Theo đó, khi phát hiện các đối tượng, tổ công tác của xã, phường, thị trấn (tổ công tác) sẽ tổ chức tập trung và giải quyết theo từng nhóm. Cụ thể:
Với đối tượng có sức khỏe yếu, suy kiệt; nghi ngờ mắc các bệnh truyền nhiễm hoặc có hành vi nghi vấn tâm thần, tổ công tác lập biên bản và đưa đến các bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán, chăm sóc, điều trị kịp thời.
Trường hợp đối tượng xác định mắc các bệnh truyền nhiễm, tổ công tác trực tiếp đưa đến khu điều trị phong Bến Sắn (Bình Dương) hoặc Bệnh viện Nhân Ái (Bình Phước) trực thuộc Sở Y tế TPHCM để được chẩn đoán, tiếp nhận và điều trị phù hợp.
Về các trường hợp đối tượng không mắc các bệnh truyền nhiễm, sức khỏe ổn định và được xuất viện, tổ công tác lập biên bản ghi nhận hành vi, ghi nhận thông tin cư trú do đối tượng cung cấp, thực hiện xác minh nhanh. Nếu đối tượng đăng ký cư trú hoặc có người thân thích sinh sống tại địa chỉ đã xác minh, tổ công tác lập biên bản nhắc nhở và bàn giao về gia đình, đưa đối tượng vào danh sách theo dõi, quản lý tại địa phương.
Những trường hợp đã được nhắc nhở 1 lần/có đăng ký cư trú nhưng không thường xuyên sinh sống tại địa chỉ cung cấp/nhà đã bán hoặc giải tỏa và không có người thân thích sinh sống tại địa chỉ đã xác minh/không đăng ký cư trú trên địa bàn TPHCM/không thể cung cấp địa chỉ đăng ký cư trú, tổ công tác bàn giao đến Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần (đối với đối tượng có hành vi quá khích, nghi vấn tâm thần sau khi được điều trị ổn định và xuất viện) hoặc Trung tâm Hỗ trợ xã hội.
Riêng trường hợp là người nước ngoài sẽ thực hiện theo Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và hướng dẫn của Công an TP.
Những đối tượng được đưa đến cơ sở trợ giúp xã hội sẽ được chăm lo, nuôi dưỡng không quá 90 ngày. Thời gian đó, các trung tâm sẽ tiếp tục xác minh thông minh cư trú hoặc khảo sát nguyện vọng ở lại cơ sở của các đối tượng.