Theo Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường, lịch sử phát triển Sài Gòn - TPHCM hơn 300 năm qua gắn liền với sự phát triển của cảng biển, vận tải biển, đặc biệt là khu Bến cảng Nhà Rồng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước. Đến nay, cảng biển TPHCM đã được đầu tư xây dựng cơ bản hoàn chỉnh theo quy hoạch. Các cảng xây dựng đồng bộ, hiện đại, công nghệ mới, khai thác hiệu quả đã góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế xã hội của TPHCM và khu vực phía Nam.
Với huyện Cần Giờ, theo Phó Chủ tịch UBND TP, địa phương này có vị trí địa lý tiếp giáp với biển Đông, nằm giữa 2 cửa sông lớn Soài Rạp, Lòng Tàu và tiếp giáp với sông Thị Vải, là các tuyến hàng hải quan trọng của cảng biển nhóm 4 (Nhóm cảng biển Nam Trung bộ), hội tụ đủ điều kiện để phát triển cảng biển cửa ngõ quốc gia và trung chuyển quốc tế. Trên cơ sở các căn cứ chính trị, cơ sở pháp lý và thực tiễn phát triển, TPHCM đã hoàn thành dự thảo Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
“Hội thảo được tổ chức nhằm tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, hội nghề nghiệp, các nhà quản lý của các Bộ, ngành, tỉnh, thành trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, Đông Nam Bộ cùng các đơn vị liên quan về đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ”, ông Cường cho biết.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận, đánh giá tiềm năng, nhu cầu, xu hướng phát triển, khai thác cảng biển nước sâu, cảng biển quốc tế trên địa bàn TP gắn với sự phù hợp quy hoạch về cảng biển hiện nay và quy hoạch quốc gia. Bên cạnh đó giới thiệu, đề xuất các mô hình đầu tư phát triển cảng nước sâu, cảng quốc tế thành công trên thế giới để vận dụng nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển Cần Giờ; đề xuất các ý tưởng, xu hướng và các nội dung cần thiết điều chỉnh đối với Quy hoạch chung TPHCM và quy hoạch huyện Cần Giờ tầm nhìn dài hạn đến năm 2060.
Trình bày báo cáo tóm tắt về đề án nghiên cứu xây dựng cảng biển quốc tế Cần Giờ, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế cảng - Kỹ thuật biển (Portcoast) cho biết, kế hoạch phát triển cảng Trung chuyển container quốc tế tại Cần Giờ được phát triển theo 7 giai đoạn từ nay đến 2045. Dự án quy hoạch với định hướng phát triển với các công nghệ khai thác tiên tiến, hiện đại gắn liền với đề xuất, giải pháp bảo vệ môi trường và hệ sinh thái theo hướng phát triển bền vững, đặc biệt là các giải pháp ứng phó theo các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã được dự báo, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Vị trí cảng đề xuất là khu vực cù lao Phú Lợi (cù lao Ông Chó), là cù lao nằm ở cửa sông Cái Mép, thuộc huyện Cần Giờ, TPHCM. Đây là khu vực nằm trong vùng chuyển tiếp của Khu dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ, nên dự án không ảnh hưởng đến vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ.
Trước ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường nhận định, nội dung các phát biểu cơ bản tập trung, có sự đồng tình, thống nhất đối với dự thảo Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Trên cơ sở các góp ý, ông thống nhất tiếp tục hoàn thiện dự thảo, tập trung trước mắt vào việc quy hoạch tổng thể cảng biển quốc gia, quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 4, nghiên cứu đưa một số nội dung vào các quy hoạch của TPHCM.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện các cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, cơ chế, thể chế, chính sách, các thủ tục. Tiếp tục đưa ra các đầu việc trong phát triển hệ sinh thái. Tập trung tổ chức công tác điều hành, điều phối trong quá trình thực hiện các công việc tiếp theo. Nghiên cứu, đánh giá kỹ đề án sao cho đảm bảo sự đồng bộ giữa việc phát triển và bảo vệ môi trường, đơn cử như Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.
“Giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn chỉnh đề án để nghiên cứu, đảm bảo tiến độ trình cơ quan chức năng có thẩm quyền trong tháng 5/2023”, Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường đề nghị.