các điểm chỉnh trang có thể kết hợp xây dựng kết nối giao thông thủy bộ, chính quyền cần cân nhắc phương án thực hiện các biện pháp tạo quỹ đất lớn tương tự như các dự án phát triển TOD (khu dân cư mật độ cao gắn với các đầu mối giao thông).

Từng có những cuộc dời dân khó quên

Từ xóa nhà chồ trên sông Hàn Đà Nẵng...

Nhà chồ ở Đà Nẵng là một sản phẩm của lịch sử có từ trước năm 1975. Chỉ trong giai đoạn sau chia tách tỉnh từ năm 1997 - 2005, Đà Nẵng đã xóa hơn 650 nhà chồ tập trung ven sông Hàn. Địa phương này cũng đồng thời xóa luôn hình thức cư ngụ kiểu vạn đò.

Hiện nay khu vực nhà chồ đã trở thành tuyến đường Trần Hưng Đạo hiện đại và đắt giá nhất nhì Đà Nẵng sau khi được chỉnh trang, quy hoạch. Từ chỗ dẹp được nhà chồ, đường đôi bờ sông Hàn đã thẳng tắp, mở ra không gian trục cảnh quan ven sông và sức sống mới cho bờ đông sông Hàn.

Theo ông Nguyễn Hoàng Long - nguyên phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (giai đoạn 1997 - 2001), để giải quyết toàn bộ số nhà chồ ở Đà Nẵng là việc không đơn giản bởi phải giải quyết hàng loạt vấn đề.

Lúc bấy giờ khi Đà Nẵng vừa tách tỉnh, bờ đông và bờ tây sông Hàn chỉ là điểm cầu kết nối. Khu vực nhà chồ nằm ở bờ đông, hạ lưu sông Hàn. Nhà chồ nằm ngay đối diện phía sông trụ sở hành chính TP nên hình ảnh tương phản rất rõ ràng.

Ông Long cho biết sự tồn tại của nhà chồ đã phát sinh nhiều vấn đề cho sự phát triển của TP ở vị thế mới. Đó là vấn đề sinh kế của một bộ phận dân cư, vấn đề môi trường - sức khỏe, an toàn cho người dân mà đặc biệt là cho con trẻ.

Vấn đề giao thông đường thủy, vấn đề quy hoạch, phát triển đô thị và cảnh quan môi trường cho du lịch - một tiềm năng và thế mạnh phát triển Đà Nẵng - sẽ bị hạn chế nếu không giải quyết được bài toán này.

Theo ông Long, Đà Nẵng đã quyết việc xóa nhà chồ một cách tình cảm, đầy nhân văn nhưng với một ý chí chính trị mạnh mẽ.

Để giải quyết bài toán này, lúc bấy giờ Đà Nẵng đã có sự thống nhất về chủ trương và quyết tâm cao trong hệ thống chính trị là yếu tố then chốt. Đồng thời đề ra nhiều chính sách táo bạo và quyết liệt, nhất là về an sinh.

"Nhà chồ là nơi sinh sống, lập nghiệp làm ăn của nhiều thế hệ hoặc những người nghèo khó của bối cảnh kinh tế sau giải phóng. Lo vấn đề an sinh là quan trọng nhất, chăm lo tốt sẽ có sự đồng thuận", ông Long nói.

Tư liệu ký ức về nhà chồ ở Đà Nẵng trước năm 2005 được trưng bày trong bảo tàng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Tư liệu ký ức về nhà chồ ở Đà Nẵng trước năm 2005 được trưng bày trong bảo tàng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

... đến cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Việc cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM) được xem là một điểm son trong chỉnh trang kênh rạch trong 20 năm qua. Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè từng có thời kỳ bị ô nhiễm nặng.

Dọc hai bờ kênh là hàng chục ngàn hộ dân sinh sống trong cảnh chật chội, mất vệ sinh. Và rồi dự án cải tạo dòng kênh được triển khai từ sự đầu tư của Nhà nước và tài trợ của nước ngoài, với vốn đầu tư 8.600 tỉ đồng.

Đến nay, con kênh ô nhiễm nặng ngày nào đã dần hồi sinh, là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thúc đẩy du lịch địa phương.

Mới đây, lễ hội đua ghe ngo quận 3 mở rộng lần thứ hai đã diễn ra ngay trên dòng kênh này, thu hút người dân đến cỗ vũ chật ních hai bờ kênh.

TS Nguyễn Minh Hòa, người tham gia đánh giá văn hóa - xã hội của dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cho biết thời điểm đó TP.HCM cùng lúc tái định cư cho hơn 7.000 hộ dân với 35.000 người, có thể được xem là cuộc di dời lớn nhất trong công cuộc tái thiết TP.HCM sau năm 1990.

Thời điểm đó, hầu hết dân sống trên và ven kênh rạch là dân nghèo, nhiều người không có miếng giấy tờ nhân thân lận lưng. Chính quyền địa phương cũng nhiều lúng túng khi ban hành các chính sách, ban đầu dự kiến chỉ tái định cư cho người có hộ khẩu tại TP.HCM nhưng phương án đó không thành công.

TP phải chạy đôn chạy đáo vận động thuyết phục từ trung ương đến tài trợ nước ngoài để có tiền xây chung cư tái định cư.

Khi bắt đầu xây dựng, trong dân lại xuất hiện tâm lý không muốn lên chung cư vì dẫu ở sạch sẽ nhưng không biết làm gì mà sống. Vận động thuyết phục mãi bà con mới chấp nhận di dời. Gần cuối dự án mới thấy thêm nhiều điều chưa ổn, chẳng hạn tiền đền bù thấp, diện tích căn hộ quá nhỏ, vị trí tái định cư chưa hợp lý...

Ông Hòa cho rằng để không lặp lại những sai lầm trước đây, chính quyền TP nên chuẩn bị thật kỹ các khâu, lấy ý kiến của các chuyên gia, quan trọng nhất là đạt được sự đồng thuận của người dân trong khu vực bị ảnh hưởng của dự án.

THẢO LÊ - PHƯƠNG NHI - NH.KHÁNH - TR.TRUNG/TTO

Tin cùng chuyên mục